Chuyện của ca sĩ Thanh Ngọc

Thứ Năm, 20/08/2015, 18:12
Hạnh phúc với tôi bây giờ là được thoải mái đi đây đó, đọc một cuốn sách, thong thả đi hát, đi dẫn cho một vài chương trình hoặc làm vài điều mình thích. Chiều chiều, vun tưới đám hoa trước nhà, xắn tay xuống bếp, cơm dẻo, canh ngọt đợi ông xã đi làm về và sớm có tiếng trẻ thơ bi bô nói cười trong ngôi nhà nho nhỏ, ca sĩ Thanh Ngọc trải lòng.

1. Sài Gòn đang vào mùa mưa, những cơn mưa bất chợt, ướt rượt lời hò hẹn. Đã lâu lắm rồi tôi mới trở lại góc quán mà ngày đi học, thể nào một tuần cũng phải ghé qua đôi ba bận. Nhâm nhi ly café sữa lành lạnh, ngắm mớ thu hải đường khoe sắc đỏ rực bên bục cửa sổ nâu, phảng phất mùi thời gian.

Quán vẫn bài trí như xưa, màu rèm cửa, những chiếc cốc sứ nâu xanh nằng nặng, đám cúc cánh nhuyễn tím rịm đặt cạnh đường lên cầu thang. Ngoài cửa kính, tán me xuyên mái nhà hoa bung từng chùm xanh xanh, rung rinh, trĩu nước. Chốc chốc, sự yên tĩnh bị phá vỡ bởi tiếng đoàn tàu hỏa chạy qua. Tự dưng tôi thấy mình vẫn còn trẻ dại và mơ mộng vô cùng. Ấu thơ ở đâu tự dưng lướt qua trí óc tôi, không căn cớ. Ai trong chúng ta mà không đôi lần nhớ nhớ thương thương ký ức mỗi khi ngồi đâu đó một mình?

Căn nhà ngói cổ kính của nội, mái liêu xiêu mà vững chãi vô cùng, lúc nào cũng ăm ắp tiếng cười. Tôi nhớ những ngày mưa, nước kéo ngập mé sông, tôi với đám con nít trong xóm trốn người lớn ríu rít tắm mưa, ngó lục bình lềnh bềnh theo dòng nước. Nhớ ráng chiều nhuộm đỏ, ghe xuồng rủ rỉ nhau về cho kịp trời tối, tôi tha hồ ngụp lặn dưới con sông xanh biếc, mát lành. Rón rén lòn cửa sau về, tắm gội, thay quần áo mà không kịp cọ mớ rêu bám hai bên mép, ông nội phát hiện, đét roi đau điếng, vẫn không bỏ tật. 

Nhớ lần tha thẩn trong vườn, chơi với con dế trũi. Chơi chán, nằm lăn dưới tán cam nghe gà nhảy ổ, coi nắng rớt qua kẽ lá. Nhớ những đêm trăng sáng, điện thì thà thì thụp, ba mẹ kéo nhau ra hàng hiên hóng gió. Hứng lên, ba đàn, mẹ hát, tiếng mẹ cao vút như có thể chạm được vào lớp mây xanh ngắt trên cao kia. Tôi líu ríu vừa hát vừa vỗ tay theo mẹ.

Những thanh âm trong trẻo, lạ lùng ấy được ba mẹ thâu lại vào vài cuốn băng cassette mà giờ, nó trở thành những kỷ vật quý giá của gia đình. Nhớ cả những lần ba mẹ bận bịu, tôi theo các cô các chú đến lớp học, ngoan ngoãn ngồi chơi với giấy trắng, với bút trên bàn giáo viên. Tôi có gương mặt bầu bĩnh, lại có nếp sống gia đình cởi mở nên từ nhỏ đã vô cùng dạn dĩ và được nhiều người thương mến. Ai cũng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho tôi. Thành ra, tôi là đứa nhỏ được thương nhiều nhất mà cũng bị đòn nhiều nhất.

Năm tôi lên 5, ba mẹ mang tôi về lại thành phố để tiện việc học hành. Nhờ sớm “quậy phá” ở quê nên tôi nhanh chóng trở thành đầu têu của những trò nghịch ngợm trong lớp học mới. Được cái tính tôi lí lắc nên thầy cô quở trách thì ít mà thương yêu thêm nhiều. Ngoài giờ học văn hóa ở trường, ba cho tôi vô Nhà thiếu nhi Thành phố học thêm tiếng Anh và đàn organ. Khỏi phải nói, cái máu văn nghệ từ ba mẹ truyền sang, tôi mê tít thò lò.

