Ca sĩ Trang Nhung: Vàng son… một thuở

Chủ Nhật, 08/09/2013, 13:19
Lần đầu tiên được nghe Trang Nhung hát live, tôi thật sự ấn tượng trước giọng hát vút cao mà cũng rất đỗi mềm mại và lả lướt của chị. Tự dưng lúc ấy tôi thầm ước, một ngày nào đó tôi được ngồi với chị, nghe chị kể về cuộc sống, về quãng đời đã qua của một người đàn bà đẹp có giọng hát tuyệt đẹp. Cách đây ít hôm, được tin chị tổ chức liveshow đầu tiên sau gần 20 năm theo nghiệp cầm ca từ một đồng nghiệp, tôi nhấc máy gọi cho chị.

Gọi hú họa vậy thôi chứ tôi không dám hy vọng nhiều, vì để chuẩn bị cho một liveshow được đầu tư kỹ càng như thế, chị có biết bao nhiêu việc phải làm. May mắn cho tôi là chị đồng ý ngay sau một cái hẹn chắc nịch tại Hội Nhà báo Thành phố. Trang Nhung đẩy cửa bước vào, dáng người nhỏ nhắn, tóc xõa dài, nụ cười tươi tắn, xua đi không khí chao chát của một chiều nắng chói…

1. Trang Nhung sinh ra và lớn lên ở Hà Khẩu, Quảng Ninh, trong một gia đình có truyền thống văn hóa, nghệ thuật. Cha của chị công tác tại Đoàn Văn công Quảng Ninh, còn mẹ chị là nữ nghệ sĩ hát chèo Côn Sơn Kiếp Bạc. Hồi chị còn nhỏ, mỗi lần cha chị đi diễn ở đâu là ông cõng chị theo đến đó nên cái không khí của đàn ca, hát xướng đã ngấm sâu trong từng đường gân thớ thịt chị. Lời ca, điệu hát cứ thế tuôn chảy hồn nhiên trong trí nhớ chị đến nỗi cha mẹ chị cũng phải bất ngờ khi 6 tuổi chị đã có thể hát một mạch bài Lái xe chiến trường mà cha chị vẫn thường hát trong các buổi giao lưu văn nghệ.

Hà Khẩu trong ký ức Trang Nhung như cuốn phim đứt quãng về một tuổi thơ tươi đẹp dưới mái nhà bình yên, có đồng lúa xanh mướt cánh cò, có núi non bạt ngàn sau lưng, lại có cả biển rì rào ngàn năm sóng vỗ. Đó còn là ký ức về những cụ già ở cái tuổi xưa nay hiếm, lưng còng theo thời gian, răng nhuộm đen, tóc bạc ánh ngời, gánh mẹt hàng rong với vài thức quà vặt mà chị hay gọi vào mua chỉ để được nghe tiếng nói khàn đục của tuổi già và nhìn nụ cười móm mém. Cái khí trời trong vắt, cái bình yên tuổi nhỏ đã thấm đượm vào tâm hồn chị, rất đỗi dịu dàng, để giờ đây, nó hiện hữu trong tính cách chị, sự sôi nổi luôn ẩn chứa dịu dàng; trong đáy mắt chị, lúc nào cũng long lanh, rạng ngời; trong nụ cười chị, lúc nào cũng giòn tan, hạnh phúc; trong tiếng hát chị, ngọt ngào, lả lướt như những cánh cò trắng muốt trên ruộng đồng bao la, mà cũng rừng rực đam mê.

Dù mê hát hò, nhưng Trang Nhung rất nhát. Chị bảo, chị đi hát là nhờ bạn bè thuở còn đi học “quảng cáo” với thầy cô giùm chị. Hát riết rồi được mọi người biết tiếng, thấy cuộc thi nào thì xui chị đi thi. “Chị nói không biết em có tin không, chứ đến bây giờ, bước ra sân khấu, nhìn thấy khán giả, chị vẫn còn run”. Tính chị vốn hay lo, lúc nào cũng cảm thấy chưa cố hết sức, lúc nào cũng có cảm giác sợ sản phẩm âm nhạc của mình không thỏa mãn được khán giả. Trước hôm họp báo thôi mà chị đã lo đến mất ngủ. Họp báo xong rồi, vừa lo, vừa cầu trời, cho sức khỏe ổn định để tới hôm liveshow có thể “cháy” hết mình. Cá nhân tôi nghĩ, đó là tính cách đáng yêu của một nghệ sĩ thực sự trân quý khán thính giả và nghề nghiệp của mình.

