Ca sĩ Tuấn Hiệp: Lãng tử của những khúc tình ca

Thứ Tư, 12/12/2012, 11:10
Tôi nhớ, cách đây chừng một năm, ngồi cà phê với Tuấn Hiệp ở một góc quán quen ở Trần Bình Trọng, Hà Nội. Những lúc buồn, Hiệp vẫn ngồi trầm tư một mình ở đó. Xa những cuộc nhậu tàn canh. Những đám đông ồn ào. Ở Hiệp có gì đó rất lặng lẽ. Sự lặng lẽ và trầm tư đôi khi khiến người khác thấy Hiệp lạc loài giữa thế giới mà anh đang sống.

Nhưng tôi biết, sự lặng lẽ đó lại ẩn giấu một nội tâm dữ dội. Hiệp muốn làm một nốt trầm trên khuông nhạc. Nhưng không bị chìm lấp mà neo vào người đọc những day dứt, nhớ thương. Tôi hỏi Hiệp, tại sao nhỉ, một gương mặt tài tử, phong trần, một chất giọng trầm nội lực. Sao Hiệp không chọn con đường dễ nổi tiếng hơn. Sao cứ cô độc như một lữ khách trên con đường xa tít tắp. Hiệp chỉ cười. Nhưng đôi mắt thì thẳm sâu nỗi buồn. Sự nổi tiếng ư, giàu có ư. Hay cả những bon chen, thị phi ở đời xa lạ quá với Hiệp. Bởi với Tuấn Hiệp, được hát đã là một niềm hạnh phúc. Hát để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Để được rong chơi, ngao du trong đời sống. Và hát để được là chính mình.

Nếu không nghe Hiệp hát, người đối diện cũng bị thu hút bởi giọng nói trầm đục, chân tình. Chỉ giọng nói cũng đủ biết Hiệp là người tử tế. Và nội tâm. Lần đó, Hiệp quyết định rời khỏi nhà nước. Một quyết định không dễ dàng của một chàng trai gần 10 năm gắn bó với quân đội, nhưng là lẽ tất yếu của một tâm hồn nghệ sĩ khát khao bầu trời tự do. Vật vã để thoát ra, để được là chính mình. Và mình chỉ thuộc về mình mà thôi. Sự tự do tối thượng sẽ là khởi nguồn cho mọi sáng tạo. Tuấn Hiệp thấm thía điều đó.

Hiệp học opera, tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia khi không còn trẻ. Thầy Quang Thọ, cô Lê Dung, là những người thầy đầu tiên của Hiệp, họ kỳ vọng Hiệp sẽ là một dấu ấn mới. Nhưng Hiệp đã rẽ ngang. Dòng nhạc thính phòng gần như không có đời sống ở Việt Nam. Hiệp chọn nhạc xưa. Đam mê hát khiến Hiệp vượt qua những mặc cảm về tuổi tác, của một gã trai ở quê ra phố. Vật vã mưu sinh. Những quăng quật của đời sống khi còn rất trẻ, khiến Hiệp có một góc nhìn đời “phăng” hơn, phóng khoáng hơn. Hiệp mang cái chất lãng tử, bụi bặm đó vào tiếng hát. Nghe Tuấn Hiệp hát Đoàn Chuẩn - Từ Linh, hát Lam Phương, Nguyễn Ánh 9 da diết và phiêu hơn.

Có thể nói, hành trình nghệ thuật của Tuấn Hiệp là hành trình đi tìm chính mình. Có lúc, Hiệp nhầm tưởng, con người mình cũng giống như số đông. Thế nhưng, sao Hiệp vẫn thấy hao khuyết. Sao Hiệp thấy mình không thuộc về mình. Trong những giấc mơ Hiệp vẫn mơ tưởng đến một thế giới khác, nơi tâm hồn mình được tự do, phiêu lãng, được làm những gì mình muốn.

