Ca sĩ Nguyên Thảo – Ngôi sao còn ẩn mình

Thứ Tư, 31/10/2012, 09:30

Trong cuộc đời, chúng ta sống để làm gì. Phải chăng cuộc sống là một hành trình kiếm tìm hạnh phúc. Vậy điều gì sẽ mang đến cho chúng ta hạnh phúc. Tiền bạc ư? Danh vọng ư? Sự nổi tiếng ư? Với cô ca sĩ đến từ xứ sương mù Đà Lạt, Nguyên Thảo, thì có lẽ, sự bình thản chính là hạnh phúc. Cô không rực rỡ như một đóa cúc quỳ rực vàng trong cái nắng của Đà Lạt, mà ẩn giấu, dịu êm như cỏ cây hoang dại, xanh hết mình vì đời sống...

Tôi ngồi cà phê với Nguyên Thảo trong một buổi chiều Hà Nội tơi bời gió. Hà Nội cũng là một nơi Thảo đến mỗi khi buồn hay muốn chạy trốn khỏi sự ồn ào, chật chội của Sài Gòn. Ở đây, có một góc riêng dành cho Thảo. Tiếng hát trong như suối vắng, lảnh lót như chim họa mi buổi sớm, tinh tế, tha thiết đã thực sự chinh phục trái tim người nghe.

Những năm gần đây, các show lớn, sang trọng ở Hà Nội như Điều còn mãi, đêm nhạc của Tuấn Ngọc, Tùng Dương đều có tiếng hát của cô gái đến từ Đà Lạt này. Và Nguyên Thảo đã có những khán giả của riêng mình ở Hà Nội. Những người yêu quý cô còn lập hẳn một trang web riêng dành cho Nguyên Thảo. Ở đó, Thảo nhận được nhiều yêu thương và chia sẻ của những người tha thiết có một không gian âm nhạc đích thực. Nhiều người đã từng nghĩ, Thảo chính là một diva thứ 4 của làng nhạc Việt. Thảo chỉ cười, mọi danh xưng đối với cô gái này chưa bao giờ quan trọng.

Ai đã từng một lần nghe Nguyên Thảo hát, có lẽ sẽ không thôi ám ảnh. Nếu Thanh Lam hát bằng bản năng của một người đàn bà hát, Hồng Nhung hát bằng sự tỉnh táo của lý trí, Mỹ Linh hát bằng sự xử lý khéo léo của kỹ thuật, thì Nguyên Thảo hát bằng cả tâm hồn mình. Hát như chảy ra tự tâm hồn. Tâm hồn của một cô gái yêu đời sống, cảm nhận được sự mong manh của đời sống trong cuộc viễn du bất tận của một kiếp người. Cứ như một dòng suối chảy tự nhiên từ trong tâm hồn người hát. Hoang dã và bình thản như cách Nguyên Thảo đến và sống trong cuộc đời. Giá trị của tiếng hát được Nguyên Thảo nâng niu và cẩn thận cất giữ trong cá tính của mình. Thế nên, Nguyên Thảo chỉ nhận hát trong những không gian âm nhạc có khán giả. Thảo không nhận sô khi biết, nơi đó, không phải là chốn cho âm nhạc, cho người nghệ sĩ hát về cuộc đời.

Nguyên Thảo bé nhỏ, hao gầy và có chút gì đó mong manh, đa cảm. Thảo sống lặng lẽ. Bạn bè chỉ dăm ba. Thảo thích sống ẩn mình. Trong khi giới showbiz đang cố nhoài mình ra. Có gì mâu thuẫn nhỉ. Thảo chỉ cười. Điều duy nhất cô gái này quan tâm là âm nhạc và chỉ âm nhạc mà thôi. Cô ít khi xuất hiện trước đám đông. Hay những bữa tiệc tùng sang trọng ở Sài Gòn. Nguyên Thảo khiêm tốn: “Tại tôi đâu có nổi tiếng để mọi người mời”.

Nhưng tôi biết, cô gái này không thuộc về những gì ồn ã ngoài kia. Thảo chọn sống ở ngoại thành, một ngôi nhà thuê ở Thủ Đức cùng cô em gái. Thảo bảo, có lẽ vì tôi quá im lặng, nên tôi cần sự ồn ã, náo nhiệt của Sài Gòn. Nhiều người cứ nghĩ cô đứng ngoài lặng lẽ quan sát đời sống, nhưng thực ra Nguyên Thảo sống rất sâu trong đời sống, để cảm nhận những phần chìm của nó, về thân phận, tình yêu và kiếp con người. Thỉnh thoảng buồn, Thảo lại về Đà Lạt. Được trở về nơi chốn mình đã sinh ra, để được yên tĩnh, đón nhận những gì trong trẻo nhất của Đà Lạt và trở về với phố xá. Đó là hạnh phúc.

