Chân dung nhìn gần của lãnh tụ Xô Viết Stalin: Ngọn gió lịch sử thổi bạt mọi dối trá

Chủ Nhật, 08/07/2012, 17:10
Thông thường, tầm cỡ nhân vật càng lớn thì càng dễ bị ai đó trong đám hậu sinh bóp méo sự thật để nói xấu. Có lẽ cũng hiểu được điều này nên ngay từ năm 1943,  lãnh tụ Xô viết Stalin đã nói với các đồng chí của mình: “Tôi biết rằng sau khi tôi qua đời, sẽ có những kẻ mang nhiều rác rưởi tới phủ lên mộ của tôi. Nhưng rồi ngọn gió của lịch sử sẽ thổi bạt tất cả những thứ rác rưởi đó”.

Ở nước Nga hiện nay đang có không ít những kẻ tà tâm muốn xuyên tạc sự thật vốn có để phủ nhận một giai đoạn Xô viết rất quan trọng trong lịch sử hiện đại ở đây. Và một trong những nhà lãnh đạo bị bêu xấu nhiều nhất là Stalin. Thế nhưng, những tài liệu xác thực còn lưu lại tới hôm nay cho thấy, ông vẫn là một chính trị gia vĩ đại với những phẩm hạnh rất không tầm thường. Những câu chuyện sau đây đã được nhà văn Nga Feliks Chuyev sưu tầm qua những người trong cuộc, từng được trực tiếp tiếp xúc với Stalin, sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn về ông.

Zasyadko

Thảo luận về nhân sự cho chức Dân ủy phụ trách khai thác mỏ. Có người nêu tên giám đốc một mỏ than là Zasyadko. Ai đó phản bác:

- Mọi thứ đều tốt nhưng đồng chí này uống rượu hơi bị nhiều.

- Thế hãy mời đồng chí ấy lên gặp tôi, - Stalin nói.  Zasyadko tới. Stalin trò chuyện  với ông và mời uống rượu.

- Rất hân hạnh ạ, - Zasyadko nói và tự rót rượu cho mình: - Chúc sức khỏe đồng chí ạ! – Rồi ông uống cạn ly và lại tiếp tục nói chuyện.

Stalin cũng nhấp môi một ngụm rồi chăm chú quan sát và mời ly nữa. Zasyadko cũng làm một hơi cạn ly ngay. Thế nhưng, khi Stalin mời thêm ly thứ ba thì Zasyadko từ chối:

- Zasyadko này biết thế nào là đủ!

Tại cuộc họp Bộ Chính trị tiếp theo, khi lại bàn tới vấn đề nhân sự cho chức Dân ủy phụ trách khai thác mỏ và lại có người nói tới tật nghiện rượu của ứng cử viên Zasyadko. Stalin vừa vẫy vẫy cái tẩu vừa nói:

- Đồng chí Zasyadko rất biết thế nào là đủ!

Và trong nhiều năm liền, Zasyadko đã thành công trong cương vị lãnh đạo ngành khai thác mỏ của Liên Xô.

Nghệ sĩ và nhân dân

Sau đêm diễn opera mà trong đó ca sĩ Bolshakov đã thể hiện không hoàn toàn thành công một aria, Stalin hỏi:

- Ông này hình như là nghệ sĩ nhân dân Liên bang Xôviết nhỉ?

- Dạ, đúng ạ, thưa đồng chí Stalin.

- Ôi, nhân dân ta dễ tính quá nhỉ, - Stalin thốt lên.

Vở opera “Ivan Susanin”

Nhà hát Bolshoi chuẩn bị công diễn vở opera của Glinka Iavan Susanin. Các thành viên Hội đồng Nghệ thuật do Chủ tịch Bolshakov đứng đầu xem tổng duyệt và quyết định sẽ bỏ phần cuối của vở diễn Vinh quang thay dân tộc Nga! vì cho rằng phần này gợi lên tính tôn giáo, hoài cổ quá đáng…

Khi nhận được báo cáo về chuyện đó, Stalin đã nói:

- Chúng ta sẽ xử lý theo cách khác, vẫn để diễn phần cuối và sẽ bãi chức Bolshakov.

