Ca sĩ Tuấn Hiệp: Những bước chân âm thầm

Thứ Sáu, 20/04/2012, 16:47
Có người đã từng hỏi ca sĩ Tuấn Hiệp rằng, anh có thấy lẻ loi và đơn độc trên con đường của mình. Liệu anh có bước chậm hơn mọi người. Tuấn Hiệp cười. Hiệp luôn nghĩ, mình đang đi trước thời đại, biết đứng ngoài những bon chen xô bồ ồn ã của giới showbiz, biết chọn cho mình một con đường riêng. Dù để đi trên con đường đó, đôi khi anh không khỏi chạnh lòng.

1. Tuấn Hiệp luôn nhận mình là một gã nhà quê, một gã nhà quê trong các vóc dáng bề ngoài sệt một thị dân. Sống ở phố nhưng vẫn luôn tự hào về cái gốc nhà quê của mình. Dù có một thời, khi bước chân vào Học viện Âm nhạc quốc gia, lạc lõng giữa thế giới của sự sang trọng và giàu có, lúc đó Tuấn Hiệp thấy mình lẻ loi, cô độc. Anh thường lẫn vào đám đông, chọn cho mình một góc riêng. Phải đến khi trưởng thành, bầm dập với cuộc sống, Hiệp mới nhận ra giá trị của những trải nghiệm từ cái gốc gác nhà quê của mình. Giọng hát của Tuấn Hiệp đằm hơn. Và chạm đến trái tim người nghe.

Một gương mặt đẹp mang đậm chất xinê, một giọng hát ấm, và dày, được đào tạo bài bản. Những điều kiện đủ cho Tuấn Hiệp trở thành một gương mặt ăn khách của giới showbiz. Nhưng hình như Tuấn Hiệp vẫn rất lặng lẽ. Sự lặng lẽ khiến anh đôi khi bị chìm lấp giữa thế giới showbiz đang quá ồn ào. Nhưng Tuấn Hiệp không quan tâm đến điều đó. Dòng nhạc anh theo đuổi, những âm hưởng ngọt ngào ma mị của nhạc tiền chiến, như một giọt nước len lỏi giữa đại dương mênh mông, vẫn có một mạch ngầm âm ỉ chảy trong trái tim người nghe. Đó là hành trình đi tìm chính mình, thỏa mãn những khát vọng trong tâm hồn người nghệ sĩ đa mang và nặng nợ với đời. Có người đã từng hỏi Hiệp rằng, anh có thấy lẻ loi và đơn độc trên con đường của mình. Liệu anh có bước chậm hơn mọi người. Tuấn Hiệp cười. Hiệp luôn nghĩ, mình đang đi trước thời đại, biết đứng ngoài những bon chen xô bồ ồn ã của giới showbiz, biết chọn cho mình một con đường riêng. Dù để đi trên con đường đó, đôi khi anh không khỏi chạnh lòng.

Nhưng Hiệp không tự thỏa hiệp với chính mình để chọn những thứ dễ dãi hơn, nhưng sẽ nổi tiếng hơn. Bạn bè bảo Hiệp lập dị. Giữa Hà Nội chen chúc người này, giữa cuộc sống mà ai cũng cố dấn về phía trước, Tuấn Hiệp khiến cho tôi có cảm giác, anh đang đi rất chậm, để tạo chỗ đứng cho riêng mình. Và trong thế giới giải trí phù phiếm, xô bồ, vẫn có những tâm huyết lặng lẽ.

Cứ lặng lẽ như thế, bằng tiếng hát của mình, Tuấn Hiệp đã chinh phục trái tim người nghe. Hiệp kể, mới gần đây thôi, trong chuyến lưu diễn ở Đức và Cộng hòa Séc, nhiều khán giả đã khóc khi nghe Hiệp hát. Có những đêm diễn, họ yêu cầu anh hát lại nhiều lần. Hiệp không phải là một ca sĩ ăn khách, hay một người nổi tiếng. Nhưng anh đã chinh phục khán giả bằng chính giọng hát nhói lòng của mình. Đó là thứ gia tài Hiệp đã phải đánh đổi bằng cả một quãng đời va đập với cuộc sống. 

Nhưng hơn thế, Tuấn Hiệp còn chinh phục cả những nhạc sĩ. Họ tìm đến Tuấn Hiệp như một sự cộng cảm đặc biệt giữa người sáng tác và người trình bày. Một sự cộng cảm, mà có lẽ phải từ rất lâu rồi, sau Khánh Ly, sau Ánh Tuyết mới có một người có thể phiêu trong âm nhạc của họ đến vậy. Khi Tuấn Hiệp ra đĩa nhạc Bơ vơ, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chưa biết Tuấn Hiệp là ai. Trong lần ra Hà Nội, ông đã gọi cho Hiệp, bảo anh lên sân bay đón. Lần đó, ông đã ôm lấy Hiệp và khóc. Lần đó, người nhạc sĩ già đã kể lại cho Tuấn Hiệp nghe câu chuyện tình của mình với ca sĩ Khánh Ly. Cảm hứng từ cuộc tình buồn, ông đã viết một mạch ba bài hát: Cô đơn, Bơ vơ và Tiếng hát lạc loài, ghi dấu về một mối tình đã chỉ còn trong tâm tưởng.