Tôi hỏi Thảo, có bao giờ cô thấy mình lạc lõng giữa thành phố mà những ồn ào, scandal đua chen nhau từng ngày. Thảo cười, cô không đủ thời gian để thấy mình lạc lõng. Bởi cô biết con đường đi của mình, gian khó đấy, nhọc nhằn đấy, và đơn độc nữa, nhưng cô sẽ đi đến tận cùng. Sài Gòn đâu chỉ của sự ồn ã xô bồ. Sài Gòn vẫn có một góc riêng dành cho những người như Thảo, trong nỗ lực đi tìm lại những vẻ đẹp âm nhạc đích thực, một không gian giải trí sang trọng, để mọi người biết bước chậm hơn trong đời sống quá gấp gáp và không ít bất an này. Ở đó, Nguyên Thảo đã chạm đến trái tim người nghe.

Cô gái này đến từ xứ mộng mơ Đà Lạt, xứ của những đời nghệ sĩ như Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9... Từ bé, Thảo mê cải lương. Giai điệu buồn đau ấy đã làm trái tim đa cảm của cô gái này thổn thức. Thế rồi, Thảo tham gia phong trào ca hát của trường, cũng từng được giải. Mê hát đến nỗi, hàng đêm vẫn cùng bạn bè ôm đàn ngồi hát ở những góc quán cà phê ở Đà Lạt. Gia đình Thảo không có ai làm nghề. Nhưng xứ Đà Lạt thơ mộng, chỉ có hoa và cỏ, không đủ rộng cho tâm hồn nhiều khát vọng của Nguyên Thảo vẫy vùng. Đam mê ca hát đã khiến cô gái này dám một mình từ bỏ Đà Lạt. Thảo theo chân những người quen tìm xuống Sài Gòn. Vất vả mưu sinh. Khó nhọc để tồn tại. Một mình. Thảo cất giữ những ký ức buồn về tuổi thơ vào một góc riêng. Và bắt đầu lập nghiệp giữa thành phố xa lạ này. Tìm thầy học thanh nhạc. Đi hát ở các phòng trà, quán bar kiếm tiền.

Thời đó, Sài Gòn rất dễ kiếm tiền. Có những đêm hát, Thảo được trả tới 1.000 USD. Cầm tiền trong tay mà loay hoay chả biết làm gì. Thảo cover lại những bài hát của các ca sĩ nổi tiếng như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Celin Deon... Dần dần, cô trở thành một giọng ca không thể thiếu ở những phòng trà đêm Sài Gòn, khi người ta muốn tìm đến ở cô gái lạ này một chút gì đó hoang dại, nguyên sơ của núi rừng cao nguyên. Thảo có thể làm tất cả mọi việc để mưu sinh, thậm chí phải đi rửa bát thuê... để đêm đêm tiếng hát của cô được cất lên.

Miệt mài và nhẫn nại trên con đường đi tìm chính mình, đến tận năm 2004, Nguyên Thảo gặp nhạc sĩ Dương Thụ. Mối cơ duyên trong âm nhạc đã mang đến cho Thảo một bước ngoặt trong sự nghiệp. Nghe Nguyên Thảo, như một phát hiện mới đối với nhạc sĩ Dương Thụ. Lúc đó, Dương Thụ thấy Nguyên Thảo “phảng phất nét của Nora Jones”. Và Nguyên Thảo đã làm sống lại những bài hát từng đóng khung với Khánh Linh, với Thùy Chi như Họa mi hót trong mưa của nhạc sĩ Dương Thụ. Tiếng hót trong trẻo, tinh tế và cũng sâu thẳm đến độ...

Chậm rãi như thế, nhạc sĩ Dương Thụ đã giúp Nguyên Thảo có một đĩa nhạc đầu tay thành công vang dội, Suối cỏ. Dương Thụ đã viết về Nguyên Thảo: “Có thể cô sẽ không có được sự nổi danh như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh; có thể công chúng của cô không được đông lắm, nhưng cứ hát như thế, cứ làm album như thế, cô sẽ trở thành một trong số không nhiều những ca sĩ có bản sắc, có đẳng cấp ở Việt Nam”.