Nhà giáo nhân dân

Một người thầy giáo cũ từng dạy Stalin hồi phổ thông viết thư cho nhà lãnh đạo tối cao của đất nước Xô viết, yêu cầu cấp tiền ngân sách cho 5 nghìn rúp để ông xây nhà. Chẳng bao lâu sau, người thầy nhận được một gói bưu phẩm, trên đề “Kính gửi nhà giáo nhân dân...”. Trước đó, danh từ “nhà giáo nhân dân” chưa được dùng bao giờ, chỉ từ sau đấy nó mới trở nên thông dụng.

Trong thư gửi thầy giáo, Stalin viết rằng, luật pháp Xô viết không có điều khoản nào cho phép lấy tiền ngân sách như thế. “Thông thường, em không nhận nhuận bút từ các tác phẩm của mình, nhưng bây giờ em đã lấy nhuận bút và gửi cho thầy 3 nghìn rúp. Rất đáng tiếc là em không có hơn, nhưng em sẽ gọi điện cho Bí thư Trung ương Đảng Gruzia để đồng chí ấy tìm cách đưa cho thầy 2 nghìn rúp còn lại”.

Quả nhiên là sau đấy, Beria, lúc đó đang là Bí thư Trung ương Đảng Gruzia, đã ra lệnh xây nhà cho “nhà giáo nhân dân” đầu tiên này.

Phụ nữ phải khiêm tốn

Grizodubova là một nữ phi công nổi tiếng của Liên Xô cũ. Trong một bữa tiệc chính thức, khi mọi người đã uống rượu rồi, bà tới gần Stalin, đặt tay lên vai ông và nói:

- Kính thưa đồng chí Stalin, những phụ nữ Nga  chúng tôi có thể làm mọi việc!

Stalin nghe xong, liền nghiêm khắc bảo:

- Phụ nữ Nga luôn luôn là những người khiếm tốn, chứ không tự kiêu như thế!

Một lời đáng giá

Trong thời gian diễn ra Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại,Tupolev, nhà kỹ sư từng thiết kế loại máy bay Tu, phải vào nhà đá. Tuy nhiên, công việc cần kíp vẫn buộc ông, một tù nhân, phải đi ra chiến trường gặp các tướng lĩnh bàn cách cải tiến máy bay. Tư lệnh lực lượng không quân đường xa Golovanov hay chuyện, đã đánh bạo hỏi thẳng Stalin trong một buổi gặp trực tiếp:

- Thưa đồng chí Stalin, vì sao Tupolev bị tù?

- Nghe báo cáo là hình như ông ta làm gián điệp cho Anh hay Mỹ ấy, - Stalin ngập ngừng trả lời.

- Và đồng chí cũng tin là như thế?- Golovanov hỏi.

- Thế anh thì có tin không? - Stalin hỏi lại.

- Tôi không tin, thưa đồng chí Stalin- Golovanov nói chắc như đinh đóng cột.

- Tôi cũng không tin, - Stalin nói. -Thôi, chào nhé!

Ngay ngày hôm sau, Tupolev được trả lại tự do.

Ưu ái anh hùng

Phi công Boris Kovzan là một anh hùng độc nhất vô nhị thời Chiến tranh Vệ quốc vì đã 4 lần lao thẳng máy bay mình vào máy bay địch mà vẫn sống sót. Sau lễ trao danh hiệu Anh hùng cho Kovzan, Stalin hỏi mọi chuyện về chuyện đời và cả những dự định tương lai của anh.

- Tôi sẽ trở về đơn vị của mình và tiếp tục chiến đấu, - người phi công thương tích đầy mình hăng hái đáp.

