Ca sĩ Thái Trân: Có nẻo reo vui theo tiếng ca

Thứ Ba, 28/04/2015, 23:53
Thái Trân hát nhạc Trịnh. Thật ra thì, ngoài nhạc Trịnh, Thái Trân từng hát những bản pop ballad nữa. Nhưng, định hướng của Thái Trân vốn dĩ là nhạc Trịnh. Như thể, đó là một cuộc gặp định mệnh. Để giờ đây, chính những bài ca ưu tư nỗi niềm nhân thế ấy nâng cánh cho Thái Trân bay qua “vùng huyệt lộ”.

1. Tôi chưa từng nghe giọng ca nào hát nhạc Trịnh lạc quan và khấp khởi như Thái Trân. Tất nhiên, cảm giác thường dễ bị đánh lừa, bởi cách chọn ca khúc, phối giai điệu. Nhưng tự thân tiếng hát thì không. Bởi Thái Trân chọn cách thể hiện và thâu âm như cách đây chục năm về trước. Nghĩa là, bài hát được thâu tiết giản âm thanh nhất để tôn lên giọng hát. Nghĩa là, Thái Trân hát một mạch trọn bài chứ không cắt, ghép những đoạn lấy hơi để bản thâu hoàn hảo đến độ siêu thực! Thái Trân giữ nguyên và tôn trọng cảm xúc của người hát và cả người thưởng thức bằng sự chân thật.

Trong cái vùng nguyên sơ ấy, tiếng hát Thái Trân như những mầm sống đang cựa mình vươn dậy. Tựa hồ ngàn đóa hướng dương rực rỡ đang mỉm cười hướng về phía mặt trời. Không rõ hướng dương, loài hoa Trân yêu, lộng lẫy nhờ ánh mặt trời hay chính bản thân nó tô thêm màu cho ánh sáng ấy?

Hỏi Thái Trân, với kỹ thuật phòng thu hiện đại như bây giờ, tại sao lại “hành xác” như vậy. “Hành xác” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cái kiểu cầu toàn, chăm chút cho từng bài hát, cho từng khâu làm bìa, lên ý tưởng rồi bắt tay vào thực hiện. Có lẽ, Bay đi thầm lặng là album có lượng thời gian ấp ủ dài nhất ở Việt Nam. Dài như vậy, còn do sức khỏe của Thái Trân không cho phép.

Năm 2010, sau album đầu tay, bệnh suy tim của Thái Trân trở nặng. Ở giai đoạn thứ 4, chị phải gắn những máy trợ tim ở cổ, cánh tay, đùi… và phải liên tục kiểm tra xem máy còn rung và hoạt động hay không. Cùng lúc đó, căn bệnh suy thận ập đến.

Suốt 5 năm ấy, thời gian Thái Trân ở viện nhiều hơn ở nhà. Mà ở nhà cũng như ở viện. Thái Trân đi viện như bà nội trợ kỹ tính đi chợ, không muốn mua nhiều vì sợ kém tươi ngon nếu để lâu! Hiện tại, cứ cách 5 tiếng, Thái Trân phải truyền đạm một lần, mỗi lần hơn 2 tiếng, bất kể ngày đêm, mưa nắng.

Cách ngày, Thái Trân vào viện lọc máu. Sau lọc máu là tiêm thuốc tạo máu. Thuốc tỏa đến đâu, Thái Trân quằn quại, đớn đau đến đấy. Như đang cầm một nắm dao lam tự rạch lên cơ thể. Vậy mà, buông thuốc, buông bệnh viện ra, Thái Trân lại líu ríu ca hát như chú chim sâu lích chích nhảy theo đám hoa nắng rải đầy ngoài sân.

