Ca sĩ Mai Hoa: Tiếng hát của những thân phận người

Thứ Ba, 26/04/2011, 14:22
Không hiểu sao, tôi lại có cảm giác như vậy khi nghe chị hát, ngay cả khi tôi nghe những bản nhạc nhẹ trữ tình thì cảm giác của tôi vẫn là nỗi ám ảnh về những thân phận người trong tiếng ca  ma mị, khàn đục của Mai Hoa. Tên của chị luôn gắn liền với một người đàn ông mà có lẽ từ tình yêu định mệnh đó, sự nghiệp của chị được thăng hoa: nhạc sĩ Trọng Đài.

Và hầu hết những bài viết đều gắn liền họ như một sự hòa quyện. Nhưng tôi vẫn muốn có một góc nhìn khác về chị, một người đàn bà độc lập, mạnh mẽ, với đôi mắt sâu hun hút mà bằng bản năng hát của mình, chị đã chiếm lĩnh được trái tim người nghe… Một con đường, chậm và buồn, nhưng tôi tin sẽ rất bền lâu…

1. Mai Hoa cùng thế hệ với Mỹ Linh, Ngọc Anh, Anh Thơ, nhưng mọi thứ của chị dường như chậm hơn họ. Dầu Mai Hoa nổi tiếng khá sớm, khi năm 1996, chị đoạt giải Nhất trong cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Hà Nội. Nhưng khán giả chưa kịp nhớ tên chị, thì đột nhiên Mai Hoa rẽ ngang đi lấy chồng, ở tuổi 23, thời điểm cho sự tỏa sáng của một tài năng. Hỏi Mai Hoa có tiếc nuối vì hy sinh sự nghiệp, bởi thời đó nếu dấn thêm bước nữa, có thể bây giờ con đường đi của chị đã khác.

Mai Hoa cười, có những người tỏa sáng nhanh nhưng cũng lụi tàn rất nhanh, có những người bừng sáng và họ biết dừng lại ở một thời điểm nào đó, mỗi người đều có một số phận riêng, và quan trọng là người ta luôn biết an lòng với sự lựa chọn của mình.

Ở tuổi 35, Mai Hoa đang bước vào độ chín của người đàn bà nhan sắc, và tiếng hát của chị dường như cũng đằm hơn. Nhưng nghe chị hát, nhiều người sẽ nhầm tưởng chị đã già dặn, và phải từng trải lắm. Nhiều khán giả ngỡ ngàng khi được gặp chị ngoài đời, và phải thốt lên rằng, sao chị trẻ mà hát hay và ám ảnh đến vậy. Mai Hoa chỉ cười.

Mọi thứ đến với chị như một sự sắp đặt của tạo hóa luôn dành sẵn ưu ái cho người phụ nữ này. Từ cách chị chọn dòng nhạc tiền chiến, một dòng nhạc vốn kén khán giả, và không dễ được chấp nhận bởi đã có quá nhiều những nghệ sĩ thành danh đóng đinh ở dòng nhạc này, tài tử Ngọc Bảo, ca sĩ Thái Thanh, Ánh Tuyết…

Nhưng có lẽ nhạc tiền chiến đã lựa chọn chị thì đúng hơn.  Ai cũng nghĩ rằng, để hát được dòng nhạc này, phải là một người phụ nữ truân chuyên, thậm chí đã nếm trải cả những nỗi buồn đau của nhân thế, thì mới thấm hết nỗi buồn u uẩn về những thân phận người, mới truyền được cái điệu buồn se sắt lòng ở đó. Nhưng Mai Hoa thì không.

Bởi chị hát mà không chịu một áp lực nào, hát như suối nguồn tuôn chảy từ trong tâm hồn chị vậy và mỗi lần chị cất tiếng hát, chị như trở thành một con người khác, phiêu diêu trong cõi vô cùng, nhập tâm đến nỗi mỗi lần dứt ra khỏi một bài hát, chị rơi vào trạng thái chơi vơi…

Dường như có hai con người trong chị. Một Mai Hoa của đời thường, tỉnh táo và an phận với chức phận của một người phụ nữ biết vun vén cho hạnh phúc của mình. Và một Mai Hoa của nghệ thuật, khi chị cất tiếng hát. Hai con người tưởng như không dễ dàng dung hòa nhau trong tâm hồn người nghệ sĩ, thì đối với Mai Hoa, đó là một sự song hành rất nhẹ nhõm, tự nhiên... Chị quan niệm, đôi khi hy sinh cho người khác, mình sẽ tìm thấy một góc riêng nào đó của mình.

