Châu La Việt: Lòng thầm hát một khúc ca kiêu hãnh
Châu La Việt đi về giữa Hà Nội và Sài Gòn như “cơm bữa”. Ở vào tuổi đã nếm trải đủ những thăng trầm trong cuộc đời, những vui buồn, sướng khổ của tuổi ấu thơ, của đời lính, của thời công chức, của những lo toan khi đang tuổi trẻ hay đã toan về già… nhưng gặp Châu La Việt lúc nào cũng thấy anh xem mọi thứ nhẹ tựa lông hồng, tặc lưỡi trước mọi biến cố của đời sống. Chỉ thấy hiển hiện trong anh là sự tất bật, tất bật chuẩn bị công việc này, chương trình nọ, khi thì ráo riết kịch bản, tìm MC, tìm diễn viên, tìm khách mời cho các chương trình lớn nhỏ: Chương trình kỷ niệm 40 năm ca hát của người bạn - NSƯT Dương Minh Đức, chương trình tưởng niệm nhà thơ Tố Hữu, khi lại là chương trình về nhà thơ Xuân Thiều… Tôi cứ thầm nghĩ, nếu như không có công việc bù đắp lại quãng thời gian rảnh rang, thì con người tất bật ấy, con người đầy bạn hữu và nhiều mối quan hệ ấy sẽ không thể lấy gì khỏa lấp được nỗi cô đơn trong tâm hồn vốn dĩ đã nếm trải nhiều va vấp ?
Với nhiều người cầm bút thuộc thế hệ ông, cái tên Châu La Việt đã trở nên khá thân thuộc từ những năm chống Mỹ cứu nước. Song hành với đời lính là những trang thơ mang tâm hồn lính, tính cách lính với những rung động nội tâm thuần phác... Nói về điều này, Châu La Việt trầm ngâm: “Tôi yêu văn học từ ngày còn thơ bé. Hành trang vào đời của tôi, ngoài tiếng hát của mẹ, ngoài khẩu súng mang theo ra chiến trận, là những trang văn, trang thơ, những quyển sách văn học nổi tiếng. Tôi đọc nhiều, đọc như một lẽ sống của đời mình. Đọc nhưng không nghĩ có một ngày tôi cầm bút viết văn. Truyện ngắn đầu tiên tôi viết là do nhiệm vụ. Năm 1971, đang chiến đấu ở một đại đội cao xạ pháo bảo vệ con đường đến cánh đồng Chum, tôi được binh trạm gọi về cơ quan tuyên huấn, đi tập huấn văn nghệ và đi dự một trại viết quân đội của tổng cục hậu cần tại công trường 800 Hà Nội. Truyện ngắn đầu tay Những tầng cây săng lẻ được viết trong dịp này. Ngay khi truyện ngắn viết xong đã được giới thiệu ở tạp chí Văn nghệ quân đội. Năm đó, tôi 19 tuổi. Đó cũng là một cú hích đầu đời làm bệ phóng cho tôi trên con đường văn học”.
Năm 2013, Châu La Việt đã in tập truyện ngắn gồm 7 truyện và lấy tên Những tầng cây săng lẻ là đề từ. Đọc tập truyện ngắn này, nhà văn Đỗ Chu đã nhận xét: Tôi đọc Những tầng cây săng lẻ trong vòng một tuần. Mất thêm một tuần nữa loanh quanh không rứt ra nổi bảy truyện trong tập này. Không phải loanh quanh tìm một hướng viết cho lời tựa mà vì đây là những trang viết có sức ám ảnh người đọc. Đây là những trang viết thô mộc không ít vụng về vậy mà qua nó ta bỗng như gặp lại tiếng vang xào xạc của những cánh rừng xa, tiếng vọng nghiêm trang của những tháng năm xưa. Tôi muốn cám ơn tác giả về điều đó. Một giá trị đáng kể làm nên sức nặng cho tập sách cũng là ở đó”.