Ca hát trở thành “liệu pháp” giúp Thái Trân quên những đau đớn thể xác, chia sẻ, an ủi tâm hồn chị. Và cũng từ đây, những giai điệu, ca từ yêu thương càng được chắt chiu, nâng niu, gìn giữ. Hễ có dịp là tất cả cảm xúc ấy như dòng suối mát tuôn trào, lúc nhẹ nhàng sâu lắng, lúc cuộn qua bao thác ghềnh, chông chênh. Có lẽ, chỉ người đã từng đi qua ranh giới giữa sự sống và cái chết, hết lần này đến lần khác mới có thể bình tĩnh, yêu đời và bản lĩnh đến vậy.

2. Thái Trân mê hát từ hồi còn nhỏ xíu. Mẹ của chị sợ đứa con gái duy nhất, vốn bị bệnh tim bẩm sinh khổ nên muốn Thái Trân theo học ngành kế toán nối nghiệp mẹ. Tuổi thơ Thái Trân trống huơ trống hoác bàn tay vững chãi của ba, hai mẹ con đùm túm nhau sống qua ngày. Những đứa trẻ như vậy thường nhạy cảm và hiểu biết sớm. 8, 9 tuổi Thái Trân ý thức phải mạnh mẽ, phải lo lắng, bảo vệ mẹ. Nên, bất cứ điều gì làm mẹ vui, Thái Trân đều không khước từ.

Hai người phụ nữ luôn ở trạng thái mạnh mẽ thường không thể hiện được tình cảm ngọt ngào dành cho nhau. Thái Trân lúc nào cũng xù lông lên, để mẹ không phải lo lắng. Ngày chị lấy chồng, mẹ chị nói vui với con rể: “Nhiều khi tôi tưởng nó là chị hai tôi không đấy chứ!”.

Theo lớp kế toán, mặc con số nhảy múa loạn cào cào, Thái Trân vẫn gắng học để chiều lòng mẹ. Xong, vì mê hát, Thái Trân mải miết theo phong trào ca hát khắp nơi. Sau, Thái Trân tham gia cuộc thi tiếng hát truyền hình. Năm ấy, chị đoạt giải. Được sự động viên của các thầy cô ở Nhà thiếu nhi, nơi Thái Trân gắn bó đến tận bây giờ, chị quyết định theo nghề nghiêm túc, bài bản. Thái Trân lại cắp sách đến trường học nhạc. Về đoàn Quân khu 7 được ít lâu, do sức khỏe không đi xa được, Thái Trân xin rời đoàn và bắt đầu đi hát phòng trà.

3. Thái Trân vô cùng ngại chia sẻ căn bệnh chị đang mang trong người. Chị bảo, chị không muốn “ăn mày tình thương” của người khác. Nên, khi tôi hỏi, chị nói về bệnh tình nhẹ nhàng nhất có thể. Không gồng mình, không cố tỏ ra mạnh mẽ. Chị chấp nhận, bởi đó, là số phận của chị. “Bây giờ thì mọi thứ vào nếp bình thường của nó rồi. Đau đớn tới rồi cũng đi qua” - Thái Trân bình thản.

Cũng có mấy lúc Thái Trân nghẹn ngào khi ai đó hỏi thăm: “Người ta chữa bệnh để mau khỏi và sống tiếp, còn Trân cứ phải điều trị như thế này để duy trì sự sống một cách tạm bợ mà thôi…”. Làm sao không khủng hoảng khi ngày nào khoa thận nơi Thái Trân điều trị cũng có thêm người. Và cũng từng ấy người vĩnh viễn ra đi. Có người ra đi trên bàn lọc máu, người vì quá mệt mỏi chống chọi, người không đủ viện phí đành chấp nhận buông xuôi. Những người mới chạm mặt hôm nay, cái tên chưa kịp nhớ, đường nét gương mặt chưa kịp khắc ghi.

Như bao người bệnh, ngày biết tin dữ, cảm xúc tiêu cực xâm chiếm Thái Trân. Muốn buông xuôi, muốn bỏ mặc bản thân, muốn khước từ mọi sự giúp đỡ. Cái ý nghĩ bỏ đi một nơi nào đó thật xa, lặng lẽ giải thoát, tránh trở thành gánh nặng của người thân trở đi trở lại trong đầu chị không chỉ một lần.

