Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2008)

Chí công vô tư

Thứ Sáu, 22/08/2008, 10:00
Theo lẽ thông thường, con người luôn luôn thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh, "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài"... Chỉ một số ít những vĩ nhân mới gìn giữ được tâm thế ung dung tự tại, "Giàu sang không làm cho say đắm, nghèo hèn không làm cho đổi dời, uy vũ không làm cho khiếp sợ" theo cách nói của Mạnh Tử. Cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng đúng là một vĩ nhân như thế.

Trong mọi giai đoạn của đời mình, Bác Tôn lúc nào cũng là một con người giản dị đến tận cùng và luôn luôn nhất quán ở cách hành xử, trong công việc hay trong sinh hoạt, chí công vô tư.

Cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Mỹ Hòa Hưng, tỉnh Long Xuyên (nay là An Giang) và sớm phải lao vào cuộc sống cần lao. Những cực nhọc đã nếm trải ngay từ thời trẻ đã càng đào luyện trong người thanh niên yêu nước thương đời này một tinh thần vị nghĩa rất trượng phu, nghĩ đến người khác nhiều hơn tới bản thân mình.

Với tố chất tinh thần như thế nên ngay từ khi chỉ là một công nhân trẻ, Bác Tôn đã lao mình vào cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức hà khắc của thực dân Pháp và khi đã trở thành thủy thủ trên một con tàu Pháp ở Biển Đen, đã hồ hởi bày tỏ sự ủng hộ nhiệt thành với một mô hình xã hội mới vị nhân sinh ở đất nước Nga xa xôi và dường như còn rất lạ lẫm với những hiểu biết chính trị xã hội của mình.

Trong đặc điểm cụ thể của Việt Nam và thế giới những thập niên đầu thế kỷ XX, với những nhà ái quốc chân chính như Tôn Đức Thắng, tham gia các hoạt động chống thực dân, đế quốc của giai cấp vô sản rồi tới với ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin là một lẽ tự nhiên, một sự chọn lựa gần như là duy nhất đúng. Những hoạt động của Bác Tôn trong những năm đó mang tính tiêu biểu cho một nếp sống, nếp tư duy tiên tiến của người Việt Nam yêu nước.

Những hiểm nguy thường nhật đã không làm nao núng tinh thần người chiến sĩ cách mạng Tôn Đức Thắng, trái lại, càng tôi luyện thêm bản lĩnh thiên phú của một tinh thần mã thượng vừa mang đậm đặc màu sắc Nam Bộ vừa hài hòa với phong độ người quân tử phương Đông.

Bản lĩnh "uy vũ không khiếp sợ" của Bác Tôn đã càng trở nên sáng chói hơn trong 17 năm đằng đẵng bị thực dân Pháp giam cầm đầy đọa theo chế độ tù khổ sai ở Khám lớn Sài Gòn và nhất là ở "địa ngục trần gian" Côn Đảo. Không ngẫu nhiên mà tất cả những cựu tù nhân đã có ít nhiều thời gian ở cùng nhà tù với Bác Tôn trước Cách mạng Tháng Tám đều đặc biệt ấn tượng và khâm phục người tù quả cảm và can trường này.

Đến cả những tên cai tù dù dữ dằn đến mấy cũng không khỏi e ngại hoặc nể trọng người tù Tôn Đức Thắng, trong mọi hoàn cảnh vẫn giữ được phong độ của một chính nhân, nói ít làm nhiều, thương người như thể thương thân và đặc biệt là không bao giờ chịu công nhận cái luận thuyết "hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn".

Bản thân cũng phải chịu mọi khổ nhục của kiếp tù nhân nhưng ở Côn Đảo, Bác Tôn đã luôn là Người Anh với ý nghĩa lớn lao nhất của từ này, luôn lo lắng cho những ai yếu sức hay yếu thế hơn mình. 

Đồng chí Nguyễn Thọ Chân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Thi đua Trung ương, một cựu tù nhân Côn Đảo sau này đã kể rằng: "Nhớ lại lúc ở Côn Đảo. Tôi lại thấy một cụ già quần áo bạc phếch, cũ kỹ (ở Côn Đảo một năm chỉ có một bộ mà thôi), còng lưng vác một bao cà roòng rau nặng như thế đưa vào cho anh em trong banh 2 - là banh "nhà thương" nhốt những người tù đau ốm, suy kiệt…".

Đồng chí Lê Văn Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nhớ lại rằng, chính phong thái và đức độ của Bác Tôn nên ở Côn Đảo, ngay cả những tù nhân hình sự cũng dần dà được cảm hoá và "tình người đã phần nào thay cho sự hận thù, xung đột, chia rẽ…".

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, từng bị giam ở Côn Đảo trước Cách mạng Tháng Tám cùng thời gian với Bác Tôn, sau này nhớ lại: "Thấy chúng tôi còn trẻ mà đã giác ngộ cách mạng, thì Bác rất thương. Bác thường giáo dục cho tôi… hiểu thế nào là cách mạng, thế nào là chủ nghĩa cộng sản. Bác rất hiền. Bác không những thương chúng tôi mà còn thương cả những bạn tù khác, kể cả tù thường phạm. Khi họ đi làm về, sau bữa ăn, bị nhốt ở sam thì Bác thường gần gũi họ, giảng giải cho họ những điều sơ đẳng nhất về chủ nghĩa cộng sản, về lòng yêu nước và động viên họ phải can đảm lên…". --PageBreak--

Cũng theo hồi ức của đồng chí Lê Văn Lương, ở Côn Đảo, "Bác Tôn ít nói nhưng đã nói là làm khiến ngay cả tù lưu manh cũng hết sức kiêng nể. Đối với những người tù chính trị, Bác Tôn được biết đến như một người thợ máy giỏi, người cộng sản gắn liền với  phong trào đấu tranh của công nhân. Đối với tù thường, Bác Tôn nổi tiếng từ khi Bác làm thay đổi tình hình ở Hầm Xay lúa".

