Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ: Không xa ngậm ngùi, không xa nụ cười

Thứ Năm, 20/03/2008, 10:00
Áp lực của việc tuyển chọn thầy ngoại đè lên đôi vai của người đứng đầu VFF là điều không phải bàn cãi. Người viết trộm nghĩ, ở vị trí đầu sóng ngọn gió nơi vì một trận thua, một giải đấu không thành công, người ta có thể đưa cả ông Chủ tịch Liên đoàn vào tâm bão công kích, thì với ông Hỷ có lẽ chuyện sống chung cùng… áp lực cũng gần gũi như cá với nước vậy.

Dư luận gần đây sục sôi chuyện bóng đá Việt tìm người kế nhiệm chiếc ghế lèo lái con tàu đội tuyển vốn bị bỏ trống sau cuộc chia tay với A.Riedl. Và ở một đất nước mà người dân yêu bóng đá chẳng kém gì ở các cường quốc bóng đá trên thế giới như Việt Nam, thì mức độ nóng bỏng của chuyện tìm thầy để phục sinh đội tuyển sau một kỳ SEA Games ê chề, được phản ảnh đủ đầy qua những áp lực ngày ngày đè nặng lên đôi vai ông Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Nguyễn Trọng Hỷ…

1. Gần đây, ông Chủ tịch VFF, người mang hàm Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, mới chuyển phòng làm việc tại trụ sở Tổng cục TDTT. Bước vào nơi làm việc mới của ông, người ta thấy khá rõ sự rộng rãi và thoáng đãng hơn so với chốn cũ. Một phần vì diện tích căn phòng rộng hơn, nhưng phần khác có lẽ bởi sự đơn giản như thể chủ nhân của nó không chú tâm nhiều tới chuyện bài trí. Một tủ đứng để tài liệu, một chiếc bàn làm việc, một bộ salon để tiếp khách. Đặt cạnh chiếc bàn làm việc vẫn còn vài ba khung ảnh mà người viết đồ rằng, dường như chủ nhân vì quá bận rộn nên chưa có thời gian treo để làm ấm những bức tường, xua đi cái cảm giác trống vắng của căn phòng.

Cũng dễ hiểu thôi, hiện tại đang là thời điểm "nước sôi, lửa bỏng" của quá trình tìm thầy ngoại cho đội tuyển QG. Lo còn chẳng hết, làm còn chẳng xong, thử hỏi tâm trí, sức lực đâu để ông Chủ tịch nghĩ tới chuyện bày biện, trang hoàng nơi làm việc mới của mình.

Có thể với cương vị Chủ tịch VFF, ông Hỷ chẳng cần phải nhúng tay quá sâu vào những chuyện chuyên môn cụ thể như việc tìm HLV trưởng, bởi bên dưới ông là cả một bộ máy giúp việc với các phòng ban chức năng, rồi còn cả một Hội đồng HLV QG với hàng loạt những chuyên gia có tiếng của làng bóng. Bản thân ông Hỷ cũng nói rằng, trong chuyện tuyển chọn thầy ngoại, ông là người giao đầu bài, còn các bộ phận khác có chức năng và nhiệm vụ tìm ra đáp số.

Ấy vậy nhưng, mọi sự đâu có đơn giản. Mọi di biến động của VFF trong quá trình tìm thầy cho đội tuyển đều được (hay bị) dư luận soi kỹ rồi ưu ái đặt lên bàn ông đòi giải đáp hay chất vấn. Ông cũng chẳng có cách nào khác là phải nhảy vào việc để nắm bắt nó một cách tường tận.

Nhưng quan trọng hơn, ông Hỷ tự nhận mình là một nhà quản lý đề cao nguyên tắc kiểm tra, giám sát, "xa đến đâu và khó đến đâu cũng phải kiểm tra", nên có lẽ ông cũng không chịu được cái cảnh chỉ tay năm ngón từ xa. Mắt kém, ông yêu cầu nhân viên in to hồ sơ của 30 nhân vật ứng cử cho vị trí HLV trưởng để nghiên cứu rồi có thể tự hào mà rằng: "Trong trường hợp cần thiết, tôi có khả năng và dám đưa ra một danh sách ứng viên vào chung kết của riêng mình, nhưng tôi tôn trọng sự lựa chọn của Hội đồng HLV QG".

