Châm "điên" - hành trình tìm lại vàng son một thuở

Thứ Hai, 13/02/2017, 11:01
Bạn bè gọi Châm là Châm "điên". Điên thật. Điên lắm. Đường bằng phẳng không đi toàn đâm quàng bụi rậm. Việc nhẹ nhàng không làm toàn húc đầu vào tường đá. Có những lúc buồn, tuyệt vọng, đau đớn, Châm tự buộc vết thương cho mình rồi đi tiếp.

Không vậy không phải là Châm. Không vậy Châm thấy đời mình nhạt. Châm đánh đổi những nỗi buồn, những vết thương để nhìn cho ra một vài ý nghĩa đời mình. Châm kiêu ngạo ngầm, bất cần, nhưng ẩn sâu là một niềm tha thiết với nghệ thuật, với cái đẹp. Khí chất của một kẻ tuy nữ nhi mà muốn công bình lại các giá trị của đời sống.

Một năm trở lại đây, khán giả âm nhạc dần quen tai với chuỗi chương trình mang tên Vàng son một thuở, tôn vinh những tác giả âm nhạc có thành tựu. Những người đã miệt mài cống hiến cuộc đời mình cho sáng tạo nhưng lại ít có điều kiện tổ chức các sô diễn, hay đơn giản là tiếp cận công chúng một cách đủ đầy, chuyên nghiệp. Châm là "tổng công trình sư" của chuỗi chương trình đó. 

Thoạt đầu, ối người hoài nghi. Châm có gì, xuất thân là một ca sĩ, chỉ quen đi hát. Châm cô đơn, rời bỏ cuộc hôn nhân không hạnh phúc, một mình nuôi con. Châm không có đại gia chống lưng, không có tiền để tiêu như nước. Mà công nghệ biểu diễn thì cần rất nhiều tiền. Không có tiền đừng bàn chuyện tổ chức các chương trình nghệ thuật, nhất là các chương trình có chất lượng. Trông đợi vào việc bán vé là việc quá nhiều mạo hiểm, quá nhiều rủi ro. 

Thậm chí trong nghệ thuật, như một nghịch lý, càng làm các sô mang tính nghệ thuật cao càng tăng khả năng thất thu tiền bán vé. Bài học đó Châm vốn không lạ trong âm nhạc. Nhưng cô vẫn dấn bước vào. 

Với một niềm tin mạnh mẽ và hơi điên rồ. Đầu óc Châm bám theo một triết lý khác, cao hơn tiền bạc. Nhưng làm một công việc được ví như bầu sô biểu diễn mà không chú trọng vào tiền, trong điều kiện của Châm, người ta nghĩ cô viển vông đâu phải không có lý.

Nguồn cơn của Vàng son một thuở là một cú thức tỉnh sâu sắc từ đâu đó trong tâm hồn Châm. Những tháng năm tuổi trẻ đi hát, đứng ở nhiều sân khấu, Châm nhận ra một điều nghịch lý trong đời sống âm nhạc. 

Nhiều ca sĩ trở thành tên tuổi lớn, kiếm nhiều tiền nhờ những bài hát của người nhạc sĩ. Tài năng của họ thăng hoa trên nền tảng là những tác phẩm nghệ thuật của những người nhạc sĩ tài năng. Nhưng có sự chênh lệch quá lớn trong đời sống của hai kiểu người sáng tạo này. 

Trong khi phần lớn ca sĩ sống ung dung với nghề, thì nhiều nhạc sĩ đang phải sống trong nghèo khổ, cô đơn, bị quên lãng. Nhiều người cả đời không dám mơ về một chương trình riêng, không có cơ hội tiếp cận khán giả, những người yêu mến tác phẩm của mình. Đối với Châm, đó là một sự bất công. Cô muốn quân bình lại giá trị đó trong nghệ thuật. Bằng cách tôn vinh các tác giả, những người đã âm thầm đóng góp thành tựu của mình vào đời sống.

Từ ý muốn trở thành hiện thực là một con đường dài, có khi không bao giờ đến đích. Tôi tin rằng, phát hiện về sự thiếu công bằng trong đời sống âm nhạc của Châm không mới. 

Trước cô hẳn bao người đã nhìn ra. Nhưng để thực sự hành động thì lại là vấn đề khác. Ở đây, có lẽ đầu tiên không phải là chuyện tiền. Đầu tiên phải là tình yêu. Một sự thôi thúc lớn từ trong sâu thẳm. 

Một sự buộc mình tự nguyện của một người dám nhận lấy sứ mệnh thay đổi điều gì đó trong lĩnh vực họ đang hoạt động. Một người dám tình nguyện húc đầu vào việc khó, biết việc khó mà vẫn can đảm đi, cam tâm hành động, vì một niềm tin lớn lao hơn, có lợi cho công chúng mà chưa chắc đã có lợi cho mình.

