Chuyện của ca sĩ Hiền Anh: Cay đắng đã qua

Thứ Tư, 01/07/2015, 15:03
Chặng đường đã qua của tôi đã gặp nhiều nỗi khổ, tiền bạc hết rồi sẽ có thể kiếm được, song tôi mong rằng, ở tuổi đã không còn trẻ, mọi cay đắng đã lắng xuống và đi qua, tôi sẽ không phải chịu thêm một nỗi khổ về tinh thần nào nữa…, ca sĩ Hiền Anh chia sẻ.

1. Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, mặc dù gia đình không ai theo nghiệp ca hát nhưng bố mẹ tôi đã sinh ra một cô con gái là tôi có niềm đam mê ca hát từ khi mới 5 tuổi. Khi ấy tôi đã tham gia các cuộc thi ca hát do cấp phường, quận, thành phố… tổ chức và luôn đạt thành tích cao. Những tưởng tương lai của tôi sẽ được bình an trong vòng tay bao bọc của cha mẹ, thì năm tôi tròn 10 tuổi, gia đình tôi đã gặp phải một biến cố lớn khiến cho cuộc đời tôi bước qua một trang mới đầy chông gai. 

Mẹ tôi vướng vào vòng lao lý vì vỡ nợ, phải chịu án phạt hơn 20 năm tù giam. Cha tôi là một công nhân tại nhà máy xe đạp Lixeha với đồng lương bé mọn. Chuyện đã lâu rồi nhưng những gì xảy ra trong những tháng ngày ấy, không bao giờ tôi quên được. 

Khi mẹ tôi bị bắt giam, bố tôi đổ bệnh nên buộc phải nghỉ hưu non. Gia đình không còn một xu dính túi, tôi buộc phải bươn chải, để kiếm tiền nuôi đứa em nhỏ. Khi ấy em tôi còn chưa cai sữa mẹ. Cuộc sống tự lập đối với một cô bé 11 tuổi chưa bao giờ phải lo lắng điều gì, thực sự rất khó khăn, nước mắt rơi trong những đêm dài không thể cứu vãn được hoàn cảnh của ba bố con, buộc tôi phải đứng dậy bằng tất cả bản lĩnh của mình.

Cũng may, bà con ở khu chợ Hôm, nơi mẹ tôi bán hàng ngày xưa vẫn còn thương xót cho hoàn cảnh gia đình tôi nên cho tôi thuê một góc nhỏ ở chợ để bán hàng nước, cà phê, trà đá, kẹo cao su, thuốc lá… Bình thường chỉ ăn với học, giờ phải thức khua dậy sớm; sau những buổi học thì đi lấy hàng, làm tất cả những công việc buôn bán của một người lớn tuổi, để kiếm tiền mua gạo ăn qua ngày. Lắm hôm tôi đi học buổi chiều, về đến nơi thì các sạp hàng đã đóng cửa. Tiền cà phê, cả những ly tách mình bưng đến cho người ta cũng không thu được lại. Vậy là hôm đó đói, phải đi vay tiền của người hàng xóm để lấy vốn đi chợ sáng hôm sau và cả tiền mua gạo cho cả nhà và mua sữa cho em nữa.

Những tưởng cuộc sống của tôi dù vất vả rồi cũng sẽ trôi qua theo ngày tháng, song mọi chuyện không giản đơn như thế. Khi tôi mới mở hàng, nhiều lần đã bị những kẻ lạ mặt, côn đồ đến đập phá vì những mối hận thù với mẹ. Những lúc đó, tôi chỉ biết khóc, ngậm đắng nuốt cay, nếu có trách, có giận thì chỉ là vì số phận, định mệnh đã an bài cho những nỗi bất trắc trong gia đình tôi, chứ tôi chắc chắn một điều, những người làm cha làm mẹ không ai muốn sẽ lầm lỡ trên đường đời, để cho con cái phải chịu cảnh khổ cực, ấm ức, tủi nhục và vất vả khi còn thơ bé.

2. Dù gia đình gặp nạn, nhưng niềm đam mê ca hát đối với tôi không hề  nhụt chí, niềm đam mê đã giúp tôi vượt qua những khi tâm hồn yếu đuối mong manh tưởng chừng bị gục ngã. Song hành với việc đi bán hàng, tôi tham gia sinh hoạt văn nghệ tại phường, tại những tụ điểm quần chúng. Rồi tự nhận chương trình, dựng cho các đoàn thể những tiết mục nho nhỏ. Đi hát thêm tại các tụ điểm, sân khấu ca nhạc, mang đàn đi diễn như một nghệ sỹ thực thụ, dù cát sê khi ấy chỉ được có mười nghìn đồng. Mỗi suất hát có thể lên tới 4 bài hoặc nhiều hơn.