Lịch làm việc của ông cũng luôn book sẵn chỗ để trao đổi với các thành viên chủ chốt của Hội đồng HLV QG, "chỉ đợi lúc nào các anh ấy có thời gian là ngồi lại làm việc với nhau ngay", như lời ông nói. "Bản thân việc tuyển chọn HLV là cực khó, chứ không phải là tự nhiên có, rồi đem lên tôi ký hợp đồng là xong. Tìm thầy ra sao để đội tuyển đạt được kết quả như ý tại giải VĐ Đông Nam Á tới đây, chứ không phải mấy cái giải quốc tế như Cup Mùa xuân, Agribank Cup.

Cầm bằng đội tuyển lại thất bát thì mọi chuyện trở nên vô nghĩa. Không chỉ là tìm kiếm mà khi ký hợp đồng rồi, quan hệ, làm việc với họ như thế nào cũng phải có cách. Ngày xưa lúc HLV A.Riedl còn tại vị, cứ một hai tuần, tôi lại mời vợ chồng ông ấy đi ăn cơm, thăm hỏi, động viên.

Với HLV Trần Vân Phát (HLV trưởng đội tuyển nữ) người Trung Quốc, cũng vậy. Vợ chồng ông ấy sang đây như là khách của chủ tịch, chúng tôi cũng tìm mọi cách tạo điều kiện, giúp đỡ họ", ông Hỷ giãi bày cái sự "xuất tướng" của mình trong những công việc chuyên môn cụ thể của Liên đoàn. 

2. Âu cũng đúng thôi khi báo chí tìm tới ông bởi ông là người giữ cương vị cao nhất của Liên đoàn; những thông tin từ ông có độ xác tín và trọng lượng nhất. Hơn thế, cánh phóng viên săn tin cũng thừa nhận, ông Hỷ là quan chức VFF chịu nói nhất với giới báo chí. Cởi mở đến độ không ít anh em báo chí lúc "trà dư, tửu hậu" nhắc đến ông mà cảm mến rằng "chú Hỷ nhiều lúc dại miệng, nếu đăng nguyên văn thì chẳng khác nào hại chú".

Quả vậy, gần đây có lần vui chuyện với cánh báo chí, ông kể việc khuyên một người đàn em, vốn là một HLV nội gần đây được coi là một trong số những người có khả năng "rung chuông vàng" ngồi lên chiếc ghế huấn luyện ở đội tuyển QG thay HLV ngoại, nghỉ hẳn việc quản lý ở cơ quan nhà nước để lên đội tuyển làm thầy. Nghe chuyện đó, những người thiện tâm thì có thêm một cái nhìn về tấm lòng của ông dành cho bóng đá, nhưng kẻ ác tâm thì hoàn toàn có thể bẻ cong chuyện đó thành cái tội của một ông chủ tịch, mang hàm Thứ trưởng, lại đi khuyến khích công chức bỏ nhiệm sở ra làm ngoài giữa cái thời buổi mà người ta đang kêu gào về việc cơ quan nhà nước chảy máu chất xám.    

Tuy nhiên, trải lòng với người đối thoại đến độ thật thà, cũng là một phần tính cách của con người ông, dẫu rằng nó khiến cho ông bị báo chí quấy rầy nhiều trong bất kể sự vụ lớn nhỏ gì của Liên đoàn. Chẳng thế mà, trong một dịp gặp gỡ phóng viên gần đây, ông Chủ tịch của VFF đã phải nói rất chân tình báo giới rằng: "Các bạn có việc gì cần thì cứ 6h chiều tới phòng làm việc của tôi tại Tổng cục TDTT, chứ đừng dồn dập gọi điện vào lúc tối để cho tôi còn chút thời gian với gia đình".

Vậy nên, không ít phóng viên thể thao thấy ngạc nhiên khi vừa qua, có một bài báo đại  ý phê ông Hỷ vì cái  tội  "tỏ ra khá bực dọc" lúc hỏi ông chuyện chọn HLV ngoại. Phải chăng, người đứng đầu VFF đã thay đổi tính nết, không còn giữ cái hình ảnh của một ông chủ tịch ăn quấy quả bữa cơm trưa ngay tại phòng làm việc để dành thời gian cho phóng viên? Hôm rồi, ngồi trao đổi với nhóm phóng viên, ông Hỷ cứ day dứt mãi chuyện này: "Công việc tuyển chọn HLV bộn bề quá nên tôi không kìm được mình mà trả lời có phần hơi nóng nảy, chứ không phải là tôi nổi giận hay không cầu thị, lắng nghe phản biện từ dư luận đâu". 