Và Hiệp đã bắt đầu cho một hành trình mới của anh. 6 năm, Tuấn Hiệp mới có một mini show ở Hà Nội. Khán giả đã ở lại với Hiệp rất muộn. Lâu lắm họ mới có một đêm nhạc xưa nhiều cảm xúc đến thế. Và cảm xúc là thứ ở lại sau cùng với người nghe. Hiệp hát tình ca đằm hơn, và sâu thẳm hơn. Nhiều người nói, nhìn Tuấn Hiệp hát, chất lãng tử phong trần của Tuấn Hiệp trong cách hát và sống trong cuộc đời, khiến họ nhớ đến tài tử Ngọc Bảo, người hát rong của hai thế kỷ. Còn tôi, tôi thấy Hiệp đến với âm nhạc, mê đắm với nó nhưng như một cuộc dạo chơi, trong phiêu diêu của đời sống. Một cuộc dạo chơi có ý thức, để được là chính mình.

Nếu một ngày... một chút day dứt, nuối tiếc, album thứ 4 của Tuấn Hiệp đánh dấu một bước đi của anh trong chuyến chuyển dịch vào Nam. Vẫn những bản tình ca xưa, mang màu sắc hoài niệm. Hiệp không làm nó bi lụy thêm. Mà một cách nào đó, Hiệp đang làm sang nhạc sến. Bởi cái chất lãng tử của Hiệp thổi hồn vào từng bài hát. Nếu một ngày... ra mắt tại Sài Gòn, để tặng một người chị của Hiệp lưu lạc sau 37 năm. Một sự kiện hóa giải những ký ức buồn của tuổi thơ khi Tuấn Hiệp chứng kiến sự thảng thốt, sầu muộn của bố về một cuộc tình dang dở. 

Sài Gòn giờ cũng là nơi Hiệp trở về. Giữa những đám đông ồn ã, vẫn có một góc riêng dành cho Tuấn Hiệp. Không chiêu trò ầm ĩ. Cứ lặng lẽ như thế, Hiệp chinh phục khán giả. Phòng trà Sài Gòn, những đêm nhạc xưa, không thể thiếu tiếng hát Tuấn Hiệp. Một dòng nhạc đã qua nhiều tên tuổi sẽ là một áp lực đối với Hiệp. Và đôi khi, người ta chọn dòng nhạc tình như một chiếc áo khoác để làm sang trọng mình. Còn Hiệp thì sao. Nó như những mạch máu li ti chảy từ trong huyết quản của anh. Buồn vui với nó, đau đớn với nó. Quay quắt với nó cả đời. Tôi đã thấy Hiệp cháy cạn mình trong mini show trở lại ở Hà Nội. Tình kỹ nữ, Khúc Thụy Du, Nếu một ngày... trầm ấm và sang trọng, day dứt và u uẩn, đẹp và buồn. Tiếng hát như đi từ nỗi đau, từ mất mát, từ cả những khắc khoải trong tâm hồn người nghệ sĩ trót đa mang và nặng nợ với đời.

Đối với Tuấn Hiệp, hát không phải là để kiếm sống, mà là một đam mê, một thú chơi thanh cao. Đó là một cuộc chơi để thỏa mãn nội tâm của chính mình. Và đó là một thánh đường, không có chỗ cho những mưu tính riêng tư. “Tôi đang sống trong một thời điểm âm nhạc nghệ thuật không được đặt lên hàng đầu, mà kinh tế được đặt lên hàng đầu. Tôi đâu phải là gương mặt để bán vé, nên tôi không phụ thuộc vào ai. Âm nhạc không phải là chỗ để đánh bóng tên tuổi của mình. Mà đó là nơi tôi được sống với cảm xúc mình chân thật nhất”. Thế nên, Tuấn Hiệp chọn con đường khó khăn hơn, chinh phục trái tim khán giả. Khó khăn hơn, chinh phục các tác giả.

Tuấn Hiệp có thể làm đủ nghề để kiếm sống, nhưng anh giữ một góc riêng, thuần khiết với âm nhạc. Đam mê đến độ, Hiệp đã dành nhiều năm trời cho một góc quán để bạn bè tụ bạ, say đắm với nhạc xưa. Một góc quán hiếm hoi ở Hà Nội. Nhưng tâm hồn nghệ sĩ, sao xoay xỏa được với những mưu tính đời thường. Góc quán xưa cũng đã thành hoài niệm...

Tuấn Hiệp nói, anh cô độc nhưng không cô đơn. Quanh anh có nhiều bạn bè trân quý. Mà bạn bè, toàn người lớn tuổi, những nhà thơ, nhà văn, những nhạc sĩ... Họ tìm đến Tuấn Hiệp cũng bắt đầu từ tiếng hát của anh.

