Ca sĩ trẻ Lê Khoa: Âm nhạc - con đường tìm kiếm chính mình

Thứ Năm, 13/06/2019, 16:54
Lê Khoa mới ngoài 20 tuổi, lời lẽ khi nói chuyện luôn giữ sự đúng mực, khiêm nhường, thậm chí còn lễ phép hơn cả mức cần thiết.

Nhưng ẩn sâu dưới vẻ khiêm nhường, đúng mực ấy là một cá tính âm nhạc nổi loạn. Một tiếng nói mạnh mẽ lúc nào cũng muốn vượt thoát khỏi các giới hạn.

Trong máu thịt của Lê Khoa là một tình yêu thành thật, say đắm dành cho âm nhạc. Đến nỗi một người khó tính, cực đoan như nhạc sĩ Lê Minh Sơn cũng không tiếc lời khen ngợi và sẵn sàng hợp tác để có hẳn một đĩa nhạc Lê Khoa hát Lê Minh Sơn. Đây có lẽ là lần đầu tiên trong đời tác giả “Ôi quê tôi” xé rào hợp tác với một ca sĩ trẻ gần như đang mò mẫm bước đầu tiên, chưa có bất cứ một tác phẩm nào trình làng. 

Mới đây, Lê Khoa còn làm khán giả Việt ngạc nhiên với album mới mang tên “W.A.R”- một album nhạc phát trên nền tảng dịch vụ nhạc trực tuyến. Khoa đã hát cùng với bạn của mình, một nghệ sĩ trẻ gốc Mexico-Josué Estrada. 

Lê Khoa và Josué tình cờ gặp nhau và thân thiết bởi cùng thân phận những người nhập cư trong lòng nước Mỹ, từng bị đối xử kỳ thị và luôn mong muốn được nói tiếng nói cá nhân mình. 

Khoa kể: “Josué người thổ dân da đỏ. Cộng đồng của cậu ấy trước đây là một quần cư chiếm đa số ở thành phố Wichita. Tuy nhiên hiện nay, tiếng nói của họ đã trở nên yếu ớt vô cùng. Khi đi sâu vào tìm hiểu lịch sử và những nét văn hóa đặc sắc của bộ tộc người thổ dân da đỏ ở đây, em cảm thấy rất đồng cảm với tâm trạng của Josué. Cậu ấy cũng mang một nỗi buồn như em vậy, nỗi buồn của những người yếm thế. Bọn em muốn cất tiếng nói để khẳng định lại mình, những người luôn thương yêu và nhớ về cội nguồn nơi mình bắt đầu. Chúng em có chung đam mê âm nhạc nên quyết định sẽ cùng nhau dùng âm nhạc như một tiếng nói biểu hiện khát vọng tự do của chính mình. Josué là một nghệ sĩ trống và chơi đàn trumpet, còn em thì sáng tác và hát”. 

Ban đầu, 2 nghệ sĩ trẻ và nghèo không dám nghĩ đến chuyện làm album. Cá nhân Lê Khoa sau khi làm album hát nhạc Lê Minh Sơn vẫn còn đang nợ tiền nhà sản xuất và phải đi làm thêm để trả nợ. Khoa và Josué chỉ dám có ý định biểu diễn cho cộng đồng người da đỏ nghe. Hai nghệ sĩ trẻ “mượn” được một cái nhà hát bỏ hoang và được cho phép làm một event miễn phí ở đây. 

Đêm biểu diễn có khoảng 100 người trong cộng đồng người da đỏ tới nghe. Khoa đã hát 9 ca khúc tự sáng tác trong tiếng kèn và tiếng trống ngẫu hứng của Josué. Hai bạn trẻ được những khán giả của đêm đó ủng hộ nhiệt liệt. Họ tình nguyện quyên góp được 3 ngàn USD hỗ trợ hai bạn trẻ làm album. Và “W.A.R” ra đời. “W.A.R” là ẩn dụ về một cuộc đấu tranh nội tâm trong tâm hồn người nghệ sĩ trẻ. 

Thế giới được hình thành từ những mảnh ghép đối lập, và con người cũng vậy, luôn phải sống và trưởng thành trong những mâu thuẫn nội tại. Con người tự đặt ra các giới hạn rồi chính họ lại phải chật vật vượt qua các giới hạn đó.

