Đại tướng Wojciech Witold Jaruzenski, nguyên Tổng thống Ba Lan:

Cây ngay không sợ chết đứng

Thứ Năm, 05/11/2009, 10:05
Ngày 17/4/2007, một số thế lực ở Ba Lan đã làm dấy lên phiên tòa hòng buộc tội Đại tướng Wojciech Witold Jaruzenski về những gì ông đã làm cho đất nước mình, đặc biệt là vì quyết định ban bố tình trạng quân sự ở Ba Lan trong đêm 11 rạng ngày 12/12/1981, khi công đoàn Đoàn kết, lực lượng đối lập chủ yếu lúc đó, tổ chức những hoạt động chống lại chính phủ dữ dội.

Cho tới hôm nay, phiên toà vẫn bế tắc vì không thể tìm ra đủ lập luận "ăn không nói có" để buộc tội một trong những nhà hoạt động chính trị xuất sắc nhất của Ba Lan trong thế kỷ XX.

Một đời tận tụy

Đại tướng Wojciech Witold Jaruzenski sinh ngày 6/7/1923  ở làng Kurov, tỉnh Lyublin trong một gia đình sĩ quan. Trước năm 1939, ông học trong trường trung học tư nhân. Năm 1940, gia đình ông bị đưa đi tới khu Altai của Liên bang Xôviết và ông đã phải làm nghề khai thác gỗ. Tháng 7/1943, chàng trai trẻ  Wojciech đã gia nhập Sư đoàn Bộ binh Ba Lan số 1, được thành lập trên lãnh thổ Xôviết. Cũng trong năm đó, Jaruzenski đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Quân sự Ryazan và tham gia chiến đấu với cương vị chỉ huy đội quân báo trung đoàn… Tinh thần chiến đấu dũng cảm và mưu trí đã giúp vị Đại tướng tương lai được thưởng nhiều huân chương, huy chương khác nhau.

Từ năm 1947, ông Jaruzenski là thành viên của Đảng Công nhân Ba Lan và từ năm 1948, là đảng viên Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (PORP). Ông từng tốt nghiệp với bằng loại ưu Học viện Bộ Tổng Tham mưu mang tên tướng K. Sverchevski. Ông từng là Tổng cục trưởng Tổng cục Học viện và Cao đẳng quân sự. Từ năm 1957 tới năm 1960, ông là Sư đoàn trưởng Sư đoàn Bộ binh cơ giới 12…

Từ năm 1960 tới năm 1965, ông Jaruzenski là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị các lực lượng vũ trang Ba Lan. Từ năm 1965 tới năm 1968, ông là Tổng tham mưu trưởng quân đội Ba Lan. Từ năm 1965 tới năm 1968, tướng Jaruzenski là Thứ trưởng Quốc phòng, và từ tháng 4/1968 tới tháng 11/1983, là Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan… Từ năm 1973, ông đã mang quân hàm Đại tướng…

Tướng Jaruzenski trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan sau khi tham gia chiến dịch của các nước thuộc khối Hiệp ước Warsawa đưa quân đội vào Tiệp Khắc. Từ tháng 10-1981, ông Jaruzenski đã giữ chức Bí thư thứ nhất PORP cho tới năm 1989. Còn từ tháng 2/1981, ông là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ba Lan, cũng cho tới năm 1989. Ông là vị Tổng thống đầu tiên sau khi Ba Lan thay đổi chế độ xã hội năm 1990…

Tháng 11/1981, ông Jaruzenski đã ban bố tình trạng quân sự, cô lập lãnh đạo lực lượng đối lập là Công đoàn Đoàn kết và đè bẹp mọi mưu toan làm bất ổn định xã hội. Từ tháng 11/1983, ông là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Ba Lan. Tháng 5/1984, trong chuyến thăm Liên Xô, ông đã nhấn mạnh tới công lao của đất nước Xôviết trong chiến thắng chủ nghĩa phát xít: "Chiến tích anh hùng của Hồng quân đã cứu châu Âu khỏi họa diệt vong và giải phóng Ba Lan".