Tôi nghĩ rằng đồng chí đã chiến đấu đủ rồi, - Stalin nói. - Có lẽ đi học viện cũng không là việc đến nỗi nào đâu.

- Chắc tôi không đủ chữ để thi đậu đâu, thưa đồng chí Stalin, - Kovzan thành thực thú nhận.

- Không sao, chỉ cần đồng chí hứa với tôi là sẽ đi học.

- Tôi xin hứa, kính thưa đồng chí Stalin!

- Thế còn công việc nhà của đồng chí thế nào?

- Vợ tôi mới sinh cháu trai, thưa đồng chí Stalin!

- Vậy thì xin chúc mừng! Đất nước đang cần thêm người.

Khi người phi công ra cửa, ngoài sân đã có xe chờ anh. Trên ghế sau của xe là một bọc đồ dành cho trẻ sơ sinh.

Kovzan về đơn vị của mình. Vị tướng trực tiếp chỉ huy gọi anh lên:

- Thế cậu sẽ định làm gì?

- Thì tiếp tục phục vụ quân đội .

- Thế cậu đã hứa với đồng chí Stalin những gì?

“Hoá ra mọi sự đã được thông báo”- Kovzan nghĩ thầm. Anh đành phải đi thi vào học viện quân sự và mặc dù không trả lời được câu hỏi nào trong các kỳ thi, anh vẫn trúng tuyển.

Với những người bảo vệ

A. Rybin, một trong những người bảo vệ Stalin, kể lại chuyến đi cùng lãnh tụ tới hồ Ritsa. Lúc khởi hành, cả “bầu đoàn thê tử” đều tưởng rằng mọi sự ở trại nghỉ đã được chuẩn bị đầy đủ khi họ tới nơi. Thế nhưng, hóa ra chưa ai động chân động tay gì cả và khi Stalin đến, không có chỗ nào dọn riêng cho lãnh tụ ngủ. Mọi người dành phải nằm bên nhau trong các túi ngủ ngay bên bờ hồ. Nửa đêm, Stalin tỉnh giấc, mang túi ngủ của mình đi ra chỗ khác.

- Các cậu gáy to quá, - vừa đi, ông vừa lẩm bẩm một cách hiền lành.

Stalin còn có một người bảo vệ khác nữa tên là Tukov. Anh này hay ngồi ở ghế trước cùng lái xe và có thói quen hay ngủ gà ngủ gật trên đường đi. Có lần, một ai đó trong số các ủy viên Bộ Chính trị đi cùng Stalin, thấy vậy đã nhận xét:

- Thưa đồng chí Stalin, thế này thì chẳng rõ là ai bảo vệ ai nữa!

- Thế thì đã ăn thua gì, - Stalin nói. - Anh ta còn dúi vào túi áo tôi khẩu súng lục của anh ta nữa. Và bảo rằng, đồng chí cứ tự cầm lấy cho nó chắc!

Giải thưởng

Nữ văn sĩ Vera Panova được đề cử vào giải thưởng Stalin lần thứ ba, sau khi bà đã được trao giải thưởng Stalin hạng nhất và hạng nhì với những tác phẩm khác. Hội đồng giải thưởng sau khi đọc tiểu thuyết mới của bà đã quyết định không trao cho bà giải thưởng mới. Thế nhưng, Stalin đã can thiệp:

- Thôi, chúng ta cứ trao, giải thưởng hạng ba. Nhưng hãy nói với đồng chí Panova biết, chúng ta không có giải thưởng hạng tư đâu nhé…

Stalin hỏi Fadeyev (lãnh đạo Hội Nhà văn Liên Xô lúc đó), vì sao không đề cử tiểu thuyết Stepan Razin của nhà văn S. Zlobin vào giải Stalin. Fadeyev đáp, đó là vì Zlobin không tham gia vào các hoạt động xã hội, chẳng bao giờ thấy ông ấy tới sinh hoạt cả…

- Nhưng có thể những lúc đó ông ấy ngồi làm việc bên bàn viết thì sao? – Stalin bác lại.

