Ca sĩ Tuấn Hiệp: Neo lại giữa lòng một tiếng tơ

Thứ Tư, 01/10/2014, 14:00
Tuấn Hiệp ôm đàn ngân nga những bài hát về tình yêu, về Hà Nội trong thời tiết âm u chuyển mùa và cái lành lạnh về thu, giọng hát trầm ấm như thể gợi về một miền xa xăm nào đó trong quá vãng. Một cái tên, một giọng hát đã rất đỗi thân quen với nhiều khán giả đủ mọi lứa tuổi, một lần nữa đưa Tuấn Hiệp trải nghiệm với thể loại âm nhạc mới trong album sắp ra mắt: nhạc Phú Quang.

Là một ca sĩ trẻ hát được nhiều phong cách nhạc khác nhau, nhưng Tuấn Hiệp luôn là người trầm tĩnh và điềm nhiên với con đường âm nhạc đã theo đuổi của mình. Đứng ngoài mọi ồn ào, mọi scandal của giới showbiz, Tuấn Hiệp vẫn miệt mài đi qua một cánh cửa hẹp nhưng phẳng lặng để lắng hồn mình theo từng giai điệu thân quen, để gặp gỡ khán giả, bầu bạn như là gặp những tri âm tri kỷ trong cuộc đời. Trong khi đa số các ca sĩ trẻ mải mê theo đuổi dòng nhạc thị trường, dòng nhạc trẻ để có thể nổi tiếng nhanh hơn, kiếm tiền nhiều hơn, thì Tuấn Hiệp, trong cái dáng vẻ điển trai, hào hoa của một người đầy “chất” thị trường, lại cứ lấn bấn với dòng nhạc tiền chiến, những Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Nguyễn Ánh 9… Anh luôn hát những ca khúc mang đậm dấu ấn của một thời quá vãng đầy phiêu lãng và buồn. Chất giọng trầm ấm và nhẹ nhàng lại càng khiến Tuấn Hiệp mê dụ được lòng người.

Tuấn Hiệp chia sẻ, nếu trên đời này có chữ “tùy duyên” thì anh đã bén duyên dòng nhạc tiền chiến từ những ngày đầu tiên bắt đầu biết cảm thụ âm nhạc, ngày còn ngồi trên ghế Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Tuấn Hiệp kể: Mọi điều đến với cuộc đời tôi đều quy vào hai chữ cơ duyên, tôi đến với âm nhạc như một cơ duyên mà ông trời đã sắp đặt... dù biết rằng, mình có năng khiếu âm nhạc ngay từ hồi thơ bé, khi được tham gia những phong trào ca hát tại trường. Dù được tham gia hát, nhưng mong muốn được vào đội văn nghệ chưa bao giờ có được suốt cả thời thơ ấu, chỉ đơn giản vì anh quá nghịch. Không được vào đội văn nghệ thì Hiệp lại trở thành người cầm đầu các nhóm nghịch ngợm và cá biệt của khối lớp. Đến khi lên lớp 11, Hiệp mới có cơ hội để hát vì trường cấp 3 tổ chức thi học sinh thanh lịch, mỗi lớp chọn hai người đi thi và tôi được chọn thi vì nghịch nhất lớp...

Tại cuộc thi đó khi tôi thi phần năng khiếu bằng bài hát Người mẹ của tôi (Nhạc sĩ Xuân Hồng) thì cả nhà trường ngồi im phăng phắc, đến khi kết bài thì tôi nhận được những tràng pháo tay không ngớt, tôi còn nhìn thấy giọt nước mắt của cô giáo chủ nhiệm... Trong cuộc thi này tôi đoạt 2 giải: Thi sinh có phần thi năng khiếu xuất sắc và thí sinh có phần trả lời ứng xử thông minh nhất. Tốt nghiệp phổ thông, tôi thi đỗ cả ba trường đại học: Đại học Thái Nguyên, Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn và Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. Khi đang học năm thứ 2 của trường Đại học Nông nghiệp 1 thì tôi thi tiếp vào Nhạc viện Hà Nội (Nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) sau một lần tình cờ sang Nhạc viện để mua dây đàn guitar. Lúc tôi vào căng tin Nhạc viện uống trà đá thì gặp Nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ, đây là lần đầu tiên tôi gặp ông bên ngoài đời và vui quá nên tôi đứng len vào chào hỏi thầy. Lúc đó thầy tưởng tôi là học sinh vào đăng ký học tạo nguồn nên thầy cho vào thử giọng. Khi tôi hát xong bài Người mẹ của tôi thì thầy dẫn sang phòng Nghệ sĩ nhân dân Lê Dung và ngay lúc đó cả 2 thầy cô đều nhận tôi làm học trò.

