Câu chuyện thứ 23:

Chuyện của diễn viên Thanh Thúy

Thứ Sáu, 06/09/2013, 11:13
Quan niệm sống của tôi đơn giản lắm, chỉ cần còn được sống là đã đủ vui. Như tôi đã từng kể, ai đó nói: “Ngoại trừ cái chết, bất cứ những gì còn lại chỉ là những vết thương nhỏ nhặt”.

1. Người ngoài nhìn vào ai cũng nói tôi có vẻ như một tiểu thư đài các, được bao bọc trong nhung lụa, chẳng bao giờ phải buồn lo. Thật ra, trong cõi đời rủi may như chớp mắt này, bất cứ ai cũng đã từng trải qua khó khăn, nghịch cảnh. Quan trọng là cách tôi đối diện với nó, và đối xử với cuộc đời. Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó, có câu nói thế này: “Ngoại trừ cái chết, bất cứ những gì còn lại chỉ là những vết thương nhỏ nhặt”.

Tôi mồ côi cha từ năm 9 tuổi. Ký ức về cha giống như làn sương mỏng, chưa đủ khiến người ta tái tê nhưng vẫn thấy se lạnh mỗi khi bất giác nghĩ về. Tôi còn nhớ, cha thương tôi lắm. Mỗi khi đi làm về, chưa kịp tắm rửa cha đã hỏi: “Con gái đâu?”. Đi bất cứ đâu cha cũng dắt tôi theo. Con nít mà, chỉ cần được cha mẹ dắt đi chơi là đã đủ vui. Cha bị xơ gan, của nả trong nhà đội nón ra đi, đổi lại những bó thuốc, những lần ra vào bệnh viện, đổi lại hy vọng sống cho cha. Nhưng mà … “trời kêu ai nấy dạ”.

Cha mất, tôi thấy buồn, thấy đau. Thấy mẹ khóc, tôi cũng khóc. Nhưng mà tôi còn nhỏ quá, nỗi cắt chia sinh li tử biệt chưa định hình rõ rệt trong tôi. Cứ nghĩ cha mất, cũng có nghĩa là cha lên thiên đàng, hoặc giả cha vẫn còn đâu đó, ở thế giới bên kia. Và chỉ cần tôi nhớ cha, là cha lại trở về, bàn tay to lớn, ấm áp ôm lấy tôi… trong những cơn mơ thổn thức.

Cha mất, bao nhiêu gánh nặng đổ dồn lên vai mẹ. Vậy mà, mẹ chưa bao giờ để tôi phải túng thiếu gì. Tôi đi học, mẹ đưa đón ngày hai bận. Không phải là giàu sang nhung lụa, nhưng tôi được ăn no mặc đẹp. Tôi luôn có cảm giác, tất cả những tình thương còn lại của một đời người mẹ dành hết cho tôi.

Mẹ buôn bán, khi thì cơm tấm, lúc nấu chè, rồi chuyển qua bán cà phê cóc, làm bánh… việc gì mẹ cũng làm được. Tôi vẫn thường tự hào khi hàng xóm hay khen mẹ sao mà khéo xoay sở, khéo vun vén cho nhà cửa đủ đầy. Mẹ đi học may, chẳng phải để kiếm tiền, kiếm nghề, chỉ là mẹ muốn tự may áo, may váy cho tôi. Tôi còn nhớ, mẹ ngồi đó, chong đèn cẩn thận kết từng chiếc cúc, dún từng nếp bèo, tỉ mỉ thắt nơ, viền áo.

Cha mất cũng lâu lâu, nên thỉnh thoảng có vài ba người đàn ông thường hay lui tới thăm hỏi. Mẹ buôn bán, cũng không tránh khỏi việc người này, người kia quen mặt, kiếm cớ chuyện trò. Nhưng mẹ luôn chỉ giữ khoảng cách ở mức xã giao. Và không hiểu sao tôi lại thấy vui vì điều đó. Sự ích kỷ trong lòng một đứa trẻ khiến tôi luôn có ý nghĩ không muốn mẹ san sẻ tình thương với bất kỳ ai, bất kỳ người nào.