Rồi như thể gợi về những tháng năm đời lính, Châu La Việt kể lại:
“Trường Sơn là những ký ức không thể nào nguôi ngoai về tình đồng đội. Bạn tôi là Hữu Chính, cùng lớp lính Hà Nội vào, cùng giã từ mái trường phổ thông và cùng lên đường nhập ngũ như tôi một ngày. Rồi chúng tôi đến Trường Sơn ở một trọng điểm mang tên “cánh chim bay”, nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy ở đây một cánh chim nào vì ngày đêm bom đạn tơi bời. Có một đêm, đến phiên Hữu được nghỉ nhưng không hiểu sao lại cứ đòi lên mặt đường trực thay tôi, dù tôi đã từ chối bằng mọi cách mà Chính cũng chẳng chịu đặng đừng. Rồi cả nể quá, tôi đã để bạn đi thay. Đó là một đêm bom đạn chưa từng thấy, bắt đầu bằng một chiếc trinh sát OV 10 của địch, rồi sau đó là hàng đàn máy bay bay đến bắn pháo sáng, thả bom rầm rầm. Nằm trong hầm dưới chân đèo mà lòng dạ tôi cứ rối bời, cho đến lúc hàng loạt đạn cấp cứu của quân ta vang lên thì tôi đã chẳng cầm lòng được và cũng xông lên mặt đường. Nhưng khi vừa tới nơi, thì đã thấy Hữu Chính nằm đó, máu me đầy người, đôi mắt nhắm nghiền. Tôi chỉ biết lao tới, ôm chầm lấy Chính mà khóc thương bạn…”.
Châu La Việt ít khi nhắc tới câu chuyện về cuộc đời mình, dù không ít bạn bè anh hiểu anh là một người đầy số phận bởi chịu nhiều nỗi trắc trở ngay từ thời thơ bé. Anh là con trai của nữ ca sĩ Tân Nhân, nữ nghệ sĩ gắn bó tên tuổi với bài hát Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ). Anh yêu mẹ mình hơn cả bản thân. Yêu và thương mẹ, đồng cảm cùng mẹ trong suốt cả hành trình cuộc sống. Tiếng hát người mẹ nghệ sĩ ấy cũng đã chi phối rất nhiều đến trang viết của anh: “Tôi yêu cuộc đời bằng nước mắt/ Nếu đêm ấy tôi không nghe khúc hát/ Đêm hát cuối cùng người ca sỹ bạc đầu/ Về một tình yêu khổ đau với nghệ thuật/ Về một tình yêu khắc khoải với mai sau…”.
Những ngày ở mặt trận, ngoài viết văn, làm thơ, Châu La Việt còn viết kịch bản sân khấu. Anh kể lại rằng, đấy cũng là một cơ duyên khi về đến đơn vị, anh được chính ủy Dư Cao thay mặt đảng ủy BT giao nhiệm vụ viết kịch bản sân khấu cho đội tuyên văn của binh trạm đi diễn phục vụ chiến dịch. “Sân khấu của chúng tôi lúc ấy là một đại đội xe không kính, một trạm giao liên giữa rừng sâu, một kho hàng có khi chỉ một hai người trông kho và người diễn nhiều hơn người xem… Họ nghe chúng tôi hát, họ xem kịch chúng tôi diễn. Những vở kịch ấy, chẳng ở đâu xa lạ, mà nói ngay về cuộc sống chiến đấu của binh trạm chúng tôi, một binh trạm ác liệt thuộc mặt trận phía tây của tổ quốc. Tôi sung sướng vì là tác giả của những kịch bản ấy. Chính ủy khen ngợi, lính tráng yêu thích, lại còn được giới thiệu trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam”. Nhà văn Phan Trung Nhân, trợ lý chính trị BT 13 cho biết: Hồi đó, Việt đã có những vần thơ được anh em đồng đội chép vào sổ tay (như Tuổi trẻ Trường Sơn) hay truyền tụng: “Khi đi ra chiến trường/ Chúng tôi xếp hàng ngang/ Không ai muốn lùi bước/ Khi đi nhận lương thực/ Chúng tôi xếp hàng dọc/ Đồng chí khỏe đứng sau/ Đồng chí yếu đứng trước/ Đồng chí nào thương tật/ Đề nghị xếp lên đầu”... Châu La Việt tâm sự: “Được như thế với một người lính như tôi, chẳng còn gì mỹ mãn bằng”.
Trong lời tựa tập thơ 5 bài thơ và 5 câu chuyện về lính, nhà thơ Hữu Thỉnh viết: “Châu La Việt (bút danh Triệu Phong) cầm bút khá sớm, mặc áo lính càng sớm hơn. Những năm tháng ở chiến trường, anh đã tự thể nghiệm ở khá nhiều thể loại, nhưng say đắm nhất là thơ. Với thế hệ cầm bút của tôi, cái tên Châu La Việt đã trở nên khá thân thuộc từ những năm đầu chống Mỹ. Với Châu La Việt, thơ với đời, đời với thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn chương và đời lính, hiện thực và mộng mơ… Đó là một thứ của tin mà tác giả đã gặt hái được qua những năm tháng đẹp nhất của đời mình”.
