Câu chuyện thứ 54: Chuyện của ca sĩ Hồng Hạnh

Thứ Sáu, 06/02/2015, 17:14
Cũng có lúc đối mặt với những bức bách, lo toan của đời sống, tôi như không còn là mình nữa. Có những đêm chải tóc soi gương, thẫn thờ nhớ sân khấu, nhớ khán giả. Vậy là lúi húi lôi đàn, đem mấy bản nhạc úa màu ra tập. Nghiêm túc như hát trước bao người vậy đó. Mà thực chất là hát cho mình, dìu dắt tâm hồn mình, nuôi dưỡng khát khao một ngày trở lại. Thỏa thuê quẫy đạp trong giấc mơ cuộc đời mình, sống cho những gì mình từng nghĩ, từng ước ao.

1. Để nói về tôi, có lẽ nên bắt đầu từ ba má tôi và tình yêu vô điều kiện ông bà dành cho âm nhạc. Cả đời ba má tôi chính là tấm gương say nghề quên mệt mỏi. Qua nhiều gian nan, vùi dập, tấm gương ấy càng ngày càng sáng. Dẫu có những vết nứt người ta gây nên, rất khó để chữa lành. Chính sự miệt mài, tận hiến của ba má đã thắp lên trong tôi ngọn lửa âm ỉ suốt bao năm. Mỗi lần, bất chợt ngân nga câu hát nào đó, tôi lại thấy mình gần ba má đến lạ lùng.

Ngày còn trẻ, ba với má tham gia hoạt động văn nghệ ở chiến khu cùng nhiều văn nghệ sĩ khác. Do sức khỏe má yếu quá, sinh con đứa nào hỏng đứa nấy, chú Trần Hoàn xót nên động viên ba má vô Sài Gòn. Dấm dứ mãi, ba má mới quyết đi. Hành trang chẳng có gì đáng giá ngoài mấy bộ quần áo với cây đàn.

Sài Gòn du nhập lối sống kiểu Mỹ, ba má ngơ ngơ ngác ngác như người trên rừng mới xuống. Bụng bảo dạ, không biết có trụ nổi ở cái xứ này không? Nhờ một số thân hữu giúp đỡ, ba má được xếp hát phụ diễn thử tại một rạp chiếu bóng. Ba trong bộ đồ vải tây đã sờn, tay ôm đàn, tay dắt má mặc cái áo dài thùng thình hát bài Lúa vàng của chú Mạc Hy. Khán giả ngó ngộ ngộ, đang rôm rả chuyện trò tự dưng im phăng phắc.

Giữa cái không khí hiện đại, toàn nhạc Anh, Mỹ tự dưng xuất hiện hai giọng hát chân chất, đậm tình quê hương khiến nhiều trái tim lay động. Khán giả thích thú một, ba má tôi vui tới hai, ba, lòng khấp khởi trước sự mở đầu suôn sẻ. Từ đó ba má nổi danh, trở thành một trong vài cặp song ca được công chúng và người trong nghề mến mộ qua mấy thập kỷ.

Ba má tôi sống rất nghệ sĩ nên chẳng bận lòng chuyện người ta ganh ghét, hãm hại. Cứ túc tắc hát, túc tắc viết nhạc, tổ chức chương trình, say nghề như con tằm cần mẫn nhả tơ kéo kén. Ba má trọng nghề lắm. Tôi chưa bao giờ nghe ba than nghề này khổ, nghe má chê nghề này bạc dù đời ba má thăng trầm không ít. Ngộ một điều, dù nổi danh và yêu nghề song ba má không có ý định cho mấy anh chị em tôi nối nghiệp. Ba má sợ tụi tôi đi hát, bị hào quang lóa mắt mà sinh hư. Ngay lúc nhỏ, lũ chúng tôi đều được hướng theo một con đường duy nhất: học hành tử tế, tìm việc ổn định, đàng hoàng. Tuy nhiên, từ lúc tượng hình trong bụng má tới suốt quãng đời thơ ấu, anh chị em tôi đều được tắm mình trong bầu không khí du dương tiếng đàn tiếng hát thì tránh sao khỏi lòng vương một tiếng tơ. Chị Hồng Danh và tôi đã neo vào tiếng tơ ấy.

Má tôi thường nói tính tôi giống tính ba, thẳng như ruột ngựa, dễ sinh mất lòng. Có lẽ, do hợp tuổi nên tôi bám ba hơn. Chuyện nhỏ to đều thủ thỉ kể ba nghe hết. Với tôi, ba vừa là ba, vừa là thầy, đồng thời là một người bạn vô cùng thiết thân. Chương trình nào tôi hát trên tivi, ba xem không sót. Coi rồi để đó. Bữa nào thấy tôi vui vui, ba rút ruột nói hết. Chỗ này hát được, chỗ kia chưa, lên tông, nhấn giọng như thế nào, xử lý làm sao cho ổn nhất. Ba hiếm khen con. Từ hồi chị Hồng Danh đi hát, rồi tới tôi, bài nào hát tốt lắm, ba chỉ gật đầu nói với má, được thôi hà!

