Khoảnh khắc thay đổi số phận: Câu chuyện thứ 1

Câu chuyện của ca sĩ Minh Thuận

Thứ Tư, 22/08/2012, 10:10
Bị cấp cứu vì làm việc quá sức, tôi hoàn toàn không nghe thấy được nhịp đời xung quanh mình, chỉ có nỗi chán chường và cảm nhận hàng đống thuốc truyền vào cơ thể mình. Biết không? Nếu bạn rơi vào trường hợp như tôi, bạn sẽ hiểu rằng, thời điểm bạn khó khăn nhất, không ai có thể chia sẻ với bạn được điều gì cả. Phải tự bạn tìm cách vượt qua thôi. Đường tối hay đường sáng, gục ngã hoặc đứng lên, đều do tự bạn quyết định...

Lời tòa soạn:

Chúng tôi vẫn tin rằng, mỗi cuộc đời luôn chứa nhiều biến cố. Như người lữ hành, bao giờ không gặp những nhánh rẽ ngang.

Biến cố thay đổi một cuộc đời. Ngã rẽ thay đổi một số phận.

Sau những biến cố và ngã rẽ ấy, trong mỗi cá nhân, sẽ xuất hiện một ý niệm mới về chính mình, về đời sống, về các mối quan hệ xã hội…

Chuyên mục này, không nằm ngoài mục đích chia sẻ với bạn đọc những ý niệm của từng cá nhân sau biến cố của đời mình. Để từ đó, sống chậm lại và chiêm nghiệm nhiều hơn, để thấy rằng, trăm năm chớp mắt là hữu hạn.

Ở số báo này, là khoảnh khắc thay đổi số phận của ca sĩ Minh Thuận, “ông hoàng nhạc Hoa lời Việt” một thuở, qua ngòi bút của Hoàng Thụy Yên.

1. Thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tôi gặp Nhật Hào. Nhật Hào và tôi thời điểm ấy, đều là học sinh phổ thông. Tôi thích ca hát, Nhật Hào cũng vậy. Chúng tôi hát suốt những ca khúc nhạc cách mạng truyền thống. Thi thoảng, có hát nhạc trẻ.

Rồi tôi vô tình quen biết một số bạn bè người Hoa, được nghe nhiều băng đĩa nhạc phim Hồng Công, khi ấy nhạc Canto-pop đang thịnh hành ở châu Á mà ở Việt Nam vẫn chưa nhiều người biết tới, thế là chúng tôi nảy ra ý định hát những ca khúc nhạc Hoa đã chuyển sang lời Việt, tự dưng lại thành một xu thế mới.

Năm 1991, tôi và Nhật Hào bắt đầu có tên tuổi trong làng giải trí. Tôi còn nhớ, lần đầu tiên chúng tôi bắt nhóm với nhau rất tình cờ, đó là trong một chương trình tìm kiếm ca sĩ trẻ ở Nhà Văn hóa Quận 10, khi ấy mỗi đứa chỉ đóng vai trò hát lấp vào khoảng trống khi các ngôi sao như Nhã Phương, Bảo Yến, Ái Châu, Lê Tuấn chưa tới. Mà chờ riêng để tới lượt thì lâu quá, thế là hai đứa ráp lại hát chung, không ngờ khán giả lại tỏ ra phấn khích, rần rần vỗ tay. Từ đó, nhóm mới bắt đầu tìm kiếm dòng nhạc phù hợp, xây dựng hình tượng, phong cách riêng; ngay cả mái tóc dài cũng không phải là chủ ý, hồi trẻ khoái để tóc dài cho lạ lạ vậy thôi, rồi nóng nực quá thì cột lên, tự nhiên tạo thành cái “style”. Chuỗi album Chàng trai Bắc Kinh của nhóm khi ấy rất thành công, ra tới tận vol. 17.

