Ca sĩ Trọng Bắc: Tiếng hát khơi hoài niệm

Thứ Ba, 31/05/2016, 15:54
Trọng Bắc có giọng hát đẹp vô cùng. Không quá mềm, không quá mỏng cũng không quá dày. Mọi thứ cứ vừa đủ mà đi vào lòng người, mà gợi khơi hoài niệm, đánh thức quá vãng rồi ngậm ngùi cùng nỗi lòng người thưởng thức. 


Lần đầu, tôi nghe Bắc hát là ở một phòng trà cùng nhóm những người bạn đồng hương của Bắc. Tôi đã bị cái chất giọng nồng ấm ấy đeo bám trên đường về. Thứ thanh âm mà mỗi khi cất lên, những tiếng hát phía sau nó đều không còn đủ sức để lôi kéo ta nữa.

1. Trọng Bắc là một người vui tính. Vui đến độ đã có lúc tôi nghĩ bụng, cha nội này hát nhạc buồn, cái mặt biểu cảm coi thiệt ngộ. Nói không quá, Bắc có tâm hồn lạc quan, phơi phới nhất trong những giọng nam hát nhạc buồn mà tôi biết. Đã vậy, nói chuyện cũng chẳng văn vẻ, lãng đãng gì cho cam dù gương mặt thừa nét. Nhưng, cái chất đằm thắm của người Đà Lạt thì chẳng lẫn vào đâu được dù Bắc ăn cơm phố hơn chục năm. 

Là lạ, hỏi vài câu, Bắc nói chuyện chán thôi rồi. Mà quen thì bị bông đùa, cà tưng cà tưng, không dứt ra được. Để rồi, trong những nụ cười nheo nheo khóe mắt ấy, tôi tự hỏi, khi buồn sẽ ra sao?

Thì, cũng chỉ là buồn thôi! Bắc khéo giấu nỗi buồn. Có điều khi hát, không cách nào che đậy được nữa... Trong một đêm tịch mịch, chỉ có tiếng của đêm, màu của gió, nghe Bắc nhả chữ bài Cô đơn của cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 như chạm vào từng sợi buồn mỏng nhất, sâu kín nhất trong lòng... Thấm nữa, hãy nghe Bắc rỉ rả: "Buồn đến bao giờ/ Nhạc sầu trong ý thơ...". 

Có lạ lùng không khi một người thấy phơi phới lòng lại đem lòng hát nhạc buồn? Hay bởi nỗi buồn đã hóa thành những nguồn vui nho nhỏ mà nhìn đâu, người ta cũng muốn đơm nụ cười?

Âm nhạc không chỉ là nơi tỏ bày mà còn là chốn nương náu của Bắc và chỉ riêng Bắc thôi. Một nẻo bình yên đi-về, thương-nhớ, nói-cười, khổ đau-hạnh phúc.

2. Bắc có chất giọng đậm đặc nam tính, cách nhấn và nhả chữ quyến rũ vô cùng; có thể lên cao mà không chênh, có thể xuống thấp mà không lạc như nhận định của nhạc sĩ Đức Trí. Có người ví, sau Sĩ Phú thì Trọng Bắc là người làm sống dậy những xúc cảm lãng mạn của âm nhạc Việt Nam, quả tình thật xứng đáng! 

Hồi cuối năm 2011, Bắc trình làng album đầu tay mang tên Dấu mưa do Dũng Đà Lạt sản xuất, tập hợp những bài hát Bắc yêu thích như: Nỗi buồn còn lại, Xin đừng quay lại (Diệu Hương), Có dấu vết nào, Cơn mưa qua thành phố (Hà Quang Minh), Trong mắt em, Ước muốn phai tàn (Dũng Đà Lạt), Như chiếc que diêm (Từ Công Phụng), Còn ta với nồng nàn (Quốc Bảo). 

Rồi từ đấy đến nay, ai yêu mến tiếng hát ấy, chỉ có thể tìm đến phòng trà và trong một số chương trình. Bắc chọn lối đi khá tĩnh lặng, nhẩn nha, yên bình bên cạnh làng giải trí nhộn nhạo, kiên trì một phong cách riêng, một cách sống của người tự tin, có phông nền văn hóa, ý thức rõ mình đang làm gì và cần gì. 