Cho đến nay riêng về sách anh đã có 7 tập dày dặn bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch: Những tầng cây săng lẻ, Ký sự Miền Nam, Mai Pi Muôn, Một buổi sáng nhiều chim, Chim vẫn hót cúc cu bên đồi, Đất trời như vẫn vang hồi trống giục… Sách của anh in số lượng không nhiều, càng không phải để bán, mà hầu hết để tặng những đồng đội của mình năm xưa nơi lửa đạn, để rồi họ đọc như thể xem lại những thước phim chân thực thời trai trẻ của mình. Không chỉ thế, do may mắn có một cuộc sống sung túc hơn nhiều bè bạn, nên anh in khá nhiều sách (trên 30 tập) cho những liệt sỹ đã hy sinh như nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà thơ Nguyễn Trọng Định… những tài năng văn học như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thành Phong… Hay những người lính ở mặt trận không ngờ đời mình có ngày được in một tập thơ ở nhà xuất bản như chiến sỹ đặc công Phạm Văn Thanh hay anh lính Tây Nguyên Nguyễn Trọng Luân với tập thơ Gọi Tây Nguyên mới đây… Dường như mỗi ngày đối với anh, ngoài việc dành tình cảm và công sức cho anh em đồng đội, cho gia đình, cho những bạn bè từ thuở ấu thơ (những bạn học của anh từ thời phổ thông sau 45 năm vẫn hết sức thân thiết như Nguyễn Hiệp, Trương Quốc Dũng, Nguyễn Đức Thọ, Bùi Lê Huyên…), anh còn dành để gom nhặt những trang viết mà anh đã mong ước tự tuổi ấu thơ và qua nhiều năm tháng đã dần trở nên dày dặn.
Luôn là người sống gấp, sống hết mình vì anh em đồng đội, luôn nói cười sôi nổi như thể ở đời chẳng có gì phiền muộn, nhưng ít ai biết rằng, đằng sau sự lặng lẽ, giản dị ấy, có một Châu La Việt giữa Sài Gòn ngồi trên những chiếc xe hơi đời mới nhất, đến những nơi sang trọng nhất, nhưng vẫn bốn mùa chân đi dép cao su như thời lính ngày nào vượt Trường Sơn. Anh đôi khi “rõ mồn một” nhưng đôi khi là một chân dung đầy bí ẩn, khó nắm bắt. Để hiểu về anh, chỉ có thể đọc những trang sách, những bài báo (nhiều năm tháng Châu La Việt là nhà báo) anh viết. Nhiều khi tôi cảm nhận rằng, với Châu La Việt, viết văn, làm thơ chỉ là cái cớ để làm việc thiện, để như trả nghĩa cuộc đời đã cưu mang và bao bọc anh, trả nghĩa đấng sinh thành cùng tiếng hát mẹ anh đã nuôi nấng tuổi thơ nhọc nhằn qua nhiều giông bão để anh có ngày hôm nay thảnh thơi, ung dung, tự tại. Nhưng dù vậy, những trang văn của anh vẫn có giá trị nhất định đối với dòng văn học chiến tranh cách mạng.
Và con đường văn học với anh đúng như nhà văn Đỗ Chu đã nói: “Như mọi con đường lớn, con đường văn chương mà ta đã tự nguyện lựa chọn phải là con đường xa, đường xa lắm ghềnh thác thử thách, đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh. Giờ đây Châu La Việt đang bước lên với một phong độ đẹp, tôi tin ở những chặng đường sắp tới anh đi. Người ta thường nói, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Châu La Việt đúng là con nhà nòi. Đã mang trong mình nết thư hương thì không thể khác được. Tôi hình dung sắp đến với anh sẽ là những năm tháng nhiều vất vả, kiêu hãnh. Nếu đợi sự dễ dàng thì đã chả chọn lối đi này. Hãy viết như mẹ anh từng đã hát. Ngậm từng chữ, nhả từng câu, đau như lòng tằm và quý phái như tấm lụa tơ tằm. Say mê tột cùng và thương nhớ cũng tột cùng…”.
Không phải bỗng nhiên mà một nhà văn “lão làng” như nhà văn Đỗ Chu lại viết những dòng đầy xúc cảm và đẹp như thế cho một cây bút sau mình…