Nhiều khi thấy người ta buông lời trêu chọc, không hiểu sao lại ấm ức, bực bội. Trời ơi, thật may mắn cho tôi, khi tôi chưa bao giờ nói với mẹ những điều ấy, chưa bao giờ để mẹ thấy tôi khó chịu vì những ý nghĩ ích kỷ kia. Nhưng mà suy cho cùng, rốt cục mẹ ở vậy, vò võ một mình, lẻ bóng một mình là vì tôi chứ còn vì điều gì khác nữa đâu.

Mẹ bao bọc tôi đủ đầy đến mức, tôi không cần phải lo lắng bất cứ điều gì, đầu óc non nớt ngày đó chỉ nghĩ mẹ yêu thương mình, hy sinh cho mình là một điều rất hiển nhiên…

2. Tôi lớn lên, mặt giống cha như đúc. Mẹ vẫn thường nói, tôi giống cha mà bướng giống ai ấy. Mà tôi bướng thật. Thường khi điều gì tôi quyết làm, là tôi sẽ làm cho bằng được. Bất chấp mọi người có ngăn cản thế nào. Bởi tôi nghĩ, chưa làm sao biết mình không làm được, và bất cứ việc gì khi thất bại đều có lý do riêng của nó.

Mà ít nhất sau lần thất bại tôi cũng tự tìm thấy kinh nghiệm cho bản thân. Nghĩ như vậy, nên dù mẹ không mấy hài lòng tôi vẫn quyết tâm thi vào trường sân khấu. Mẹ ngăn cản bởi mẹ sợ tôi khổ, bởi mẹ biết sự thẳng tính của tôi không sớm thì muộn sẽ trở thành vật cản khi tôi quyết định dấn thân vào một môi trường đầy rẫy đua chen. Nhưng tôi tin mình sẽ làm được. Và tôi đã làm được.

Tôi bắt đầu đi đóng phim vào nửa đầu năm thứ nhất. Bộ phim Blouse trắng phần nào giúp tôi được khán giả biết mặt gọi tên. Và liên tục sau đó, tôi vừa đi học lại vừa kiếm được tiền bằng chính niềm đam mê của mình. Tôi lao vào nghiệp diễn cũng cuồng nhiệt như cái cách tôi đang sống. Tôi gặt hái thành công và bước trên con đường trải đầy hoa hồng. Nhưng cành hồng nào lại chẳng có gai. Và dù đau nhức, hay phải chảy máu trên con đường đó, tôi vẫn cứ đi, vì quay đầu lại chưa bao giờ là cách tôi sống.

Tôi sống cuồng nhiệt và luôn cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc đâu có gì to tát đâu, chỉ cần sáng mai mở mắt ra thấy mình còn thở, nghe tim còn đập, và cơ thể này còn ấm nóng là đã quá đủ rồi, có phải không. Rất nhiều người thấy tôi luôn sôi nổi, luôn lăn xả vào đời bằng tư thế của người sẵn sàng đương đầu tất cả thì cho rằng chắc chẳng bao giờ tôi biết buồn, biết khổ. Vài người lại nói, bởi xung quanh tôi, mọi thứ dường như quá long lanh nên ai yêu tôi sẽ phải cung phụng, chăm lo, còn tôi chưa bao giờ biết thất tình là gì.

Nhưng tình thiệt, từ trước cho đến nay khi yêu, toàn là người ta chia tay tôi, và tôi cũng như bao người, cũng thất tình, khóc lên khóc xuống. Và cái cuộc sống này, rủi may bất trắc không thể lường trước được. Như khi tôi bị mất một số tiền rất lớn tưởng là không có khả năng chi trả, như khi những sơ suất trong việc làm ăn khiến tôi bị mất uy tín, bị suy sụp tinh thần… Những lúc đó tôi cũng chỉ khóc thôi, nhưng khóc rồi phải lau nước mắt, đứng dậy để giải quyết vấn đề.

Tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng, khi đối diện những điều đau buồn, khó khăn trong cuộc sống, cách tốt nhất để vượt qua là thấu hiểu nỗi buồn. Thấu hiểu nỗi buồn không phải để nuôi dưỡng nó, mà là để biết cách sống cùng nó. Buồn thì vẫn buồn nhưng việc thì vẫn phải làm. Quan niệm sống của tôi đơn giản lắm, chỉ cần còn được sống là đã đủ vui. Như tôi đã từng kể, ai đó nói: “Ngoại trừ cái chết, bất cứ những gì còn lại chỉ là những vết thương nhỏ nhặt”.

3. Và khi mọi thứ đã tạm yên tôi thường thầm tạ ơn trời, tạ ơn cha mẹ đã cho tôi hình hài và cho tôi một cá tính mạnh mẽ. Càng lớn lên, càng va chạm với đời nhiều tôi lại thấy mẹ mình vĩ đại hơn bao giờ hết. Tất nhiên, đứa con nào khi nói về cha mẹ cũng dùng những lời lẽ yêu thương, kính trọng nhất. Và sau khi có con rồi, tôi mới biết thuở ấu thơ kia sự dung dưỡng của mẹ bao la biết nhường nào.

Từ khi có con tôi lại hay lo lắng, cứ như, khi con ra khỏi tầm mắt tôi là bất trắc cũng mơ hồ lẽo đẽo theo. Tôi sắp xếp công việc đưa con đến trường, đón con về nhà là có thể, tôi bao bọc được con khỏi những nguy hiểm của đường xá, người xe. Nhưng ai biết đâu vòi nước nóng ở nhà, bậc cầu thang cao thấp, hay đơn giản chỉ là những thứ con ăn, con cầm nắm liệu có gây nguy hiểm cho con? 

Có con rồi tôi lại thấy thương mẹ nhiều hơn. Bởi tôi còn có chồng, có người giúp việc san bớt cái này, gánh đỡ cái kia. Mẹ tôi ngày trước chỉ có một mình… Vậy mà, 12 năm đằng đẵng chưa bao giờ mẹ để tôi đến trường một mình. Đôi chân tôi non nớt chỉ biết nô đùa, sống cho trọn tuổi thơ êm đẹp nhất. Tôi không biết mẹ có bao giờ khóc một mình vì thương nhớ cha, tôi lại càng không biết, có bao giờ mẹ từng mường tượng đến một hạnh phúc mới… Bây giờ khi mọi thứ đã đủ đầy, tôi thường bớt một chút thời gian để ngắm mẹ. Thấy tóc mẹ bạc, thấy làn da có đồi mồi, chằng chịt những nếp nhăn, cứ như bao nhiêu cay đắng đời người đổ lên, xẻ ngang, xẻ dọc.

Mà cho đến từng tuổi này rồi, mẹ cũng chưa ngừng lo lắng cho tôi. Thấy tôi trên ti vi nói cười rạng rỡ, mẹ lấp lánh tự hào nhưng rồi cũng lo nơm nớp, bởi, “chút nữa con Thúy nó về, chắc nó mệt lắm”, hay những thị phi không thể tránh khỏi trong làng giải trí, mẹ nghe phong thanh rồi lại kín đáo buồn lo. Là kín đáo buồn lo, chứ mẹ nào để cho tôi biết bởi mẹ lại sợ… tôi lo. Tôi lại thấy, yêu thương như cái vòng luẩn quẩn, đã lỡ yêu thương một điều gì đó là sẽ đi kèm lo lắng. Càng yêu nhiều lại càng sợ hãi. Tôi không biết rồi đây, khi tuổi già cướp mất mẹ tôi, khi những định hình về sinh li tử biệt đã rõ ràng tôi sẽ phải đối diện như thế nào.

Càng bù đắp cho mẹ tôi lại càng thấy chưa đủ, càng lo lắng cho con, tôi lại càng thấy tình mẹ quá đỗi bao la. Bởi cái ngày xưa ấy cho đến nay, mẹ tôi vẫn chỉ có một mình...

Hồ Ngọc Giàu
.
.