Câu chuyện thứ 50:

Chuyện của NSƯT Tạ Minh Tâm

Thứ Sáu, 19/12/2014, 15:04
Để một người nổi tiếng trải lòng về những giai đoạn đã qua, chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhất là khi người nổi tiếng đó còn là một người thầy có vị trí như anh Tạ Minh Tâm. Anh kể về bản thân, rất gọn và rất đời. Và đằng sau cái rất đời đó, tôi thấy được sự an nhiên của một người đã bước vào giai đoạn, nhận lời vì thích, vì vui. Danh vọng hay vật chất, anh Tạ Minh Tâm đều đã đủ. Dĩ nhiên, theo góc nhìn soi chiếu của anh chứ không phải của số đông.

1. Thời học cấp 2, thấy chúng bạn tụ tập chơi nhạc, hát hò, tôi thích mê tơi. Nghe tiếng đàn, tiếng trống réo rắt, tôi mê quên cả đói. Khoái vậy thôi chứ tôi không dám nghĩ lĩnh vực đó thuộc về mình. Tôi đinh ninh rằng mình chẳng có năng khiếu thiên bẩm gì để tiếp cận ca hát. Với lại, chơi nhạc thì phải sắm nhạc cụ, tốn nhiều tiền lắm. Trong khi ba má tôi cặm cụi làm mà vẫn thiếu trước hụt sau. Mãi vẫn chưa có cái nhà để bình tâm đi về.

Ngày 30/4/1975 là bước ngoặt lịch sử của đất nước. Đồng thời là bước ngoặt đặc biệt của đời tôi. Nếu không có ngày 30-4, có lẽ đã không có một Tạ Minh Tâm nghệ sĩ của hôm nay.

Giữa cái không khí tưng bừng, náo nức đó, mọi khó khăn với tuổi trẻ trở nên nhỏ bé vô cùng. Người ta hào hứng đi bên nhau nhộn nhịp như đang trẩy hội. Cả mấy trăm năm, đất nước mới vươn mình đứng dậy, trong độc lập, hòa bình. Bắc Nam một nhà. Mỗi người, mỗi thời mỗi cảm nhận khác nhau. Nhưng tôi tin rằng, chỉ những ai sống trong khoảnh khắc đó mới có thể cảm nhận hết được cái không khí hừng hực ấy. Và tôi đã đem tâm tư của một người trẻ chứng kiến đất nước mình hồi sinh trong lửa đạn để hát bài Đất nước trọn niềm vui sau này. Theo tôi, đấy là một bài hát quá đẹp về giai điệu, ca từ và cả hình tượng văn học. Người đầu tiên hát bài hát này thành công là NSND Trung Kiên – người sau này tôi vinh dự được gọi là thầy. Tôi vẫn còn nhớ như in cái hôm tôi nghe tiếng hát hào sảng của thầy qua đài phát thanh, tôi đã ao ước vô cùng, một ngày nào đó tôi cũng được cả nước đón nhận với bài hát này. Và tôi đã cố gắng không ngừng nghỉ, bằng sự động viên, tán dương khuyến khích của thầy cô, bạn bè. Nhờ môi trường đào tạo chuyên nghiệp, năm 1995 lần đầu tiên tôi thu âm bài hát đó phát hành trên thị trường. Chính từ Đất nước trọn niềm vui mà thính giả biết đến Tạ Minh Tâm. Và khi nhắc đến Tạ Minh Tâm, người nghe nghĩ ngay đến Đất nước trọn niềm vui. Thật, hạnh phúc và sung sướng khôn tả.

Trở lại câu chuyện bén duyên với nghề. Sau ngày độc lập, tôi hăng hái tham gia nhiều chương trình sinh hoạt xã hội, từ vệ sinh đường phố, dạy học xóa mù chữ, đào mương, đào kênh, phong trào văn nghệ quần chúng. “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” là câu nói minh chứng cho sự xông xáo của lớp trẻ tụi tôi ngày ấy.

