Chơi vẽ theo kiểu Nguyễn Huy Thiệp

Thứ Sáu, 25/01/2008, 14:30
Nguyễn Huy Thiệp đợi tôi trong phòng tranh của họa sỹ Lê Thiết Cương. Ông ngồi so vai, rụt cổ, chống cằm trên chiếc bàn vuông giữa phòng. Gương mặt góc cạnh, tóc tai bù xù, quần áo tối màu có vẻ như cũ kỹ. Thật tương phản với màu sắc rực rỡ, và tinh tế của những bức tranh đang bày khắp không gian ở đây. Tôi chợt thấy ông như một bức chân dung lạc loài lù lù xuất hiện bên cạnh một bức tĩnh vật đẹp.

Đã qua lễ Giáng sinh. Hà Nội càng cuối năm rét càng đậm. Ngoài phố ông già Noel đã đi nghỉ đông hết rồi, còn lại một vài hình nộm cây thông cười nhấp nháy trên những cánh cửa mở vào những nhà hàng ấm áp và sang trọng. Nguyễn Huy Thiệp hẹn tiếp tôi tại phòng tranh ở 39A Lý Quốc Sư - nhà riêng của "thằng bạn thân chơi được" (theo cách nói của Nguyễn Huy Thiệp) là họa sỹ Lê Thiết Cương.

Hôm nay nhìn thấy Nguyễn Huy Thiệp trong bàn trà của phòng tranh Lê Thiết Cương, tôi phát hiện ra Nguyễn Huy Thiệp rất giống một nhân vật nào đó thuộc về những năm 40 của thế kỷ trước ở Trung Quốc. Một xã viên hợp tác xã, một thôn phó với mái tóc xù xì, gương mặt xù xì, quần áo nghiêm ngắn, cũ kỹ và cũng xù xì nốt.

Ông ngồi trên bộ bàn ghế tiếp khách kiểu cổ giữa một khoảng không gian rộng, trên tường là tranh, và xung quanh là những đồ gốm rất đẹp, những tác phảm điêu khắc theo trường phái tối đơn giản và tĩnh lặng của họa sỹ Lê Thiết Cương. Tôi ngắm ông chống cằm đợi tôi, cũ kỹ giữa xung quanh những thứ sang trọng và không ăn nhập gì với gương mặt của ông, đầu tóc của ông, trang phục của ông.

Xem ra cái bố cục tôi vừa nhìn thấy, vừa bắt gặp đẹp như một bức tĩnh vật ngái ngủ trong ấm áp, mặc kệ ngoài kia "tuyết" Việt Nam đang lay phay rơi, đang châm những tia buốt lạnh trên mặt người qua phố. Phố cổ Lý Quốc Sư bé nhỏ mà vô cùng sầm uất bởi những gian hàng đặc trưng của khu phố cổ chuyên bán hàng mỹ nghệ, tranh ảnh, vật phẩm đặc trưng của người Tràng An xứ Kinh đô.

Bước chân vào nơi đây, như thấy cuộc sống trôi chậm lại ở phía bên ngoài cánh cửa, như thấy lòng thanh thản không vướng bận bon chen. Phải chăng nghệ thuật hội họa hướng con người tới một nhu cầu cao hơn cuộc sống vật chất.

Nguyễn Huy Thiệp nguây nguẩy không chịu nói về thú hội họa của mình. Ông trốn tránh không chịu trả lời phỏng vấn cả với tôi, một người rất thân tình. Có cảm giác như Nguyễn Huy Thiệp sợ những đòn roi buốt lạnh của báo chí, với cuộc đời của ông trong thời gian gần đây, cuộc đời của một " trí thức quèn" trót làm người nổi tiếng.

Trót mang đến cho đời những món ăn tinh thần ngon tuyệt, rồi đến một lúc bàn tay nấu nướng không tạo ra được những thức ăn mà thực khách đã quen ghiền, họ quay ra thất vọng.