Thư ký

...Stalin gọi điện thoại tới Hội Nhà văn, nhưng những người trực máy không thể nào nối được ông với các “yếu nhân” của Hội như Fadeyev và Surkov. Chỉ có các thư ký của họ trả lời ông thôi. Trong một cuộc họp của Bộ Chính trị, Stalin đưa ra câu hỏi:

- Vì sao đế chế La Mã bị sụp đổ?

Và ông tự trả lời:

- Vì nó bị chuyển sang cho các viên thư ký điều hành!

Trò chuyện với Pasternak

Giữa đêm khuya, chuông điện thoại vang lên trong nhà Boris Pasternak (tác giả Bác sĩ Zhivago về sau được trao giải Nobel Văn học).

- Stalin nói chuyện với anh đây. Anh Boris, anh đánh giá thế nào về Mandelshtam?

Mandelshtam cũng là một thi sĩ thượng thặng, nhưng do bị hiểu nhầm nên lúc đó đã bị bắt. Pasternak cũng đã biết tin này nên nói lảng:

- Thưa đồng chí Stalin, có lẽ ta nên nói về chuyện khác thì hơn.

- Đồng chí Pasternak ơi, - Stalin đáp. - Thời trước, chúng tôi đã bảo vệ bạn bè mình mạnh mẽ hơn.

Người ta đồn rằng, sau khi Mandelshtam qua đời, lương tâm đã hành hạ Pasternak cho tới lúc chết.

Hãy lo cho sức khỏe của mình

Nghệ sĩ Abrikosov trong một bữa tiệc ở Điện Kremli đã hô vang:

- Xin chúc sức khỏe đồng chí Stalin!

Rồi làm một hơi cạn cả cốc rượu vodka.

Stalin nói nhỏ vào tai nghệ sĩ:

- Cậu phải lo cho sức khỏe của mình trước đã.

Một lần, Stalin nói với nhà thơ El-Registan, đồng tác giả phần ca từ của quốc ca Xô viết:

- Tại sao anh lại cứ uống liền tù tì như thế? Nói chuyện với anh sẽ không còn thú vị nữa…

Tất cả ủng hộ, chỉ một người phản đối

Nhạc sĩ Golubev với một bản giao hưởng của mình đã được đề cử vào giải thưởng Stalin theo giới thiệu của Zhdanov (một nhà lãnh đạo rất thân thiết với Stalin, thậm chí hai người có lúc đã là thông gia của nhau). Chính vì thế nên mọi thành viên Hội đồng đều nghĩ rằng Golubev chắc chắn sẽ được nhận giải thưởng, thậm chí là hạng nhất. Khi danh sách những người trúng giải được mang tới để Stalin ký, ông đã hỏi:

Lãnh tụ Stalin và văn hào Gorky.

- Golubev… Giao hưởng… Tất cả đều ủng hộ, chỉ có một người phản đối. Ai là người phản đối hả?

- Dạ, Shostakovich ạ, thưa đồng chí Stalin. Thế là ông nói:

- Đồng chí Shostakovich hiểu về âm nhạc rõ hơn chúng ta.

Rồi ông gạch tên họ của Golubev khỏi danh sách. Bản giao hưởng đó thực sự là kém nhưng hầu hết các thành viên ủy ban vì “trông theo chiều gió” nên đã bỏ phiếu ủng hộ…

Con trai của Sa hoàng, giáo sư Xô viết

Sa hoàng Aleksandr Đệ Tam (biệt danh Mirotvorets, tức là người làm nên hòa bình) trong một lần công du đã tằng tịu với một phụ nữ bình dân và dặn, nếu có tin thì phải báo lên cho ông.

Sau chín tháng mười ngày, Sa hoàng nhận được tin báo rằng con trai ông đã cất tiếng khóc chào đời. Sa hoàng đã cho gửi điện tín tới, ra lệnh, đặt tên cho cậu bé là Sergei, tên đệm theo tên cha và còn họ là biệt danh của ông. Thế là đã có một người tên là Sergei Aleksandrovich Mirotvorets  xuất hiện trên đời.