Không bao giờ chấp nhận sống phải làm gì, phải tuân theo một quy luật nào. Hiệp sống tự do, nhưng không có nghĩa là phóng túng. Rất khó tìm thấy Hiệp lang thang trong những quán bar về đêm. Lúc buồn, Hiệp chỉ thích một mình, đối diện với chính mình, tìm tự do trong chính bản thể của mình. Lẻ loi đấy, cô độc đấy. Nhưng đó là Tuấn Hiệp. Một Tuấn Hiệp của nỗi buồn khắc khoải, của vẻ đẹp sang trọng trong những tình khúc của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, một Tuấn Hiệp như mũi kim siết vào trái tim người nghe trong những ca khúc của Nguyễn Ánh 9. Hay một Tuấn Hiệp đau đớn nhưng không bi lụy trong những bản nhạc tình gần đây. Hiệp nói, anh hát bằng sự trải nghiệm, từ nỗi đau, sự mất mát của chính mình. Và cả từ sự đồng cảm với tâm hồn nghệ sĩ.

Nhưng có một thế giới Tuấn Hiệp luôn giữ riêng cho mình. Nơi đó, là sự cô độc tuyệt đối. Tình nghệ sĩ đôi khi như con thuyền không bến, hiện hữu đấy mà cũng hư ảo đấy. Làm sao không buồn. Làm sao không đơn độc. Hiệp trút tất cả vào tiếng hát. Hát như một kẻ lãng du. Hát cho những đôi lứa yêu nhau. Hát cho những vết thương sẽ lành miệng.

Phóng khoáng và tự do trong đời sống, nhưng với nghệ thuật, Hiệp là người kỹ tính và cầu toàn bậc nhất. Trước khi diễn một ca khúc mới, anh thường nghiền ngẫm ca từ rất lâu, có khi hàng tháng hoặc mấy tháng trời, để nhập tâm và thể hiện từng nốt nhạc, từng chỗ luyến láy sao cho xác tín nhất với ý đồ nghệ thuật của tác giả. Hiệp thường mang những câu chuyện về bài hát trong những chuyến rong ruổi của mình.

Và ở đó, Hiệp đã chinh phục được cả người sáng tác. Hiếm có một ca sĩ trong cuộc sống vội vã và tất bật này lại có sự tĩnh tâm và sâu lắng như Tuấn Hiệp. Hiệp kỹ lưỡng cả trong cách chọn người phối khí cho bài hát. Anh tìm hiểu và biết được cả đời sống nội tâm của họ trong từng khoảnh khắc của đời sống, để là lúc này chứ không phải lúc khác, họ có thể phối cho bài hát của anh đạt đến độ nhất. Bởi, Hiệp quý trọng công việc lặng lẽ của họ, và với họ, mỗi bài hát cũng là một cách họ thể hiện nội tâm của mình.

Thế nhưng, sau cái vẻ phong trần hào hoa của Hiệp là một tâm hồn mong manh, yếu đuối. Hiệp đã nhiều lần rơi nước mắt trong phòng thu. Bởi những ca từ đẹp và buồn của nhạc xưa đã chạm tới ranh giới mong manh của tình yêu và đau khổ, của sự sống và cái chết. Hiệp tìm thấy mình trong đó.

Anh có một ngôi nhà bình yên để trở về. Một công việc để làm và nuôi sống gia đình. Nơi đó, không có bóng hình của nỗi buồn, hay sự cô đơn. Nơi đó, Hiệp là một ông bố yêu con, đắm đuối với con. Tôi biết để giữ được sự bình yên đó, Hiệp rất cần sự bao dung của người phụ nữ bên cạnh. Bởi làm sao dừng bước chân một lữ khách giang hồ đang say đắm trong những giấc mơ miên viễn về đời sống, về kiếp người.

Hiệp nói, anh là người hạnh phúc bởi anh đã tìm thấy con đường của mình. Nhiều người loay hoay cả cuộc đời mà vẫn không tìm được một con đường, một nơi chốn mình thuộc về. Hiệp sẽ đi đến tận cùng con đường đó, dù anh biết, những người đồng hành với anh không nhiều...

Việt Nguyễn
.
.