Chính khoảng thời gian sôi nổi đó, tôi được tiếp xúc với những giai điệu hùng tráng, những hình tượng, ca từ mới mẻ, lạ lùng. Khả năng ca hát của tôi bắt đầu được nhen nhóm và hé mở. Được ít lâu, tôi xin về làm phóng viên ở Đài phát thanh tỉnh. Lúc đó, lòng tôi vẫn cháy bỏng một khát khao được theo học bài bản về âm nhạc mà không biết trường nào để học. Thành ra, hễ rảnh là tôi tham gia văn nghệ văn gừng cho đỡ nghiền. Coi tôi hát cũng khá nên tỉnh cử tôi cùng đoàn tham gia Hội diễn Văn nghệ toàn quốc vào năm 1977 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đoạt huy chương vàng. Kết thúc hội diễn, nhạc sĩ Vũ Lê Phú gợi ý: “Tao thấy mầy hát cũng được quá! Làm đơn thi thử vô Nhạc viện đi!” Phải nói, tôi biết ơn anh Phú vô cùng. Nếu không có gợi ý của anh, tôi chẳng biết đường đâu mà đi. Và có lẽ, giờ tôi đã là một Tạ Minh Tâm nào khác.

Dẫu có chút chút thành tích trong sinh hoạt văn nghệ song đó chỉ là ở địa phương, làm sao tôi dám so bì với mặt bằng các thí sinh thành phố và các tỉnh đổ về. Năm đó, tôi đã phải cọ xát với 500 thí sinh khác để lọt được vô top 10 khoa Thanh nhạc. Tôi không thích phải cố lý giải cho được mọi chuyện đến với bản thân bằng may mắn hay bằng khả năng. Bởi, ai trong cuộc sống này, cũng cần may mắn mở đường, đưa cơ hội đến với mình. Nhưng nếu không có khả năng nắm bắt, không nỗ lực phấn đấu thì may mắn cũng chẳng giúp được gì. Mọi thứ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố xung quanh. Tôi gọi đó là cuộc đời.

Nghệ sĩ Tạ Minh Tâm và gia đình.

2. Trong cuộc sống, tâm trạng con người có lúc này lúc khác, thì đời sống, cũng có khi thế này, thế kia; nhất là những lúc khó khăn, người ta có thể dao động, hoang mang và xoay xở tìm con đường khác. Năm cuối Nhạc viện, đời sống vất vả quá, tôi lại vừa lập gia đình, nhìn cảnh nhà nheo nhóc, tôi mở quán café thử coi làm giàu được không. Rồi xin một chân hướng dẫn viên du lịch để kiếm thêm. Không phải tôi thất bại mới quay lại con đường ca hát. Mà do ngay từ lúc bắt đầu, tôi đã xác định, chỉ làm một thời gian để trang trải, giải quyết khó khăn của gia đình thôi. Lúc nào ổn, sẽ lại ca hát. Cũng có đôi lúc, công việc cuốn tôi đi, quên béng lời tự nhủ. Để mỗi khi nghe tiếng hát vẳng lên đâu đó, tự đáy lòng tôi nhói lên một nỗi nhớ quay quắt. Ngay cả trong giấc mơ, tôi cũng thấy mình được hát, được đứng trên sân khấu. Ca hát với tôi, như tình yêu vậy. Một khi bén hơi rồi thì khó lòng dứt ra được.

Có lẽ tính tôi giống má. Trong tôi luôn có sự dao động qua lại giữa lý trí và cảm tính. Có khi nó nghiêng về bên này, khi khác lại nghiêng về bên kia. Nhưng nhìn chung thì cân bằng. Cái đó một phần thuộc về bản tính; phần còn lại thuộc về nhận thức. Trước một điều mình thích và muốn làm cho kỳ được, mình phải cân nhắc với hoàn cảnh, điều kiện xung quanh, khả năng ra sao. Nếu có suy nghĩ mình phải thấy ngay. Khó khăn quá mà cứ nhất quyết lao theo, thì mình sẽ như thế nào? Lý trí buộc mình phải trả lời. Nếu không, mình sẽ phải trả giá. Và ngược lại, nếu mình toan tính quá, bằng mọi giá để nổi tiếng, để đạt được mục đích, hậu quả cũng vô cùng khó lường. Tôi thấy, ai cũng cần điều chỉnh cả. Chắc vậy nên sau này, dẫu bén duyên và thành công ở cả lĩnh vực phim ảnh và người dẫn chương trình, tôi vẫn trở về với định hướng ban đầu. Hỏi tôi có tiếc nuối không ư? Có gì đâu mà tiếc! Mọi người đều có lựa chọn của riêng mình. Như tôi đã nói, tôi chỉ muốn thử coi khả năng mình tới đâu chớ không muốn sa đà vô những ngõ hẻm, những ngã rẽ mới mà có khi nó đã trở thành đại lộ. Con đường mình đã định hướng, đã đổ mồ hôi, đã khóc cười, phải đi cho trót. Mình phải biết đủ, biết mình là ai. Khi mình thấy đủ, mọi thứ sẽ đủ. Còn nếu cảm thấy chưa đủ nổi tiếng thì cứ tiếp tục giãy đành đạch ngoài kia và tự mình lăn lộn khổ sở.

