Chuyện của ca sĩ Phương Dung

Thứ Sáu, 03/04/2015, 17:59
58 năm theo nghiệp cầm ca, tình thương khán giả dành cho tôi vẫn nồng nàn, vẹn nguyên như thuở nào. Có khán giả tóc đã điểm sương, đuôi mắt hằn vết chân chim, cũng có khán giả bồng bềnh tóc xanh. Tôi biết lấy gì mà đền đáp đây? Thôi thì, ngày nào còn sức, tôi tự hứa với lòng vẫn sẽ bước lên sân khấu, ca sĩ Phương Dung tâm sự.

1. Tháng 3. Mùa này nắng sớm, tàn cây phe phẩy rồi đứng gió. Tôi nghe nắng đổ sau lưng, nắng tràn trước mặt, nắng trên đỉnh đầu. Chung quanh toàn nắng là nắng. Con đường nhựa dài bỏng rát hắt lên thứ lóng lánh kỳ lạ của ảo giác, loang loáng nước. Chiếc xe tải nào đó vô tình chạy qua, hắt lên làn bụi mờ mờ của phố. Tôi thấy mình đứng đó, xuyên qua làn bụi đỏ trên con đường quê, tan theo ánh ban mai dịu ngọt bên bờ đê xanh mướt. Con nắng bao dung, con nắng hiền lành, con nắng chấp chới hy vọng của má, con nắng trắng lóa của những ngày nằm ốm.

Từng ngày tôi lớn là từng ngày nước mắt má khô đọng trên khóe, là từng ngày mồ hôi cha đổ, là từng ngày tiếng thở dài của ba thêm thườn thượt, nếp nhăn trên gương mặt má trĩu xuống. 3 tháng tuổi, giấc ngủ tôi chập chờn theo lời ru mỏi mòn của má. Ngớt tiếng ầu ơ, tôi ấm ức quấy khóc như ai cướp mất bầu sữa. Nắng ngoài vườn héo theo tiếng khóc tôi, theo dáng má ngồi xiêu vẹo, theo bóng cha rầu rầu trước cửa. Tiếng tôi lẫn trong nắng, nhễ nhại mồ hôi, đứt quãng thêm xót lòng.

Một bữa, có ông thầy ở đâu đi ngang, nghe tiếng khóc, ghé nhà hỏi, chứ cái đứa đang khóc là con trai hay con gái? Má run run đáp, là một đứa con gái. Ông thầy hỏi ngày giờ sinh, hồi lâu phán: “Con nhỏ này số nó là con trai, sanh nó con gái, thím cực dữ nghen! Khó nuôi lắm! Mà qua được 9 tuổi, thì không còn bệnh tật gì nữa đâu. Tui không biết sau này nó làm gì, nhưng chắc chắn cả nhà sẽ mát mặt vì sự thành danh của nó. Tiếng nói của nó tới hai, ba ngàn người nghe lận!”. Rồi ông thầy đi, má đứng ngơ ngác, ráng dỗ tôi đang ngằn ngặt nấc.

Tôi như cái cây trồng trên đất cằn cỗi, quặt quẹo lớn. Tới năm 6, 7 tuổi thì dịch đậu mùa tràn về. Dĩ nhiên, nó đâu thể từ chối đứa con gái khẳng khiu, ốm yếu, quanh năm làm bạn với thuốc. Nhìn tôi chỉ còn da bọc xương, nằm thoi thóp, ba giấu nước mắt, nói với người trong nhà cũng là nói với mình, chuẩn bị trước cú sốc: “Chắc độ tuần nữa, nó đi…”. Hôm đó, ba về ngồi trước biển, lòng rười rượi buồn. Biển Gò Công quanh năm hiền hòa, sao bữa đó gào thét dữ dội. Chắc ba khóc nhiều lắm, những giọt nước mắt kìm nén đỡ tinh thần cho má.

Trong cơn quẫn cùng tuyệt vọng, một người bạn của ba mách lên Sài Gòn mua thuốc trụ sinh về tiêm cho tôi. Như người sắp chết đuối vớ được phao, ba đón xe đi ngay trong đêm, dẫu cơ hội mong manh vô cùng. Mỗi lần chích thuốc là mỗi lần trái tim ba rớt rơi rụng. Trong cơn co giật điên người, tôi thấy ba lần hồi lau nước mắt. Trái rụng, tôi nằm trong cái lều dựng tạm ngoài vườn, ngó nắng đậu nhẩn nha như sương khói. Cảm giác như vừa trở về từ một nơi nào xa lắm. Khắp người tôi đầy mủ, nhức không trở được mình.

Ca sĩ Phương Dung.

Một tay má đập dập nào lươn, nào cá trê rút mủ cho tôi. Lúc tôi ngồi, hai chân co quắp lại, không đi được. Một tay má giăng dây, tập cho tôi từng bước như ngày chập chững, nấu cho tôi những món ngon nhất, đút cho tôi từng muỗng cơm. Cuộc chiến ấy, thần chết vì cảm động mà lùi bước.