Năm đó (1998) tôi đã đỗ đầu khoa Thanh nhạc. Bố mẹ tôi khi biết tin đã buộc tôi bảo lưu việc học dở dang ở Đại học Nông nghiệp 1 vì ở quê điều kiện khó khăn không đủ kinh tế để nuôi tôi một lúc học hai trường. Nhưng với quyết tâm cao cùng với sự khát khao học hỏi, tôi đã giấu bố mẹ tự kiếm tiền để học cả hai trường cùng lúc. Có những thời điểm thi cử thực sự vất vả và khó khăn. Mỗi ngày tôi phải đạp xe từ Gia Lâm sang Ô Chợ Dừa, quãng đường cả đi lẫn về gần 40km, đều như vắt chanh trong vòng 2 năm.

Nhưng đến giữa năm thứ 2 thì tôi buộc phải bảo lưu Trường Đại học Nông nghiệp 1 để đủ sức học tại Nhạc viện Hà Nội vì thời gian này tôi phải lo cho cậu em ruột học cũng học tại Nhạc viện. Tôi vẫn nhớ, thời điểm ấy, nhiều thầy cô thương mình lắm, thương vì mình chịu khó học hành và chịu khó đi làm thêm để có tiền lo cho hai anh em. Có thời điểm đã đến hạn đóng tiền học phí nhưng chưa đủ, Nghệ sĩ ưu tú Đức Long lúc đó là người anh cùng học chung thầy giáo Quang Thọ đã cho tôi vay tiền để đóng học phí thì mới đủ điều kiện thi cuối kỳ...

Đặc biệt gia đình Nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ coi tôi như con trong nhà, thầy cho ở cùng nhà và nhiều khi quần áo thầy cô cũng mua cho hoặc tôi mặc lại những bộ quần áo cũ của thầy… Đó thực sự là những ký ức không bao giờ quên trong trái tim tôi. Tôi chỉ thực sự kiếm được tiền và bắt đầu đi hát nhiều nơi sau khi đoạt giải Nhì Cuộc thi Tiếng hát truyền hình Hà Nội năm 2003... Thời gian này tôi cũng đã được tuyển về Đoàn Ca nhạc Tổng Cục chính trị, có lương, được mời đi diễn nhiều hơn nên cuộc sống cũng đỡ khổ hơn…

Để định hình được một Tuấn Hiệp hát tình ca như ngày hôm nay, ngoài những kiến thức của thầy cô giáo ở Học viện quốc gia Việt Nam và những may mắn tại các cuộc thi thì bản thân anh cũng phải cố gắng học hỏi các đồng nghiệp cũng như tìm ra cho mình một đường đi riêng... Sau khi đoạt giải tại các cuộc thi, Tuấn Hiệp được mời đi hát ở nhiều địa điểm ca nhạc, được mọi người khen hát nhạc đỏ rất hay và triển vọng nhưng thời điểm đó bộ ba Việt Hoàn - Đăng Dương - Trọng Tấn cũng như nhiều đàn anh khác đã định hình trong lòng người với dòng nhạc đỏ nên từ năm 2005 Tuấn Hiệp đã chọn cho mình dòng nhạc tiền chiến và trữ tình... Cho đến nay, Tuấn Hiệp đã đã xuất bản 6 CD riêng và anh khẳng định, sẽ mãi mãi dành đam mê, tình yêu cho dòng nhạc này...

Tuấn Hiệp tâm sự: Nhiều người vẫn nghĩ, ca sĩ là một trong những nghề dễ kiếm tiền, dễ nổi danh, có nhiều người (dù không được học hành bài bản) vẫn nổi danh và giàu có nhờ đi hát. Thậm chí giàu có và nổi tiếng nhanh hơn cả những người miệt mài học hành đàng hoàng tử tế. Dĩ nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng bởi vì, đôi khi mọi thứ đều là do số phận run rủi. Bản thân Tuấn Hiệp cũng là người có nhiều may mắn, song, để được như ngày hôm nay, ngoài đi hát, anh cũng đã phải bon chen, bươn bả đủ nghề khác song hành với âm nhạc để kiếm sống. Bởi vì những người từ tỉnh lẻ lên Hà Nội lập nghiệp như anh không phải ai cũng có được sự may mắn thành công ngay từ khi mới bắt đầu. Dù đầu tư cho âm nhạc rất nhiều và quyết tâm theo đuổi đến cùng, nhưng chỉ âm nhạc thôi thì chưa đủ để anh lo toan được mọi thứ ở mảnh đất thủ đô này.