Sau Cách mạng Tháng Mười, Mirotvorets đã tránh được số phận bi thảm của các thành viên hoàng gia vì đã giữ kín nguồn gốc của mình. Tuy nhiên, một thời gian sau, vào những năm 30 của thế kỷ trước, các nhân viên an ninh Xô viết rốt cuộc cũng đã lần ra nguồn gốc của ông và chuẩn bị để đưa ông theo những người họ hàng. Tuy nhiên, khi báo cáo được đưa lên Stalin thì nhà lãnh đạo này đã viết: “Ông ấy không có lỗi vì cha ông ấy là một kẻ như thế”.

Mirotvorets về sau đã trở thành giáo sư, có nhiều thành tích nên đã được nhận cả giải thưởng Stalin.

Có công sẽ thưởng

Nhà thiết kế các hệ thống pháo binh V.G. Grabin kể rằng, sát năm 1942, ông được Stalin mời tới gặp và nói:

- Pháo của đồng chí đã cứu nước Nga.  Bây giờ đồng chí muốn được nhận cái gì, danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa  hay giải thưởng Stalin?

- Với tôi thì thế nào cũng được, thưa đồng chí Stalin.

Thế là về sau, Grabin được nhận cả danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa  lẫn giải thưởng Stalin.

“Sẽ có dầu mỏ”

Trong chiến tranh, Stalin giao cho Dân ủy phụ trách Dầu mỏ Nikolai Baibakov nhiệm vụ phát hiện thêm những mỏ dầu mới và phải trong một thời hạn tương đối ngắn. Khi Baibakov nói rằng không thể nào làm được như thế thì Stalin đã cắt ngang ngay:

- Nếu có mỏ dầu thì còn Baikakov. Không tìm thấy mỏ dầu thì sẽ không còn Baibakov!

Chẳng bao lâu sau ngành dầu mỏ đã tìm thấy những mỏ mới ở vùng Tataria và Bashkiria.

Vannikov

Ngày 7/6/1941, Boris Vannikov, khi ấy đang là Dân ủy phụ trách về vũ khí do nhiều lý do đã bị bắt đi tù. Khi chiến tranh bùng nổ, ông bất ngờ được trả lại tự do và được đưa tới gặp Stalin. Nhà lãnh đạo này đã cử ông lại làm Dân ủy.

Vannikov nói:

- Ngày mai tôi tới cơ quan mà tôi lại chỉ là một cựu tù nhân. Làm sao tôi có đủ uy tín với cấp dưới để làm việc được?

Stalin đáp luôn:

- Chúng tôi sẽ lo cho uy tín của đồng chí. Giờ không phải lúc để ngồi tù!

Sáng hôm sau, tới cơ quan làm việc, Vannikov thấy trên bàn của mình là số báo Pravda mới nhất mà trong đó có in quyết định trao tặng cho ông danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta sẽ làm gì?

Tổng Tham mưu trưởng Hồng quân Liên Xô A. M. Vasilievsky trình lên Stalin cả một tập tài liệu đầy những thông tin tiêu cực về Đại tướng I.D. Chernyavsky. Đó là những chuyện vị tướng này tằng tịu với nhiều phụ nữ.

- Chúng ta sẽ làm gì, thưa đồng chí Stalin? – Vasilievsky hỏi.

- Làm gì ư? Chúng ta sẽ làm gì đây? – Stalin suy nghĩ một lát rồi nói tiếp. – Chúng ta sẽ ghen tị với đồng chí ấy!

Sóng thần

Sau chiến tranh ở vùng đảo Kuril đã xảy ra đợt sống thần dữ dội làm 28  nghìn người chết, trong đó có nhiều quân nhân.