Điều ngạc nhiên hơn là, “hai cậu nhóc” còn vô danh trong đời sống âm nhạc Mỹ bao la rộng lớn lại có thể thuyết phục được kỹ sư phòng thu Bob Olhsson, một người đã hàng chục lần được đề cử giải thưởng Grammy và 4 lần chiến thắng ở giải thưởng này để ông quyết định giúp đỡ cho album “W.A.R” ra đời. 

Lê Khoa kể: “Em có gửi demo các ca khúc của em cho 4 người, nhưng chỉ một người phúc đáp lại em, lại là người em mong chờ nhất, đó là ông Bob Olhsson. Sau đó em mới biết lý do ông giúp đỡ bọn em, là vì ông cũng là một người mang thân phận ngụ cư như bọn em. Mặc dù trở thành một nghệ sĩ danh giá của nền âm nhạc Mỹ nhưng Bob Olhsson luôn mang một mặc cảm ẩn sâu trong lòng về thời thơ ấu. Mẹ của ông đã từng là nô lệ. Suốt đời ông đã đi tìm kiếm sự công bằng, và luôn mong muốn cất lên tiếng nói đồng cảm với những số phận giống mình. Khi biết được tâm tư của bọn em trong âm nhạc, ông ấy xem đây là cơ hội để được cùng bọn em thực hiện tâm nguyện mà nhiều năm qua ông vẫn còn mắc nợ chính mình”. 

Bob Olhsson hỗ trợ kinh phí thu đĩa cho 2 bạn trẻ với giá “cực kỳ sinh viên, rẻ như cho”. Với Lê Khoa đây là một cơ hội lớn để được tận hiến với đam mê của mình. Chỉ cần được sống trong âm nhạc, Khoa có thể làm tất cả. 

Có những ngày Lê Khoa trong phòng thu của  Bob Olhsson từ 11h trưa đến 4h sáng hôm sau. Khoa tranh thủ thời gian, vì cậu còn phải làm thêm nhiều việc để kiếm sống, dành dụm tiền trả nốt cho vụ thu âm đĩa hát nhạc Lê Minh Sơn. 

“Em làm một lúc 4 công việc luôn. Làm đầu bếp nấu ăn cho người già cô đơn trong một trại dưỡng lão. Công việc này em thích lắm, em thấy như mình được chăm sóc cho ông bà mình vậy. Công việc nữa em không thích nhưng vẫn làm để tăng thu nhập, đó là dọn dẹp vệ sinh. Rồi em làm thông dịch viên trong bệnh viện, cho các bệnh nhân người Việt không biết nói Tiếng Anh. Một công việc nữa em khá thích thú là dạy thanh nhạc cho trẻ em. Trong lúc đi dạy cho các bạn nhỏ mình có thể trau dồi thêm kiến thức âm nhạc, cũng tốt”.

Lê Khoa nói, ngoài việc kiếm tiền, Khoa luôn phải giữ cho mình bận rộn. Khoa không thuộc tạng người có thể ngồi lâu một chỗ. Ngồi một chỗ dễ sinh ra tâm lý buồn chán, trầm cảm, Khoa rất sợ. Khoa đã từng bị trầm cảm, nên cậu hiểu được giá trị của niềm vui, của bận rộn. 

Tuổi 20, từ Sài Gòn đặt chân tới Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình, Khoa đã phải làm đủ mọi công việc nhọc nhằn nhất để sinh tồn, trong thời tiết khắc nghiệt ở tiểu bang Kansas. 

Một nước Mỹ không phải là giấc mơ như khi ở nhà cậu bé 18 tuổi mơ mộng. Sốc, buồn, có lúc tuyệt vọng, trầm cảm, Lê Khoa đã dựa vào âm nhạc, nhờ âm nhạc vực mình dậy. Sự cô độc và nỗi buồn, nỗi cô đơn làm cho Khoa trở nên nhạy cảm hơn, sâu sắc hơn. Khoa sáng tác bài hát, trút hết những tâm tư của mình vào đó. Khoa muốn tìm kiếm sự chia sẻ, nhưng lại không biết bất cứ ai làm việc trong lĩnh vực âm nhạc. 