Rồi Thảo hát nhạc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Võ Thiện Thanh. Phạm Duy gọi Nguyên Thảo là ngôi sao ẩn danh. “Tôi rất yêu giọng hát của Nguyên Thảo, tôi là người đã nói Nguyên Thảo là một ngôi sao ẩn nấp từ khi mới về quê hương. Anh phải coi Nguyên Thảo hát live mới thấy rõ tài năng của cô ta. Hát trong video, không cho ta thấy hết những tinh túy của giọng (và lối) hát này”. Các nhạc sĩ đều dành cho Thảo sự ưu ái đặc biệt. Bởi Thảo đã biết thổi hồn vào những bài hát tưởng như quen thuộc. Còn Nguyên Thảo nói: “Có lẽ do bản năng của mình luôn muốn vươn lên, không hài lòng với hiện tại. Mọi thứ đến với tôi một cách tự nhiên như khi tôi ra đời vậy”.

Nguyên Thảo, từ tốn và bình thản góp nhặt từng nỗ lực của chính mình để tạo nên dấu ấn trong nghề. Có lẽ, với Nguyên Thảo, sự bình thản chính là hạnh phúc mà không phải là danh tiếng hay những hào quang. Năm 2006, Nguyên Thảo vụt sáng trong chương trình Bài hát Việt với Giấc mơ mang tên mình, ca khúc lọt vào bài hát hay nhất của năm.

Nhiều người chờ đợi album mới của Thảo. Nhưng cô quan niệm, làm album là để đánh dấu sự nghiệp của mình và để đời. Nên Thảo kỹ lưỡng và chăm chút cho nó. Thảo tự ví, thế giới âm nhạc như một quả núi mênh mông, mình chỉ như một khu vườn nhỏ bé, hàng ngày vun những mầm cây xanh, nhưng đó là khu vườn của riêng mình, mang màu sắc của mình. Không lẫn vào ai.

Đây là một khoảng lặng trong cuộc đời của Nguyên Thảo. Thảo bước rất chậm. “Tâm hồn mình có những lúc bị đông đá. Và có những lúc tan chảy”. Phải chăng lúc này, Thảo đang đông đá trong thế giới của riêng mình. Bởi chỉ có sống sâu trong thế giới đó, trong nỗi cô đơn, thì Thảo mới được là mình. Đời sống niềm vui thường ít hơn nỗi buồn. Thảo cần một khoảng lặng để bước tiếp con đường phía trước. Cô không nói về tình yêu. Thảo vẫn đi về một mình. Đó là một góc riêng. Nhưng có lẽ, ai đã nghe Nguyên Thảo hát, sẽ cảm nhận được nỗi khắc khoải về tình yêu trong tâm hồn cô gái này.

Tôi đã run lên khi nghe Nguyên Thảo hát. Nỗi buồn, những đau đớn, tan vỡ, sao bỗng nhiên được tan chảy trong tiếng hát của Thảo. Nghe Thảo hát, tôi như với tay chạm tới được nỗi buồn. Nhưng để rung cảm, chứ không ngụp chìm trong đó. Nếu một mai em qua đời, Đường chiều lá rụng (Phạm Duy), Nếp ngày, Thu cạn (Giáng Son), Những khung trời khác, Thời gian để yêu (Đỗ Bảo)... Tháng 11 này, Nguyên Thảo lại ra Hà Nội trong đêm nhạc của nhạc sĩ Dương Thụ. Con chim họa mi lại cất tiếng hót, tiếng hót từ trong bụi mận gai, dù đau đớn nhưng vẫn giữ được sự trong sáng và đẹp của tâm hồn. Một tâm hồn yêu, và tha thiết yêu cái đẹp tinh tế trong âm nhạc.

Có những lúc Nguyên Thảo mỏi mệt, khi một mình lập thân nơi thành phố xa xỉ như Sài Gòn. Thảo tự hỏi, sao mình không hát những dòng nhạc dễ kiếm tiền kia. Sao mình không sống ồn ào hơn. Nhưng sau những vật vã đó, Thảo vẫn là mình, giản dị trong đời sống, và tha thiết trong âm nhạc. Một khoảng lặng, cần thiết lắm trong đời sống để Nguyên Thảo lại được bùng cháy...

Khánh Linh
.
.