Chị X và hồ sơ một cuộc chia ly

Thứ Hai, 14/03/2005, 07:36

Tình yêu của họ đẹp và bi tráng như một huyền thoại. Gặp nhau trong phong trào đấu tranh chống Mỹ, họ chờ nhau đằng đẵng 15 năm trong ngục tối của kẻ thù. Số phận cá nhân gắn chặt với vận mệnh toàn dân tộc, họ may mắn được sum họp ngay giữa Sài Gòn trong ngày đầu tiên thống nhất, với tư cách của những người chiến thắng...

Sau bốn lần bị bắt vì tội "làm Việt Minh", năm 1950, ba của chị Nguyễn Thị Châu được thả về. Nhưng do bị bọn cai ngục liên tục thọc ống vào cổ họng rồi đổ nước vôi trộn xà phòng, ớt bột vào bụng và thi nhau giẫm lên, cái bao tử của ông đã bục nát, vô phương cứu chữa. Sau gần một tháng, ông mất. Nhờ được một ông chú trợ giúp, một năm sau Nguyễn Thị Châu mới có tiền đi học lại. Chị tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp, khóa 1955 – 1956 với số điểm cao nhất của tỉnh Biên Hòa, được đích thân tỉnh trưởng tặng phần thưởng: Một cuốn từ điển Larousse dày cộp và nặng trịch.

Lễ cưới anh Lê Hồng Cư - chị Nguyễn Thị Châu

Hai nửa riêng chung

Lẽ ra, với kết quả học tập đó, chị được quyền theo học trường áo tím Gia Long tại Sài Gòn. Nhưng chi phí theo học trường công quá cao, nhà nghèo không kham nổi, chị đành phải đổi qua học trường tư Văn Lang. Ngày đầu tiên nhập học, chị gặp anh Lê Hồng Tư, cũng cơ hàn không kém. Anh lớn lên ở An Lạc, Bình Chánh, Sài Gòn. Nhà nghèo đến nỗi cả  hai cha mẹ anh chỉ có chung một chiếc... lãnh đen, ai có việc phải đi ra đường mới được mặc, còn người ở nhà thì cứ quanh năm bao bố, đệm bàng thay vải che thân.

Học đến lớp nhì (lớp 5 ngày nay), anh phải nghỉ, lên Sài Gòn làm thuê rồi học nghề thợ tiện để kiếm sống. Sau năm 1954, để tránh bị bắt lính, Lê Hồng Tư xin vào làm ở Sở Hỏa xa và học nghề vô tuyến điện. Trong thời gian đó, anh đã cố theo đuổi các lớp “bồi dưỡng văn hóa” (tức học bổ túc) để hoàn tất chương trình trung học đệ nhất cấp. Do đó, đến năm 1956, Tư mới bắt đầu vào học đệ tam (lớp 9 ngày nay) cùng lớp với Nguyễn Thị Châu, dù anh sinh năm 1935, hơn chị 3 tuổi.

Lúc đó, Lê Hồng Tư đã trở thành một hạt nhân của phong trào sinh viên – học sinh đô thị. Anh là người có kinh nghiệm đấu tranh khá phong phú. Chị là nữ sinh duy nhất đến trường với tà áo dài trắng giản dị bằng vải phin nội hóa, nhưng trong mắt Lê Hồng Tư, ngay từ cái nhìn đầu tiên,  Nguyễn Thị Châu vẫn toát ra một vẻ đẹp vừa đài các, vừa chân thật đáng tin cậy. Bị thôi thúc bởi cả yêu cầu của việc tổ chức đấu tranh lẫn con tim một người trai mới lớn, Lê Hồng Tư đã... áp dụng ngay 5 bước liên hệ – điều tra – tuyên truyền lý luận – tổ chức huấn luyện đến "đấu tranh" để...  tranh thủ cô hoa khôi của lòng anh. Một năm sau, khi đứng ra thay mặt Ban Thanh vận (sau này là Thành Đoàn) kết nạp Châu vào Đoàn TNCS  thì Lê Hồng Tư hiểu rõ: trái tim anh đã hoàn toàn thuộc về chị.

Sắp thi tú tài I thì Lê Hồng Tư bị lộ, buộc phải chuyển sang trường khác. Tìm mãi, anh vẫn không tìm được người thay mình ở lại Văn Lang lãnh đạo phong trào. Cuối cùng, duy mỗi chị là có thể khiến anh tin cậy... Chỉ có họ, hai người đang yêu mới hiểu nổi tại sao một cô nữ sinh học giỏi như chị lại có thể liên tục trượt tú tài hai năm liền...