Thú thật nghề sáng tạo cực kỳ nghiệt ngã và bạc bẽo. Đã biết vậy nhưng đó là số mệnh trời chọn chứ bản thân nhà văn cũng chẳng chọn được cho mình. Ông dứt khoát không nói nhiều về hội họa.

Mỗi một lần phỏng vấn Nguyễn Huy Thiệp tôi càng cảm thấy rõ hơn, chắc chắn hơn Nguyễn Huy Thiệp là một người rất tỉnh táo. Ông luôn biết mình là ai, ngay cả khi ông vẽ chân dung trên gốm, hay khi ông viết "Gạ tình lấy điểm".

Tóm lại Nguyễn Huy Thiệp luôn biết mình là ai, chỉ có những người phỏng vấn ông không đủ trải nghiệm và sự tinh tường mới có thể có cảm giác Nguyễn Huy Thiệp đang lạc bước đâu đó. Nguyễn Huy Thiệp là người biết mình hơn ai hết. Chính vì biết mình mà ông khá vật vã trong cuộc kiếm tìm chính mình.

Nguyễn Huy Thiệp thú nhận rằng, ngay khi còn thời sinh viên ông đã tưởng mình là họa sỹ. Ông thích vẽ, thích hội họa, tự thấy mình có năng khiếu và ông đã theo học vẽ từ ngày đó.

Theo đuổi với hội họa một thời gian khá dài bằng cách đi học vẽ ở các lớp vẽ buổi tối trên phố Hàng Buồm của họa sỹ Phạm Đức Song. Chính Phạm Đức Song là người thầy dạy vẽ đầu tiên và duy nhất của Nguyễn Huy Thiệp. Sau đó một thời gian dài sống bằng nghề vẽ.

Thời sinh viên vừa đi học vừa tham gia vẽ ở Triển lãm Giảng Võ, chủ yếu là phóng to các pano, áp phích, các mẫu quảng cáo, tranh cổ động. Sau khi ra trường, xung phong lên Tây Bắc dạy học 10 năm, từ những năm 1970, Nguyễn Huy Thiệp vừa dạy học vừa tham gia vẽ ở báo Sơn La đổi mới.

Trở về Hà Nội, công tác ở Phòng Mỹ thuật, Nhà xuất bản Giáo dục với vai trò là họa sỹ can, ông tham gia vẽ trình bày, minh họa trong các cuốn sách của nhà xuất bản.

Làm họa sỹ can ở Nhà xuất bản Giáo dục được 3 năm, Nguyễn Huy Thiệp sang Cục Bản đồ, bây giờ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là họa sỹ can bản đồ. Lúc này Nguyễn Huy Thiệp đã rất nổi tiếng trong làng văn chương với hàng loạt truyện ngắn gây tiếng vang: "Tướng về hưu", "Vàng lửa", "Những ngọn gió Hua Tát"...

Thời điểm này, có rất nhiều chuyện đã xảy ra với những người làm văn nghệ có tư tưởng đổi mới, trong đó có Nguyễn Huy Thiệp. Ông nghỉ việc trở về nhà. Từ đó là những ngày lang bạt kiếm sống bằng nghề viết và vẽ.--PageBreak--

Nguyễn Huy Thiệp cho rằng ông là một nhà văn, đến với hội họa như một nghề tay ngang trước đây là để kiếm sống. Và đúng những lúc khó khăn nhất, khốn cùng nhất ông lại đến với hội họa như tìm một niềm an ủi.

Hai năm trời sáng nào ông cũng dậy từ 5h sáng để đạp xe sang làng Bát Tràng vẽ thuê cho một chủ lò gốm đến tối mịt mới đạp xe về. Một ngày làm liên tục từ sáng đến tối, vẽ đủ các loại tranh, hoa văn họa tiết lên các đồ gốm, lên đĩa, lên các lọ độc bình, đến các chậu cây cảnh. Ông được chủ lò trả công cho 25 ngàn đồng. Cũng đủ sống tùng tiệm nuôi hai con ăn học.