Chính ở Hầm Xay lúa, Bác Tôn đã bằng hành động gương mẫu và lời nói chí tình sáng suốt khêu gợi phần nhân tính ở ngay cả những tù hình sự nổi tiếng gian ác và đưa họ dần dà trở về với ánh sáng hướng thiện…

Đồng chí Lê Văn Lương tâm sự: "Trước đây tôi đọc sách có thấy nói "vô sản lưu manh" là những người ngoài vòng pháp luật, ngoài lề xã hội, khó cải tạo được, do đó cũng khó giáo dục cách mạng. Qua cuộc đấu tranh của Bác Tôn và những người cộng sản ở Hầm Xay lúa, tôi hiểu thêm rằng, ngay cả những kẻ bị tha hóa nặng nề vẫn còn lại một phần nhân tính. Nếu có phương pháp đúng để giáo dục, cảm hoá họ, vẫn có thể giúp một số người phục thiện, trở thành người có ích.  Ở Côn Đảo, những người tù cộng sản đã thành công ở một chừng mực nhất định trong việc này, mà thành công của Bác Tôn là một thí dụ…".

Chính đức độ sáng ngời của người cộng sản Tôn Đức Thắng sau Cách mạng Tháng Tám đã xây dựng nên một biểu tượng mới của chế độ mới ở Việt Nam. Và những cương vị quan trọng mà Đảng và Nhân dân đã giao cho Bác Tôn giữ trong nhiều năm liền, cho tới khi vĩnh viễn rời khỏi cõi đời, đã rất sáng danh và xứng đáng. Trong mọi tình huống, mọi thời điểm, Bác Tôn đã luôn luôn tỏ rõ tinh thần chí công tới tận cùng.

Bác Tôn luôn duy trì một nếp sống giản dị, bình dân, nói theo ngôn ngữ thông dụng bây giờ. Là Chủ tịch nước nhưng Bác vẫn giữ trong nhà đủ thứ dụng cụ lao động, từ kìm búa tới cưa giũa… Bác thường thích tự tay sửa xe đạp, không chỉ cho mình mà cho anh em ở xung quanh! Trang phục của Bác Tôn luôn luôn là những gì giản dị nhất, thường chỉ là những bộ đồ màu nâu.

Chị Tôn Thị Hạnh, con gái lớn của Bác Tôn, sau này viết về cha mình: "Ngày xưa ba mẹ tôi sống khổ quá, nay sống trong hoàn cảnh mới, ba mẹ tôi vẫn giữ nếp suy nghĩ, nếp sống gần như trước, sống tự lực, tự lao động, không muốn phiền hà người khác, không muốn sai phái ai…".

Không có nhiều nhu cầu vật chất, Bác Tôn cũng giáo dục con cháu trong nhà nếp sống cần kiệm, không xa hoa hoang phí. Bác không muốn người thân lợi dụng danh nghĩa của mình để mưu cầu việc riêng tư.

Chị Tôn Thị Tuyết Dung, người được Bác Tôn nhận làm con nuôi, nhớ lại: "Bác Tôn rất thương yêu con cháu. Những nguyện vọng gì chính đáng Bác đều giải quyết, làm cho con cháu vui lòng, song đều có giới hạn. Tâm lý ỷ lại, dựa vào thần thế… trong gia đình Bác không có đất nảy nở…"Chính tấm gương vằng vặc của người cha như thế nên những người con của Bác Tôn lớn lên đều trở thành những người lương thiện thành đạt và hữu ích cho đất nước…".

Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể: "Những năm tháng cuối đời của Bác Tôn để lại những ấn tượng sâu sắc đối với tôi. Bấy giờ Bác Tôn đã đến tuổi 90. Một con người trải qua một cuộc đời đầy sóng gió như Bác Tôn mà thọ đến 90 thì thật là hiếm có.

Điều đáng quý hơn nữa, mà tôi xúc động nhắc lại ở đây, là con người bên trong của Bác Tôn, phẩm chất cách mạng kiên cường của Bác vẫn trong sáng, hồn nhiên như năm nào.

Nói chuyện với Bác Tôn lúc ấy, tôi không thấy có gì khác với lúc nói chuyện với con người ấy cách đây mấy chục năm về trước. Chúng tôi đang đứng trước một con người mà năm tháng và bão tố có làm thay đổi nhiều về dáng vẻ bên ngoài, nhưng tâm hồn và ý chí cách mạng, tình cảm với đồng bào, đồng chí, sự khiêm tốn giản dị, lòng vị tha quên mình thì không hề thay đổi. Đó vẫn luôn luôn là đức tính của người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng".

Còn Bác Hồ trong Lễ chúc mừng Bác Tôn thọ 70 tuổi (năm 1958) đã nói: "Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân…"

Nguyễn Long
.
.