Cuối năm 1960, Nguyễn Thị Châu được Ban Thanh vận chỉ đạo giữ chức ủy viên Ban cán sự, phụ trách phụ nữ. Ngày tiễn chị lên xe ra cứ nhận nhiệm vụ, anh thu hết can đảm hỏi chị một câu: “Em có bằng lòng làm vợ anh không? Chỉ một lời thôi: đồng ý hoặc không đồng ý?”. Chị chưa kịp trả lời, xe đã lăn bánh. Anh cố hét vọng theo: “Còn sống, anh còn yêu em!”. Chị cũng cố nhoài người ra cửa: “Em sẽ chờ, đến ngày thống nhất...”. Lời thề hẹn của họ, không ngờ chính là định mệnh.

Những câu thơ trong hầm tối

Bị lộ khi chuyển tài liệu “Cương lĩnh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam - MTDTGPMN” cho một cơ sở, ngày 9/2/1961, Nguyễn Thị Châu bị địch bắt, đưa vào trại Lê Văn Duyệt. Sau 21 ngày thuyết phục, khủng bố tinh thần vẫn không ép được chị  “chuyển hướng”, những tên hung thần trong “Đoàn công tác đặc biệt miền Trung” của Ngô Đình Cẩn đã ném chị vào ngục tối P.42 ở Sở Thú. Đủ ngón tra tấn từ dùi cui, đánh đập, quay điện đến "tàu lặn, tàu bay", chúng vẫn không moi được từ chị nửa lời.

Sau P.42 là Quân lao Gia Định rồi Hầm khói Thủ Đức, rồi lại trở về trại Lê Văn Duyệt..., đi đâu chị cũng một mực trung kiên, không chào cờ ngụy, không chuyển hướng, không nhận tội. Mặc dù trên người chịu hàng trăm vết thương vì đòn tra, chị vẫn hát véo von những bài hát thời 9 năm kháng chiến. Sợ hãi, những tên đồ tể gọi cô nữ sinh nhỏ nhắn bằng... bà, đồng thời không tiếc tay hành hạ để trả thù.

Trong xà lim cấm cố của nhà tù Phú Lợi (Biên Hòa), chúng chỉ cho chị 1 ngày 1 bát cơm gạo mục trộn muối mặn chát và với chỉ 1/3 lon nước cho cả uống lẫn vệ sinh. Không ăn thua, chúng đưa chị về Hầm khói Thủ Đức, nhốt xuống hầm sâu, dẫn ống dẫn khói nhà bếp vào khiến chị luôn nóng như ở trong lò thiêu và ho sặc sụa...

Tại Quân lao Gia Định, Nguyễn Thị Châu đã được chị Bùi Thị Ngọc Nga (phu nhân của Chủ tịch Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Huỳnh Tấn Phát) bồi dưỡng và báo cáo với chi bộ nhà tù, ra quyết nghị kết nạp Đảng đúng ngày Quốc khánh 2/9/1961.Trở thành đảng viên, sau đó là Bí thư chi bộ trại Lê Văn Duyệt, chị đã thiết lập được một đường dây bí mật nhận tin tức, chỉ thị từ bên ngoài đưa vào, lấy đó làm cơ sở để soạn tài liệu giúp anh em đồng chí ở trong tù học tập chính trị.

Từ những tài liệu chuyển vào, chị biết được tin anh. Bằng những vũ khí tự tạo từ chiến khu đưa vào, Lê Hồng Tư đã cùng đồng đội gây ra hàng loạt tiếng nổ long trời ngay giữa đô thành Sài Gòn, tiêu diệt Đại tá công binh William Thomas – kẻ phụ trách việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; đánh sập cư xá sĩ quan Mỹ trên đường Trần Hưng Đạo... Cũng chính anh là người đã vạch kế hoạch và tổ chức đánh bom vào xe Đại sứ Mỹ Feredric Nolting tại ngã tư Pasteur  - Hồng  Thập Tự trưa ngày 7/8/1961. Số phận đã giúp viên Đại sứ Mỹ thoát chết trong gang tấc: lon guigoz nhồi đầy thuốc nổ đã phá vỡ kính xe, nằm gọn trong lòng viên đại sứ nhưng vẫn không chịu nổ.

Địch điên cuồng lùng sục, Lê Hồng Tư và một loạt đồng đội đã bị bắt. 1h khuya ngày 25/4/1962, Tòa án quân sự đặc biệt của chính quyền Ngô Đình Diệm  đã kết án tử hình Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư, Lê Văn Thành và Huỳnh Văn Chính; 4 người khác bị kết án chung thân...