2. Một ngày, như thường lệ, ba đưa tôi tới học thì trông thấy bản tuyển sinh những giọng hát nhí vào đội ca của Nhà thiếu nhi. Ba hỏi chớ con có muốn thi không? Tôi ham vui, tỉnh queo gật đầu, chẳng biết sợ sệt gì. Vô ca hai bài, nhún nhảy múa hát lung tung cả lên, vậy là được chọn.

Đội ca ngày càng mạnh, bọn tôi cũng lớn dần lên theo năm tháng. Thoắt cái mà nhổ giò, trổ mã con gái. Nhà thiếu nhi hết “chứa chấp” được. Lúc sắp rã đội nhường cho lứa sau, tụi tôi buồn một, các thầy cô buồn hai, ba. Suy tới, nghĩ lui, không nỡ nhìn lũ trò thương như con cái trong nhà thiếu chỗ sinh hoạt, các thầy bàn lập nhóm hát cho tụi nhỏ. Mắt Ngọc ra đời. Tình thiệt, đương buồn vì không có chỗ ca hát, chơi đùa nên khi nghe lập nhóm, mấy đứa sướng nhảy cẫng lên. Một suy nghĩ rất trẻ con là mình còn được chơi sau giờ học văn hóa, vẫn còn được gặp gỡ bạn bè. 

Chưa khi nào tôi nghĩ, hoặc mơ mộng rằng, mình sẽ đi hát, sẽ trở thành ca sĩ, sẽ nổi tiếng nọ kia rồi kiếm tiền từ nó cả. Hơn nữa, nhà nội tôi gồm ba tôi rồi các cô chú đều theo nghề giáo nên cái ý nghĩ lớn lên sẽ nối nghiệp gia đình ăn sâu vào trí óc tôi. Sau này, tốt nghiệp phổ thông, tôi thi vô trường Sư phạm, khoa Nhạc – Họa, định bụng làm cô giáo thật. Đời sống vốn dĩ luôn có một chữ duyên. Tôi tin chữ duyên đó đưa đẩy số phận của mình, với nhiều ngã rẽ, bước ngoặt bất ngờ, không lường trước và hình dung được.

Mắt Ngọc nổi tiếng dữ thần, đi tới đâu được mọi người nhận ra và yêu mến tới đó. Đó là những trải nghiệm tuổi trẻ giúp tôi trưởng thành, bao vui buồn, hờn giận đều gói gọn trong cái tên trong veo của nhóm. Cũng có những khoảnh khắc không vui, cũng có những lúc bản thân mình cảm thấy bế tắc. Song, cái cốt là ký ức tươi đẹp như chậu hoa vừa hé, vươn ra cửa sổ đón nắng sớm ùa vào. Kể cũng ngộ! Người ta khi nhắc nhớ kỷ niệm, bao giờ cũng giữ chuyện vui. 

Ngày tôi rời nhóm, đứng trên sân khấu nhìn qua nhìn lại, không thấy bạn, chạnh lòng nhớ một dáng đứng, thương một chỗ ngồi. Trước giờ 4 đứa, đi đâu cũng tíu tít, chia nhau việc này, việc kia, “quân số” đột ngột giảm bất thình lình, sao mà không buồn cho được. Nhưng rồi, cái gì cũng vậy, cần một khoảng thời gian để thích nghi, sắp xếp lại mọi thứ. Khoảng trống ấy, không cần phải lấp đầy mà cần sự mạnh mẽ và nỗ lực để nắm bắt và thể hiện.

Thời điểm đó, nhiều giọng ca chuyên nghiệp đều bước ra và tỏa sáng từ cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Thành phố. Xem các anh chị thi trên đài, tôi thích lắm song do còn trong nhóm, tôi không muốn vì lựa chọn, vì sở thích của bản thân mình mà ảnh hưởng đến các thành viên khác. Xa Mắt Ngọc, tôi quyết định bước tiếp dự định mà tôi hằng ấp ủ. Bởi, giờ đây nó là con đường của tôi, có chọn sai thì tôi cũng là người chịu trách nhiệm.

3. Nhìn đời sống của tôi, vài người bảo, cuộc sống của Thanh Ngọc bình yên, an ấm quá! Ngọc chẳng biết buồn là gì. Có lẽ đúng vậy. Và tôi cũng mong nó cứ mãi yên ấm vậy. Tôi nghe người ta nói, mọi chuyện tùy duyên và ở phúc phần của mình. Tôi trân quý và thương yêu những điều tốt đẹp tôi nhận được. Song, tôi cũng tin vào cách mỗi người chúng ta lựa chọn để bước tiếp, vì nói cho cùng, đã là đời sống thì làm gì chỉ có chuyện bằng phẳng.