Chúng tôi rã nhóm, nhẹ tênh. Dẫu đó là một cột mốc khiến tôi chấn động. Một nhóm nhạc đang hưng thịnh lại tan rã, làm sao mà vui vẻ được. Khán giả tiếc nuối một, thì chúng tôi tiếc nuối đến hàng trăm, hàng nghìn lần, Có điều, tôi biết rằng, hợp tan là một thứ quy luật mà chỉ người trong cuộc mới hiểu, đến lúc cạn “duyên” thì vợ chồng, anh em còn phải chia tay, huống hồ không phải ruột thịt thì ràng buộc lại càng khó hơn. Thực ra thì cũng có những cái nhỏ nhỏ tác động vào nhưng không quan trọng, trên hết là hai đứa đã phát triển lên tới đỉnh điểm rồi, thay vì đợi đi xuống mới tan rã thì sẽ không còn đủ sức trẻ để tiếp tục con đường riêng, việc chia tay đúng lúc sẽ tạo nền tảng thuận lợi cho mỗi đứa tự vượt qua cái bóng chung của nhóm. Cả hai đã hiểu nhau quá rồi, hát xong bữa cuối thì quyết định ngày mai chấm dứt, “tao với mày hát riêng nha”. Hai anh em chia tay nhau trong tình nghĩa, anh Hào cứ một hai năm về nước một lần lại sáp vô hát chung, hoặc tôi rủ ảnh đi hát show lẻ cho vui.

Năm đó, tôi 27 tuổi. Nhật Hào sang Mỹ, tôi ở lại Việt Nam, vẫn đi hát. Ngoài hát ra, tôi chẳng biết làm gì khác.

Đi đến sân khấu nào, diễn ở đâu, tôi cũng nhận được những câu hỏi: “Nhật Hào đâu rồi? Nhật Hào đâu?”. Bầu show cũng tạo áp lực lớn lên tôi. Họ bảo, không có Nhật Hào thì Minh Thuận có ý nghĩa gì.

Tôi nghe, chỉ mỉm cười. May mắn là, tôi vẫn có những khán giả của riêng mình, của riêng giọng ca tôi.

Đến đây, tôi lại nhớ cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Ngày chúng tôi còn làm mưa làm gió ở các tụ điểm ca nhạc, thì nhạc sĩ tài hoa ấy luôn là người góp công lớn vào việc phổ lời Việt cho các ca khúc Hoa ăn khách của tôi. Trước đây, khi làm album thì đã có hãng lo hết, ca sĩ chỉ việc hát mà thôi, tôi thì lại làm chuyện khác người là đi tìm nhạc sĩ viết lại lời Việt cho ca khúc tiếng Hoa sao cho phù hợp với chất giọng và phong cách của mình. Từng làm việc chung với ban nhạc của anh Lê Hựu Hà nên tôi biết và rất mến tài anh, hầu như mọi album thành công của tôi đều có dấu ấn của anh Hà.

2. Người bạn thân nhất của tôi, có lẽ là ca sĩ Phương Thanh. Phương Thanh, năm 1992 trong tôi là cô gái bẽn lẽn, nhút nhát.

Tôi hát trên sân khấu, Phương Thanh ngồi ở dưới xem, muốn xin chữ ký của tôi mà ngại, phải nhờ mẹ xin hộ.

Ít lâu sau, tôi gặp lại Phương Thanh trong chương trình “Tuyển chọn Ngôi sao Điện ảnh hôm nay và ngày mai”. Thí sinh đến tuyển chọn đông nghẹt, vậy mà Phương Thanh lại nổi bật với giọng hát máu lửa và phong thái cực kỳ tự tin, dẫu người nhỏ xíu.

Năm 1994, khi tôi bắt đầu với công việc sản xuất băng đĩa thì người đầu tiên tôi tìm đến để thâu âm video là Phương Thanh. Từ đó chúng tôi mới thân nhau. Nghĩ cũng lạ, hai con người trái biệt nhau về cá tính, vậy mà lại trở thành bạn thân cho tới giờ.

Biết tôi hoảng sợ nhất là thời điểm nào không?

Không phải là khi, tôi từ chối cùng gia đình sang định cư ở nước ngoài, mà chấp nhận một mình ở lại Việt Nam ca hát đâu. Bởi mình tự chịu trách nhiệm được quyết định của mình mà.