2. Gia đình tôi quanh năm ruộng vườn, thêm một chút buôn bán nhưng là nếp nhà có học. Ba má giữ lề thói xưa cũ song cũng phóng khoáng và cởi mở vô cùng. Ngay từ hồi biết đọc, tôi đã được ba má cho tiếp xúc với những cuốn sách, những bài hát ba má thường hay đọc, hay nghe.

Tự dưng tôi nuôi khao khát, lớn lên sẽ trở thành một ca sĩ. Biết tôi hăng hái tham gia các hoạt động văn nghệ ở trường, ba chẳng những không kỳ thị, cấm cản mà còn hết lòng ủng hộ. Ba thường nói: “Nghề nào cũng quý”. Rồi dặn thêm: “Có tài đã quý, có đức càng quý hơn. Con làm gì cũng phải biết tôn trọng nghề nghiệp của mình. Đừng vì hào quang đó mà bỏ bê chuyện học, đi vào vết xe đổ của định kiến người ta vẫn kỳ thị với nghề này”.

11 tuổi, tôi lên Sài Gòn ở đậu nhà người quen, thi vô lớp Đệ nhất của trường Gia Long. Cũng năm đó, tôi tham gia cuộc thi tuyển chọn ca sĩ của Đài Phát thanh Sài Gòn và được giải tư. Tưởng khó lòng đi hát thì may sao nhạc sĩ Khánh Băng đồng ý cho tôi về hát lót ở Trường giải trí Thị Nghè. Tôi nghĩ, để có được những bài hát gắn liền với giọng hát của mình, để khán thính giả nhớ đến mình, bất cứ người ca sĩ nào cũng phải vượt qua thử thách, rèn tập ấy.

Ngày nào cũng vậy, ngoài giờ học, tôi đều đặn đạp xe từ Phú Thọ Hòa (Bà Quẹo bây giờ-NV) ra Trường Thị Nghè học hát rồi đạp ngược về. Mê tới nỗi, dù nắng hay mưa, tôi cũng có mặt. Chưa khi nào lo nghĩ, đi tối vậy lỡ xe bể bánh hay hỏng giữa đường thì một đứa con nít như tôi biết xoay xở thế nào. Thầy dạy nhạc trực tiếp cho tôi, thấy tôi cực quá, tánh tình hiền lành mới khuyên, thôi lo học đi, đừng mê hát mà bỏ học. Tôi hồi đáp: “Dạ không! Con đi hát là đi hát. Nhưng con cũng sẽ học tới nơi tới chốn để người ta không có khinh mình”.

Và minh chứng, tôi luôn phấn đấu được điểm khá trong lớp và có phần thưởng mỗi năm. Tôi tâm niệm rằng, mình phải học để khi người ta viết sai, mình còn biết chứ. Lời ba văng vẳng bên tai: “Con đừng có nghĩ khán giả ở dưới đi coi thôi. Người ta đi nghe con hát đó. Mình hát sai, người ta biết hết, người ta cười cho. Chẳng thà, mình hát một hai chữ hơi trật chứ đừng để người ta khinh mình không có học”.

Phương Dung trên bìa đĩa “Nỗi buồn gác trọ” (1961).

Chắc thấy thương đứa con gái thiệt thà, mười mấy tuổi cứ miệt mài hát hết bài này đến bài kia, không tíu tít rào đón người này người kia có bài hát nổi tiếng đặng xin theo nên nhạc sĩ Mạnh Phát với Huỳnh Anh mới sáng tác riêng cho tôi bài Nỗi buồn gác trọ. Tôi bắt đầu được chú ý, trở thành giọng hát nhiều triển vọng. Tới khi ca Những đồi hoa sim, tôi đã được khán thính giả khắp nơi thương mến, các hãng đĩa nhiệt tình chào đón. Hồi đầu mới nổi, trong nghề có vài người không ưa tôi.

Tại cái đứa nhà quê hỉ mũi chưa sạch mà nổi tiếng rần rần. Rồi coi bộ thấy con nhỏ này hiền queo, không giành giật với ai, cũng chẳng sửa soạn gì mấy, hơn thua chẳng ích gì nên người ta thôi. Năm 1966, bước chân lên bục nhận huy chương vàng tân nhạc, rồi giải “Ca sĩ được mến thương nhất” do thính giả bình chọn qua báo chí suốt một năm ròng, tôi xúc động, không thốt nên lời.

3. Tôi đi hát, nhiều người buông lời đưa đẩy. Nhưng mà tôi sợ lắm. Không biết, người ta thương mình thiệt hay chỉ mê giọng hát của mình, vì mình là ca sĩ. Thành ra, tôi đều giữ khoảng cách nhất định. Chồng tôi nói, thấy tôi không xô bồ, đàn đúm nên ảnh thương. Gia đình tôi trông anh hiền lành, coi bộ thương tôi thiệt bụng nên đồng ý gả. Anh không có cấm tôi đi hát nhưng do bận bịu việc nhà chồng, con cái nên tôi gác chuyện hát ca. Thi thoảng, tôi nhận lời thâu âm cho hãng đĩa làm vui.