Trong đêm nhạc mừng sinh nhật nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 diễn ra tại Hà Nội năm 2010, Hiệp đã hát cả ba ca khúc đó. Đêm đó, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đệm đàn cho Tuấn Hiệp hát. Khi Hiệp dứt lời bài hát cuối cùng, tiếng piano cũng lặng đi, người nhạc sĩ già gục trên phím đàn và khóc. Phải một lúc rất lâu, ông mới đứng lên, xúc động nói: “Đối với tôi, tôi cảm ơn Tuấn Hiệp không hết được. Có nhiều ca sĩ hát rất hay, tiếng hát của họ như bóp nát trái tim người nghe. Còn giọng hát của Tuấn Hiệp như một mũi kim nhọn đâm thấu vào trái tim người nghe”. Cũng từ đó, họ trở thành những người bạn tâm giao của nhau, không khoảng cách của thế hệ, không khoảng cách về tuổi tác. Mà chỉ có sự đồng cảm của những tâm hồn nghệ sĩ. Và có lẽ, chỉ có âm nhạc, mới làm được điều đó.

Nhiều người hát bằng nỗi đau của chính mình. Còn Tuấn Hiệp, anh hát bằng sự chiêm nghiệm, đồng cảm của một tâm hồn nghệ sĩ đa cảm, mê đắm. Nhiều lần, trong phòng thu, hát Bơ vơ, Lá đổ muôn chiều, Tuấn Hiệp đã khóc… Có lẽ cũng là một mối duyên nợ tự tiền kiếp chăng? Có lúc buồn Hiệp đã nghĩ vậy.

2. 10 năm, 3 CD nhạc trữ tình của Nguyễn Ánh 9, Ngô Thụy Miên và mới đây là những tình khúc của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, một CD mà gia đình nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cho rằng, hoàn chỉnh về sự nghiệp âm nhạc của ông. Có vẻ như Tuấn Hiệp chậm rãi hơn với bạn bè. Trong thị trường âm nhạc, mà đó không phải là sự lựa chọn thời thượng. Thậm chí, nhiều người chỉ ghé qua nó, như một cách dán nhãn tự làm sang mình. Còn mê đắm, trọn vẹn với nó, có lẽ chỉ Tuấn Hiệp. Một con đường dài và nhọc nhằn khi đã có quá nhiều những ngôi sao tên tuổi như Ánh Tuyết, Tuấn Ngọc… Nhưng Hiệp vẫn miệt mài, bằng niềm đam mê của mình. Tuấn Hiệp quan niệm, khi nghệ sĩ nhập tâm vào bài hát, họ không còn là mình nữa. Lúc đó, mình như là hạt bụi, tan biến trong cõi phiêu diêu.

Nếu ai đó, gặp Tuấn Hiệp trên đường thì sẽ không nhận ra anh. Tuấn Hiệp giản dị cả trong lối sống thường ngày của mình. Anh chọn cách sống lẫn vào cuộc đời, phiêu du trong cõi sống. Mà không vướng bận đến những bon chen, danh lợi ở đời. Hiệp chưa bao giờ kiếm sống bằng âm nhạc. Từ chối mọi lời mời “khiếm nhã”. Nhưng lại không ngần ngại quăng quật giữa đời sống để kiếm sống. Và luôn giữ một góc riêng, thật sự trinh khiết với niềm đam mê của mình. Con người đó, có đam mê dấn thân, nhưng có sự tỉnh táo của lý trí để tự thu xếp cho mình một cuộc sống yên ổn, để mình không bị văng ra ngoài lề cuộc sống. “Điều quan trọng là luôn giữ được cảm xúc, nếu không còn cảm xúc sẽ không thể hát”.

Hiệp đã từng trải qua một tuổi thơ không mấy bình yên ở vùng quê nghèo Hải Dương. Có những năm tháng, Hiệp bươn bả kiếm sống một mình giữa đất Sài Gòn. Những ký ức tuổi thơ với tính cách tự lập và quyết liệt đã cho Hiệp một vốn sống giàu có. Âm nhạc cũng thấm vào tâm hồn cậu bé ngỗ nghịch này từ ngày đó, khi bố mang theo những đĩa nhạc tiền chiến từ Sài Gòn về. Nhưng ngay cả trong những giấc mơ viễn tưởng nhất của tuổi thơ, Hiệp chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành ca sĩ. Thế nên, Hiệp thi vào Đại học Nông nghiệp. Nhưng có lẽ với Tuấn Hiệp, âm nhạc là một duyên phận, dù cái duyên phận đó đến với anh khá trễ tràng. Học đến năm thứ hai Đại học Nông nghiệp, có lần đến Học viện Âm nhạc quốc gia, tình cờ gặp NSND Quang Thọ.