Trong những năm 80 của thế kỷ trước, khi danh vọng của ông đang ở đỉnh cao nhất, tướng Jaruzenski đã  không chỉ một lần bác bỏ ý tưởng phong cho ông quân hàm nguyên soái mà những người xung quanh muốn đưa ra. Ông nói đùa rằng, các nguyên soái chỉ huy những đạo quân lớn trong chiến tranh, còn ông trong chiến tranh mới chỉ ở cấp trung đội trưởng…

Không có gì ân hận

Trong bài trả lời phỏng vấn cho một tờ báo Nga vào trung tuần tháng 10/2009, Đại tướng Jaruzenski tâm sự: "Ngay từ khi đó, năm 1981, tôi đã biết rằng, quyết định về việc ban bố tình trạng quân sự sẽ treo trên tôi cho tới ngày cuối cùng của đời tôi. Tôi đã nói điều này ở trong phiên tòa. Tình trạng quân sự đối với tôi là một cơn ác mộng. Nhưng khi đó, theo tôi, đã không tồn tại một phương án nào khác tốt hơn đối với Ba Lan.

Tôi đã nắm rõ thực tế của thời đại. Tôi biết rõ điều gì đe  dọa chúng tôi nếu từ chối ban bố tình trạng quân sự. Tôi có thể dẫn ra đây những câu nói nổi tiếng của ông Brezniev: "Nếu những người cộng sản Ba Lan bị khuất phục bởi những tâm trạng phản cách mạng thì số phận Ba Lan, số phận hòa bình ở châu Âu sẽ được giải quyết bằng vũ lực". Ngay cả  tôi nếu như là một vị tướng Xôviết và nhìn thấy những gì diễn ra ở Ba Lan khi đó, thì tôi cũng sẽ quyết định can thiệp vào".

Theo ông, "Tình trạng quân sự - đó là phương án tồi, nhưng nhỏ hơn  nhiều so với thảm họa mà chúng tôi đã phải kề ở ngưỡng. Trong cái thảm họa đó có những nguyên nhân chính trị của nó. Trong đội ngũ đảng Cộng sản Ba Lan khi đó có những người giáo điều hoàn toàn không muốn tiến hành bất cứ một cải cách nào và sẵn sàng thu lại tất cả những cải cách đã được triển khai. Họ bí mật liên hệ với lãnh đạo Xôviết và hùn họ lại gần những biện pháp can thiệp vũ trang…

Cũng đã có những nguyên nhân kinh tế. Trong thời gian đó, Liên Xô, Tiệp Khắc và CHDC Đức đã dành cho Ba Lan một sự giúp đỡ to lớn - chúng tôi đã thiếu thốn mọi thứ: thực phẩm, nhiên liệu, nguyên liệu… Và từ ngày 1/1/1982, mọi cung cấp khí đốt đã bị gián đoạn. Ngay từ tháng 12/1981 chúng tôi đã cảm thấy tình trạng suy sụp của việc cung cấp nhiên liệu…

Và nguy cơ thứ ba là nguy cơ quân sự. Với tư cách Tổng tư lệnh tôi biết rằng, lực lượng vũ trang Xôviết đã tập trung ở vùng  biên giới giáp với nước chúng tôi. Tôi hiểu quá rõ về việc điều đó có ý nghĩa gì… Cũng không nên quên một điều này nữa. Sau hội nghị Yalta, sau năm 1945, biên giới Ba Lan đã thay đổi theo hướng có lợi cho chúng tôi. Bảo trợ duy nhất cho vùng biên phía Tây của chúng tôi khi đó là Stalin, người đã đẩy đường biên thêm sang phía Tây, để mở rộng khu vực ảnh hưởng Xôviết. Tây Đức đã tranh cãi điều này rất hăng.

Tướng De Gaulle năm 1967 là người duy nhất trong số các chính khách phương Tây khi tới Ba Lan từ phía Tây đã đi sâu thêm 10 km vào vùng Slask (đây là khu vực lịch sử nằm giữa châu Âu, hiện phần lớn diện tích của khu này thuộc về Ba Lan, phần nhỏ hơn thuộc về CH Czech và một phần rất nhỏ thuộc về Đức - TG). Ông ấy muốn khẳng định rằng chỗ đó từ nay là lãnh thổ Ba Lan. Từ Moskva chúng tôi luôn nhận được những lời nhắc nhở về việc ai đảm bảo cho biên giới của chúng tôi. Và cho biết, nếu còn là nước XHCN thì lãnh thổ sẽ nguyên vẹn. Còn nếu không thì…".

Kể về dòng họ mình, tướng Jaruzenski tiết lộ: "Tôi thực sự sinh ra trong một gia đình Thiên chúa giáo dòng dõi quý tộc nhỏ. Tôi đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thiên chúa giáo. Rồi sau đó là Sibir, chiến tranh, hai lần bị thương trên chiến trường khi chiến đấu chống lại phát xít Đức. Dòng họ chúng tôi khởi nguồn từ thế kỷ XIII. Nhiều người ở phương Tây không hề hay biết, đất nước chúng tôi còn mang tính Trung cổ thế nào - ngay cả ở năm 1945. Khi cha tôi quay trở lại thăm vùng mà gia tộc nhà tôi có trang trại thì người dân ở đó còn tới hôn tay cha tôi.