Mười mấy năm ở Sài Gòn, Bắc đã trở thành một trong những lựa chọn tin cậy của nhiều chương trình trong và ngoài nước, nhiều dự án tâm huyết của giới chuyên môn mà Lặng lẽ tiếng dương cầm là một điển hình.

Tính đến thời điểm hiện tại, mười một năm kể từ ngày Trọng Bắc và Dũng Đà Lạt chính thức "gia nhập" làng giải trí Sài Gòn. Nếu như, Dũng định hình tên tuổi khi nâng đỡ và hỗ trợ cho rất nhiều cái tên nổi tiếng và được người trong nghề nhắc đến bằng sự nể trọng thì Bắc khẳng định vị trí của anh - ca sĩ duy nhất tại TP HCM được phòng trà We độc quyền và là ngôi sao không thể thiếu của các tụ điểm giải trí ấm cúng, thân tình. 

Người ta đặt cho Trọng Bắc nhiều mỹ danh gắn liền với phòng trà, xuất nguồn từ lòng thương mến và cũng từ nơi Bắc đã gắn bó, đã miệt mài với giấc mơ, đến bây giờ có thể nói là một đời đeo đuổi, một đời mê mải, như người tình trăm năm đắm say, tận hiến. 

Như khi Bắc hát một khúc tình của cố nhạc sĩ Phạm Duy: "...Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà/ Nhà của đôi ta, xinh xinh nhỏ bé/ Có vườn rau xanh ngát ngoại ô/ Có mùa mưa hay nắng mộng mơ/ Cây me già trong ngõ/ Hoa lá đổ về khuya/ Mùi hương lối xóm bay đi tràn trề...". 

Chất thơ, nỗi khát khao và tình yêu trong bài hát sao mà tinh tế, dịu dàng và đằm thắm đến lạ lùng. Nó khiến người nghe bồi hồi, mê lịm đi trong một lời hứa giản dị, chân thành và đầy hơi thở của đời sống. Nó lấp lánh màu yêu thương vẫn thấy trong những bức ảnh gia đình.

3. Tuổi thơ Bắc vất vả nhưng trong trẻo và ăm ắp tiếng cười với đủ trò nghịch ngợm như nhiều đứa trẻ lớn lên vào thời khốn khó. Là ba mẹ thường xuyên xa nhà, anh em Bắc tự trông nhau, từ bữa cơm, giấc ngủ đến xếp hàng đổi tem phiếu. Bắc kể, đi học chỉ trông mỗi dịp hè, đặng vừa không phải học bài, vừa được tót xuống chỗ ba đang làm, tha hồ ở cạnh, ríu rít. 

Những chiều sương xuống sớm, Bắc tót ra đám cây ngoài phía nhà, ngóng mắt dõi mẹ về. Nhác thấy bóng mẹ trên triền dốc, Bắc ù té chạy, hét váng cả một khoảng đồi. Là một ngày ham chơi, lỡ để con chó Nhật ba cưng đi lạc, bị rầy, hai anh em cúm núm vờ tìm vì lạnh và sợ… ma, rồi nhận một trận đòn nhớ đời. Là khoảng trời trên đồi thông xanh ngắt, con đường bụi đỏ rợp hoa quỳ hai bên. 

Thuở ấu dại, mỗi lần được mẹ cõng xuống trường làng, Bắc tha hồ lùa tay vào hoa, cười khoái chí. Để sau này, Bắc vẫn thường đi lại con đường rợp nở hoa quỳ tưởng nhớ hình bóng mẹ… 

Trong những ngày buồn, chơi mãi cũng chán, hai anh em bám lấy cái đài cũ của ba, nghe đủ thể loại nhạc trên đời. Những bài hát đầy chất thơ cứ thế vương vít tâm trí Bắc thành tình yêu lúc nào không hay.

Tất nhiên, âm nhạc là một cuộc chơi mà tính tương lai của nó không đủ để các bậc phụ huynh an lòng. Bắc, với bản tính nghịch ngợm, mê công nghệ, ham khám phá và rất nhiều lần tháo lắp đủ thứ vật dụng trong nhà đã chọn ngành Công nghệ thông tin. Âm nhạc xen kẽ và chiếm hết khoảng thời gian còn lại. Rồi cũng đi hết quãng đường đại học. 

Sau một năm sáng vác cặp đi, tối vác về, cảm thấy năng lượng trong người ngày một vơi dần, Bắc quyết định ngừng hẳn công việc, tập trung cho âm nhạc. Bắc khước từ kể nhiều về khoảng thời gian đó, có lẽ vì, như Bắc nói "có gì đâu mà kể", hay do sự lạc quan luôn thường trực nơi bản tính. 

