Cả thanh xuân của Lâm là... điện ảnh

Thứ Hai, 12/11/2018, 11:50
Lâm mê điện ảnh từ khi nào tôi không biết. Từ buổi khởi đầu nghề báo, về cùng làm cơ quan với Lâm, biết Lâm, chơi với nhau, tôi đã thấy Lâm mê điện ảnh. Mê đến quên đường về. Mê đến mức có tiền là nghĩ đến chuyện đi mua đĩa phim về xem. Mê đến ngồi đâu nói về điện ảnh là Lâm không đứng lên được cho đến khi câu chuyện chưa kết thúc. 


Người ta dành cả thanh xuân để Yêu, Lâm dành cả thanh xuân để tán tỉnh người tình Điện ảnh. Nói thế chưa hẳn đã đủ. Lâm dành cả thanh xuân để xem phim thì đúng hơn.

Hóa ra điện ảnh có trong Lâm từ thuở nhỏ. Thuở Lâm còn dép lê quần đùi theo mẹ hay chị gái đi xem phim bãi. Thời bao cấp đó, rạp chiếu phim lưu động là cả thế giới giải trí của bao nhiêu con người, ở khắp các làng quê Việt. 

Ký ức xem phim bãi được Lâm kể lại trong cuốn sách "101 bộ phim Việt Nam hay nhất" của Lâm vừa được Nhã Nam phát hành: "Đang xem phim giữa chừng thì màn hình tắt ngóm vì cuốn phim tiếp theo chưa về kịp nên đành phải ngắt quãng. Một tập phim chỉ dài khoảng một tiếng rưỡi, nhưng một buổi chiếu phim có thể kéo dài đến ba tiếng vì những lần ngắt quãng và chờ đợi như thế. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác háo hức mỗi lần được bước vào rạp chiếu phim lưu động, nghe tiếng máy quay phim chạy rè rè và một luồng sáng với những hình ảnh kỳ diệu hiện lên trên màn ảnh, kể cho tôi nghe những câu chuyện anh hùng ca và sức sống kỳ diệu của người Việt Nam trong chiến tranh".

Các bạn trẻ tuổi 20 hôm nay thật khó hình dung chúng tôi, thế hệ 7X trở về trước đã thưởng thức các tác phẩm điện ảnh trong những không gian như thế. Ngày hôm nay, các bạn có thể đến rạp tiện nghi, sang trọng, thưởng thức một bộ phim trong cảm giác đầy đủ. 

Nhưng cảm giác sung sướng khi xem phim thì không chừng các bạn đã có được như Lâm đã từng. Vì thời chúng tôi còn nhỏ có rất ít phương tiện giải trí. Mỗi buổi xem phim bãi mang đến cho chúng tôi một thế giới khác. Tôi chắc không chỉ mình Lâm là cá biệt.

Thời đó, sau khi xem phim về, trẻ con trong xóm thường tụ tập nhau diễn lại những cảnh trong phim. Mỗi đứa sẽ hóa thân vào một nhân vật để kể lại bộ phim theo cách của mình. Chúng đã sáng tạo lại mỗi bộ phim theo một cách khác.

Khi Lâm bắt đầu đi làm báo ở Hà Nội, cuộc sống đã thay đổi nhiều. Rạp chiếu phim mọc lên khắp nơi. Người xem có thể đồng thời được xem các tác phẩm điện ảnh mới của những nền điện ảnh phát triển nhất, trong những rạp chiếu bóng tiện nghi. 

Nhưng với Lâm, việc đến rạp xem phim nước ngoài chưa bao giờ là đủ cả. Lâm yêu điện ảnh Việt, và từ rất sớm, có ý thức xem phim Việt một cách hệ thống. Dù có thể khi còn là nhà báo trẻ, Lâm không nghĩ mình sẽ trở thành một nhà phê bình điện ảnh, hay trở thành một người chuyên nghiên cứu trong lĩnh vực điện ảnh. Đơn giản là Lâm mê phim. 

Giống như bạn bè, từ tỉnh lẻ về Hà Nội học tập và lập nghiệp, Lâm "lê" tuổi trẻ mình qua rất nhiều nhà trọ ở thủ đô. Mỗi lần chuyển nhà, cái gì bỏ lại cũng được, chứ gia tài phim ảnh của Lâm thì không được suy suyển. 

Phòng trọ của Lâm luôn đầy ắp sách và phim. Cánh cửa nhà Lâm ở khi nào cũng dán đầy poster những bộ phim nổi tiếng, hay ảnh các diễn viên mà Lâm yêu thích. Sách đầy trên giá, đĩa phim đầy trên kệ, trong các hộp đựng đĩa chuyên dụng. 

Lâm phân chia phim theo thể loại, theo thời gian, thành từng khu vực khác nhau. Hỏi đến phim nào là Lâm biết đĩa phim đó nằm ở đâu. Có tiền nhuận bút, kiểu gì Lâm cũng phải ghé mấy địa chỉ mua đĩa. Tất nhiên là đĩa lậu, vì thời đó nhà báo quèn chưa có nhiều tiền và công ước bản quyền quốc tế thì chưa đến Việt Nam. 

