"Chết cho tư tưởng", những chuyện ngoài trang sách

Thứ Ba, 05/03/2019, 12:06
Bất chợt gặp Trần Ngọc Hiếu giữa phố xá Hà Nội ngày xuân, hoa nở đầy và dòng người du xuân tấp nập. Ai trong khung cảnh ấy, bước chân dạo phố chắc hẳn thư thả hơn, ý nghĩ dịu nhẹ, hân hoan và nét cười cũng rạng rỡ khác ngày thường. 

Nhưng ở Hiếu dường như chẳng có gì thay đổi, bước chân vẫn vội vã, nét mặt đầy suy tư. Và Hiếu vẫn nghĩ về những điều chẳng dịu nhẹ, kém hân hoan, thậm chí là về cái chết. Chả thế mà cuốn sách Hiếu dịch đầy tâm huyết lại có tên "Chết cho tư tưởng: Cuộc đời nguy hiểm của các triết gia"…

1. Cuốn Chết cho tư tưởng - Cuộc đời nguy hiểm của các triết gia do Hiếu dịch chẳng thể đọc ngấu nghiến trong một vài ngày, mà phải đọc nhẩn nha và chịu đựng không ít những cơn đau đầu thú vị. 

Tôi võ đoán rằng người dịch những cuốn sách dạng này, chắc hẳn cũng tư lự, bi quan, nhìn cuộc đời đầy màu xám. Bởi thế khi hẹn gặp Hiếu, tôi đã chuẩn bị tâm thế cho một buổi trò chuyện hết sức nghiêm túc, mà người đối diện sẽ phát ngôn như một nhà nghiên cứu già dặn. 

Nhưng khi đã chuyện trò với Hiếu, thì mọi sự chuẩn bị của tôi đều không khớp. Một phong thái rất trẻ, cách nói chuyện nhẹ nhàng nhưng sôi nổi, dí dỏm đã phá tan những mặc định trong tôi.

Dù đã dịch khá nhiều đầu sách cùng nhiều bài nghiên cứu "nặng kí" nhưng Trần Ngọc Hiếu chưa bao giờ thừa nhận mình là một dịch giả. Bởi theo anh, dịch giả phải là người làm công việc dịch thuật một cách kỉ luật, chứ không phải dịch một cách ngẫu hứng. 

Dịch giả Trần Ngọc Hiếu.

Mà với Hiếu, dịch thuật là ngẫu hứng, là sự yêu thích, là khi đồng điệu với tư tưởng tác giả, là khi nhận ra một phần con người mình trong tác phẩm.

Quá trình dịch cuốn sách Dying for ideas: The dangerous lives of the philosophers (Chết cho tư tưởng: Cuộc đời nguy hiểm của các triết gia) đến một cách tình cờ. 

Bắt đầu là những dòng khai bút đầu xuân trên blog cá nhân - Hiếu dịch một bài viết rất ấn tượng về cái chết của các triết gia của Giáo sư Costica Bradatan - nhà triết học Mỹ, Giáo sư ngành nhân văn tại Honors College thuộc Đại học Texas Tech và là giáo sư nghiên cứu triết học danh dự tại Đại học Queensland, Australia. 

Thật bất ngờ, Giáo sư Bradatan sau đó đã gửi thư cho Hiếu bày tỏ niềm vui và xúc động khi có một học giả Việt Nam hiểu và đồng cảm với những tư duy triết học của ông. Một tình bạn đẹp trong khoa học hình thành từ đó. Hiếu nhận thấy ở con người Costica Bradatan có nhiều điều đặc biệt và đáng khâm phục. 

Là người gốc Romania, từng theo học ngành luật, 22 tuổi, ông mới biết đến tiếng Anh. Sự khởi đầu tuy muộn màng nhưng được bù đắp bằng một sức bật không ngờ. Bradatan say mê nghiên cứu và nhanh chóng có được vị trí trong giới học thuật Mỹ vốn nổi tiếng khắc nghiệt. 

Ở Bradatan đã từng có sự hoang mang vụn vỡ, những hoài nghi về bản thân, nhưng ông đã nhanh chóng tái thiết lại con người và bền bỉ đi lên. Sau khi hoàn thành bản thảo cuốn sách "Dying for ideas", Giáo sư Bradatan đã gửi cho Hiếu. 