Chính hai năm làm nghề vẽ gốm ở Bát Tràng, Nguyễn Huy Thiệp đâm ra mê vẽ gốm và ông chỉ tự tin trên chất liệu này. Đặc biệt, Nguyễn Huy Thiệp rất thích vẽ chân dung, và vẽ chân dung trên gốm rất giỏi.

Có nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng trong nước được ông vẽ chân dung trên gốm đã thừa nhận nét tài hoa trong hội họa của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Trong đó có những bức chân dung Nguyễn Huy Thiệp rất thích: Bức chân dung nhà thơ Nguyễn Duy, nhạc sỹ Văn Cao, nhà văn Tô Hoài, nhà văn Bảo Ninh, nhà thơ Hồng Thanh Quang, nhà văn Phan Thị Vàng Anh...

"Sau này không đi vẽ thuê ở Bát Tràng nữa, tôi mở nhà hàng Hoa Ban, nhưng vẫn duy trì vẽ chân dung trên gốm. Đó là niềm đam mê của tôi, đồng thời là nét đặc trưng của nhà hàng Hoa Ban. Bạn bè ai đến ăn ở đấy nếu thích được vẽ chân dung làm kỷ niệm, tôi sẽ vẽ tặng họ.

Cái thú chơi tranh gốm cũng công phu về thời gian, công sức và tốn kém lắm. Phải sang Bát Tràng mua đĩa mộc về vẽ, rồi mang đi nung trong lò, nung xong lại mang đĩa về, mang đi cho những người mình đã vẽ. Trông thế thôi chứ rất mất công. Tôi chẳng có ôtô, vì vậy việc đi lại rất khó khăn phụ thuộc vào nhiều người, vào bạn bè".

Nguyễn Huy Thiệp thừa nhận: Một thời gian dài tôi tự thấy mình vẽ chân dung nhanh và khá giống, thế nhưng càng về sau, nhất là khi tôi chơi với bạn bè là họa sỹ, những tay như Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đặng Xuân Hòa, Đào Hải Phong, Đinh Quân... tôi thấy mình "mất điện" luôn.

Tự lặng lẽ rút lui, tự khép mình lại. Trước đây, khi chưa chơi với chúng, tôi cũng tự tin, có khi định mở triển lãm tranh gốm, ti toe về mình, nhưng chơi với chúng, xem tranh của chúng mới thấy mình ngô nghê: "Đúng là điếc không sợ súng".

Tôi không còn dám khoe mẽ gì về việc vẽ vời của mình nữa. Hội họa là một bộ môn nghệ thuật có tính liên tài. Xem tranh, chơi tranh được không phải dễ dàng gì. Phải học nhiều, phải có kiến thức rộng, hiểu biết sâu sắc mới học được cách xem tranh chứ chưa nói gì đến vẽ tranh. Thú vẽ chân dung trên gốm tất nhiên vẫn được tôi duy trì cho đến tận bây giờ.

Cho dù nhà hàng Hoa Ban không còn nữa. Bạn bè thân thiết lúc nào có dịp sang Bát Tràng chúng lại tha về cho tôi một lô đĩa mộc, tôi vẽ rồi dịp nào đó đưa tất cả sang nung. Thú chơi gốm vẫn cứ cồng kềnh nhiêu khê như thế.

Có lần mời được bác Tô Hoài đi vẽ, mượn ôtô, đi mất cả ngày, phải phục vụ bác Tô Hoài cơm nước ở bên đó, tất nhiên không thể chu đáo được, nhưng vẽ được mấy cái chân dung cả hai bác cháu đều thích. Lần vẽ Trần Đăng Khoa, chủ lò thích quá, lấy luôn, bảo là khi nung trong lò bị vỡ. Hôm sau mình sang làm mẻ khác, thấy chủ lò treo chân dung Tô Hoài, Trần Đăng Khoa trong cửa hàng của họ. Thế đấy!".