Tại một đơn vị quân đội có một anh lính vẫn sống sót cùng với một lá cờ. Khi chuyện này được báo cáo lên Stalin, ông quyết định sẽ trao tặng anh lính danh hiệu Anh hùng. Anh lính được cấp trên gọi tới hỏi chuyện và anh đã thành thực nói rằng, khi thiên tại xảy ra, anh chỉ nghĩ về việc làm sao để sống sót và cảm thấy bị rất vướng víu vì lá cờ  và nói chung, do tình cờ mà anh có lá cờ đó trong tay. Stalin hay chuyện, đã nói:

- Thật tiếc là chúng ta không có huân chương trao cho sự trung thực!

Và ông vẫn ra lệnh khen thưởng anh lính. Nguyên soái Vasilievsky đã  cho may cho anh lính một bộ quân phục từ loại vải dành cho sĩ quan và cho anh nghỉ phép 30 ngày, không kể thời gian đi đường.

Người thầy vĩ đại

Tưởng Giới Thạch gọi Stalin là “người thầy vĩ đại”. Hay chuyện, Stalin nói:

- Thế mà cũng đòi làm học trò!

Sergo Kavtoradze

Ông là một chiến sĩ Bolshevik nổi tiếng người Gruzia. Một thời gian dài, ông không có việc làm. Dường như người ta đã quên lãng ông. Ông ở cùng vợ trong một căn hộ tập thể, có một vị hàng xóm luôn càu nhàu về ông vì quên tắt đèn trong phòng vệ sinh hay vì chậm đi đổ rác… Và sau chiến tranh, một hôm có chuông điện thoại:

- Sergo đấy ư? Anh vẫn khỏe chứ? Ai nói ư? Tôi đây, Lavrenti Beria đây.

- Ôi, xin kính chào đồng chí Lavrenti Beria!

- Thật xấu hổ, gì mà kiểu cách thế! Anh đã quên những người bạn cũ rồi, không gọi điện thoại, cũng không tới chơi gì cả. Chúng tôi đang ngồi đây, nhớ lại bạn cũ, và đồng chí Stalin hỏi rằng, thế anh bạn Sergo Kavtoradze của chúng ta giờ đang ở đâu rồi? Tôi đã phải gọi về cơ quan mới biết là anh đang ở Moskva. Hãy tới chơi với chúng tôi, tôi sẽ cho xe đón anh.

Và rồi Kavtaradze đã được ngồi cùng bàn với Stalin và Beria. Họ trò chuyện một lúc rồi Stalin nói:

- Bây giờ chúng ta cùng tới nhà anh, anh Sergo, để xem anh sống như thế nào.

- Thưa đồng chí Stalin, bây giờ đã muộn rồi, giá mà tôi biết trước, tôi đã bảo với bà nhà tôi để bà ấy nấu chút gì…

- Thôi, chúng ta sẽ mang một chai rượu vang từ đây đi và sẽ khẽ khàng, nhẹ nhàng đi tới nhà anh, - Stalin nói.

Và họ lên xe. Một xe chở đội bảo vệ, xe thứ hai chở Beria, còn trong xe thứ ba là Stalin cùng Kavtoradze. Trên xe thứ tư là chai rượu cùng một số nhân viên bảo vệ khác.

Kavtoradze bấm chuông cửa. Ông hàng xóm ra mở cửa và càu nhàu:

- Cái ông này, không chỉ quên tắt đèn trong nhà vệ sinh mà lại còn đi về muộn quá nửa đêm nữa!

Thế nhưng, vừa nhìn thấy ở phía sau vai Kavtaradze xuất hiện gương mặt quen thuộc của trùm an ninh Xô viết Beria là ông hàng xóm đã kinh hãi im bặt rồi lẩn vào phòng mình ngay. Đội bảo vệ dàn trận. Kavtaradze muốn vào phòng mình đầu tiên để đánh thức vợ dậy nhưng Beria đã vượt lên trước…

Stalin ở đó một lát rồi về. Sáng hôm say, Kavtaradze quát người hàng xóm:

- Rửa ráy gì thì cũng phải nhanh lên nhé!