Mê mẩn và tâm đắc, ngay sau khi cuốn sách được nhà xuất bản Bloomsbury, Mỹ phát hành tháng 2-2015, Hiếu đã bắt tay vào dịch với sự ấn tượng về con người và cách nhìn nhận cái chết của Bradatan. 

Hai năm sau, độc giả Việt Nam nồng nhiệt đón nhận bản dịch tiếng Việt. Giáo sư Bradatan đã sang Việt Nam và có buổi giới thiệu và trao đổi về cuốn sách. Hiện tại, giữa họ vẫn có sự liên lạc, trao đổi học thuật thân tình.

Trong suốt quá trình dịch Chết cho tư tưởng, Trần Ngọc Hiếu không nghĩ cuốn sách sẽ được xuất bản thành công ở Việt Nam. 

Nhưng khi đã phát hành, được sự tiếp nhận của giới trẻ, Hiếu mới nhận ra rằng, triết học - với ý nghĩa yêu mến sự thông thái, khai minh con người - ở thời kì nào cũng có một lượng độc giả bền bỉ. 

Tinh thần triết học của cuốn sách đã ngấm vào Hiếu một cách tự nhiên, nên Hiếu đã dịch bằng ngôn ngữ súc tích và dễ hiểu nhất. Đọc sách của Hiếu, không ít độc giả Việt Nam nhận ra rằng sự sống không thể có ý nghĩa trọn vẹn nếu thiếu đi cái chết. 

Bởi vậy, mục đích của cuộc đời, nhiều khi chính là chết một cái chết đầy ý nghĩa. Và cái chết không đáng sợ bằng cuộc sống nhạt nhòa, vô nghĩa. Với thông điệp tích cực này, Hiếu không phải là người bi quan, tư lự như tôi tưởng. Ngược lại, cách nghĩ tích cực của Hiếu khiến tôi thấy bất ngờ.

Bìa sách "Chết cho tư tưởng - Cuộc đời nguy hiểm của các triết gia".

2. Hiếu gắn bó với khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ khi còn là sinh viên, sau khi tốt nghiệp được giữ lại giảng dạy. Ban đầu tôi cứ nghĩ, ông thầy này chắc nghiêm nghị và khô khan. 

Nhưng không, những bài giảng về lí luận văn học của Hiếu cho sinh viên khoa Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Sinh viên bước vào buổi học với tâm thế căng mắt, căng tai và lẹ cây bút, chạy đua với vận tốc mau lẹ của lời thầy. Hiếu giảng mà như diễn thuyết, như đang biểu đạt một cách gấp gáp dòng tư duy chảy tràn. 

Hiếu với học trò, là sự chia sẻ kiến thức, thậm chí là tranh luận, khiêu khích tư duy. Hiếu hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học kĩ lưỡng và thận trọng, như là sự tìm tòi song hành đầy tin tưởng.

Hiếu với khoa học, cực kì cẩn trọng và nghiêm túc. Hiếu hứng thú và đi sâu nghiên cứu về lý thuyết văn học, văn học Việt Nam hiện đại và văn học so sánh. Những tư duy khoa học nhiều khi được Hiếu gửi gắm trong các bài viết đăng báo. 

Bởi thế mà Hiếu thường xuyên viết bài cho Tạp chí Tia sáng - Diễn đàn của trí thức Việt Nam, tạp chí của Bộ Khoa học và Công nghệ. "Cộng tác viên của năm" là danh xưng mà tạp chí này từng dành cho anh, đủ thấy sức đóng góp của Hiếu cho tạp chí này. Hiếu bảo, nếu chỉ truyền dạy mà không viết, đầu óc dễ nhạt nhòa, chống chếnh.   

Nhiều người nhận xét, Hiếu rất "già" từ khi còn trẻ, là sự già trong cách nghĩ, cách triển khai vấn đề rất chững chạc, chính xác và khoa học. Còn bây giờ, với bất cứ ai tiếp xúc đều nhận xét rằng, Hiếu rất trẻ khi tuổi đã không còn trẻ nữa. 

Ấy là vì ngoại hình của Hiếu, gương mặt sáng, cách nói chuyện cuốn hút và sôi nổi. Ấy là bởi Hiếu luôn quan tâm đến những trẻ em và những người trẻ. Hiếu nghĩ nên cho trẻ em tiếp cận triết học ngay từ khi còn nhỏ. Bởi triết học sẽ giúp bọn trẻ có những cách nhìn, cách cảm nhận thế giới, cách cảm nhận về bản thân. 