Những cửa hàng bán đĩa phim ảnh, ca nhạc trên phố Huế, Hàng Bài Lâm thuộc nằm lòng. Chủ cửa hàng cũng "nhẵn mặt" Lâm đến mức khi cần có thể bán chịu đĩa phim cho Lâm, hoặc khi có phim mới, hay những phim Lâm cần tìm sẽ để dành gọi Lâm đến lấy. Bộ sưu tập của Lâm không chỉ phim trong nước mà cả phim nước ngoài. 

Năm tháng chất chồng lên, Lâm sở hữu cả ngàn đĩa phim. Ngoài việc làm báo, rảnh là Lâm "nghiền" phim. Có ngày Lâm xem đến 5 bộ phim từ sáng đến chiều, quên cả ăn. Xem xong lảo đảo đứng lên gọi bạn bè tụ tập cà phê, quán xá. Đó là những năm thanh xuân tuổi trẻ mà tôi chắc là mỗi lần nghĩ lại, ai trong chúng tôi cũng cảm thấy thật tuyệt vời. 

Niềm đam mê phim ảnh của Lâm lây lan cả sang bạn bè. Tôi cũng được Lâm "khai sáng" nhiều kiến thức về điện ảnh, vốn trước đó không hiểu biết gì nhiều. Rất nhiều phim kinh điển của Việt Nam và thế giới tôi biết đến là nhờ Lâm cho mượn về xem. 

Tính Lâm rộng rãi khoáng đạt, lại rất thích chia sẻ với bạn bè. Phim nào hay, ám ảnh, ngoài việc mua đĩa bổ sung vào bộ sưu tập của mình, Lâm sẵn sàng "sơ-cua" thêm một số, để tặng cho mọi người.

Lăn lộn trong nghề báo, Lâm gắn bó với mảng giải trí. Và dĩ nhiên, điện ảnh là một góc không thể nào thiếu trong Lâm. Gần 20 năm làm báo, Lâm có cơ hội được gặp nhiều đạo diễn, diễn viên, cập nhật các kiến thức điện ảnh, tham gia các khóa học ngắn ngày, dài ngày để cập nhật kiến thức. Lâm trở thành một chuyên gia về điện ảnh. 

Cho đến giờ, những cuốn sách của Lâm đã xuất bản đều liên quan đến điện ảnh như: "Xem chữ đọc hình" (Phỏng vấn và bình luận điện ảnh), "Chơi cùng cấu trúc" (Phê bình điện ảnh), "Cánh chim trong gió" (Tản mạn về điện ảnh), "Sự lưỡng nan của tình thế làm người" (Phê bình và tiểu luận điện ảnh) và mới đây nhất là công trình công phu "101 bộ phim Việt Nam hay nhất". 

3 năm cho một dự án. Vì muốn toàn tâm toàn ý với công việc đã lựa chọn, Lâm thậm chí bỏ luôn công việc Thư ký tòa soạn ở một tờ tạp chí ăn khách, chỉ để "ăn ngủ với phim Việt". Lâm tìm kiếm thông tin về từng bộ phim. Phim nào chưa có trong bộ sưu tập Lâm phải tìm kiếm bằng nhiều cách để xem, từ internet đến các thư viện lưu trữ, bạn bè trong giới. 

Lâm hệ thống, sàng lọc, chọn lựa trong danh sách hơn 1.000 bộ phim trong 59 năm tồn tại đã qua của điện ảnh Việt ra chừng hơn 200 bộ phim tiêu biểu để xem lại từng phim một. Công việc xem phim, chấm điểm, phân loại mất rất nhiều thời gian, cuối cùng để chọn ra được 101 bộ phim mà Lâm cho là hay nhất. Lâm ngồi viết về từng bộ phim, dần dần tượng hình lên một bức tranh chân dung điện ảnh Việt từ khi bắt đầu đến nay. 

Để làm được công việc đó một cách thuyết phục, vấn đề không đơn giản chỉ là chuyện xem phim. Người làm chủ dự án phải có một kiến thức sâu rộng về điện ảnh, dựa trên những tiêu chí học thuật để chính những người làm điện ảnh phải tâm phục. 

Cùng với đó là một khả năng diễn đạt tốt để chuyển tải chính xác thông điệp của mình đến độc giả. Được dẫn dắt bởi tình yêu vô tận với điện ảnh, cộng với kiến thức tích lũy trong suốt gần 2 thập kỷ xem phim một cách lớp lang hệ thống, đọc sách, viết báo và nghiên cứu, Lâm đã cống hiến cho người yêu điện ảnh gần 500 trang sách, có thể xem như một tư liệu đầy đủ, bổ ích, cần thiết để họ có thể tra cứu khi tìm hiểu về một bộ phim nào đó, hay một thời kỳ nào đó của điện ảnh Việt đã đi qua. 

