Ca sĩ Phi Nhung: Giọng buồn như hoa rụng

Thứ Ba, 03/12/2013, 14:34
Chiều cuối tuần, quán cà phê không quen, một người vừa sơ ngộ. Những câu chuyện không nhiều gợi nhớ, nụ cười thoảng như gió cuối năm. Tôi ngồi với chị, muốn nói nhiều, nghĩ sao lại thôi. Đôi lúc, người ta cần nhìn nhau hơn phải mở lời. Nghề báo, buộc hỏi đáp. Nhưng chắc chắn, có nhiều thứ còn hơn cả sự hỏi đáp, còn hơn cả những con chữ trong một bài ký chân dung.
Phi Nhung, đằm thắm như giai nhân. Giọng ca buồn như hoa rụng, thắm áo người xưa một hôm tiễn biệt.

1. Phi Nhung, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình được gặp chị. Ngày ở quê, đầu ngõ cuối xóm nghe nhạc của chị hát, những bài hát lắng lòng hắt hiu, đồng quê cuống rạ, chân nứt tóc khét, tay lấm lem khốn khó hay chỉ là “Thôi anh hãy về bên người giàu sang… Còn em tay trắng cam đành lỡ làng”, thêm nữa “Em gái vườn quê/ cuộc đời trong trắng/ dầm mưa dãi nắng/ mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm”.

Phi Nhung dáng người mong manh, khuôn mặt thanh tú, tiếng hát nhẹ như cánh chuồn chuồn, thế nên tôi đã nghĩ Phi Nhung như liễu yếu cần nép bóng tùng quân.

Nhưng, đâu hẳn là đã vậy. “Chị không biết đâu, chắc tại hình dung của chị mà mọi người nghĩ là chị cần nơi tựa nương. Chứ xưa giờ, chị cũng bình thường như mọi người thôi, chị có nương nhờ ai đâu”, chị nói.

Xứ Mỹ như thế nào, tôi không tưởng tượng được. Thi thoảng, xem các băng đĩa của những trung tâm ca nhạc quay ngoại cảnh, thấy vậy biết vậy, còn sâu hơn thì chịu. Nghe mấy anh chị nghệ sĩ bên này đi lưu diễn về kể lại, rồi mấy anh chị sinh sống bên đó tâm sự, hiểu là xứ Mỹ cũng nhiều nỗi lo. Tất nhiên, ở đâu mà không nhiều nỗi lo.

Phi Nhung không là một ngoại lệ. Chị sang Mỹ thuở xa lắc lơ, hành trang là gánh nặng quê nhà mang theo. Ngoại trừ gánh nặng đó, Phi Nhung không còn gì cả. “Chị chỉ có một tâm niệm duy nhất, làm sao lo được cho các em. Chỉ là, làm sao lo được cho các em”, chị kể.

Chị lo cho từng người em một, hết người em này đến người em khác. Nỗi lo luôn dừng lại ở một căn nhà, một đám cưới. Chị lo đến đó thôi, rồi các em chị phải tự mà sinh sống, chứ chị đâu lo cho cả đời được. Cái này, chị không nói ra, nhưng tôi biết. Chị mồ côi từ bé, ở với ngoại và 5 người em. Ngoại nghèo, chị mưu sinh tất tả bằng mâm cóc ổi, mía ghim ở bến xe, tụ điểm ca nhạc tại vùng đất cao nguyên Gia Lai.

Gia Lai, mỗi khi mưa xuống, đất hòa nước đỏ au. Cái không khí buồn đến vô định, buồn như chẳng bao giờ tan được. Cố nhà thơ Vũ Hữu Định có 4 câu rất hay về con gái Gia Lai: “Em Pleiku má đỏ môi hồng/ Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông/ Nên mắt em ướt và tóc em ướt/ Nên em hiền như mây chiều trong”. Pleiku là thành phố của tỉnh Gia Lai.

Chị má đỏ môi hồng, chị mắt ướt tóc ướt, chị hiền như mây chiều trong... Nhưng đã một dạo, chị ngập trong mùa đông tưởng không bao giờ dứt. Có lẽ vì vậy, mà sao trông chị lắm nỗi niềm đến thế.