Có lần đi diễn show ở Hội nghệ thuật Hà Nội, tôi được trả cát sê 30 nghìn đồng. Số tiền ấy khiến tôi giật mình vì… nhiều quá, tôi còn cẩn thận trả lại 10 nghìn, chỉ lấy 20 nghìn thôi. Hồi đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản, đi hát thì sẽ có tiền nuôi bố, nuôi em, chứ không nghĩ đến một điều gì đó lớn lao như sẽ trở thành ca sĩ hoặc bước chân vào con đường âm nhạc đầy chông gai nhưng cũng đầy thăng hoa như thế này.

Cặm cụi tìm thầy, tìm cô, mò mẫm tìm hiểu mọi phương cách để có thể đi dài hơi với con đường ca hát, phải mất tới 3 năm tôi mới thi đậu vào trung cấp Nhạc viện Hà Nội. Tôi phải vô cùng biết ơn NSƯT Đức Long vì thầy đã thương cô học trò nghèo nên đã đóng giúp học phí cho tôi năm học đầu tiên.

Đến năm thứ hai, khi tôi bắt đầu đi biểu diễn đều đặn và trở thành ca sĩ quen của các tụ điểm ca nhạc của thành phố và các event, hội nghị thì mới có tiền trang trải học tập, khi đó, tôi mới thôi không dám nhận tiền học của thầy Đức Long nữa. Tôi đã quyết tâm theo đuổi đến tận cùng dòng nhạc opera, ngoài việc thích thì tôi nghĩ mình phải có một con đường riêng biệt dù ban đầu để chinh phục được khán giả là một việc không hề đơn giản, trong khi các bạn của tôi đều theo đuổi dòng nhạc trẻ, nhạc thị trường để có nhiều show, để dễ nổi danh trên con đường nghệ thuật, nhưng với bản tính kiên định, tôi vẫn quyết tâm theo đuổi con đường đã chọn.

Tôi rất cảm ơn một nhà báo đã từng viết về mình với những lời yêu thương: “Cuộc sống không đơn giản với người nghệ sỹ, dù họ có là ai và đến từ đâu đi nữa. Với Hiền Anh, cuộc sống luôn đặt cô bên bờ những dòng chảy, nếu cô lao xuống có thể nó sẽ nhấn chìm. Nhưng cô không thể thong dong đi dạo trên bờ và say mê trong lâu đài của nghệ thuật. Cô phải tìm sợi dây vắt qua dòng chảy ấy, để vẫn đi được, vẫn hòa mình mà không bị nhấn chìm hay cuốn trôi. Cô vẫn đi hát, đi diễn theo show. Nhưng bù lại, cô cố gắng tiết chế mình trong những ca khúc phù hợp.

“Kể cả khi ốm tôi vẫn đi hát, cứ cầm micro lên là tôi thấy mình… hết ốm. Tôi đã từng phải ngồi chờ dài ở sân khấu, đã phải hát lót cho các ngôi sao, hát trước khi họ đến và cả sau khi họ ra về mà sân khấu bị trống. Tôi không buồn vì điều ấy. Bởi khi hát, tôi vẫn biết khán giả nghe mình. Dòng nhạc của tôi không dành cho những người thích hò hét vỗ tay. Nó dành cho những ai biết cảm nhận. Mình hát và biết có những người vẫn lắng nghe mình hát, thế là quá đủ cho một ca sĩ”.

3. Một bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời làm ca sĩ, là tôi đã tham gia và đoạt giải Nhì dòng nhạc thính phòng cuộc thi Sao Mai 2007. Tôi đi thi với một tâm thế thoải mái, như bước vào một cuộc thử thách với chính mình, và vận may đã đến như sự an bài của số phận. Thực ra ban đầu tôi không nghĩ rằng, giọng hát của mình đã chinh phục được ban giám khảo và đoạt giải.

Tôi nhớ, đêm chung kết Sao Mai 2007 khu vực phía Bắc, trong túi tôi chỉ còn 5.000 đồng để mua một chai nước suối. Đêm ấy mưa to và tôi không biết sẽ phải về nhà bằng cách nào khi không có ai bên cạnh để chia sẻ, cậy nhờ. Nhiều bạn thí sinh đi thi thì có cha mẹ, người thân, bạn bè bên cạnh cổ vũ; riêng tôi, thực sự đứng giữa vòng vây cô đơn để thử thách chính năng lực và trái tim mình. Tôi đã hát như thể không còn gì để mất, hát như là về số phận, về cuộc đời, về kiếp con người, về cả nỗi khổ và cho cả niềm đam tận hiến. Rồi cuối cùng vận may đã mỉm cười khi tôi được lọt vào danh sách những thí sinh dự chung kết tại Nha Trang.