Ngay cả khi sau chiến tranh, tôi xuất hiện ở đó thì những người nông dân vẫn gọi tôi là "ngài" và bỏ mũ ra khi thấy tôi… Tuy nhiên, tôi không có một nỗi hoài nhớ nào đối với những năm tháng quá khứ trước chiến tranh… Không thể phủ nhận được rằng, sau chiến tranh Ba Lan đã thực hiện được một bước nhảy vọt xã hội vô cùng to lớn… Chúng tôi đã phải thừa kế một đất nước chỉ có 24 triệu người, trong chiến tranh đã có 6 triệu người hy sinh. Và tới năm 1970 ở Ba Lan đã có tới 38 triệu dân - đó là một sự bùng nổ dân số. Về tỉ lệ sinh, chúng tôi đã vượt hơn cả CHDC Đức và Tiệp Khắc. Nhưng những hệ lụy xã hội của bước nhảy vọt đó chúng tôi bắt đầu cảm nhận được vào những năm 70. Trong cửa hàng, như người ta nói khi đó, chỉ có thể tìm thấy dấm mà thôi. Có lẽ dấm đã là một chất kích thích cảm tính mạnh đến mức đã giúp sinh ra thêm 14 triệu người Ba Lan nữa…".

Theo ông Jaruzenski, quyết định ban bố tình trạng quân sự của ông hoàn toàn hợp pháp vì "Hội đồng Quốc gia Ba Lan đã bỏ phiếu đồng tình với nó. Và vì thế, đó không phải là chính biến. Đại tướng Jaruzenski cũng cho rằng: "Hiện nay giữa Ba Lan và Nga đang tồn tại nhiều bất đồng  - đặc biệt ở cấp cao nhất rồi trong giới khoa học… Tất cả những điều này làm tôi buồn. Tôi sẽ nhắc đi nhắc lại không mệt mỏi: tôi rất kính trọng nước Nga, tôi rất yêu người Nga, nhân dân Nga, tôi yêu văn hóa Nga. Đó là một dân tộc gần gụi với chúng tôi, môt dân tộc Slavơ. Nước Nga - đó là một quốc gia mênh mông, đa sắc tộc, gần như là một châu lục.

Dù rằng trong đời tôi đã có một lần bị đi đày Siberi, tại đó có rừng Taiga, nơi cha tôi vĩnh viễn nằm lại. Xin nói thêm là tôi rất biết ơn ông Vladimir Putin, người đã giúp cho tôi  trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng (trong chiến tranh thế giới thứ hai - TG) đã cho tôi cơ hội trong dịp tới vùng Altai thăm mộ của cha tôi. Và mặc dù con đường nặng nề của tôi đã qua nhưng tôi vẫn tiếp tục yêu nước Nga. Và tôi cho rằng, quan hệ giữa hai nước chúng ta phải là tốt. Tiếc rằng hiện nay không được như thế.

Tôi không muốn đánh giá bên nào có lỗi hơn. Giờ tôi đã xa rời chính trị và không có đủ thông tin để phán định. Nhưng theo tôi, trước hết cần bớt đi cảm tính mà theo tôi ở Ba Lan chúng tôi đang chất chứa nhiều hơn. Quá cảm tính thì không thể xây dựng được những mối quan hệ bình thường. Những quốc gia khác nhau không thể tiếp nhận lịch sử như nhau. Nhưng điều đó không nên ngăn cản chúng ta sống một cách bình thường và hòa thuận. Nhất là khi chúng ta là hàng xóm láng giềng…"

Theo Đại tướng Jaruzenski, những bức tường ngăn cách nước Nga và phần châu Âu còn lại tới khi nào đó sẽ không còn nữa. Tất cả đều có truyền thống riêng và con đường riêng đi tới dân chủ và tất cả đều cần thời gian để vượt qua con đường dài lâu đó. Sau khi Liên Xô tan rã cần phải có tập hợp lại tất cả những gì đã vỡ ra….

Ở tuổi ngoại 80, Đại tướng Jaruzenski vẫn nói: "Tôi là người đã được tôi luyện. Tôi đã trải qua những đoạn đường đời phức tạp. Và tôi không sợ những cảm xúc làm hại tới tôi"

Khương Duy
.
.