Thời điểm tôi hoảng sợ nhất, chính là khi tôi phát hiện ra rằng, tai tôi không còn khả năng nghe được nữa.

Tôi sống bằng nghề hát, tai lại không nghe được, cũng như bạn viết báo mà hai tay tự dưng teo tóp lại.

Năm tôi 31 tuổi, show diễn về nhiều như lá đổ chiều thu. Có tin được không, tôi chạy show 13 ngày liên tục khắp Nam chí Bắc, thời gian nghỉ ngơi duy nhất là trên xe. Ăn trên xe, ngủ trên xe, đến địa điểm là luyện tập và… hát.

Hát xong ở Hà Nội, tôi bay ngược vô Sài Gòn. Hát xong Sài Gòn, tôi lên xe du lịch về Rạch Giá (Kiên Giang) hát tiếp. Chào khán giả ở Rạch Giá xong, tôi ngồi máy bay ra thẳng Huế. Vừa kết thúc ở Huế, lại ngược ra Hà Nội.

Tôi làm việc như ngày mai mình không còn cơ hội để đứng trên sân khấu nữa. Và rồi, tôi đã trả giá. Một cái giá rất đắt.

Kiệt sức, tôi đột quị. Nằm trong phòng cấp cứu, tôi được bác sĩ cho biết dây thần kinh thính giác của tôi đã bị virus ăn mòn, nên tôi sẽ bị điếc cả hai tai.

Nghĩ được không cảm giác của tôi lúc đó.

Như đứng ở tầng thứ 15 một tòa cao ốc, đang mải mê ngắm cảnh, bỗng dưng có ai đẩy nhẹ để mình rơi tự do chạm đất vậy.

Tôi nằm trong phòng bệnh, giữa bốn bức tường, cô đơn đến cùng cực. Tôi nghĩ nhiều, những chuyện xa xưa, chuyện ngày nay và tương lai. Ý niệm duy nhất của tôi là, cuộc sống này chông chênh quá.

Tôi hoàn toàn không nghe thấy được nhịp đời xung quanh mình, chỉ có nỗi chán chường và cảm nhận hàng đống thuốc truyền vào cơ thể mình.

Tôi tuyệt vọng.

3. Biết không? Nếu bạn rơi vào trường hợp như tôi, bạn sẽ hiểu rằng, thời điểm bạn khó khăn nhất, không ai có thể chia sẻ với bạn được điều gì cả. Phải tự bạn tìm cách vượt qua thôi. Đường tối hay đường sáng, gục ngã hoặc đứng lên, đều do tự bạn quyết định.

Sau khi xuất viện, tôi bỏ hết công việc. Tôi chỉ có một ước muốn, tôi được trở thành người bình thường. Nghĩa là, chỉ cần tôi nghe lại được, tôi sẽ chấp nhận đánh đổi bất cứ giá nào.

Danh vọng, tôi không cần nữa. Tiền bạc, tôi không quan tâm nữa. Tôi chỉ muốn là tôi, một Minh Thuận của những ngày xưa cũ.

200.000USD là cái giá để tôi có thể hy vọng tìm lại được thính giác của mình. 200.000USD thời điểm đó, lớn vô cùng. Nhưng tiền bạc có là gì đâu. Đang chuẩn bị gom góp tiền bạc chữa trị bệnh, thì tôi gặp được một hạnh ngộ.

Có người lạ nằng nặc xin gặp tôi, xin gặp rất nhiều lần với lời lẽ khẩn thiết. Ban đầu tôi từ chối. Mãi về sau, tôi mới đồng ý.

Người này dắt tôi đến gặp vị giám đốc một doanh nghiệp gốc Việt, quốc tịch Singapore.

Vị giám đốc nói, anh biết thông tin về chứng bệnh của tôi. Anh có nhã ý muốn giúp tôi điều trị từ A đến Z chứng bệnh này và anh cũng biết một bác sĩ người Đức điều trị về thính giác rất giỏi.