Tôi nhận được số tiền thưởng 1 triệu đồng. Đó là số tiền giúp tôi có thể trang trải trong nhiều ngày sau đó. Đêm vinh danh Sao Mai 2007, tôi đã vỡ òa trong nỗi sung sướng, tôi khóc ròng vì quá hạnh phúc, niềm hạnh phúc không tả, không thể chia sẻ. 

Sau cuộc thi, tôi có vào thăm mẹ ở trại giam số 5 Thanh Hóa, mẹ bảo, mẹ có xem cuộc thi qua truyền hình Việt Nam, mẹ cũng đã khóc vì xúc động. Mẹ khóc vì lòng biết ơn tôi đã vượt qua tất cả những nỗi đau khổ ở cuộc đời vắng mẹ để mà trưởng thành, vươn lên. Hai mẹ con tôi chìm trong nước mắt, nhưng tôi biết mình đã vượt qua được những ngáng trở trong đời để có thể vươn lên, trong cái rủi có cái may, trong sự bất hạnh có niềm kiêu hãnh để vươn lên. Nếu không gặp phải tất cả những trắc trở ấy, có thể không có một Tôi của ngày hôm nay.

Tôi đã ra hai album Gọi anh Mùa của giấc mơ được hát với phong cách thính phòng. Có nhiều nhạc sĩ, ca sĩ nhận xét tôi sở hữu giọng nữ cao khá đặc biệt, sự đặc biệt này không nằm ở kịch tính hay linh hoạt cho dẫu cả hai yếu tố vốn là những đặc trưng của chất giọng nữ cao và sẵn có trong tôi; mà sự đặc biệt nằm ở chỗ dù giọng cao nhưng âm hưởng lại vang, dầy và đầy đặn. 

Bản thân tôi thì nghĩ đơn giản hơn, là vì tôi may mắn được tạo hóa ban cho đó chính là một giọng hát có vẻ “tây tây””, trữ tình và khi hát tôi luôn sống cùng giai điệu để mang đến quyến rũ cho cảm xúc khán giả. Tôi tôn sùng vẻ đẹp của lối hát tự nhiên, hướng tới sự gần gũi cho dẫu kỹ thuật vẫn luôn là yếu tố được đề cao hàng đầu.

Tôi biết rằng, dù trong làng âm nhạc Việt Nam những năm gần đây, cái tên Hiền Anh không “hot” như những nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc đại chúng chiều lòng số đông khán giả nhưng tôi lại vững vàng một phong cách riêng, một con đường âm nhạc riêng ngay từ những ngày đầu gắn với sự nghiệp ca hát. Đây chính là yếu tố để khán giả yêu thương và nhớ tới tôi ngay cả khi tôi không xuất hiện trong một khoảng thời gian nhất định.

4. Bây giờ, tôi đã “an phận” là ca sĩ của Nhà hát Thăng Long để được cống hiến cho nghệ thuật. Ngoài ra tôi mở một trung tâm nhỏ đào tạo thanh nhạc, một cô một trò, vậy mà may mắn là tôi làm không hết việc, thời gian dạy học của tôi kín mít hết tuần. 

Một niềm may mắn lớn trong cuộc đời, là tôi đã tìm thấy được một chỗ dựa vững chắc bên người chồng yêu thương của mình, anh là cựu trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng, người có biệt danh nổi tiếng một thời là “Dũng Giáp”. Anh đã nói với tôi rằng anh tiếc vì gặp tôi quá muộn, khi thời “vàng son” của anh đã đi qua, nên anh không thể giúp tôi được nhiều điều trong cuộc sống. Tôi đã khóc vì lòng biết ơn chồng.

Thực ra, bản thân tôi đã tự lập từ ngày thơ bé, đã chịu quá nhiều mất mát, đau khổ, và hiện tại, tôi chỉ cần tình yêu của anh là đủ cho một niềm tin, một khát khao, một đam mê. Tình yêu ấy đã không những cho tôi hai cậu con trai ngoan ngoãn, mà đã cho tôi niềm tin vào sự vững bền của gia đình, niềm tin vào số phận, vào sự ấm êm. Chặng đường đã qua của tôi đã gặp nhiều nỗi khổ, tiền bạc hết rồi sẽ có thể kiếm được, song tôi mong rằng, ở tuổi đã không còn trẻ, mọi cay đắng đã lắng xuống và đi qua, tôi sẽ không phải chịu thêm một nỗi khổ về tinh thần nào nữa…

Thiên Kim
.
.