Chuyện của ca sĩ Cẩm Ly

Thứ Năm, 17/09/2015, 14:53
Hơn 20 năm đi hát, từ một cô bé nhút nhát, Cẩm Ly giờ là cái tên bảo chứng cho nhiều chương trình ca nhạc và các show truyền hình thực tế. Thính giả thương tiếng hát Cẩm Ly ngọt ngào, da diết đã đành mà còn quý lối sống giản dị của chị. Không phát ngôn gây sốc, không xuất hiện kè kè với hàng hiệu, không nói về đời sống riêng tư, Cẩm Ly lúc nào cũng biết giữ mình trước những thị phi mà vẫn đầy sức hút.

1. Hơn 20 năm đi hát, vậy mà đến giờ, tôi vẫn không quen với cảm giác mình đã trở thành ca sĩ. Khái niệm là người nổi tiếng với tôi lạ lẫm vô cùng. Ca hát, với tôi là giấc mơ lóng lánh sắc màu, và sẽ mãi mãi như thế. Nó vừa xa xôi, vừa gần gụi, thật khó diễn tả hay giải thích. Như khi mình yêu một ai đó, ở bên cạnh người ta, thấy an yên là đủ, chứ biểu nói tại sao yêu thì cắc cớ quá! Tôi luôn tin khi mình làm bất cứ điều gì, chỉ cần mình cố hết sức, làm thật tâm và đừng bao giờ nản lòng thì một ngày nào đó, mọi thứ sẽ tự theo đuổi mình. Chớp mắt cái mà hai mươi mấy năm rồi! Thời gian như thoi bay. Tự dưng nhắc, thấy giật mình và bần thần quá chừng!

Ba mẹ tôi có sáu người con, không hiểu bà mụ nặn sao mà ba đứa sau cùng là ba cô con gái liền tù tì. Nhà đông miệng ăn nên ba mẹ phải cật lực gò lưng bên máy may. Trong giấc ngủ chập chờn tuổi nhỏ, giấc mơ tôi xen lẫn tiếng máy may xoành xoạch, mẹ rạp người theo cần khâu. Cái nghề không trải nắng mưa, không lam lũ bùn lầy, nói cực người ta bảo mình nói quá chứ thiệt có sướng gì cho cam. Tôi sức con gái, ngồi đạp liền một hơi, lưng muốn đánh võng xuống, huống hồ mẹ ngồi từ tháng năm này sang tháng năm khác đặng kịp giờ giao hàng cho người ta. 

Ba suốt ngày bươn bả ngoài đường, hì hụi vác hàng, hết giao đồ may xong lại tất tả chở vải mới về, mồ hôi không kịp khô! Mẹ vừa may vừa để mắt tới lũ con nghịch ngợm, lắm trò, vừa chăm cho chúng ăn uống. Cực vậy song nhà lúc nào cũng rổn rảng tiếng cười, vang vang tiếng hát. Có lần, ba chị em tôi đăng ký thi văn nghệ cùng lúc, ba mẹ phải chạy show, chở đứa này đi buổi sáng, chở đứa kia đi buổi chiều, con đi thi mà ba mẹ khan tiếng vì lo đôn đốc, dặn dò đủ thứ.

Hồi đó, nhà tôi ở chung cư, đông vui lắm. Tối nào cúp điện là lũ chúng tôi nhảy cà tưng ăn mừng bởi khỏi phải học bài. Sau đó, thể nào cả nhà cũng kéo nhau ra hiên, trải chiếu ngồi cho mát. Mấy nhà hàng xóm cũng thế, chuyện trò rôm rả suốt tối. Ba tôi là cây guitar có hạng, mấy lúc cao hứng, ông lại lôi cây đàn ra đánh cho mấy anh chị em hát theo. Tuyết với Phương dạn lắm, ca nghêu ngao, còn tôi nhát hít chỉ dám lí nhí bè theo nhưng mê không biết để đâu cho hết.

Cái không khí hoan ca, trong trẻo đó đã đọng lại thành lớp ký ức xanh mượt trong tôi, trong trái tim tất cả những thành viên của gia đình. Có lẽ vậy nên, dù ở đâu, sợi dây nhiệm màu ấy vẫn kết nối chúng tôi lại bên nhau. Nó không chỉ là sự gắn kết máu mủ, ruột rà mà còn là những san sẻ, tựa nương trong những ngày khốn khó, hồn nhiên.

