Chấp chới giữ sự sống cho chồng

Thứ Năm, 05/09/2013, 13:48

Đã lâu lắm rồi tôi không viết về thân phận. Phần vì tôi bận lao vào mảng đề tài liên quan đến pháp luật mà tòa soạn phân công, phần khác còn vì tôi sợ “đụng” vào lãnh địa này. Bởi chắc chắn, tôi sẽ lại gặp những số phận trớ trắc. Nhưng khi biết câu chuyện của Hà Thị Hằng, nữ phóng viên học sau tôi 8 khóa ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, sự đồng cảm trong tôi trào dâng. Từng trải qua đáy của sự tuyệt vọng nên tôi hiểu phần nào cảm giác của Hằng. Tôi cầu mong, chút hy vọng le lói cứu sống chồng của Hằng sẽ bừng sáng...

1. Hằng khá trẻ so với tuổi 27. Cô cắt tóc tém, làn da trắng và có điệu cười... thoải mái. Nhìn bề ngoài trẻ trung, khỏe khoắn và yêu đời của Hằng, không ai biết cô đang ôm trong lòng đủ sự bộn bề. Hiện tại, Hằng đang làm mảng văn hóa ở một tờ báo điện tử. Do chuyên mục của Hằng chỉ có duy nhất cô vừa phụ trách, vừa làm phóng viên nên áp lực bài vở nặng lắm.

Có rất nhiều đêm xem show game xong, Hằng phải “cày” luôn,  bởi 6h sáng hôm sau phải đưa bài lên online rồi. Làm báo điện tử là thế, phải rất nhanh nên phóng viên chạy bở hơi tai. Hầu như ngày nào cũng phải viết tin bài nên thời gian để đi giao du, cà phê cùng bạn bè của cô phóng viên trẻ không nhiều. Với lại, Hằng đang che giấu bí mật của mình nên cô cũng ngại gặp bạn bè. Bởi nếu gặp bạn bè hỏi chuyện riêng tư lại phải khai ra. Nếu khai thật thì sẽ nhận được bao lời xuýt xoa... Nếu né đi thì họ lại nghĩ nọ kia, có khi lại cho rằng Hằng đang ly thân, ly hôn nữa ấy chứ...

Việc Hằng cưới chồng cách đây hơn 4 năm chỉ có hai đứa bạn thân biết. Có người trách cô... Những lúc ấy, Hằng chỉ cười. Cô giấu hạnh phúc của mình cũng giống như đã từng giấu bất hạnh của mình. Cái bất hạnh ấy không chỉ mình cô hứng chịu. Nó đang giày xéo lên mẹ chồng cô, lên chồng cô... Nhìn họ đau đớn, tuyệt vọng, cô tự nhủ, mình phải cố lên, phải là chỗ dựa cho họ... Cô ra đi, quá dễ. Khi đó, mọi thứ sẽ vỡ òa. Bệnh tật có thể chưa giết chết chồng cô, nhưng cú sốc tinh thần sẽ hạ gục anh. Khi đó, người mẹ chồng cả đời gánh những vất vả, lo toan, mất mát sẽ sống sao đây...

Cứ nghĩ cái cảnh Hằng dứt áo rời khỏi quê hương, để lại người chồng bệnh tật và người mẹ chồng ở quê mà tôi ứa lệ. Sự ra đi của Hằng không phải là chia lìa. Cô ra Hà Nội để làm báo, kiếm tiền nuôi thân, chữa trị bệnh cho chồng. Nghề báo vốn vất vả, cực nhọc. Lại ở cái thời suy thoái kinh tế, đồng tiền kiếm được từ công việc viết lách đâu có nhiều. Với lại, đã đụng đến việc viết lách thì cảm xúc rất quan trọng.

Một người suốt ngày ngồi trên đống lửa như Hằng thì việc “gọi” cảm xúc về cho câu chữ đâu có dễ.  Ấy thế mà, Hằng vẫn làm nghề. Hằng bảo rằng, đã có lúc, cô từng làm trái ngành. Nhưng rồi, niềm đam mê viết lách đã kéo cô trở về với nghề viết. Cô viết cho thoả ước mong thời thiếu nữ, viết để mưu sinh và cũng để hy vọng. Ban đầu, cái làng quê nhỏ ven sông Chu (Thọ Xuân, Thanh Hoá) có không ít lời dị nghị rằng, “con dâu nhà bà Quý (tên mẹ chồng Hằng) chắc rồi cũng bỏ rơi thằng chồng bệnh tật thôi”, rằng, “nó là nhà báo cơ mà, ra Hà Nội có nhiều cơ hội, dại gì mà không giải phóng cho mình”…