2. Cha mẹ chị không muốn chị theo nghiệp cầm ca vì sợ chị vất vả, dẫu ông bà biết và luôn tự hào về giọng hát của con gái. Bản thân chị cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ chọn ca hát làm con đường lập nghiệp nên học hết phổ thông, chị lên Hà Nội, vừa đi học, vừa đi làm. Nhưng, niềm đam mê ca hát vốn có sẵn trong máu lại trỗi dậy, lúc nào cũng thấy thiếu thiếu cái gì đó, nên thấy ở đâu tổ chức thi ca hát là chị đăng ký thi.

Đi cho thỏa đam mê. Dường như, Trang Nhung rất có duyên với các giải thưởng. Năm 1992, chị được giải xuất sắc Tiếng hát Sinh viên toàn quốc. Năm 1995, chị lại được giải Người có giọng hát truyền cảm nhất trong cuộc thi Vàng anh do Nhật Bản và Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức. Năm 1998, chị được giải Nhất cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội.

Trang Nhung hạnh phúc bên gia đình.

Đến năm 1999, chị đoạt giải C cuộc thi Tiếng hát Truyền hình toàn quốc. Mỗi cuộc thi là mỗi kỷ niệm, vui buồn lẫn lộn, nhưng với chị, đáng nhớ nhất là cuộc thi năm 1992. Đó là lần đầu tiên chị bước lên sân khấu, toàn người là người. Máy ảnh chụp tanh tách, sáng lóa mắt làm chị ríu cả tay chân. Chị hát xong bài Thầy giáo em, tiếng vỗ tay ngợp trời, nhạc sĩ Đỗ Hòa An hỏi chị có thuộc bài nào nữa không. Chị quýnh quá, “Giờ con chỉ nhớ mỗi bài Lái xe chiến trường thôi!”.

Thầy kêu chị hát thử, nghe ổn, bèn dạy chị bắt nhịp. Vậy là chị ra sân khấu trong bộ quần áo bộ đội, đội mũ tai bèo, mặt vẽ đầy râu ria, tấu nói bài hát chị đã nằm lòng. Không ai nhận ra đó là cô gái Trang Nhung mặc áo dài trắng muốt trong tiết mục trước, ngoại trừ một người bạn của cha chị. Lúc chị hát xong, ông tìm gặp chị, cười cười: “Trông mầy hát hệt bố mầy!”. Chị cười rạng rỡ, mắt long lanh, tự hào. Tiết mục ấy đặc sắc đến mức, ban tổ chức quyết định trao cho chị giải đặc biệt.

Sau đó không lâu, chị thi vào Nhạc viện Hà Nội. Với nền tảng nghệ thuật từ gia đình cộng với lời khuyên của thầy cô, chị đã chọn dân ca và dân gian đương đại làm dòng nhạc chủ đạo. Album Son của chị là minh chứng cho hướng đi đúng đắn ấy. Thế nhưng, với giọng hát đa dạng, nhiều màu sắc, Trang Nhung còn hát nhạc trẻ, nhạc trữ tình quê hương, truyền thống cách mạng với ý thức luôn giữ được nét Việt và yêu cầu thổi hơi thở đương đại vào những ca khúc tưởng chừng đã cũ về giai điệu.

Chị cười: “Nhiều người bảo nhạc của mình quê quê!” Tôi hỏi chị, không biết tôi có nhớ nhầm không, hình như chị đã phát hành được 9 album và 1 DVD. Chị ngạc nhiên, “9 cơ à?”, rồi chị kể tên các album đã phát hành, có sự bổ sung của tôi. Chị reo lên thích thú: “Ôi, thế mà chị trả lời báo chí toàn 7 cái đấy! Như con kiến nhỉ, miệt mài, gấp gấp từ từ, lúc nào cũng chả hay”.