Ông cũng giãi bày nỗi khổ của mình khi không công bố thông tin về những ứng cử viên được Hội đồng HLV QG chọn ở lần đầu tiên cho báo chí: "Có người gọi điện hỏi, tôi muốn trả lời lắm chứ chẳng giấu giếm, nhưng có lẽ là do quá cẩn thận nên tôi lo nếu công bố danh tính các ứng cử viên thì nó ảnh hưởng tới mức lương khi mình đi đàm phán với họ. Đáng ra mình trả 12.000 USD, nhưng người ta biết mình cần nên đòi lên 16.000 USD. Tôi nói thực nếu không có nỗi lo đó, thì chẳng mất gì mà không công khai. Ví như ngay ngày đầu khi báo chí đưa tin ông Calisto lọt vào tầm ngắm của Liên đoàn, có người đã mau mắn hỏi ông ấy bao nhiêu tiền/tháng? Giờ thì có báo đưa tin cái giá của ông Calitso đã lên tới 16.000 USD. Đọc tin ấy, chúng tôi cứ nhìn nhau mà hỏi: ông Riedl giá 12.000 USD đã quá nặng rồi, còn ông Calisto đòi tới 16.000 USD thì lấy đâu tiền ra trả? Tất nhiên, nói thì nói vậy thôi, chứ nếu chọn ông Calisto thì đã có phương án khác, chứ không phải phương án đàm phán trên bàn và cũng không phải lo lắng nhiều đến chuyện thương thảo tiền bạc với ông ấy".

3. Áp lực của việc tuyển chọn thầy ngoại đè lên đôi vai của người đứng đầu VFF là điều không phải bàn cãi. Người viết trộm nghĩ, ở vị trí đầu sóng ngọn gió nơi vì một trận thua, một giải đấu không thành công, người ta có thể đưa cả ông Chủ tịch Liên đoàn vào tâm bão công kích, thì với ông Hỷ có lẽ chuyện sống chung cùng… áp lực cũng gần gũi như cá với nước vậy.

Điều thắc mắc là ông chủ tịch phòng ngự ra sao trước những áp lực giống như những cơn sóng vỗ bờ hết đợt này đến đợt khác theo những sự kiện và cả sự cố của bóng đá Việt? "Áp lực từ báo chí, từ người hâm mộ thì tôi cũng thấy bình thường (cái sự bình thường của một người đã quá quen với việc phải gánh chịu chăng?). Áp lực từ chỗ khác mới là đáng ngại, mới là ù tai!".

Cái áp lực chỗ khác mà ông Hỷ ngại phải chăng là vợ, như câu hỏi tinh nghịch của một bạn nghề đặt ra với ông? Ông Hỷ giẫy nảy phản ứng: "Bà xã tôi thì quá động viên chồng. Lúc nào cũng lo "anh ơi đừng làm sao nhé" rồi thì "cùng lắm là thế này, cùng lắm là thế kia". Vậy thì cái áp lực nào mà ám ảnh ông Hỷ thế? Ông không trả lời trực tiếp, nhưng nghe ông tự trào "đi họp người ta nhìn mình như thể là người không làm được việc(!)", hay bóng gió nhắc tới những tai nạn, những rắc rối đã qua, và cả những chuyện suýt xảy ra, thì cũng có thể phần nào tự tìm thấy lời giải.

Vẫn luôn là như thế, càng lên cao thì gió càng mạnh, đâu có gì lạ lùng! Dẫu vậy, đời cho ta thế, "không xa ngậm ngùi, và cũng không xa nụ cười". Cũng như những lời ca của người cố nhạc sĩ tài hoa đã từng viết, ông Hỷ vẫn còn đó cả một vùng trời bình yên mang cái tên "gia đình" để đối chọi với áp lực.

Nhìn ông miệng cười và mắt cũng cười khi khoe đứa con lớn mới ra trường đi làm được hơn hai năm mà lương đã cao hơn cả lương bố, hay hồ hởi chỉ ảnh đứa con út đang học Tài chính ở Bắc Kinh trong điện thoại, người ta thấy dường như mọi giông bão áp lực đều đứng bên ngoài cánh cửa gia đình ông

Chi Mai
.
.