Trong nhiều đề thi cho học sinh ở các nước trên thế giới có đề cập đến cái chết, đến sự thất bại một cách đầy thú vị: "Em hiểu thế nào là cái chết", "Bà ngoại tôi đã thu nhỏ như thế nào?", "Bạn như thế nào để đối diện với thất bại?"... Đó là cách nhìn rất triết học nhưng lại rất khác so với những tư duy quen thuộc về thành công, về lòng dũng cảm,… 

Hiếu nêu những vấn đề nặng tính triết lí một cách đầy nhẹ nhàng, từ tốn, từ giọng nói đến phong thái, đặc biệt là nụ cười luôn thường trực. Điều đó làm người nghe dễ chịu, dễ tiếp nhận và nhớ lâu. Trong vòng quay chóng mặt của thời số hóa, giữa bao nhiêu gặp gỡ, thông tin, phản hồi, liên lạc, thì những điều Hiếu nói vẫn đọng lại.

Giáo sư Costica Bradatan (bìa trái) và dịch giả Trần Ngọc Hiếu (bìa phải) trong buổi giới thiệu sách "Chết cho tư tưởng" tại Hà Nội.

Điều tôi thực sự thấy an tâm và đầy cảm hứng khi nói chuyện với Trần Ngọc Hiếu - với tư cách một nhà giáo dục, là anh luôn quan tâm đến giáo dục, ở nhiều cấp độ. Và những điều Hiếu đã và đang thực hiện, đều xoay quanh giáo dục. 

Hiếu là giảng viên truyền dạy kiến thức cho sinh viên, Hiếu tự xây dựng và dạy nhiều chuyên đề văn học cho các nhóm học sinh phổ thông, Hiếu dịch sách để gợi mở một cách dạy, cách tiếp cận kiến thức và cao hơn nữa là cách sống đầy ý nghĩa. Ban đầu, Hiếu đọc sách triết học để phục vụ công việc giảng dạy. Nhưng khi đã đam mê, yêu thích, Hiếu tìm đến triết học như một sự tự thân. 

Khi tinh thần triết học đã ngấm vào mỗi người, họ sẽ thấy trong đời sống này, khi nhiều giá trị trong xã hội bị chao đảo, khi thông tin thật - giả lẫn lộn, thì mỗi người cần xác định được hệ giá trị sống để đứng vững, để không tủi thân, đố kị và hoang mang. 

Chẳng hạn như chuyện không ít phụ huynh không muốn con mình học văn, dấn thân vào nghiệp văn chương bởi theo họ học văn sẽ vận vào thân, sẽ cả nghĩ nên cuộc đời nhiều bi lụy, đa sầu đa cảm. 

Nhưng nếu nhìn nhận một cách triết học thì như nhà văn Peru Mario Vargas Llosa, người đoạt giải Nobel Văn học 2010 đã nói: "Văn chương là thức ăn của tinh thần nổi loạn". 

Học văn để cứng cỏi hơn trong đời sống này, học văn để biết cách thích nghi, nhưng nhiều khi cả sự không thích nghi cũng mang lại ý nghĩa và vẻ đẹp riêng. Học văn để biết đến sự thành công, biết đến hạnh phúc, nhưng cũng là để biết rằng thất bại, buồn đau là điều hết sức phổ biến. 

Bởi vậy, người dạy văn phải làm cho học sinh tiếp cận và yêu sự phức tạp vốn có của các trạng huống thuộc về đời sống.

Hỏi Hiếu rằng ôm đồm nhiều công việc có làm anh mệt, Hiếu cười, không làm việc có lẽ còn buồn chán và mệt mỏi hơn. Chẳng hạn, với công việc dịch, Hiếu có thể làm mọi lúc mọi nơi. Một tiết học trống không phải lên lớp Hiếu cũng có thể ngồi dịch say sưa. 

Ngày đầu năm, trò chuyện cùng Hiếu về cái chết, về giáo dục, về sách, về văn chương, thu lại được nguồn năng lượng tích cực, khơi lên những ý tưởng sáng, khởi đầu cho một năm mới hanh thông.

Gương mặt suy tư của Hiếu tôi bất chợt gặp trên phố giờ đây không làm tôi băn khoăn nữa. Bởi Hiếu thú vị và giàu ý tưởng hơn khi tiếp xúc, chuyện trò. Mong chờ được đọc thêm cuốn sách mới mà Hiếu ấp ủ sẽ dịch trong năm nay…

Huyền Châm
.
.