Với bản năng của một người từng học kinh tế (tại Trường Đại học Nông nghiệp khi xưa), Hiệp từng kinh doanh nhà hàng ăn uống, tổ chức các phòng trà ca nhạc… Nhưng mọi thứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ đối với một người nghệ sĩ. Hiện nay anh đã thôi hẳn kinh doanh và chỉ tập chung vào ca hát, bởi như anh bảo, kinh doanh khiến mình phải lao tâm khổ tứ, mà như vậy thì cũng sẽ phải chia sẻ công sức, thời gian, mà chặng đường sắp tới đây, Tuấn Hiệp muốn chỉ tập trung sản xuất các dự án âm nhạc của mình.

Tạm gác lại niềm mê say những ca khúc tiền chiến, năm nay, Tuấn Hiệp cho ra mắt CD hát những bài nổi tiếng của nhạc sĩ Phú Quang như: Hà Nội ngày trở về, Em ơi Hà Nội Phố, Mơ về nơi xa lắm, Về lại phố xưa... Những tình khúc về Hà Nội của nhạc sĩ Phú Quang sẽ được làm mới theo phong cách cũ là giọng hát mộc với guitar mộc... Đã có nhiều người hát nhạc Phú Quang, song, Tuấn Hiệp cho rằng, thành công hay không là do người nghe. Nhạc sĩ Phú Quang từng nhiều lần mời ca sĩ Tuấn Hiệp thu âm cho CD của ông, song cái “duyên” giữa nhạc sĩ và ca sĩ bây giờ mới đến sau nhiều lần lỗi hẹn. Anh cho rằng, với âm nhạc thì chẳng bao giờ muộn. Ngoài tình yêu và đam mê thì phải có lòng quyết tâm và kiên trì theo đuổi đam mê và tình yêu đó...

Với tuổi trẻ và lòng đam mê thì anh sẽ luôn phải bắt nhịp và tuân theo các cách thức hoạt động âm nhạc như bao nghệ sỹ khác... Thời đại thông tin và truyền thông, mọi thứ đều có thể dễ dàng hơn, song cũng là một sự thử thách trước thời gian, ca sĩ không thể vịn vào giọng hát hay hoặc ca khúc tốt để khán giả phải tìm đến nghe mà bản thân người ca sĩ phải biết cách mang giọng hát của mình đến cho khán giả một cách nhanh nhất, tử tế nhất và chất lượng nhất.

Điều may mắn của Tuấn Hiệp là có những người anh, người bạn luôn bên cạnh động viên anh mỗi lúc tâm hồn và trái tim trống vắng. Anh bảo rằng, dù cuộc sống hiện nay khá viên mãn với công việc, gia đình, con cái, song có lẽ vì thường xuyên hát những ca khúc buồn nên có những lúc nỗi buồn ám thị vào cuộc đời anh trước những xúc cảm và sự nhạy cảm của người nghệ sĩ trước bon chen đời sống, trước những đổi thay và thách thức của cuộc đời. May mắn là anh luôn có những tấm lòng tri âm, tri kỷ mà nhờ âm nhạc anh có được, họ luôn giơ tay ân cần kéo anh đứng dậy, nâng anh lên để anh tiếp tục con đường mình đã lựa chọn trong âm nhạc. Dù biết mọi sự khởi đầu đều có sự khó khăn nhất định, thậm chí là nghiệt ngã và đầy sự trả giá trên con đường nghệ thuật đích thực, song chân trời phía trước của anh vẫn đầy tươi sáng bởi cho dù muốn hay không, ca sĩ Tuấn Hiệp đã là một cái tên neo vào lòng khán giả, một cái tên đã đỗ lại trong thị trường nhạc trẻ đầy sôi động và biến động này…

Thiên Kim
.
.