Đến giờ, Nguyễn Huy Thiệp vẫn âm thầm vẽ, cho dù những tác phẩm của ông, nói như cách Nguyễn Huy Thiệp "điếc không sợ súng" chỉ để dành chơi với bạn hữu mà thôi, không bao giờ ông có ý định đưa triển lãm chúng cả.

Ông nói: "Vẽ chân dung con người giúp cho mình rất nhiều trong công việc viết văn. Nó giúp mình tập suy nghĩ, tập nhận xét và có cái nhìn đúng về bản chất rộng lớn hơn xã hội. Khi tôi vẽ chân dung thì tính cách, số phận đều thể hiện ra ở nét mặt. Mình nhận ra rất nhiều về người đối diện, trong một phút nắm bắt rất nhanh nào đó, nó ăn sâu vào cảm giác của mình, con người ấy, tính cách ấy, số phận ấy.

Tóm lại, vẽ với tôi chỉ là một thú chơi cá nhân. Tôi vẽ hàng trăm bức chân dung trên gốm. Ngày ở nhà hàng Hoa Ban vẽ phải đến cả ngàn bức, trong đó rất nhiều chân dung của người nước ngoài. Ông Đại sứ Thụy Điển rất mê bức chân dung tôi vẽ tặng ông, ông về nước đưa mẹ và em gái sang cùng tôi đi Bát Tràng vẽ chân dung làm kỷ niệm".

Nhưng Nguyễn Huy Thiệp tự nhận thấy ông không có gu hội họa, và mãi mãi không thể trở thành một họa sỹ cho dù ban đầu ông tự lầm tưởng mình là họa sỹ.

Lý giải điều này, ông nói: "Cũng có người viết văn nhưng họ không phải là nhà văn, có những người làm nghề vẽ nhưng họ không bao giờ là họa sỹ. Là nhà văn phải viết ra được những thứ trong lòng mình, là họa sỹ phải vẽ ra được những thứ trong tâm hồn họ. Tôi không phải họa sỹ, bởi vẽ với tôi lúc nào cũng phải có mẫu. Trời không cho mình cái tài để vẽ dù mình đã cố tình bước chân vào con đường này".

Một điều rất ngẫu nhiên và thú vị là hậu duệ của ông, hai cậu con trai của Nguyễn Huy Thiệp không một ai theo đuổi nghề con chữ của bố nhưng lại thực hiện được cái mơ ước thèm khát trong con người sáng tạo của ông, đó là chúng đã chạm được bàn tay vào hội họa, có vẻ như chúng đang được hội họa chìa bàn tay ra để nắm lấy và dẫn dắt chúng trên con đường của số phận, thứ mà Nguyễn Huy Thiệp tưởng như đã ở trong đó, nhưng hóa ra lại chưa bao giờ có nó.

Tôi không dám lạm bàn về sự thành công, hay những gì đại loại như thế trong tranh của hai họa sỹ trẻ tuổi này. Nguyễn Phan Bách và Nguyễn Phan Khoa. Phan Bách tốt nghiệp điêu khắc Trường Mỹ Thuật Hà Nội. Người con trai cả chỉn chu đã tìm được lối đi nghề nghiệp của mình khá sớm.

Còn cậu út, người đã gieo không biết bao nhiêu nỗi muộn phiền cho Nguyễn Huy Thiệp bởi tuổi trẻ vui chơi ngông cuồng bỗng một ngày trở về với nghệ thuật hội họa như thể sinh ra đã có số phận. Tất cả còn nằm ở phía trước, và tùy thuộc vào sự lao tâm khổ tứ của những chú nhỏ.

Song Nguyễn Huy Thiệp rất vui vì dù sao chúng đã sống được bằng nghề, đã vẽ tranh và bán được tranh. Ngay ở phòng tranh của họa sỹ Lê Thiết Cương, có tranh của hai chú nhỏ bày bán. Âu cũng là cái may mắn hạnh phúc vô cùng mà mỗi lần nhắc đến, Nguyễn Huy Thiệp lại nở nụ cười của một người vừa hành hương về từ cõi Phật

Như Bình
.
.