“Hồi đó, em còn không nghe nhạc trong nước, em toàn nghe nhạc Mỹ. Mãi rồi em gặp nhạc sĩ Nguyễn Huy, cháu của nhạc sĩ Minh Phụng, anh ấy khuyên em nên nghe nhạc Việt Nam và gợi ý cho em những tác giả, những ca sĩ nên nghe”. 

Và khi thực sự nghe nhạc của những nhạc sĩ Việt đáng chú ý, Lê Khoa như tìm thấy suối nguồn, tìm được con đường cho mình. Con đường của Khoa chính là quay về với cội nguồn. Khoa sẽ làm âm nhạc cho người Việt, chỉ có như vậy mọi tiếng nói khát khao mới được bung tỏa. Rồi Khoa âm thầm kết nối với các nghệ sĩ trong nước. 

Dĩ nhiên không dễ dàng gì với một người còn vô danh như Khoa. Nhưng, cái chìa tay yêu thương, thân thiện của nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã giúp Khoa tự tin mở cánh cửa đầu tiên, tự tin biểu đạt mình. 

Lê Khoa có một chất giọng đặc biệt, phóng khoáng, hoang dã nhưng chất chứa nội tâm phức tạp, vì vậy có thể hát được nhiều thể loại nhạc khác nhau. Khoa hát rock hay hát dân gian đương đại đều “sởn da gà” vì ẩn chứa trong con người Khoa là một nguồn năng lượng bùng nổ, một tình yêu mãnh liệt cũng như khao khát tìm kiếm bản thể của mình.

Không có êkíp hùng hậu, không có tiền, muốn được làm âm nhạc thì phải làm đủ các nghề khác để “nuôi”, nhưng Khoa vô cùng vui vẻ, hài lòng. Đĩa nhạc tự làm tự phát hành, bán túc tắc được vài trăm đĩa cho công chúng trong nước Khoa đã vui hết nấc. Vui vì mình được chia sẻ. 

Trên dặm đường đến với âm nhạc, cứ thêm được một người đồng hành, yêu mến mình là đã đủ động viên để tiếp tục. Với Khoa, mọi thứ cần tự nhiên như đời sống, như không khí để thở vậy, không nên sốt ruột và cũng không cần sốt ruột. 

Khoa cũng không muốn đóng khung mình trong một thể loại âm nhạc nào. Hình ảnh mà Khoa muốn hướng đến là một người nghệ sĩ Indie tự do. Như một viên rubic luôn biến đổi, tìm kiếm những sắc màu cuộc sống, không giới hạn. 

Khoa nói: “Em đã hiểu được rằng mình phải là chính mình, đặc biệt là trong nghệ thuật. Tiếng nói của mình phải được cất lên từ sâu thẳm trong con người mình, không vay mượn. Em không là ai trong lòng nước Mỹ. Nhưng em muốn người Mỹ nhìn thấy khi em là chính mình nhất, một người Việt Nam với tất cả những vẻ đẹp văn hóa Việt mình có thể thẩm thấu, mang theo, cống hiến qua âm nhạc”.

Trong các album đã làm, Lê Khoa đều tự sáng tạo hình ảnh cho mình. Các ý tưởng về trang phục, hay biểu đạt nghệ thuật hình thể trong các shoot hình là Khoa tự nghĩ ra. Nó ít nhiều thể hiện quan điểm của Khoa trong nghệ thuật, là xóa bỏ mọi ranh giới, gần gũi với thiên nhiên, gần như đi theo tiếng gọi bản năng, trung thành tận đáy với mình. 

Hình ảnh của Khoa trong âm nhạc là điên, là giằng co nổi loạn, cá tính, mạnh mẽ bày tỏ... Ở đĩa nhạc đầu tiên Lê Khoa hát, Lê Minh Sơn, tác giả “Ôi quê tôi” đã cảnh báo cậu nhóc vừa chân ướt chân ráo vào nghề, rằng cẩn thận không người ta nói Lê Khoa bắt chước Tùng Dương đấy. 

Nhưng Lê Khoa không sợ. “Khi em là chính em thì em sẽ không ngại mình bị so sánh với ai cả”.

Trong tháng 6 này, Lê Khoa cùng với người bạn Josué Estrada sẽ có chuyến lưu diễn tại Mỹ và Mexico, mang “W.A.R” đến với khán giả. Khoa muốn tiếng nói của những người như mình, như Josué được lắng nghe nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn.


Bình Nguyên Trang
.
.