- Dạ, vâng ạ, - ông hàng xóm ngoan ngoãn đáp.

Một thời gian sau, Ngoại trưởng Molotov gọi điện thoại tới báo tin cho Kavtoradze rằng ông được cử làm Đại sứ Đặc mệnhToàn quyền của Liên Xô ở Rumania.

Sao vàng

Sau chiến thắng năm 1945, để tôn vinh những đóng góp vĩ đại của Stalin trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Bộ Chính trị BCH TW Đảng Cộng sản Nga (Bolshevich) đã ra nghị quyết:

- Đổi tên thủ đô Liên bang Xôviết, thành phố Moskva  sang là thành phố Stalin.

- Phong quân hàm Đại Nguyên soái Liên bang Xô viết cho  đồng chí Stalin.

- Tặng huân chương Pobeda (Chiến thắng) thứ hai cho đồng chí Stalin.

- Tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho đồng chí Stalin.

Stalin đã cương quyết bác bỏ những quyết định này. Ở mục thứ nhất, Thủ tướng Molotov đã ủng hộ ông và điều này đã giúp Moskva giữ được nguyên tên Moskva.

Về vấn đề Đại Nguyên soái thì Bộ Chính trị đã phải thảo luận tới mấy lần và lời cuối cùng đã thuộc về Nguyên soái Rokossovsky:

- Đồng chí Stalin, nếu đồng chí chỉ là Nguyên soái mà tôi cũng là Nguyên soái thì làm sao đồng chí có thể ra lệnh kỷ luật được tôi?!

Stalin mỉm cười, phảy tay… Nhưng sau này, ông đã nhiều lần hối hận vì đã đồng ý làm như thế:

- Tôi là một chính khách cơ mà, tôi đâu phải là quân nhân, tôi cần gì cái quân hàm Đại Nguyên soái ấy!

Các đồng chí trong Bộ Chính trị cũng thuyết phục được Stalin nhận Huân chương Pobeda lần thứ hai. Nhưng ông không chịu nhận Huân chương Sao vàng.

- Tôi không thích hợp để nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Tôi đâu có hành động gì anh hùng!

Cá nhân và tập thể

Trung tướng Vetrov kể rằng ông đã chiến đấu ở Tây Ban Nha và sau đó, được về báo cáo trong Điện Kremli. Ở đơn vị của ông tất cả mọi người đều thích xe tăng bánh xích.  Nhưng bản thân Vetrov lại cho rằng, mặc dù loại xe tăng này chuyển động nhanh nhưng chúng lại hay bị nghiêng ngả và dễ bị hạ gục. Tuy nhiên, ông vẫn báo cáo với Stalin cả ý kiến của các đồng đội.

- Thế ý kiến riêng của đồng chí thế nào? – Stalin hỏi lại.

- Nhưng đấy là ý kiến của cả trung đoàn tôi, thưa đồng chí Stalin.

Khi đó, Stalin quay lại nói với các Ủy viên Bộ Chính trị:

- Các đồng chí biết không, đôi khi xảy ra việc cả tập thể không đúng mà chỉ một cá nhân đúng.

Trong giờ giải lao, Stalin tới thân mật nói với Vetrov:

- Thế nào, chàng sĩ quan trẻ, anh đã làm hư nhiều thiếu nữ Tây Ban Nha không?

Chẳng bao lâu sau, Vetrov đã được thăng cấp…

Tướng Meretskov yêu cầu Bộ Tổng Tư lệnh cấp thêm một quân đoàn  để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Tất cả mọi người đều không đồng ý. Stalin im lặng. Meretskov bối rối.

Sau cuộc họp, Stalin đã tới chỗ ông:

- Dẫu sao tôi vẫn cấp thêm cho anh một quân đoàn.

Thực tế cho thấy, Stalin đã quyết định đúng

Lương Xuân - Phùng Khánh
.
.