Còn 3 tuần nữa là tôi sang Đức để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật, giấy tờ, visa… đều đã xong. Bệnh viện ở Đức cử chuyên gia sang Việt Nam, kiểm tra thính lực của tôi lần cuối trước khi xuất cảnh. Thì bất ngờ, tai tôi lại phục hồi được 50% khả năng nghe.

Đây là một kỳ tích trong y khoa.

Họ bảo với tôi rằng, nếu tôi giải phẫu, thì ủi ro là 50-50. Vì bác sĩ phải mở nắp hộp sọ của tôi để gắn chip điện tử vào ốc tai. Loại chip này có remote điều khiển, sử dụng vĩnh viễn.

Vì vậy, nếu như tôi tự phục hồi được, hãy để tự phục hồi và hy vọng. Không nên đánh đổi mạng sống của mình cho cuộc phẫu thuật sắp diễn ra. Tôi đồng ý làm theo lời khuyên của các chuyên gia người Đức.

Năm 2007, tai phải của tôi đã nghe tốt được khoảng 70%. Nhưng tai trái thì vẫn không phân tích được các tín hiệu âm thanh, tôi phải dùng máy trợ thính.

Bạn thấy, một ca sĩ phải dùng máy trợ thính như tôi thì có buồn cười không(?!). Đâu có sao, tôi không quan tâm nhiều đến cái máy trợ thính gắn vào tai trái của mình. Bởi với tôi, chỉ bấy nhiêu đã là quá đủ đầy cho một hạnh phúc.

Đến bây giờ tôi vẫn không tin được câu chuyện cổ tích đó, nhất là khi tôi tự hỏi vì sao lại có những người tốt thế. Theo cách của riêng mình, tôi lý giải rằng có thể vì họ cùng là người Việt Nam, mắc phải căn bệnh tương tự giống mình, họ cũng làm từ thiện nhiều, và trên hết họ biết được rằng, ở nước ngoài có tiền là có công nghệ, nhưng ở Việt Nam thời điểm đó, có tiền thì cũng bằng không, chỉ có thể ra nước ngoài chữa trị mà thôi. Có khi đơn giản vì họ là người nhân ái, vậy thôi. Tôi vô cùng biết ơn người ấy.

Bạn thấy không, cuộc sống này công bằng lắm, mất đi cái này lại được bù đắp bằng thứ khác, cho nên đừng bao giờ tuyệt vọng và đánh mất niềm tin vào cuộc sống.

4. Vĩ thanh cho riêng tôi. Bản thân tôi có nhiều mâu thuẫn mà sau một thời gian chỉ mình mới nhìn rõ nó nhất. Thế giới của nghệ sĩ rất phù phiếm, nhưng tôi lại luôn luôn muốn mình không phù phiếm. Cứ như vậy, càng lớn lên tôi càng tự dạt mình ra khỏi quỹ đạo chung của giới. Tôi ghét bon chen, ghét đua đòi – những cái thuộc về bản chất của nghề. Việc bạn không phù phiếm, không ồn ào, không phải là nhân vật cho xã hội quan tâm tỉ lệ thuận với độ sáng tên tuổi và thu nhập của mình.

Tôi vẫn muốn sống chết với nghề chứ, nhưng càng ngày tôi lại càng muốn thu mình lại. Tôi nhìn ra điều này cả chục năm nay rồi, nó không hẳn là sự luyến tiếc danh vọng, mọi sự đều có cái giá của nó, có gan thì mới làm giàu, làm liều ăn nhiều. Mười năm trước, khi bắt gặp những sự việc tiêu cực, giả tạo, không đúng thực lực nghệ sĩ thì tôi coi thường, nhưng sau đó tôi nghiệm ra, họ không phải không biết, mà họ nhìn đời bằng con mắt rất thực tế, không mơ mộng hão huyền, họ mới đúng là phù phiếm, phù-phiếm-một-cách-thực-tế. Còn mình thì đúng là nghệ sĩ của kiểu cũ. Thời cuộc giờ đã khác, người ta không thích mà vẫn làm. Nhưng nếu quay lại thì tôi vẫn sẽ chọn cách sống cũ, đúng với mình

.
.