Ấy vậy nhưng thời gian đã chứng minh ngược lại những lời người đời nói. Hằng vẫn đi về ngôi nhà ấy, chồng Hằng vẫn cần mẫn tháng 1 lần đi thăm vợ, bà Quý vẫn không ngớt lời khen đứa con dâu trẻ người nhưng không non dạ… Điều gì khiến một cô phóng viên trẻ bước vào tình yêu bằng những câu thơ, bước vào đời với bao mộng đẹp nhưng sớm nhận trái đắng chỉ sau 4 tháng lên xe hoa vẫn cặm cụi viết báo nuôi chồng bệnh hiểm nghèo và đang nuôi hy vọng giữ được sự sống cho anh?

2. Hồi còn là cô nữ sinh cấp III trường huyện, Hằng đã tập tọe làm thơ. Thơ Hằng viết ra gửi chuyên mục “Tác phẩm đầu tay” của Ban Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam. Hằng bất ngờ và vui sướng vô cùng khi những câu thơ vụng dại của cô lần đầu được lên sóng. Dần dà, thơ của Hằng được đọc trên đài đều hơn. Niềm khích lệ vì thế cũng được nhân lên. Cô bé làm thơ còn vui sướng vô cùng khi nhận được lá thư làm quen của bạn nghe đài. Người viết thư là anh lính trẻ đóng quân ở Đà Nẵng. Anh cũng sinh ra và lớn lên bên dòng sông Chu.

Qua thư, Hằng mới biết, chàng lính trẻ làm nhiệm vụ đứng gác. Trên vọng gác có cái đài nhỏ. Những lúc chờ đổi ca, chàng lính trẻ thường bật đài lên nghe. Những câu thơ có dáng hình con sông Chu hiền hòa vào mùa nước lặng, dữ tợn vào mùa lũ khiến anh nhớ đến quê nhà. Nó ngấm vào anh, nó thôi thúc anh viết thư làm quen với tác giả của những câu thơ ấy. Thư đi, thư lại, hai người dần cảm mến nhau.

Hằng đỗ vào khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Khi nhập trường, cô nữ sinh vẫn ôm mộng với chàng lính trẻ. Ở Đà Nẵng, anh vẫn thường xuyên biên thư cho Hằng. Không chỉ có những trang viết dày đặc con chữ của yêu thương, nhớ nhung, họ còn lên mạng để “chát chít”.

Nói chuyện qua chát cũng có những cái thú vị riêng. Những câu chữ ngắn gọn nhưng mỗi lần “bum” qua, “bum” lại luôn được cả hai hồi hộp chờ đón. Rồi những cuộc “nấu cháo” điện thoại dài mấy chục phút... Tình cảm họ dành cho nhau dạt dào đến mức, cần phải có cuộc gặp mặt.

Và rồi, cuộc gặp của những người “tình trong như đã” diễn ra. Hôm nay, Hằng kể rằng khi mới gặp, cô hơi... thất vọng về vẻ bề ngoài của Chiến (tên chồng Hằng). Thế nhưng, thoáng thất vọng qua nhanh khi càng ở gần, cô càng thấy con người anh đúng là người... trong thư. Sau đó, Chiến về đơn vị, còn Hằng vẫn mải miết trên giảng đường.

Chiến ra quân, anh mang chút mặc cảm là học vấn kém cạnh người yêu. Thế là Chiến thi vào một trường cao đẳng ở tỉnh Ninh Bình. Khi cả hai tốt nghiệp, họ cùng xây mộng đẹp là kiếm việc làm ở Hà Nội. Trước khi đặt viên gạch đầu tiên ở thủ đô, họ về quê làm đám cưới sau 6 năm yêu nhau. “Sự mơ mộng của bọn em cũng có cơ sở chứ không phải trên mây, trên gió đâu. Hai đứa sẽ xin việc làm, thuê một cái phòng nhỏ. Một hai năm ổn định sẽ sinh con. Con chúng em bà nội sẽ ra trông giúp...”.

Hằng nói về dự định ban đầu của hai vợ chồng. Quả thật, chẳng phải Hằng – Chiến ôm mộng “một túp lều tranh hai trái tim vàng” một cách viển vông đâu. Rõ ràng, các em định “xây nhà” trên nền tảng vững chắc đấy chứ, dẫu biết rằng để xây được nó là vô cùng vất vả. Thế mà ước nguyện của hai người đã không thành...