Trước tòa, 12 chiến sĩ bị gọi là “Tổ chức võ trang khủng bố của Liên hiệp Sinh viên - học sinh Sài Gòn”, mình đầy thương tật đòn tra vẫn dìu nhau ngẩng cao đầu hát vang bài “Giải phóng miền Nam”. Từ chối luật sư bào chữa, họ đã biến phiên tòa bù nhìn thành diễn đàn tố cáo tội  ác của giặc Mỹ và bọn tay sai, được đồng bào hoan hô nhiệt liệt. Khi được nói lời cuối cùng, Lê Hồng Tư đã đanh thép tuyên bố: “Chúng tôi chỉ tiếc không đủ lựu đạn để tiêu diệt hết bọn giặc Mỹ xâm lược”.

Đau đớn nhưng cũng rất tự hào về anh, khi soạn tài liệu gửi đi khắp các buồng giam của trại Lê Văn Duyệt, chị đã gửi kèm theo câu nhắn: “Lê Hồng Tư là vị hôn phu của tôi. Nếu có đồng chí nào gặp anh, xin nói với anh ấy rằng: Nguyễn Thị Châu đồng ý!”.

Ngày 4/3/1963, khi vừa nhận được tài liệu từ giỏ thăm nuôi, chị bị Thái Đen – một hung thần khát máu của trại Lê Văn Duyệt phát hiện. Bỏ tài liệu vào miệng, chưa kịp nuốt chị đã bị cả đám hung đồ nhào tới bóp họng bắt nhè ra, đồng thời cây dùi cui trên tay Thái Đen đã liên tục nhắm đầu chị quật xuống, máu tuôn xối xả. Chỉ kịp thét lên mấy tiếng đánh động cho các bạn tù khác biết, Nguyễn Thị Châu đã bị chúng vứt lên xe bịt kín đưa sang P.42, thay nhau đánh đập, bỏ thùng nước "đi tàu lặn" suốt đêm. Gần sáng, Thái Đen dựng ngược chị dậy, lấy đinh đóng nát 10 đầu ngón tay. Không còn sức để chịu đựng, chị gục xuống. Sợ chị chết, bọn cai tù vội đưa chị vào nhà thương Chợ Quán cấp cứu.

Sau đó, chúng ném chị vào một buồng giam chung với một đám thường phạm bị bệnh hủi, giang mai, lậu và các thứ bệnh xã hội khác... Không giống như dự đoán của kẻ thù, khi biết chính trị phạm đang mê man ấy là Nguyễn Thị Châu, những người tù thường phạm đã không hề hành hạ mà còn thay nhau chăm sóc chị cẩn thận. Không đạt mục đích, bọn cai tù lại đưa chị ra xe, ném về ngục tối P.42.

Cảm thấy cái chết đã cận kề, chị lại nghĩ về anh, lại nghĩ về cuộc đấu tranh vẫn còn dang dở. Nhặt chiếc kẹp tóc đã gỉ ai đó làm rơi trên sàn buồng giam, chị thu hết sức tàn vạch lên tường xà lim bốn câu trăng trối:

Áo trắng em chưa vướng bụi đời
Chưa từng mơ tưởng chuyện xa xôi
Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót
Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi.

Vạch xong nét chữ cuối cùng, đôi tay đã trở nên tê cóng, chị ngã vật xuống sàn xà lim ngất đi. Địch lại đưa chị ra Chợ Quán cấp cứu. Đêm hôm đó, khi vừa thoát cơn mê, chị đã tận mắt chứng kiến cảnh anh Nguyễn Văn Trỗi mới nhảy lầu, bị gãy chân vừa được đưa vào nhưng vẫn sa sả mắng quân xâm lược.

Cuối năm 1964, sau cuộc chỉnh lý của Nguyễn Khánh, ngụy quyền Sài Gòn cố tỏ ra mị dân, đã thực hiện một vài động tác nới lỏng đối với tù chính trị. Một số sinh viên, ký giả được đưa vào “tham quan” P.42. Từ ảnh của họ chụp, 4 câu thơ của Nguyễn Thị Châu đã được phóng to, dựng thành băng rôn treo ngay trước nhà Quốc hội trong những cuộc đấu tranh tố cáo tội ác đế quốc Mỹ và tay sai. Tên tuổi và cuộc đấu tranh kiên trung của chị, sự bất công, tàn bạo, vô luân của bộ máy nhà tù bị phơi bày lên nhiều mặt báo. Buộc phải nhượng bộ, ngụy quyền Sài gòn đành phải xếp tên chị vào danh sách một nhóm tình báo viên của ta đang bị chúng giam giữ tại P.42 sẽ được đem ra để trao đổi lấy một số giặc lái bị bắt khi ném bom miền Bắc.--PageBreak--