Từ đây, Lâm khơi gợi niềm tin và đam mê cho những người làm điện ảnh trẻ, tiếp tục con đường cha anh mình đã đi. Cùng với đó, củng cố thêm tình yêu của khán giả dành cho phim Việt.

Với những người mê điện ảnh, xem phim nhiều, thông thạo các dòng phim mới của các nền điện ảnh phát triển, hẳn sẽ cảm nhận rõ ràng khoảng cách giữa điện ảnh Việt và điện ảnh thế giới. Chúng ta chưa phải là một nền điện ảnh được chú ý trên bản đồ khu vực và thế giới. Số lượng phim mỗi năm sản xuất ra chưa nhiều và chưa có nhiều phim hay, nguyên nhân xuất phát bởi nhiều yếu tố, từ đào tạo con người đến phương tiện, máy móc, kỹ thuật. 

Không ít khán giả còn mặc cảm, tự ti về điện ảnh trong nước, đặc biệt là khán giả trẻ. Với tư cách là một người xem phim chuyên nghiệp, một người nghiên cứu, làm công tác phê bình điện ảnh, Lâm muốn "hóa giải" nỗi mặc cảm đó trong khán giả phim Việt.

Đó là giữ một cái nhìn khách quan, thấu cảm với những khó khăn mà người làm điện ảnh Việt đang đối mặt, trên tinh thần bình đẳng, "gạn đục khơi trong", tôn vinh những giá trị đã vượt qua được sự khắc nghiệt của thời gian, còn được khán giả nhiều thế hệ nhớ đến.

Với Lâm, điện ảnh là một phần của văn hóa. Giữ một tình yêu trong sáng, thuần khiết với điện ảnh Việt, cũng có nghĩa là giữ một tình yêu hiển nhiên với văn hóa dân tộc mình.

Lâm viết về tình yêu của mình với phim Việt: "Dù đã xem hàng trăm bộ phim kinh điển của thế giới, choáng ngợp trước các thủ pháp điện ảnh hay nghệ thuật kể chuyện của các đạo diễn bậc thầy ở những nền điện ảnh lớn, nhưng những bộ phim hay của điện ảnh Việt Nam vẫn làm tôi xúc động hơn cả. 

Bởi có lẽ ở đó, tôi được sống với những tâm hồn người Việt Nam, được tắm trong ngôn ngữ Tiếng Việt nhuần nhị, được chiêm ngưỡng cảnh đẹp Việt Nam qua các vùng miền và được chứng kiến những cảnh đời cay đắng, nhọc nhằn gian khó nhưng vẫn tràn đầy sức sống của người Việt qua các thời kỳ khác nhau".

Nếu người sáng tạo có thể dễ dàng để cảm xúc của mình chi phối, thì với người làm công việc lựa chọn, phê bình điện ảnh như Lâm, việc giữ một cặp mắt tỉnh táo, khách quan luôn là cần thiết. Để không bị cảm tính, thì kiến thức sâu rộng chính là chiếc mỏ neo quan trọng với nhà phê bình. 

Tất nhiên, để đi xa, dưới đáy tận cùng của bất kỳ một công việc nào cũng phải là tình yêu. Lâm có tất cả những điều đó, sự lý tính trên bề mặt và tình yêu sâu sắc dưới đáy, điều đó thể hiện trên từng trang viết của Lâm về mọi vấn đề của điện ảnh, nhất là điện ảnh Việt. 

Bởi vậy, Lâm luôn được các nghệ sĩ điện ảnh quý mến, trân trọng, cũng như có nhiều độc giả theo dõi, hâm mộ từ các bài đăng báo đến những note trên trang facebook cá nhân. Điện ảnh trong mắt Lâm luôn là một thế giới khác, một thế giới đa chiều, đẹp đẽ, nhiều cảm xúc. Một thế giới mà dù chưa xem phim, chỉ đọc Lâm thôi, người ta đã muốn bước vào, đắm mình trong đó.

Từ câu chuyện của Lâm, tôi chợt nhận ra một điều. Có rất nhiều người trẻ tuổi giỏi giang nhưng họ không làm được một việc gì đến đầu đến đũa. Họ trượt đi trong cuộc sống ngập tràn thông tin này, vì rất nhiều điều thú vị bủa vây, choáng ngợp. 

Cái gì họ cũng biết nhưng họ không tận cùng điều gì, không tạo ra một sản phẩm nào mang dấu ấn cá nhân của họ. Đơn giản là họ đã không kiên nhẫn với lựa chọn của mình, và khi cần, không dám bỏ lại phía sau vài thứ để tận cùng một công việc mình yêu thích, giống như Lâm đã luôn sẵn sàng. 

Sau cuốn sách "101 bộ phim Việt Nam hay nhất", người mê điện ảnh và "mê" cách viết phê bình của Lâm sẽ có thể yên tâm chờ đợi một dự án mới cũng không kém phần ý nghĩa, về điện ảnh Sài Gòn thời kỳ trước 1975, mà Lâm đang bắt đầu những trang đầu tiên...

Bình Nguyên Trang
.
.