Bìa album "Kỷ niệm xanh xao". Ảnh: Trường Giang.

Như hôm ngồi với tôi, Bắc vừa trải qua mất mát thứ hai trong đời mà lặng lẽ cất nỗi buồn vào trong đáy mắt. Ba của Bắc đã theo mẹ anh, người để lại trong lòng Bắc một khoảng trống mênh mông cách đây 4 năm, ngay khi Bắc vừa đặt chân đến xứ người trong một chuyến lưu diễn. 

Có những câu chuyện, những nơi chốn rồi sẽ xếp vào ngăn bàn như bao câu chuyện, bao nơi chốn khác. Thế nhưng, cũng có những câu chuyện, những nơi chốn mỗi khi nhớ về lại khiến trái tim ta thổn thức. Đà Lạt với Bắc, không chỉ có gia đình, có ký ức đẹp đẽ của thuở ấu dại mà còn cất giữ nỗi đau về một cậu bạn đúng nghĩa nối khố đã vĩnh viễn nằm lại ở ngưỡng cửa vào đời. Bắc nói với tôi một ý mà có lẽ, những ai không còn trẻ nữa đều có cùng cảm giác như vậy. 

Người ta càng lớn, càng đi nhiều nơi, càng muốn trở về mái nhà xưa kỷ niệm, đi lại những con đường đã mờ dấu chân, để được đắm mình trong khoảng trời ấy, để được thấy mình nhỏ lại, được chở che, bảo ban, chỉ dạy. Sài Gòn níu chân bao người mà dường như bất lực để giữ tâm hồn họ trọn vẹn cho riêng nó.

4. Đầu tháng 5 năm nay, Bắc vừa phát hành album thứ hai mang tên Kỷ niệm xanh xao gồm 4 ca khúc của cố nhạc sĩ Phạm Duy: Ngày đó chúng mình, Còn gì nữa đâu, Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà, Phố buồn và 4 ca khúc của nhạc sĩ Ngô Đăng Duy là: Kỷ niệm xanh xao, Hững hờ, Nỗi nhớ, Sao người không về, với sự hỗ trợ nhiệt tình của TDL Media. Bắc lý giải cho sự kết hợp này là do anh thấy được sự tương đồng trong chất nhạc của hai nhạc sĩ.

Trọng Bắc có khá nhiều kỷ niệm với nhạc sĩ Phạm Duy. Thế nhưng, hầu như ít khi anh mang ra tô điểm cho bản thân hay cho sản phẩm. Một lý do khác khiến tôi quý Bắc là anh luôn nhắc đến nhạc sĩ họ Phạm, cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và nhiều nhạc sĩ tài danh khác bằng sự kính trọng, ngưỡng vọng của lớp hậu bối, dù được vinh dự hát nhạc của họ, được trò chuyện, được tác giả đánh giá cao, song không bao giờ cả nghĩ đánh đồng hay tự mãn.

Cậu em trong nghề kể với tôi rằng, hôm giới thiệu Kỷ niệm xanh xao, nhìn cách Bắc nâng niu từng chiếc CD, cẩn trọng cảm ơn người tham dự trong sự ồn ào, xô bồ của một vài cá nhân mà thương, mà xa xót cho một sự ngược chiều, một giá trị riêng biệt vô tình lạc nhịp. 

Nhưng chắc là, tiếng hát ấy sẽ vẫn điềm tĩnh đi con đường mà nó đã chọn bao nhiêu năm qua. Như khi có ai đó hỏi Bắc rằng, trong lần "diện kiến" công chúng rộng rãi này, lại được hỗ trợ đắc lực từ công ty truyền thông phía sau, Bắc có muốn bứt phá, muốn nhộn nhịp với cuộc đua truyền hình thực tế? Bắc cười: "Điều quan trọng nhất với tôi là được sống trọn vẹn cho âm nhạc".

Một cá nhân từng đứng giữa hai lối rẽ và đã can đảm chọn hướng "không ổn định" hơn thì lời nói ấy đáng tin biết chừng nào. Âm nhạc thì luôn cần những người-hồn-nhiên có giọng hát đẹp và không cố tình bắt chước ai như Trọng Bắc vậy.

Hoàng Hoài Hương
.
.