Chơi chán với mớ vải vụn của mẹ dù đã bày đủ trò, chị em tôi tụ lại hát hò. Hết tân nhạc rồi nhảy qua ca cải lương, đứa sau phải kiếm bài nào nối theo chữ đứa trước ca rớt lại. Nhiều khi chơi ác, chừa chữ khó quá, kiếm mãi không ra, cái đứa chừa cũng không hát tiếp được, bị xúm lại đánh cho một trận, tiếng cười lít rít. Cũng vì mê hát mà tôi có một kỷ niệm nhớ đời. Lâu lâu, mẹ tôi vẫn hay nhắc “tiếng hát nghiêng tủ bể dĩa”.

Chuyện là, một lần lau nhà, như mọi hôm, mẹ lùa mấy chị em tôi lên hết trên giường cho mẹ trống chỗ. Tôi nằm vắt vẻo với mấy đứa, hát véo von. Càng ca càng sướng, nhịp nhịp cái chưn vào cái tủ búp phê kê ngay sau giường. Ca sung quá, nhịp chân càng mạnh thì nghe xoảng một cái. Bọn tôi im bặt, bật ngay dậy, trước mắt là cái tủ tan tành chén dĩa. Mặt đứa nào đứa nấy xanh lè xanh lét, không còn hột máu. Bữa đó, cả đám bị trận đòn nên thân.

2. Tôi mê hát nhưng cực nhát, chưa khi nào dám mơ tới việc đứng trên sân khấu nữa, thì làm sao nghĩ mai này sẽ trở thành ca sĩ này kia hay xem đó là nghề nghiệp. Song, tôi cứ luôn tự nhủ với bản thân là, sau này nhất định tôi sẽ đi hát dẫu chưa biết mình sẽ bắt đầu từ đâu và khi nào. Trong ba chị em thì Hà Phương trội nhất nhờ được học hành bài bản.

Không nghĩ sẽ chọn ca hát làm con đường nghiệp dĩ, tốt nghiệp phổ thông xong, tôi thi vô ngành kinh tế, định bụng giúp ba mẹ quán xuyến chuyện may vá của gia đình. Rủi sao, tôi thi rớt. Trong thời gian ở nhà luyện thi lại thì Nhà hát Hòa Bình tổ chức cuộc thi Những tiết mục hay dành cho đơn ca, song ca, tam ca. Pano, bảng quảng cáo treo khắp nơi, hoành tráng và nhộn nhịp lắm! Khi ấy nhà hát mới xây xong được ít lâu và là một trong những nhà hát hoành tráng không chỉ ở nước mình mà còn ở khu vực Đông Nam Á. Chỉ mấy ngôi sao như chị Bảo Yến, Nhã Phương,… mới được hát ở đó thôi. 

Minh Tuyết biết tôi mê hát, mong muốn được một lần đứng trên sân khấu biểu diễn nên kéo tôi đi thi cùng, rằng “hai người đứng trên sân khấu sẽ đỡ sợ hơn”. Tôi cũng liều, nghĩ bụng kệ, đi thi cho biết cái cảm giác đứng trên sân khấu hoành tráng nhất Đông Nam Á ra làm sao với người ta. Một lần thôi cũng được. Mà trời thương sao, hai chị em lọt sâu vô tới vòng trong. Tới chung kết thì cứ như đi trên mây vậy, chân không còn là chân của mình nữa. Bữa đó, tôi với Minh Tuyết song ca bài Hỡi người tình nhạc Nhật lời Việt, tiếng vỗ tay tán thưởng của khán thính giả rần rần không dứt.

Tới hồi cái tên Cẩm Ly - Minh Tuyết được xướng lên cho giải nhất song ca, hai chị em ôm nhau, khóc như mưa. Ba mẹ tôi nhìn hai con tỏa sáng, cũng nghẹn ngào khóc theo. Lúc ấy, có lẽ ba yên tâm được phần nào trước lối mở vào tương lai nên gật đầu cho mấy chị em đi hát. Suốt bao nhiêm năm, ba đèo hai em tôi đi hát trên con xe cà tàng rồi đứng đợi ở ngoài, lúc thì chai nước, cái bánh bao đưa vội hai chị em ăn trên xe cho kịp, trong khi ba chạy tới điểm diễn tiếp theo...