Việc làm ăn đang thuận lợi thì gia đình tôi sang Úc định cư. Hai vợ chồng với bầy con nheo nhóc, bắt đầu lại từ đôi bàn tay trắng. Thuở cha sanh mẹ đẻ, chỉ biết ca hát, học hành, tính chuyện sổ sách, bận bịu con cái, tôi có biết cơm nước, may vá gì đâu.

Một bữa, dẫn con đến nhà bạn chơi, được bạn mời cơm và tráng miệng trôi nước. Con ăn một viên không đã thèm, xin thêm mà hết mất. Tối, con ôm tôi thỏ thẻ: “Mẹ ơi, mẹ nấu cho con ăn nha!”. Nước mắt tôi ứa ra. Tôi biên thư về hỏi má cách nấu món này món kia. Rồi hễ nghe ai nấu món gì ngon, tôi tìm tới học. Hỏi một lần không được, thì hỏi lần thứ hai, thứ ba. Thấy mình kiên trì, thể nào người ta cũng chỉ. Nấu được kha khá món, vợ chồng tôi bàn nhau mở nhà hàng, lấy đó làm nghề mưu sinh. Túi bụi từ sáng đến tối mịt, nhiều đêm về thấy con ôm nhau ngủ ngon lành, nước mắt tôi lặng lẽ chảy. Nghĩ quẩn, lỡ bề gì, tụi nhỏ biết xoay sở làm sao.

Trời thương, khó khăn qua dần. Việc đang đà đi lên thì tan. Vợ chồng tôi chuyển qua may đồ công nghiệp. Được ít lâu, ngành may tụt dốc thê thảm. Đúng lúc ấy, tôi được lời mời đi hát trở lại. Bây giờ ngẫm lại, hình như, ông Trời cho tôi cái gì cũng vừa đủ. Qua khó khăn rồi lại trả tôi về với sân khấu, với khán giả, với ánh đèn, giai điệu bổng trầm. Cũng nhờ đó, tôi có thời gian dành cho con nhiều hơn. Hạnh phúc lớn nhất của người làm mẹ là được chứng kiến con mỗi ngày một trưởng thành.

Với một bà mẹ tha hương, còn là nỗi sung sướng khi con yêu tiếng Việt, mê đồ ăn Việt, thèm trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Mỗi lần, nghe các con, các cháu “nhõng nhẽo” mẹ ơi, bà ơi, con thèm bún bò, thèm chả giò, thèm mắm chưng, thèm khổ qua hầm,… lòng tôi rưng rưng.

Lắm khi bước trên đại lộ thẳng tắp nơi xứ người, tôi có cảm giác mình đang trôi lơ lửng. Không biết mình thèm, mình nhớ cái gì. Một bữa đứng đón con út, nhìn nắng hắt lên ngọn cây, ngọt ngào ở đâu ùa về xâm chiếm, như lần đầu tiên bước lên sân khấu hát được khán giả tặng hoa. Như lần đầu tiên ai đó cầm tay khe khẽ nói tiếng thương mình. Nỗi nhớ dịu ngọt chợt bùng lên.

Trời ơi, tôi thèm con nắng quện trên con đường mù bụi đỏ, thèm tiếng gà trưa xao xác trong vườn râm nắng của ba. Thèm bước qua một vũng nước đọng sau cơn mưa trên con đường nhấp nhổm. Tôi đâm mắc cười nỗi nhớ khùng điên của mình. Dẫu biết, có người nào, xa quê mà không thương, không nhớ vài điều, tưởng chừng rất cỏn con và giản dị. Mà hình như, khi bắt đầu nhớ nhiều thì người ta cũng đã không còn trẻ nữa...

Tôi trở về. Để được đắm mình trong ánh nắng của phiên chợ sớm mai. Để được nhón chân qua vũng nước đọng trên con đường ổ gà. Để được tiếp sức những hoàn cảnh không may. Rồi ca hát, lại đến như mối lương duyên định sẵn. 58 năm theo nghiệp cầm ca, tình thương khán giả dành cho tôi vẫn nồng nàn, vẹn nguyên như thuở nào. Có khán giả tóc đã điểm sương, đuôi mắt hằn vết chân chim, cũng có khán giả bồng bềnh tóc xanh. Tôi biết lấy gì mà đền đáp đây? Thôi thì, ngày nào còn sức, tôi tự hứa với lòng vẫn sẽ bước lên sân khấu.

Cảm ơn khán thính giả và những đấng vô hình đã cho tôi thỏa nguyện kiếp này được trở thành ca sĩ. Nếu có kiếp lai sinh như người ta vẫn bảo, tôi sẽ lại xin, đem tiếng hát này điểm tô thêm cho cuộc đời.

Hoàng Linh Lan
.
.