Mai Hoa chọn dòng nhạc tiền chiến, và chị sẽ kiên định trên con đường đó. Tâm hồn người nghệ sĩ đa cảm, mỏng manh và dễ thương tổn. Đôi khi những bài hát buồn sẽ ám ảnh cuộc đời chị. Nhưng Mai Hoa bảo, có lẽ ông trời đã ban cho chị một quyền năng, biết đi qua nỗi buồn để tìm thấy sự bình yên.

Đó là cách chị làm mới mình, để mình không lẫn vào ai. Vì thế, chị đã đứng trên nỗi buồn, để nhìn thấy nỗi buồn, như Trịnh Công Sơn đã từng nói, cũng đẹp như một bông hoa… Đó cũng là cảm giác của nhiều người khi nghe Mai Hoa hát.

Mai Hoa là người hướng nội, chị ít xuất hiện trong các sự kiện của giới showbiz, thậm chí đôi khi thấy mình xa lạ, lạc lõng với thế giới đó. Chị bảo, ông trời cũng thật trớ trêu khi sinh ra một người không thích ồn ào, phô trương như chị lại hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Trong khi mọi người đều hướng đến đám đông, tìm mọi cách tiếp cận với giới truyền thông, chị lại chọn cách lặng lẽ, miệt mài. Một phần do tính cách. Nhưng một phần chị cũng thấu hiểu được sự hào nhoáng của thế giới phù hoa, thứ  hoàn toàn xa lạ với mục đích sống của Mai Hoa.

Cách đây mấy năm, từng có một chương trình dành cho những nghệ sĩ hát nhạc tiền chiến, và miền Bắc, họ chọn chị, lần đó Mai Hoa đã đứng cùng sân khấu với ca sĩ Anh Tuyết. Có lẽ đó đã là một sự khẳng định. Giờ nhiều show diễn vẫn chờ chị. Tiếng hát của Mai Hoa không xuất hiện trên nhiều trên những sân khấu lớn, nhưng đã chạm đến trái tim người nghe.

2. Mai Hoa không sinh ra trong một gia đình hoạt động nghệ thuật, nhưng nhà chị, ai cũng biết hát, hay sử dụng một nhạc cụ nào đó. Chính không khí nghệ thuật đó đã ngấm dần trong dòng máu của chị tự lúc nào. 16 tuổi, cô bé Mai Hoa đã được bố muốn hướng cho một cuộc sống bình yên hơn, không dính đến nghệ thuật.

Ông đã từng nói với Mai Hoa, khi chị đòi theo nghề hát: "Bố không cho con đi thì nước mắt dài bằng cái tăm. Bố cho con đi thì nước mắt dài bằng cái đũa. Làm nghệ thuât con phải sáng thì mới làm chứ le lói như ánh đèn dầu thì thôi con ạ".

Câu nói của bố khiến chị thấy thấm thía đến tận bây giờ, và có lẽ đó cũng là động lực giúp chị đạt được thành công trên con đường làm nghề của mình, phải "sáng" chứ không thể "le lói". Thế rồi, cô bé 18 tuổi, lần đầu tiên vác ba lô một mình ra Hà Nội đầu quân về đoàn nghệ thuật Quân khu 2. 