Ca sĩ Cẩm Ly trong vai trò là giám khảo chương trình Giọng hát Việt nhí.

3. Tôi từng 3 lần suýt bỏ nghề. Lần đầu là năm 1996, do hát nhiều quá, tôi bị hư thanh quản, bác sĩ bảo phải bỏ nghề. Tôi sốc nặng. Thời gian ở nhà điều trị bệnh, tôi không dám đi đâu, cũng chẳng dám đi nghe hát, sợ máu mê ca hát lại trỗi dậy không kìm được. Có lần Minh Tuyết tập song ca cùng anh Nhật Hào ở nhà, tôi lén ra coi mà khóc nức nở vì nhớ nghề. Cũng may sau một năm điều trị, thanh quản của tôi bình thường trở lại.

Năm 1997, tôi trở lại sân khấu chưa được bao lâu, Tuyết ra nước ngoài lập nghiệp. Tôi buồn lắm vì chị em đi hát có nhau quen rồi, tính tôi lại nhát, không dám đứng trên sân khấu một mình, Tuyết thì mạnh mẽ, như bổ sung cho khiếm khuyết đó của tôi vậy. Tôi không thể ngăn cản Tuyết vì đó là tương lai của em nên nghĩ em đi rồi, mình bỏ nghề vậy. Mẹ tôi đêm ngày động viên vì bà biết ca hát không chỉ là đam mê mà đã trở thành máu thịt của tôi. Ngày đầu tiên tôi trở lại hát là mùng 1 Tết năm 1998 cùng anh Cảnh Hàn tại Đầm Sen sau gần một năm xa sân khấu. Hôm đó, mẹ chở tôi đi. Lúc tôi đứng trên sân khấu cũng là lúc tôi thấy nước mắt mẹ lăn dài. Tôi tự hứa với bản thân, sẽ phải vững vàng hơn nữa.

Người tính đâu có bằng trời thử thách. Được một năm, tôi bị viêm amidan, chần chừ không muốn cắt. Anh Minh Vy động viên, đe dọa đủ các kiểu mới làm tôi quyết tâm. Cắt amidan xong, tôi hay tin anh Cảnh Hàn giải nghệ. Tôi hẫng và nghỉ hát thêm lần nữa. Nhưng, lần này, trước sự động viên của mọi người, tôi quyết định đứng dậy và được sự hỗ trợ của trung tâm Kim Lợi, phát hành album Người về cuối phố và được đón nhận nồng nhiệt.

Tôi không sao quên được cái ngày 2/9/1993. Đó là ngày đầu tiên, tôi chính thức bước chân theo con đường ca hát, với bao say mê, háo hức lẫn hồi hộp. Đó là lần đầu tiên, tôi đứng trước bao nhiêu khán thính giả yêu quý trên một sân khấu rộng lớn mà trước đây tôi vẫn nghĩ nó chỉ xuất hiện trong giấc mơ của chính mình. Tôi luôn nghĩ, không con đường nào trải sẵn hoa hồng nếu mình không gắng làm việc. Và tôi cũng tin rằng, con người ta, dù mạnh mẽ đến mấy nhưng nếu không có người thân yêu bên cạnh, hết lòng chở che, tin tưởng thì người ta cũng khó gượng dậy sau những cú vấp. Nếu không có sự ủng hộ tuyệt đối của mẹ, sự thầm lặng của ba, sự giúp đỡ tận tình của anh Minh Vy, trước hết là trên mối quan hệ công việc, có lẽ tôi đã không có được hôm nay.

Tôi quan niệm, đã là ca sĩ thì phải ca là chính. Tôi muốn khán thính giả thân thương quan tâm đến sản phẩm âm nhạc của mình thôi. Chuyện điểm trang, phục sức, mình làm sao coi đặng là ổn. Còn chuyện gia đình, nói thật, tôi ngại chia sẻ lắm. Tôi không thích kể xấu chồng, cũng không thích tâng anh lên trời cho người ta ngưỡng mộ. Nếu có gì không hay, tôi sợ mình không chịu được cú sốc đó. Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi cảm thấy mình may mắn khi được anh hết mực cảm thông, đồng hành và biết sẻ chia.

Hoàng Linh Lan
.
.