Ông bảo Tuấn Hiệp vào thử giọng, lúc đó, Hiệp chưa biết đến một nốt nhạc. Nhưng bản năng của người nghệ sĩ, đã mang đến cho Hiệp một cơ hội mới. Hiệp trở thành sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia trong sự ngỡ ngàng của chính anh... Đó là những năm tháng, Hiệp phải nỗ lực hơn các bạn rất nhiều. Trong khi hầu hết họ được đào tạo bài bản từ nhỏ. Còn Hiệp, chỉ là gã nhà quê, chỉ có giọng hát và niềm đam mê… Những ám ảnh về sự chậm trễ, thiệt thòi khiến sau này, khi có gia đình, và mua được một ngôi nhà mới ở Trung Văn, thứ đầu tiên mà Hiệp mua là một đàn piano đặt ở góc nhà. Để các con của anh có thể chạm đến âm nhạc, sống trong không gian âm nhạc từ lúc còn ấu thơ.

Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc, Tuấn Hiệp đầu quân về Nhà hát Quân đội. Miệt mài làm việc và cống hiến, nhưng Hiệp vẫn thấy tâm hồn mình chới với. Anh rời bỏ đoàn sau gần 10 năm gắn bó. Một sự từ bỏ khó khăn. Rồi sau này về đầu quân ở Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương. Nhưng rồi, Hiệp chợt nhận ra, anh chỉ thuộc về riêng mình. Tâm hồn người nghệ sĩ cần một khoảng tự do, một khoảng lặng cho riêng mình để sáng tạo, để được sống trọn vẹn với niềm đam mê. Dẫu với những ca sĩ như Tuấn Hiệp, giữ được sự trọn vẹn đó đâu có dễ dàng. Giữa thời buổi âm nhạc đang chạy theo những xu hướng thị trường và mốt, giữa những dòng chảy gần như bị quên lãng thì đó là một sự dấn thân dũng cảm.

Tuấn Hiệp nói, ông trời thử thách anh nhiều hơn các ca sĩ khác. Khi năm 2002, Tuấn Hiệp đã được giải nhì trong Liên hoan Tiếng hát truyền hình Hà Nội cùng với Hồ Quỳnh Hương, Khánh Linh. Mọi sự đều đến với Hiệp rất muộn. Nhưng tôi biết, Hiệp sẽ đi một con đường dài. Ngay cả con đường Hiệp chọn học opera, nhưng rồi không được làm nghề cũng là một sự thiệt thòi. Sự nghèo khó, chật vật của đời sống buộc Hiệp phải lựa chọn một con đường khác. Có những tháng ngày, đêm đêm, đi hát ở các phòng trà, nhiều đêm hát cháy cả cổ họng chỉ được 10 ngàn đồng, đủ tiền cho hai anh em sống tạm qua ngày. Những trải nghiệm đó, đủ cho Tuấn Hiệp hiểu được giá trị của nghệ thuật và cuộc sống. Đủ để Hiệp biết đứng ngoài những thứ hình thức, màu mè.  Và chọn cho mình một con đường riêng.

Tôi đã từng ngồi rất lâu ở Malaidely nghe Tuấn Hiệp hát. Lúc đó, tôi không biết, Tuấn Hiệp là chủ của quán bar sang trọng này. Chỉ biết, đó là một góc không gian của nhạc xưa hiếm hoi ở Hà Nội. Hiệp đã tổ chức rất nhiều đêm nhạc xưa ở đây, kết nối những người bạn và những người yêu nhạc. Lúc đó, tôi chỉ thấy một Tuấn Hiệp của sự mê đắm, phiêu đến lạ. Bốn năm, quán bar của Tuấn Hiệp đã trở thành một địa chỉ văn hóa của người yêu âm nhạc. Đó là sự nỗ lực của anh và những người bạn, muốn giữ một góc riêng cho Hà Nội. Nhưng giờ, góc quán cũ đã trở thành hoài niệm…

Hiệp có một ngôi nhà bình yên để trở về sau những vật vã về tinh thần. Ngôi nhà đó, có người đàn bà và những đứa trẻ, một góc riêng mà Hiệp luôn trân trọng nó. Nhưng hình như cái vẻ ngoài nghiêm ngắn, chỉn chu đó đang che giấu một tâm hồn giông bão, của những khát vọng chưa thành, của những giấc mơ hoang hoải về cõi sống… Nhưng tôi biết, con đường Tuấn Hiệp đang đi về phía chân trời luôn có người đứng đợi. Họ không thuộc về đám đông ồn ã ngoài kia…

Khánh Linh
.
.