2.Chị sang Mỹ, vài bộ quần áo, chế độ bảo trợ vài mươi USD một tuần. Chị học một buổi, trốn học một buổi để làm thêm. Vậy đó, mà số tiền đầu tiên chị gửi về cho em là 100 USD. 100 USD giờ với chị có lẽ không quá nhiều, tuy nhiên ở thời điểm ấy là số tiền mà chị chắt chiu mãi mới có được. Chị không xài gì khác ngoài việc buộc phải mua một ít vật dụng, còn lại chị dành cho em.

“Nỗi lo lớn quá, nên chị không lập gia đình?’, tôi hỏi. “Thật ra, là chị không nghĩ đến điều đó. Lúc chị yêu, người đàn ông của chị và chị cũng rạch ròi. Ai lo cho gia đình của người ấy, mọi thứ khác thì cùng nhau lo toan”, chị trả lời.

Cuộc sống Mỹ, vốn vậy. Chỉ có yêu là chung, còn lại cứ chia ra, từ tiền nhà cho đến tiền trả hóa đơn sinh hoạt hằng tháng.

“Có nhiều người thương chị, hẳn nhiên đó là điều chắc chắn. Chị đã nhiều lần từ chối, đó cũng là điều chắc chắn. Lần từ chối nào khiến chị phải suy nghĩ rất nhiều. Bởi tôi tin rằng, lắm khi từ chối là một thử thách đầy khó khăn”, tôi lại hỏi.

“Tính chị khác với quan điểm của em. Một khi chị đã thấy không thương, thì chị trả lời không thương. Chị không cho họ cơ hội cũng không để thêm niềm hy vọng. Chi vậy, chỉ khổ người ta, chỉ vướng luôn cho mình. Tình yêu thì không có chữ tội trong đó đâu. Thà làm bạn với nhau thì tốt hơn chứ. Giống như cũng có người có tiền, là đại gia thích chị lắm luôn đó. Nhưng mà thôi, tại sao mình phải như vậy. Với hơn nữa, chị làm cũng đủ ăn đủ mặc cho chị mà. Quan trọng, chị không đặt nặng về tình yêu”, chị lại trả lời.

“Có lần, tôi ngồi với một nghệ sĩ cũng lắm lo toan cho gia đình như chị. Nghệ sĩ ấy bảo rằng, làm được 5, sẽ dành 3 cho gia đình, 1 cho mình và 1 làm từ thiện. Còn chị, chị hoạch định tài chính của mình ra sao để chu toàn cho tất cả?”.

“Chị không có thói quen hoạch định kinh tế. Chỉ là, sau khi lo hết cho mọi người, nếu còn thì chị sử dụng. Mà thôi, nói chuyện khác đi em, mấy cái chuyện này nói hoài làm gì”.

Bắt đầu một câu chuyện khác.

Ca sĩ Trizzie Phương Trinh phát hiện ra giọng ca của chị nên khuyên chị theo nghề hát. Hồi đó, chị đang là công nhân may trong xưởng. Ở Việt Nam, chị chỉ hát cho bạn bè nghe, thi thoảng thì là hát ở những hội đoàn, chủ yếu là vui vui.

“Hồi còn nhỏ, ước mơ của chị là làm một cô thợ may. Khi nào thành cô thợ may rồi, chị sẽ làm ca sĩ”. “Lần đầu tiên tôi nghe về một ước mơ có phân khúc kiểu này”. “Tại cái cuộc sống của chị như thế nào thì chị chỉ ước mơ thế đó thôi”. “Ngay cả ước mơ chị cũng không muốn phung phí”. “Đúng rồi”.

Chị hát trong cộng đồng người Việt, được nhiều người thích. Rồi hát trong các trung tâm nhỏ, được mời thu CD, chỉ là thu CD thôi, chứ chưa phải thu cả hình ảnh. Đêm, chị thu bài Nối lại tình xưa, một ca khúc mà tôi rất thích với đoạn mở đầu “Về đây bên nhau, ta nối lại tình xưa. Chuyện tình mà bao năm qua, em gói ghém từng kỷ niệm”. Sáng, chị đứng bán đĩa. Khán giả Việt Nam mua đĩa chị, vừa mua vừa khen “Con nhỏ này hát hay lắm nè”, chị nghe mừng rơn. Họ có nhận ra mặt chị đâu. Chị được trung tâm cho thu thêm một bài nữa, bài Nỗi buồn hoa phượng, khán giả Việt đã quen tên chị.