3. 4 tháng sau ngày cưới, Chiến phát bệnh suy thận độ 4. Căn bệnh đến bất ngờ khiến cả người mang bệnh lẫn vợ anh chẳng hiểu nó là thế nào. Đến khi hiểu ra mức độ nghiêm trọng của căn bệnh thì Chiến suy sụp, Hằng ngỡ ngàng, mẹ anh ngã quỵ. Thế nhưng, mọi người phải vịn vào nhau để Chiến còn sống nữa chứ. Thế là những ngày dài ở bệnh viện vật lộn với cuộc chiến sinh tử. Hằng biết, Chiến rất buồn và thất vọng về bản thân. Mẹ anh cũng rất buồn khi cậu con trai duy nhất, niềm hy vọng lúc tuổi già của bà bỗng dưng bị bệnh tật đánh gục. Cô cũng buồn. Buồn cho tình cảnh của mình. Có những lúc, bệnh của Chiến nặng đến mức, anh không nhận ra vợ mình.

Có những lúc, những điều gièm pha của người đời khiến cô phát khóc. Mẹ chồng cô, đã có lúc gọi cô vào khuyên cô nên tự giải phóng cho mình. Hôm nay, tôi hỏi, trước những sóng gió như vậy, cô có lung lay không? Hằng thừa nhận, đã có lúc cô dao động. Nhưng sự dao động ấy chỉ trong chốc lát, bởi nhìn Chiến, cô không nỡ. Hơn nữa, cô nghĩ về cái tình. Chẳng nhẽ những lời ngọt ngào, những lời thề thốt đều trở nên vô nghĩa hết sao. Chẳng nhẽ, người ta chỉ yêu nhau khi khỏe mạnh, khi giàu có. Còn khi ốm đau, tật bệnh thì không thể có tình yêu được sao? Chẳng nhẽ, con người ta sống lại bạc bẽo với nhau đến vậy? Thiên hạ nói thế nào thì nói, Hằng không thể sống như vậy được.

Hơn một năm trời, người vợ trẻ gác cái bằng Cử nhân Báo chí ở nhà để lẽo đẽo theo chồng đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Khi sức khỏe của Chiến dần ổn định, khi anh có thể tự đi xe bus từ nhà đến bệnh viện tỉnh chạy thận tuần 3 lần, Hằng quyết định khăn gói ra Hà Nội kiếm cơm. Từ khi Chiến mắc bệnh, trong nhà đồ vật có giá trị đều “ra đi” hết. Mẹ chồng Hằng đã già yếu nhưng hàng ngày vẫn lọc cọc trên cái xe đạp đi bán thịt lợn dạo khắp làng. Mỗi ngày như thế, bà kiếm được dăm chục nghìn. Trước tình cảnh ấy, Hằng không thể không kiếm tiền. Cô ra Hà Nội, ban đầu, đầu quân cho một doanh nghiệp với chân làm truyền thông. Sau đó, nghề báo thôi thúc khiến cô không thể chối từ. Cô đi viết báo lấy tiền nuôi thân, một phần gửi về cho mẹ chồng. Cô gom góp những đồng tiền ít ỏi để níu giữ sự sống cho chồng mình.

Đến nay, Chiến chạy thận đã được 4 năm. Hằng được các bác sỹ cảnh báo, nếu cứ tiếp tục chạy thận, rất có thể Chiến bị suy tim, suy gan... Lời khuyên tốt nhất của bác sỹ là nên ghép thận. Mẹ chồng Hằng, người đàn bà tần tảo cả đời, tình nguyện tặng con một quả thận. Nhưng chi phí ghép thận những 300 triệu. Ngôi nhà ở quê rao bán mấy năm trời chẳng ai mua. Mà nếu có người mua cũng chỉ được một phần tiền nhỏ... Nhưng chỉ có ghép thận, Chiến mới có cơ hội sống khỏe. Với thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng từ nghề báo, đến bao giờ Hằng mới gom đủ số tiền này đây?

Vợ chồng em giờ lại giống hồi yêu, nghĩa là thi thoảng mới gặp nhau. Còn lại chủ yếu nói chuyện qua điện thoại, Hằng nói với tôi như vậy. Trong ánh mắt loáng nước của cô thấp thoáng tia cười... Ước gì, những người yêu nhau mãi được sống bên nhau. Ước gì, Hằng sẽ có đủ số tiền em cần. Khi đó, em không phải rơi xuống đáy của sự tuyệt vọng như những gì người viết bài này đã trải qua...

Cao Hồng
.
.