Trước khi trao đổi, chúng đưa cả nhóm lên giam giữ tại Tổng nha Cảnh sát để thanh lọc. Trong buồng giam mới, chị được xếp nằm gần chị Nguyễn Thị Quyên, vợ anh Trỗi, nên đã có dịp kể cho chị Quyên nghe những gì về anh mà mình từng chứng kiến. Trong tác phẩm Sống như anh, nhà văn Trần Đình Vân đã nhắc đến chi tiết này, nhưng hai nữ chính trị phạm đã giúp đỡ chị Quyên trong nhà tù, vì tuân thủ nguyên tắc bí mật, chỉ được gọi bằng bí danh chị X., chị Y. Chị X. là Nguyễn Thị Châu, còn chị Y. chính là chị Trương Mỹ Hoa, nay là Phó Chủ tịch nước.

Trong những lần bị địch hỏi cung tại Tổng Nha, chị đã khẳng định: “Tôi chỉ là học sinh, bị mấy ông mật vụ tay sai nhà Ngô vô cớ bắt vô tù, không có gì để khai nên họ nhốt hoài, đánh đập hoài không chịu thả”. Không có lý do gì để kết án, hay đày đọa chị lâu hơn nữa, ngày 2/5/1965, kẻ địch phải trả tự do cho Nguyễn Thị Châu. Ra tù, không chút chần chừ, chị đã móc nối và tìm được đường lên chiến khu (ở Củ Chi), chữa bệnh và tiếp tục cuộc đấu tranh.

Tháng 5/1969, chị được Trung ương Cục đưa sang Campuchia rồi đi máy bay ra Hà Nội. Vừa ra đến nơi, chị đã được gặp Bác Hồ. Nghe chị kể chuyện, Bác khóc. Thỉnh thoảng, mỗi khi có dịp, Bác lại cho gọi chị đến Phủ Chủ tịch ăn cơm với Người.

Sau một thời gian chữa bệnh tại Hà Nội, Nguyễn Thị Châu được Trung ương cử đi nhiều nước xã hội chủ nghĩa để tiếp tục điều trị và tham gia Đại hội Thanh niên, Đại hội Phụ nữ thế giới, tiếp đó tham dự nhiều chuyến tham quan, dự lễ kỷ niệm lớn ở Triều Tiên, Trung Quốc, Liên Xô, Phần Lan, Hunggari... Câu chuyện chị kể trên diễn đàn các đại hội đã khiến hàng ngàn  đại biểu các nước phải lấy khăn lau mắt, khâm phục và kính trọng đối với cô gái Việt Nam nhỏ nhắn nhưng kiên trung, bất khuất. Khi khám bệnh cho chị, các bác sĩ Liên Xô đã đứng lặng đi. Họ khóc. Trên cơ thể chị, hàng trăm vết thương bởi những trận đánh đập, đòn tra vẫn chưa lành hẳn...

Trong khi đó, phong trào đấu tranh ở miền Nam dâng lên mạnh mẽ đã buộc địch chùn tay, phải đem nhiều tử tù, trong đó có Lê Hồng Tư trở lại Côn Đảo giam cầm, đày đọa nhưng không dám thi hành án tử hình. Tại đó, qua một tử tù khác, là Lê Văn Dẩu, Lê Hồng Tư nhận được lời nhắn đồng ý của người yêu, người đồng chí Nguyễn Thị Châu. Sau 4 năm bị đọa đày trong tù ngục, đó là lần đầu tiên anh rơi nước mắt.

Ngày 5/5/1975, cùng hàng ngàn đồng chí đồng đội khác đang ở Côn Đảo, Lê Hồng Tư được tàu đón về Trung tâm đón tiếp các chiến sĩ tù Côn Đảo đặt tại Trường trung học Hùng Vương, quận 5. Gần 10h đêm, một chiếc xe Jeep phóng vào trung tâm. Trên xe là chị Chủ tịch Ủy ban quân quản quận 10 Nguyễn Thị Châu. Nhìn thấy chị, đôi chân người tử tù đã nhiều lần mạnh mẽ đạp lên cái chết chực khuỵu xuống. Nước mắt anh tuôn trào. Dưới ánh điện, họ chợt nhận ra tóc trên đầu người mình yêu đã điểm nhiều sợi bạc.