3. Nhắc chuyện đóng phim, tôi nhớ anh Trần Mỹ Hà quá. Tôi đóng Blouse trắng của anh như một cái duyên trời định vậy. Không biết lý do nào khiến anh chọn tôi vào vai bác sĩ Hùng, dù trước đó tôi chưa đóng phim bao giờ, dù quanh anh có khá nhiều diễn viên tên tuổi, mong ước được nhận vai. Mãi sau này, anh mới kể tôi nghe, lúc chọn một kẻ tay ngang như tôi, cả đoàn phim cật lực phản đối. Dự án lớn quá, tôi chưa qua bất cứ khóa đào tạo diễn xuất nào, lỡ hỏng thì vừa mất tiền, vừa mất công của biết bao nhiêu người. Anh Hà bỏ hết ngoài tai, nhất quyết giao vai cho tôi. Ban đầu, tôi phân vân lắm, nhưng khi gặp, ảnh nói gọn lỏn một câu, ảnh tin tôi làm được. Tôi cũng gật đầu luôn.

Nhiều người nói con đường tôi đi có vẻ bằng phẳng và trơn tru quá! Có lẽ là vì tôi đi từ từ, chầm chậm, không muốn cho người ta chú ý. Tôi không biết nói về mình sao cho hay, cũng không thích nói về mình. Càng không muốn khoa trương về những gì mình đạt được hoặc chia sẻ những gì mình đã trải qua. Cuộc gặp này với Linh Lan (tác giả) có lẽ là lần chia sẻ nhiều nhặn duy nhất. Thẳng thắn mà nói, con đường tôi đi rất gập ghềnh. Và biên độ của nó lớn lắm chứ không phải không. Chẳng có con đường nào trải bước trên hoa hồng. Tuy nhiên, sau mỗi bước trầm, nó đều đi lên. Tôi coi những nốt trầm đó là một phần không thể thiếu trong cuộc đời mình. Khó khăn phải có và có khó khăn mình mới nên người. Đối với tôi, tất cả rủi ro đều trở thành bài học. Chưa có biến cố nào ghê gớm khiến tôi phải rùng mình. Cho nên bây giờ hỏi tôi cũng chả nhớ. Niềm vui cũng quá nhiều. Tôi cho đó là sự cân bằng.

Và nếu đời sống có chênh chao, xô đập dữ dội quá thì tôi trở về nhà chơi với các con. Nhìn mắt con hấp háy, nghe tiếng con cười, thấy bà xã vẫn đứng đợi tôi trước cửa thì việc gì tôi phải lo nữa. Ngoài kia có sóng gió cỡ nào, tôi cũng bước ra và đương đầu được hết. Đơn giản vậy thôi, chứ không cần chia sẻ gì hết. Yêu thương, mình vun bao nhiêu cho đầy, sao lại làm xáo trộn gia đình từ những việc mệt mỏi của riêng mình? Tôi thấy ai đó rất đúng khi đúc kết, đằng sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ. Tôi không dám khẳng định là mình thành công, nhưng nếu không có bà xã tôi quán xuyến hậu phương thì tôi khó lòng mạnh mẽ và yên tâm bước về phía trước.

Mấy lúc nặng lòng quá, không muốn để vợ con phải lo, tôi thả mình vào cây cối, nghe tiếng chim hót véo von, lích ra lích rích quanh nhà. Chừng ấy, với tôi đã đủ. 

Hoàng Linh Lan
.
.