Trong sự nghiệp, vài lần, tôi buộc miệng “giá như”, “phải chi lúc đó mình vậy, mình nhận đi”. Tuy nhiên, giá như đó nhỏ xíu xiu thôi. Hoặc là do tôi không nắm bắt được cơ hội nào đó hoặc tôi thiên về tình cảm, hướng về gia đình quá, không mở lòng đón nhận công việc. Còn những quyết định lớn trong cuộc sống hầu như tôi chưa bao giờ hối hận. Những điều không hoàn hảo, không tốt như mong muốn ít nhất cũng mang đến cho tôi điều gì đó để tôi trưởng thành hơn, mang đến nhiều kinh nghiệm sống hơn.

Nhiều người tiếc tôi có giọng tốt, người cũng xinh xẻo nhưng chẳng bật lên được thành sao nọ sao kia. Nếu nói không cần, không muốn là tôi nói dối bởi có ca sĩ nào không muốn được biết đến nhiều, được khán giả thương yêu. Song, nói đi phải nói lại, cái gì cũng cần đúng người, đúng cảnh mới phát huy được. Tôi chỉ biết cặm cụi đi thẳng tới mục tiêu của mình, chăm chỉ rèn luyện kỹ năng hát cho hay, dẫn chương trình cho ngọt. 

Có lẽ, tôi hơi khó tính, khép lòng và không chịu tiếp nhận cái mới. Chẳng hạn nếu muốn sự nghiệp rực rỡ, hoành tráng hơn, tôi nhất định phải có hậu thuẫn từ ekip lành nghề đứng sau, chứ không khăng khăng đi theo đường lối cũ. Nhưng thành thật thì, tôi không mơ đến điều đó mỗi ngày, không mong muốn sẽ nổi tiếng hơn, không chạy theo hào quang của sự nổi tiếng đó. Tôi chỉ mong được làm nghề dài lâu, đều đặn ra sản phẩm và giới thiệu vừa tầm tài chính và sức lực của bản thân. Tôi vẫn muốn mọi người lắng nghe khi album của mình thực sự mang lại dấu ấn. Tôi tin, trong trái tim khán giả, tiếng hát Thanh Ngọc lúc nào cũng có một chỗ đứng.

Hiện tại, tôi muốn dành thời gian cho gia đình nhiều hơn nên chắc chắn sự nghiệp sẽ có sự lơ là. Và một khi đã lơ là thì đương nhiên là sẽ không gây được chú ý nhiều với công chúng. Điều đó, không có nghĩa là tôi muốn dừng cuộc chơi. Chỉ là, ở mỗi thời điểm khác nhau trong đời, tôi nghĩ, người ta cần có những ưu tiên khác nhau. Tôi đã dành cả tuổi hoa mộng, lao đầu vào việc. Có những chuyến đi cùng bạn bè, gia đình, tôi đều gác lại để tập trung vào ca hát. Suốt thời niên thiếu, tôi thường xuyên bị bỏ ở nhà một mình do kẹt diễn, thậm chí vác ba lô, tập sách sang nhà cô giáo ngủ cho kịp giờ đi hát. Tâm trí, cuộc sống tôi quẩn quanh vào việc đi học, đi hát. 

Nói chuyện này, không phải tôi hối tiếc. Tôi trân trọng công việc của mình, vì nó tạo nên tôi, tính cách tôi, cuộc sống của tôi. Song, tôi nghĩ, đã đến lúc tôi cần phải dành thời gian cho gia đình, bạn bè và chính bản thân. Gia đình mới là thứ quý giá nhất của mỗi người chứ không phải là hào quang, tiền bạc hay sự nghiệp. Không có gia đình, những điều đó không ý nghĩa gì hết.

Hạnh phúc với tôi bây giờ là được thoải mái đi đây đó, đọc một cuốn sách, thong thả đi hát, đi dẫn cho một vài chương trình hoặc làm vài điều mình thích. Chiều chiều, vun tưới đám hoa trước nhà, xắn tay xuống bếp, cơm dẻo, canh ngọt đợi ông xã đi làm về. Ước mong lớn nhất của vợ chồng tôi lúc này là sớm có tiếng trẻ thơ bi bô nói cười trong ngôi nhà nho nhỏ. Tôi tự nghĩ rồi tự mỉm cười. Ngoài kia, mưa vẫn chưa ngớt hạt, tán me lao xao trong gió. Tôi lại thấy mình của những ngày ấu dại, trốn người lớn nghịch mưa…

Hoàng Linh Lan
.
.