Ngày 17/8/1975, họ làm đám cưới, thực hiện lời hò hẹn năm xưa khi tuổi thanh xuân đã bị năm tháng lao tù tước đi gần hết. Mời 200 khách nhưng có hơn... 600 người đến dự. Người Sài Gòn tò mò muốn đến “coi cho biết” đám cưới Cách mạng được tổ chức thế nào. Quả thật, cũng... có lạ: Căngtin Học viện Hành chính Quốc gia, nơi tổ chức đám cưới, được trang hoàng bằng rất nhiều... khẩu hiệu, không khác gì một buổi lễ kết nạp Đảng, với cả bàn thờ Bác, cờ Tổ quốc, cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam.

"Áo trắng" - Cuốn sách Việt Nam hơn 30 năm khuấy động tâm hồn Hàn Quốc

Ở Hà Nội, nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã nảy ra ý tưởng lấy cuộc đời chị làm chất liệu để viết một cuốn sách. Đang nuôi ý định về Nam tiếp tục chiến đấu, ban đầu Nguyễn Thị Châu từ chối vì sợ lộ. Đồng chí Tố Hữu đã gặp và bảo chị: “Bác Hồ đã nghe chuyện về cháu. Bác rất cảm động. Bác muốn cháu kể để nhà văn viết sách, đó cũng là một cách động viên thúc đẩy cuộc đấu tranh”. Nghe nhà thơ Tố Hữu nói, chị khóc. Bác Hồ đã quan tâm, làm sao chị có thể phụ lòng. Và chị đã kể, kể miên man, kể trong nước mắt.

Sau một thời gian thai nghén, năm 1971, tại Yanta (Liên Xô), nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã hoàn tất cuốn truyện dài nhan đề Áo trắng. Câu chuyện cảm động về sự chịu đựng hy sinh của Phượng, cô nữ sinh áo trắng hiện thân của Nguyễn Thị Châu đã làm rung động cả một thế hệ thanh niên hai miền Nam Bắc.

Như một Thép đã tôi thế đấy của châu Á, Phượng đã thay Paven Corsaghin chinh phục trái tim, khối óc của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam, Indonesia, Triều Tiên, Hàn Quốc... những quốc gia có làn sóng đấu tranh chống độc tài, đòi dân chủ đang dâng mạnh mẽ. Tại Hàn Quốc, Phượng và Áo trắng là biểu tượng của niềm tin, của sự hy sinh cao cả vì tự do dân chủ.

Bị chính quyền độc tài Park Chung Hee, rồi sau đó là Chun Do Hwan ngăn cấm, sinh viên Hàn Quốc đã dịch và bí mật xuất bản cuốn sách này, xem như một cuốn “Sách đỏ” gối đầu giường, một kim chỉ nam cho cuộc đấu tranh vì dân chủ của họ. Áo trắng đã nuôi lớn tâm hồn khao khát tự do của nhiều thế hệ thanh niên, sinh viên bán đảo này.

Năm 1980, khi tiến hành cuộc biểu tình và bị chính quyền độc tài Chun Do Hwan đàn áp dã man tại Kwang Zou, rất nhiều sinh viên Hàn Quốc vẫn ôm khư khư cuốn Áo trắng trước ngực. Đến nay, tại Hàn Quốc, Áo trắng vẫn là cuốn sách nước ngoài được in nhiều nhất, đã tái bản tới lần thứ  35, mỗi lần lên tới hàng vạn bản.

Gần 30 năm sau ngày đầu tiên xuất bản cuốn Áo trắng tại Hàn Quốc, nhiều đoàn với rất đông nhà văn, nghệ sĩ, ký giả... của đất nước này, tìm đến Tp. HCM thăm ông bà Lê Hồng Tư – Nguyễn Thị Châu, để được tận mắt chứng kiến những anh hùng thần tượng của họ bằng xương bằng thịt. Đài Truyền hình Văn hóa Hàn Quốc (MBC) đã quay một bộ phim dài về họ.

Gần 70 tuổi, họ vẫn xưng hô với nhau là “anh – em” đầy trìu mến. Hôm tôi đến thăm, ông Lê Hồng Tư, tuy khá gầy gò vẫn chạy ngược lên lầu, dìu bà xuống từng nấc cầu thang. Khi bà ngồi tiếp chuyện tôi, ông ân cần rót cho bà từng ngụm nước...

Tôi hỏi: “Chắc hồi trẻ, cô đẹp lắm phải không cô?”. Nhìn sang ông, bà cười, vẫn còn bẽn lẽn: “Làm sao cô biết, cái này, cháu phải hỏi ông”. Trời đất, vụ này xem chừng không mấy khách quan. Cô ơi, cháu hỏi ông thì hỏi làm gì? Chẳng phải từ xưa đến giờ, lòng chú cũng chỉ có một mình cô đó hay sao

.
.