Cho đến một ngày, Thái Trân nhìn thấy ông xã chị, người đàn ông vốn dĩ mạnh mẽ, cứng rắn nói với chị trong nước mắt: “Em không thương em thì cũng phải thương anh chứ! Em bỏ anh lại một mình côi cút với ai”. Thái Trân bừng tỉnh. “Lúc đó chị nghĩ, bao nhiêu người đang giành giật sự sống cho mình, cớ sao mình lại từ bỏ”.

Nhưng bão lòng nào có chịu ngủ yên. Khi yêu thương ai đó, người ta đều nghĩ cho người mình yêu trước nhất. Sợ ra đi bất đắc kỳ tử, không ai chăm sóc chồng, có lúc, Thái Trân tự ti, dằn lòng: “Thôi để em ký giấy ly hôn để có người lo cho anh tuổi già”. Nghe vợ nói, anh gạt ngang: “Em đừng xúc phạm anh như vậy. Vợ chồng là tình là nghĩa. Có thể, em không còn nhưng lúc nào em cũng bên cạnh anh là đủ rồi. Mọi chuyện tới đâu tính tới đó!”.

Nước mắt chị lặng lẽ rơi trước sự kiên quyết của chồng, chị cũng không bao giờ dám nhắc lại ý định đó. Hôm tôi và một người bạn đến thăm chị tại nhà riêng, nhà đang ngổn ngang xây dựng, chị đang giờ truyền đạm nên chúng tôi ngồi chờ. Hồi sau, thấy chị lăng xăng bê nước đón chúng tôi, chồng của chị đề nghị: “Em lên đi, để anh bê nước cho”. Chị nở nụ cười viên mãn, tay rót nước: “Em làm được mà!”.

Biết chị mê ca hát và cũng để giữ niềm vui cho chị, mỗi lần có phòng trà nào mời, anh đều cố gắng sắp xếp công việc để đưa chị đi và chăm sóc cho chị. Ở đó, anh gặp lại thời khắc của thuở ban đầu lưu luyến. Anh biết chị, quý mến rồi yêu thương chị cũng từ lần nghe chị hát ở phòng trà. Thái Trân bảo, chị đọc được trong ánh mắt chồng sự xót xa lẫn tình yêu vô bờ. 

“Nếu không vì ông xã chị, chắc chị không cố đâu. Đau lắm, mệt mỏi lắm, mất hết bình tĩnh, mài mòn cả kiên nhẫn con người ta”. “May mắn lớn nhất đời chị là được gặp và trở thành tri kỷ với anh” - Thái Trân rơm rớm nước mắt.

4. Ngoài âm nhạc, Thái Trân hồ hởi và vui nhất khi nói về món ăn và nấu nướng. Dù lần nào lăn xuống bếp, chị cũng phải “đổ tí máu”. Thái Trân tự hào vì nấu được rất nhiều món. Và nấu món nào, chắc tay món đó. Người thưởng thức nếm qua một lần khó lòng quên được. Mê món nào lạ, chị lại mày mò công thức. Làm không ngon thì gọi bạn bè hỏi thêm. Trước đam mê của chị, ai cũng sẵn sàng đến nhà truyền cho chị bí kíp, như người bạn đi cùng tôi chẳng hạn.

Hôm nằm nghe chị hát, giữa đêm tịch mịch, bất giác, tôi thấy tiếng hát ấy tràn lên thứ ánh sáng lạ lùng. Tự hỏi, nếu không vấp phải bệnh tật, giọng hát này còn tiến xa đến đâu nữa? Giả sử cũng chỉ là giả sử thôi. Thiếu trải nghiệm, người hát có tròn vành, rõ chữ đến đâu, giai điệu và ca từ cũng trở nên vô hồn. Thái Trân còn nhiều ấp ủ, nhiều dự định với âm nhạc lắm. Chỉ mong, thời gian đủ dài để chị thực hiện giấc mơ đó.

Hoàng Hoài Hương
.
.