Lần đầu tiên giữa một thành phố xa lạ, nhìn thấy xác lá rơi đầy sân, không hiểu sao Mai Hoa thấy mình lạc lõng, và buồn đến thế. Chị vội vàng bắt xe về nhà, bỏ lại cả va li quần áo. Hồi đó Mai Hoa đã xuất hiện ở một vài sự kiện nhỏ và giọng hát khàn đục của chị đã gây được sự chú ý đối với những nhạc sĩ tên tuổi như nhạc sĩ Văn Dung, nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Nên sau đó, đoàn Nghệ thuật Phòng không Không quân, qua lời giới thiệu của các nhạc sĩ này đã tìm về tận quê mời Mai Hoa vào đoàn với một chế độ ưu đãi đặc biệt, được ăn lương và vào biên chế của cơ quan. Và lần này, thì cuộc sống và sự nghiệp của Mai Hoa đã sang một bước ngoặt mới.

15 năm ca hát, sự nghiệp của Mai Hoa bị ngắt quãng bởi những bổn phận đàn bà, mà đối với chị, chị luôn muốn nó thật hoàn hảo. Đàn bà thông minh và tỉnh táo vẫn luôn biết vun vén cho tổ ấm của mình được bình yên. Họ biết nén con người cá nhân của mình lại, cất riêng vào một góc ký ức nào đó, thỉnh thoảng, sau những bổn phận với cuộc sống họ lại giở ra, đắm đuối buồn vui.

Có vẻ như Mai Hoa quá ôm đồm khi chị muốn hoàn thành tất cả các vai diễn của mình một cách xuất sắc nhất. Bởi tôi nghĩ, với người nghệ sĩ, tạo hóa sinh ra họ, và cho họ một cái quyền được khuyết thiếu, được không trọn vẹn. Nhưng với Mai Hoa, đến thời điểm hiện tại, thì chưa ai có thể "bắt lỗi" được chị, trong cuộc sống cũng như trong công việc.

Album của Mai Hoa không nhiều. Nhưng Hà Nội 46, Hương đất, và giờ là Dương cầm đều ghi dấu ấn vào khán giả bằng một lối đi riêng, dày công và tâm huyết. Chị hát cho riêng mình, chị hát để thỏa mãn niềm đam mê của mình.

Và hơn nữa, để tri ân sự yêu mến của khán giả dành cho chị. 5 năm im lặng, với bổn phận gia đình, và bắt đầu khởi động lại, nhưng với chị, nghệ thuật chưa phải là muộn. Nhà chị vẫn có một câu châm ngôn, có lẽ đó cũng là châm ngôn cho con đường nghệ thuật của chị, "chậm, chắc và buồn". Chậm, chắc thì rõ rồi; còn buồn, đó là dòng nhạc chị đang lựa chọn, mà chị luôn tin, với nó chị đã có chỗ đứng riêng.

Mai Hoa, ôm đồm ngay cả trong nghệ thuật, khi chị lấn sân sang cả điện ảnh và ít nhiều chị đã có những thành công. Khán giả nhớ chị, yêu quý vai diễn của Mai Hoa. Nhưng chị chỉ coi điện ảnh là nghề tay trái, chỉ những vai diễn thực sự tâm đắc chị mới nhận lời. Còn niềm đam mê của chị, con đường của chị vẫn dành trọn cho ca hát.

Mai Hoa là người phụ nữ may mắn khi chị luôn có một người đàn ông yêu thương để chị được nương bóng mình về tất cả mọi nghĩa. Nhưng điều đó, đôi khi cũng gây ra nhiều suy nghĩ không đúng về chị, bởi nhiều người cho rằng Mai Hoa ẩn dưới cái bóng của chồng là nhạc sĩ Trọng Đài, và vì thế chị mới nổi tiếng.

Mai Hoa chỉ nghĩ, chị cũng chỉ là phận đàn bà, phận đàn bà thì mỏng manh lắm, được nương nhờ dưới bóng một người đàn ông tài năng, bao dung như chồng chị cũng là hạnh phúc, đôi khi còn là niềm kiêu hãnh chứ sao. Nhưng tôi hiểu, chị không đơn thuần núp mình dưới cái bóng ấy.

Ở đó, người đàn bà hát như chị vẫn độc lập trên con đường của mình. Và ở đó tiếng hát day dứt ám ảnh về những thân phận người của chị vẫn cất lên, chạm đến trái tim từng người nghe…

Khánh Linh
.
.