Hạnh phúc khi tổ chức đêm nhạc cho nhạc sĩ Vinh Sử đang sống những ngày cuối của cuộc đời vì bệnh tật hiểm nghèo.

Châm kể: "Việc em đang làm thực chất không phải là việc đơn thuần tổ chức các đêm nhạc giống như một bầu sô. Mà cái chính là để nâng cao nhận thức cho khán giả, tôn vinh các giá trị nghệ thuật, tôn vinh những con người đã sáng tạo ra nghệ thuật thực sự".

Chương trình đầu tiên Châm làm về tác giả là tôn vinh nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Châm nhớ lại, khi ngồi chia sẻ với nhạc sĩ, lúc ấy sức khỏe ông đã yếu lắm rồi. Nhạc sĩ nói, con biết không, ở nước ngoài người ta làm chương trình cho bố từ lâu, còn ở trong nước thì bố không dám mơ. Châm ôm vai nhạc sĩ quả quyết, bố yên tâm, con sẽ làm chương trình cho bố. 

Sau câu nói ấy là đôn đáo trăm công ngàn việc, cho kịp một live show hạnh phúc nhất trong cuộc đời nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Ông khóc không ngừng trên sân khấu để cảm ơn cuộc đời, cảm ơn khán giả, cảm ơn Ngọc Châm - người đã cho ông cơ hội được trải lòng trước khán giả, những người mà nhiều tác phẩm của ông đã trở thành một phần đời nào đó của họ, trở thành tài sản quý trong tâm hồn của họ. 

 

Nay, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã trở thành thiên cổ, nhưng có lẽ ông đã mỉm cười trước lúc ra đi, vì những gì cần gửi trao lại với khán giả, ông đã kịp. Mà Châm chính là người bắc cầu, nối nhịp cho những tâm tư đó của nhạc sĩ...

Một nhạc sĩ khác, nhạc sĩ Vinh Sử. Châm đã rơi nước mắt khi đọc về hoàn cảnh bệnh tật, nghèo khó của ông. Cô nghĩ phải làm ngay chương trình cho nhạc sĩ. "Nguyện vọng của em là muốn tôn vinh những tác giả khi họ còn sống. Việc gì cảm thấy cần làm thì phải làm ngay. Chứ khi người ta không còn, sự tôn vinh ấy dù cần thiết nhưng ý nghĩa cũng mất đi nhiều rồi".

Đến nay, hàng chục đêm nhạc tôn vinh tác giả của Vàng son một thuở đã diễn ra, bằng tâm huyết của Châm và các đồng sự. Có chương trình hòa vốn, có chương trình lỗ vốn. Châm phải xoay tứ bề để có tiền đi tiếp, bằng cách tìm thêm các đối tác, người đồng hành. 

Ngồi trong quán cà phê, trong trang phục màu đen đơn giản, Châm kể: "Từ lúc đi làm người tổ chức âm nhạc, đuổi theo ý tưởng Vàng son một thuở của mình, em buồn nhiều. Em sống trầm hẳn, hay suy ngẫm.

Buồn không phải vì có lúc chương trình của mình bán được ít vé, hòa hay lỗ vốn. Thậm chí có chương trình là có lãi. Cái đó em xác định tinh thần từ đầu rồi. Mình làm các chương trình nghiêm túc, không chiêu trò, cốt sao vẽ ra được bức tranh cống hiến của một đời người nhạc sĩ, thì có thể không hot như các chương trình giải trí khác, thì có thể kén khán giả".

Vậy Châm buồn điều gì? Tôi có thể hiểu dù Châm cũng không định nói nhiều về góc tối đó. Xưa là một ca sĩ, Châm chỉ quần áo đẹp lên sân khấu rồi về góc nhỏ của mình, không cần quan tâm đến điều gì khác. 

Nay Châm phải trong vai một nhà tổ chức, phải đối mặt với hàng trăm vấn đề để có một đêm nhạc suôn sẻ diễn ra. Nào là giấy phép, nào là tiền, nào là các mối quan hệ, nào là bán vé. Phải vào cuộc Châm mới hiểu hết những nghiệt ngã của đời sống xung quanh. Đôi khi lo xong một cái giấy phép toát mồ hôi. 

Đối tác thì không phải lúc nào ứng xử với nghệ thuật và người làm nghệ thuật đẹp như cô mong muốn. Không ít nơi mua vé chương trình của Châm, xem xong, đòi năm lần bảy lượt vẫn chưa chuyển tiền. 

Châm bảo: "Chị biết đấy, em vốn là một ca sĩ, va chạm với tiền bạc, quan hệ, nhiều lúc bi quan kinh khủng. Những va chạm đó ít nhiều nó mài mòn cảm xúc của mình. Không ít lần rơi vào cơn tuyệt vọng, em muốn hê tất cả đi. 

Nghệ thuật vốn thiêng liêng mà những việc em phải đụng vào mỗi ngày đôi khi nó trần trụi, tầm thường đến đáng sợ. Nhưng rồi em lại trấn tĩnh mình, phải đi tiếp. Đó là việc mình đã cam tâm làm rồi, em sẽ không bỏ cuộc.