“Lúc đó, chị bỏ nghề may để tập trung đi hát chưa?”. “Chưa đâu em. Chị vẫn đi may, chuyện ca hát, bán CD là buổi tối hoặc cuối tuần. Chị cần phải có một cái nghề căn cơ, để chẳng may mà thất bại thì vẫn đảm bảo được cuộc sống chứ”.

Hai năm sau Nối lại tình xưa, chị nhận được lời mời biểu diễn nhiều hơn. Tất cả các trung tâm lớn tại Mỹ đều mời chị hát. Lúc này, chị đã có thể đưa ra quyết định thôi nghề may để theo nghiệp diễn.

“Chị nói thiệt, chị không nghĩ là mình nổi tiếng đâu. Chị đi hát, có nhiều người biết, người yêu mến. Nhưng với chị, đó là một cái nghề đúng nghĩa. Mà khi chị xác định đó là nghề mà mình theo đuổi rồi, thì chị không cho phép mình thất bại. Chị phải cố gắng để thành công. Em biết vì sao không? Vì nếu chị thất bại, sẽ không có ai lo cho chị, lo cho các em của chị”, lời của chị.

3. Nhiều năm dài dằng dặc xa quê, chị về diễn lại ở ngay khu vực mà chị từng mời người ta mua hạt dưa, kẹo ngọt những lúc quê có lịch biểu diễn ca nhạc. Đêm diễn ấy, chị đã khóc. Nước mắt, bao giờ cũng là thứ ngôn ngữ mạnh mẽ nhất để biểu hiện cảm xúc.

Sau đêm diễn, chị tìm lại những bạn đồng niên thuở nhọc nhằn mưu sinh. Chị muốn ngồi với bạn, muốn tâm sự với bạn, muốn đãi bạn một bữa ăn linh đình nhất như ngày nào từng mơ ước. Những người bạn của chị, đa phần vẫn còn đi bán hàng, chị cũng đầy tâm sự và tình cảm như xưa. Chị mua hết đồ của bạn, chia lại cho trẻ con đi xem hát, chị nói: “Đây là những người bạn của tôi, những người tôi yêu thương”, chị nói trong nước mắt.

Hồi chị đi bán ở ngay vị trí chị hát hôm đó, chị từng nói với bạn: “Sau này, tao sẽ đi hát ngay tại đây”. Bạn bè chị bĩu môi, “Đồ khùng”. Năm ấy, chị mười hai tuổi”, chị kể.

 “Quãng thời gian nào của chị, chị sống cho riêng chị?”, tôi hỏi trước lúc chia tay. “Là bây giờ đây, ngay bây giờ đây, em ạ”, chị trả lời. Bây giờ, chuyện gia đình đã ổn thỏa, em út đều lớn khôn.  Chị sống cho chị, chị đi hát và… chăm những cô bé, cậu bé là con nuôi chị trong Trung tâm Vòng Tay Dưỡng Tử.

Chị thích làm điều đó, chị thích bổ khuyết cho những thân phận không may. Bởi chị hiểu, điều tốt đẹp chỉ đến với mình khi mình làm điều tốt đẹp trước tiên cho người khác.

Lại một ý riêng. Lâu lắm rồi, tôi có xem chị diễn với danh hài Vân Sơn, chị diễn rất duyên. Duyên đến độ, có cảm giác Vân Sơn diễn ăn ý với chị nhất chứ không phải với danh hài Hoài Linh hay Bảo Liêm. Đột ngột, chị rời Trung tâm Vân Sơn. Chị nói với tôi rằng, chị đi hát bao nhiêu năm, người chị cảm thấy có nhiều kỉ niệm vui buồn nhất là danh hài Vân Sơn. Tháng 12 này, danh hài Vân Sơn sẽ thành lập trung tâm tại Việt Nam, và chị là nghệ sĩ được anh mời góp mặt trong sản phẩm giải trí đầu tiên tại quê nhà.

Nỗi vui liền kề, như khi “Nối lại tình xưa”.

Một cá nhân mải miết quên mình để nghĩ về người khác như chị, xứng đáng được gặt về những bình an

Ngô Kinh Luân
.
.