2. Tôi ngày nhỏ mê múa ballet, trong chiêm bao thường mơ bận bộ đồ con thiên nga trắng muốt, chân nhẹ nhàng như lướt trên mặt hồ. Sài Gòn sau giải phóng, chạy ăn đã khó nên vũ khúc thiên nga của tôi cũng đành khép lại. Văn nghệ sĩ miền Nam hồi đó ở lại Sài Gòn đông lắm. Ba tôi thương anh em đồng nghiệp trước giờ chỉ quen ca hát, biết lấy gì mưu sinh. Tính tới tính lui, ba bàn với má vét hết số tiền chắt chiu bao năm, lập đoàn ca múa nhạc tạp kỹ Hương miền Nam rồi tụ anh em về sinh hoạt. Thời điểm đó, má tôi hát một ngày 5 suất ở rạp Lệ Thanh, hát xong thì quay ra tập với ban nhạc. Tôi hay được cho lên rạp, ngồi nghe má hát, ngó ban nhạc chơi. Nhâm nhẩm hát theo riết mê hát hồi nào không hay. Tiếc là, Hương miền Nam trụ không được bao lâu thì tan. Như một cú phủi tay sạch trơn mọi cố gắng, tâm huyết, ba tôi thẫn thờ, dòm bầy con nheo nhóc, nén dữ lắm mà tiếng thở vẫn thườn thượt. Phải chi ba khóc được có lẽ đã nhẹ lòng hơn. Đằng này ba giữ hết. Rồi ngã bệnh. Căn bệnh đeo bám tới ngày ba vĩnh viễn nằm xuống.

Sau này, tôi học múa học hát với Đoàn với Đội, cũng tính theo, nhưng thấy khó và cực quá trong khi cảnh nhà đang hụt trước thiếu sau; lại được chị Hồng Danh đi trước mở đường nên tôi đi hát luôn. Giờ học chính quy ngày thứ 5 nào, hễ xong hai tiết đầu là tôi lẻn theo nhóm ca khúc hát đám cưới, hát tiệc, kiếm ít tiền vặt trang trải chuyện học hành. Ít lâu, ba phát hiện giận quá, đánh đòn tôi một trận tơi bời. Tôi khóc lu loa, sợ quá, hứa không dám bỏ học đi hát nữa. Hứa vậy thôi, chứ ngọn lửa một khi đã khơi, càng cố dập càng bùng cháy dữ dội. Biết không cấm được đứa con gái cứng đầu cứng cổ, ba nói thôi ráng đỗ tú tài rồi tính.

Tôi hát chính thức ở nhóm ca khúc hai năm, ba động viên theo con đường chuyên nghiệp. Năm 1985, tôi xin về đoàn Bông Sen. Thời gian này, tôi được cô Thanh Trì dạy luyện thanh thêm và bắt đầu được khán giả nhớ mặt biết tên. Đoàn Bông Sen rã, tôi về đoàn Ca nhạc nhẹ Sài Gòn. Tính tôi không biết rào trước đón sau nên bị người ta đì lắm. Bài mình hát hay, được khán giả thích, người ta kiếm cớ này nọ để cho người khác hát. Đi thi thì gặp cảnh “sống lâu thành lão làng”.

Hai mươi mấy tuổi đầu bước vô nghề, cái gì cũng trong veo nên tôi sốc lắm, đụng chuyện chỉ biết khóc sướt mướt. Kinh nghiệm mấy mươi năm theo nghiệp cầm ca, ba nằm lòng cái nghề lắm thị phi, nhiều cám dỗ và đầy đố kỵ này. Hễ thấy mắt tôi sưng sưng là ba biết có chuyện buồn. Mỗi lần vậy, ba động viên bằng cách kể cho tôi nghe những nhọc nhằn ba má lăn trải với nghề. Ba còn dặn: “Sống trong nghề nhưng đừng có mượn hai tiếng nghệ sĩ mà buông thả bản thân, bôi nhọ nghề của mình. Làm gì cũng phải giữ tiếng và nghĩ đến cái đạo”.

Bầm dập thêm vài trận, tôi vỡ lẽ, đằng sau ánh đèn sân khấu hào nhoáng, sau những lời tụng xưng, chỉ có tràng pháo tay của khán giả là thật. Khóc hoài cũng đâu có làm người ta thương mình hơn. Một khi đã chọn thì phải kiên trì đi đến tận cùng. Nghề nào cũng vậy. Hạnh phúc là đường đi, đâu phải là đích đến. Chưa chi đã nản, chắc gì theo nghề khác mình sẽ làm được?

3. Sau nước mắt là vinh quang. Đầu thập niên 90, tôi tách ra hát độc lập. Tên tuổi tôi được đông đảo công chúng ái mộ. Tôi lo không hát chỗ này, từ chối chỗ kia, khán giả buồn nên chạy show liên tục. Một bữa, tôi đang hát ở vũ trường thì anh Trịnh Công Sơn và một người bạn của ảnh tới tìm. Trước đó, nghe tôi hát ở phòng trà, anh thích giọng hát của tôi và nhờ người bạn đó mời tôi hát nhạc của ảnh.