3. Chị nói vậy bởi lẽ, với chị, âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung là đam mê, là một phần rất lớn trong đời chị nhưng chưa bao giờ là đích đến. “Chị tham gia ca hát hay các lĩnh vực nghệ thuật khác đều rất thoải mái, tự nhiên, có thời gian thì tham gia và đã tham gia thì làm cho thật tốt còn không thì tạm gác lại thôi em ạ”. Và hiện tại, dù bận rộn với công việc kinh doanh tại Appollo nhưng chị luôn dành thời gian vun vén gia đình, chăm sóc cho chồng, cho con. Chị trải lòng: “Khi em thu hỏng một bài hát, em có thể thu lại được, nhưng với con cái, chỉ cần lơ là một chút thôi, mình sẽ hối không kịp”.

Bốn đứa trẻ xinh xắn, ngoan ngoãn, khỏe mạnh và một người chồng rất mực yêu chiều vợ là kết quả viên mãn của một tình yêu đẹp. Chị bật cười thật to khi tôi gợi lại kỷ niệm: “Ông xã mình không lãng mạn theo cách thông thường. Lúc mới quen nhau mình hay mắc cỡ nên rất ít nói mặc dù rất thích... “chú” (chồng chị lớn hơn chị 13 tuổi).

Hồi mình còn làm ở bưu điện, “chú” đã tỏ tình với mình bằng mấy câu thơ tự làm được ghi vào một tờ giấy nhỏ xé vội, rồi biến mất”. Với chị, anh như một người thầy, một người anh, một người bạn lớn trong cuộc đời. “Anh ấy có khiếu về nhiều mặt như thơ ca, hò vè, vịnh thơ, ra vế đối và đối ở mọi lúc mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Thậm chí anh còn biết rõ nguồn gốc các bài hát hơn chị ấy chứ!” - chị hạnh phúc kể.

Ở Trang Nhung lúc nào cũng toát ra một động năng lan tỏa - thứ năng lượng say mê, yêu đời, yêu cuộc sống, rồi bao phủ cái sức sống ấy lên những người xung quanh. Chị có thể trêu người này bằng một câu vọng cổ ngọt xớt, gác tay, chống một chân lên ghế diễn tả các bà các cô ở nhà nói chuyện ra sao, không ngại xấu, móm miệng khom lưng miêu tả bà cụ bán hàng xén để tôi hình dung.

Trò chuyện với chị, có cảm giác những khả năng ấy thiên bẩm thuộc về chị, cứ thế mà bộc lộ thôi, tự nhiên như nhiên vậy. Những việc chị làm, những thành công chị gặt hái được, qua cách chị nói, lúc nào cũng trở nên nhẹ tênh, như thể, bất kỳ ai, bất kỳ người phụ nữ nào cũng có thể làm được. Từ việc chị theo chồng rời Hà Nội vào Sài Gòn, lạ môi trường, chị ốm lên ốm xuống suốt hai năm mới có thể bắt nhịp được. Rồi những vất vả, trở ngại trong buổi đầu chị bước vào kinh doanh, việc gia đình, con cái.

Chị bảo: “Cuộc sống luôn song hành niềm vui và nỗi buồn mà, phải thế không? Ai cũng thế thôi, phải có những nốt trầm thì nốt bổng mới reo vui chứ. Chị cảm thấy mình may mắn khi có một cuộc sống thú vị và nhiều màu sắc, em ạ”.

Chia tay chị, tôi hỏi, là một ca sĩ có danh, thành công trong sự nghiệp và có một gia đình hạnh phúc, chị có nghĩ mình là người phụ nữ thành đạt không? Chị cười bảo: “Chị chỉ là một người phụ nữ bình thường như bao người phụ nữ khác thôi em ạ, có gì to tát đâu. Có chăng, chị cảm thấy tự hào vì mình đã luôn cố gắng hết sức. Chị nghĩ, việc gì cũng vậy, chỉ cần mình cố gắng, chắt chiu, vun vén, mình sẽ làm được, phải không em?”

Hoàng Dung
.
.