Anh Lê Thiết Cương, họa sĩ, một người bạn, có lần nói đùa với em, khi thấy em đôn đáo chuyện tiền nong. Anh ấy nói thế này, nếu em mơ màng, nhìn em sẽ đẹp hơn. Em chỉ biết cười. Làm sao em có thể mơ màng, khi trước mắt em là bao nhiêu việc cụ thể cho một chương trình mới. Em buộc phải tỉnh táo, dù em cũng không thích lắm điều đó. Nhưng em phải tiếp tục, vì em đang làm một việc mà nếu giao cho một người khác họ chưa chắc đã tủ tâm, chứ đừng nói gì đến lực".

Có gì đó rất mạnh mẽ trong con người Châm mà khi tiếp xúc tôi chợt nhận ra. Một sự kiên định khó có thể thay đổi. Một cách nhìn đời sống, nghệ thuật già dặn, trải nghiệm và chiều sâu. Người như Châm khó mà chấp nhận cái hời hợt bên ngoài. Dễ hiểu vì sao cô không an phận làm một ca sĩ ngày ngày đi hát. Cô giàu lòng trắc ẩn đối với những nghệ sĩ đã cao tuổi, những người đã từng có một thời rất vàng son, nhưng nay gần như bị đời sống lãng quên, khán giả thờ ơ. 

Châm mới ngoài 30, tuổi trẻ, nhưng luôn hoài cổ, luôn đau đáu về những vẻ đẹp có nguy cơ mất dần đi. Châm muốn níu giữ, dù cô biết sức mình là quá nhỏ bé. Càng lao vào công việc cô càng thấy mình nhỏ bé, đến nỗi lúc nào trong lòng cũng tự ti, cũng buồn. 

Càng lao vào công việc cô càng thấy mình dốt, thấy nghệ thuật là mênh mông bể sở, là cái đẹp lớn lao không dễ mà nắm bắt. Nhưng càng lao vào công việc Châm càng thấy rằng mình cần phải tiếp tục phải đi. Châm thấy mình có một đặc ân là khi gặp những người tiền bối, những người tài năng vàng son một thuở, cô dễ dàng được họ chia sẻ, trao lại những tâm tư, những kiến thức của họ. 

Cô nhận ra rằng, những người đi trước chưa bao giờ thôi mong mỏi được những người thế hệ sau hiểu mình. Họ sống cô đơn bởi vì họ không nghe được tiếng vọng đồng cảm từ phía những người trẻ tuổi. Và khi Châm đến, mang theo tuổi trẻ và mong muốn tốt đẹp của cô, sự đồng cảm của cô, những người nghệ sĩ già đều sẵn sàng hợp tác, sẵn sàng cùng với Châm trong hành trình tìm đến khán giả của họ.

Châm tham vọng lắm, cô nói, Vàng son một thuở sẽ không chỉ dừng lại ở âm nhạc. Cô sẽ kiên trì đi con đường của mình, đây là "dự án cuộc đời" của cô, và sau này sẽ là những lĩnh vực nghệ thuật khác. 

Những người có thành tựu mà không có điều kiện để tổ chức các hoạt động nghệ thuật đến gần khán giả, cô sẽ xắn tay vào. Cô tin việc làm đó sẽ thay đổi cái nhìn của xã hội, của công chúng về nghệ thuật. Và để nghệ thuật chảy tràn trong đời sống của mỗi chúng ta, không chỉ là thứ hiện hữu mỗi trên sân khấu. 

Khi mọi người có nghệ thuật trong chính họ, toàn xã hội sẽ được hưởng lợi. Bạn bước vào một ngôi nhà xa lạ, một quán cà phê nhỏ chẳng hạn, sẽ ít phải ngắm nhìn những chi tiết khó chịu, nếu người chủ của nó có tư duy thẩm mỹ tốt.

Tôi thích sự điên rồ của Châm. Nó nhắc tôi về cái gọi là sứ mệnh tuổi trẻ. Khi người ta còn trẻ, sự điên rồ là cần thiết. Họ đi theo con đường của mình với một niềm tin không gì lay chuyển. Họ nghĩ một điều gì đó rộng lớn hơn lợi ích cá nhân mình. 

Và còn gì tuyệt vời hơn, khi họ tình nguyện làm một cây cầu nối hiện tại và quá khứ, để đưa mọi người tìm về các giá trị vàng son, tôn vinh và giữ gìn như những nền tảng quý báu để đi trong hiện tại cũng như tương lai.

Dù tôi biết con đường Châm đi còn muôn vàn khó khăn, thử thách trước mặt. Và sự thành công của Châm chỉ có thể khi có rất nhiều người sẵn sàng đồng hành cùng với cô, vì một tình yêu dành cho văn hóa, nghệ thuật...

Bình Nguyên Trang
.
.