Ngày ấy tôi còn ham vui, phần do chạy show nhiều, phần có anh người yêu là ông xã tôi hiện tại tới rước nên mấy lần vậy tôi mới gặp anh Sơn nói chuyện và nhận lời. Giai đoạn ấy, tôi hát nhạc trẻ, nhạc ngoại là chủ yếu, anh Sơn đề nghị: “Hay Hạnh hát nhạc trữ tình thử coi răng hè?”. Rồi anh chỉ cho tôi chỗ này hát chưa được, chỗ kia không ổn, tranh đấu từng chút và đứng ra thực hiện cái album đầu tiên cho tôi - Này em có nhớ - album mà mười mấy năm, sau ngày anh Sơn mất, tôi mới đủ can đảm lên viếng mộ anh, đàn và hát cho anh nghe.

Anh Sơn sống tình cảm và kỹ tính lắm. Ảnh chỉ cần có ai đó đủ hiểu ảnh hát nhạc của ảnh thôi. Album đó, nhất định phải là anh Bảo Chấn phối nhạc, ảnh mới chịu. Ngày nào ảnh cũng bắt tôi chạy qua nhà ảnh, ăn xong thì tập hát, hát xong ăn tiếp. Bữa nào tôi ham vui, tung tăng với bạn, ảnh qua nhà ngồi đợi mấy tiếng, nói chuyện với má tôi rồi đi về.

Từ ngày lấy chồng, tôi thôi không gặp anh Sơn nữa. Có lẽ, anh hiểu nên không bao giờ nhắc đến tên tôi trong bất kỳ bài viết nào của anh. Tôi lại càng không muốn nhắc tên anh như một bảo chứng cho nghề nghiệp của mình. Bởi, anh là mối lương duyên diệu kỳ cuộc sống này ban tặng cho tôi và tôi trân quý điều ấy. Nên, thời điểm đó, tôi thôi không hát nhạc anh nữa. Rồi việc nhà, việc kinh doanh quẩn quanh, suất diễn của tôi thưa dần. Mỗi người có một con đường, theo lối của riêng mình. Đâu lạnh lùng tới nỗi để mà hờn, mà trách như câu hát phổ thơ: “Người đi qua đời tôi không nhớ gì sao người/ Mưa nào lên mấy vai, gió nào lên trời?”. Chỉ là, hoa có vàng mấy độ cũng là hoa xưa. Lo toan cuốn yêu dấu tan theo bóng nguyệt cầm. Giữa những khoảng lặng, nhiều khi nghĩ lại, lòng tôi áy náy vô cùng. Lấy chồng thì lấy chồng, anh Sơn như một người anh, mắc gì không chịu gặp. Định bụng bữa nào chạy qua nhà anh thăm hỏi, để được ngồi trước hiên, nói chuyện nhạc và đủ thứ chuyện trên trời dưới đất như thuở nào. Lần lữa mãi, viện cớ mãi, cho đến ngày anh mất. Năm sau thì ba tôi qua đời….

Đớn đau nhất trong cuộc đời này, có lẽ là khi ta nhận thức được mình vĩnh viễn mất đi những điểm tựa. Những điểm tựa thân quen tới mức ta tự cho phép mình tạm quên sự hiện hữu trong muôn ngàn bộn bề. Để một sáng nào đó, bên ly trà bốc khói, ta ngồi nhớ một dáng hình. Lòng trống trải, mênh mông. Để một tối nào đó, thinh không vọng lại tiếng gọi của chính mình.

Tôi tìm đến phim, mong khuây khỏa những chơi vơi, chống chếnh. Ở đó, ai biết tôi đang khóc cho nhân vật hay khóc cho chính mình… Thi thoảng vắng việc, tôi ngẩn ngơ tự hỏi, nếu mọi thứ chậm lại một chút thì sao ha? Mà, có ai xoay thời gian trở ngược được bao giờ? Cạn nước mắt thì gượng dậy, tự kéo mình qua nỗi đau. Rồi nhìn con mỗi ngày mỗi lớn, nhác thấy bóng má trĩu nặng tháng năm, tôi như được tiếp thêm động lực bước về phía trước.

Cũng có lúc đối mặt với những bức bách, lo toan của đời sống, tôi như không còn là mình nữa. Có những đêm chải tóc soi gương, thẫn thờ nhớ sân khấu, nhớ khán giả. Vậy là lúi húi lôi đàn, đem mấy bản nhạc úa màu ra tập. Nghiêm túc như hát trước bao người vậy đó. Mà thực chất là hát cho mình, dìu dắt tâm hồn mình, nuôi dưỡng khát khao một ngày trở lại. Thỏa thuê quẫy đạp trong giấc mơ cuộc đời mình, sống cho những gì mình từng nghĩ, từng ước ao.

Và sáng nay trở dậy, một sớm đương xuân, tôi thấy nắng mới ngọt lành bừng nở trên mái nhà.

Hoàng Linh Lan
.
.