Ca sĩ Hoàng Bách: Những phím nhớ nhung

Thứ Năm, 24/07/2014, 08:00

Trò chuyện với Hoàng Bách, hãy nói về âm nhạc và bóng đá. Đơn giản đó không chỉ là sở thích, là đam mê mà còn là niềm vui, sự thú vị và là “điều tất yếu của cuộc sống”. Ngoài bóng đá, ngoài âm nhạc, hãy nói với Bách về gia đình, về người vợ “hiểu chồng đến từng chi tiết” với hai thiên thần nhỏ thông minh, lém lỉnh.

1. Những ngày này, như bao “gã” đàn ông mê bóng đá trên khắp hành tinh, Hoàng Bách cũng say mê “lăn” theo từng nhịp bóng. Nói “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” có lẽ hơi quá nhưng đây thực sự là dịp để Bách được bận rộn và thỏa sức vẫy vùng với “một nhánh” ước mơ của tuổi nhỏ - viết về bóng đá. Không chỉ tham gia trả lời theo kiểu nghệ sĩ mê bóng đá, Bách còn viết cộng tác về các trận bóng cho một vài tờ báo. Hỏi Bách, giấc mơ không tốn tiền, sao không mơ làm cầu thủ? Anh cười giòn: “Hồi nhỏ, anh thích làm cầu thủ lắm vì được sống trong cái nôi bóng đá mà”. Nam Định ngày ấy phong trào bóng đá cực phát triển, ông anh kế của Bách lại là cầu thủ nằm trong đội năng khiếu của thành phố. Bách tha hồ trốn theo anh lê la suốt ngày khắp các sân bóng. “Tuy nhiên, thích là thích vậy thôi chứ anh biết mình hoàn toàn không có năng khiếu, thể lực, mình sinh ra không phải để làm cầu thủ”. Ngay cả người anh của Bách, đầy tài năng nhưng cũng không chọn nghiệp trái bóng tròn. Với họ, đó là một cuộc chơi, đúng nghĩa.

Âm nhạc là giấc mơ của Bách, được mẹ anh thắp lên một cách tự nhiên như hơi thở hằng ngày. Vốn là ca sĩ tài năng của đoàn ca nhạc Trung ương nhưng vì yêu chồng, thương con, mẹ anh xin về phụ trách âm nhạc tại Đài Phát thanh thành phố Nam Định (Hà Nam Ninh trước đây). Ba anh em Bách đều được mẹ cho học nhạc, chẳng mộng làm người nổi tiếng hay nối nghiệp gia đình, chỉ để nuôi dưỡng tâm hồn. Bách là con út nên được mẹ cưng nhất và thường xuyên được theo mẹ vô đài lúc bé xíu. 6, 7 tuổi Bách học guitar rồi học organ. Xuyên suốt tuổi thơ Bách hát, cùng với Lưu Thiên Hương, Lưu Hương Giang, ca sĩ Lan Anh trở thành những “cây văn nghệ” năng nổ, chinh chiến khắp miền Bắc với nhà thiếu nhi Nam Định. Bất ngờ là Bách chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành ca sĩ. Một phần vì vỡ giọng rất nặng. Phần khác vì “đi hát anh thấy nó cứ yếu yếu thế nào”. Vậy là, Bách xin mẹ lên Hà Nội học trống.

Tuổi 15 mê tự do, ham vui và thích độc lập, Bách cực kỳ hào hứng với cuộc sống xa nhà. Một năm ở Hà Nội nhiều niềm vui nhưng cũng đầy cám dỗ. Thời điểm đó, việc tụ tập băng nhóm nở rộ, ma túy xâm nhập và tàn phá học đường, gây không ít cảnh tượng đau lòng. Bao nhiêu tài năng, bao nhiêu hy vọng, ước mơ đã bị cái chết trắng bóp nghẹt. “May mắn một cách thần kỳ”, Bách vượt qua được cám dỗ ấy. “Nhiều khi bạn “phê” thuốc ngay trước mặt anh, rủ anh chơi nhưng anh không thích. Anh nghĩ tại sao phải quằn quại như vậy để vui?”. Hay chuyện, bố mẹ của Bách hãi quá, quyết định cho con vào Sài Gòn, nhanh tới mức Bách không hề hay biết. “Vừa từ Sài Gòn về để đi học lại sau hè, bố mẹ anh bảo thu xếp lên tàu vào Nam. Bố mẹ đã chuẩn bị cho anh học trong kia rồi”. Bách vừa đi thì ông bà cũng tranh thủ giải quyết công việc, bán hết nhà cửa để theo vào một năm sau đó.

2. Vô Sài Gòn, Bách theo học lớp kèn tại Nhạc viện thành phố. Mất gần một năm để quen với cuộc sống mới nhộn nhịp. Tự đi học giữa một thành phố lạ, tự nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, thậm chí “chăm sóc” luôn hai ông anh vì: “Con trai ở với nhau mà, trong khi hai anh đi làm suốt. Nhờ vậy mà bây giờ mấy chuyện bếp núc anh đều làm được hết. Thấm thoắt mà 18 năm rồi đó em…”.

Cũng chính thời gian này, giọng thôi chênh vênh, Bách lại hát. Dù liên tục trở thành gương mặt đại diện của lớp, của trường đi hát tại các trường, tham gia các liên hoan âm nhạc học sinh, sinh viên nhưng Bách vẫn mất tự tin với giọng hát. Ngày rời trường phổ thông, Bách viết bài hát đầu tiên: Khúc hát ngày chia tay. Không ngờ, bài hát được đón nhận nồng nhiệt, nhiều trường phổ thông trong thành phố nhất định phải mời ban nhạc của Bách đến hát cho kỳ được. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung - tác giả của các ca khúc làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng ngày ấy như: Hạt mưa long lanh, Em như tia nắng mặt trời, Giã từ dĩ vãng, Người đàn bà yếu đuối,… - nghe sáng tác và giọng hát của Bách, bắn cho Bách một cái tin động viên qua cậu bạn: “Thằng Bách nó hát và sáng tác được đó, nói nó để ý mà đi theo”.

Chịu ảnh hưởng của trào lưu boyband rầm rộ trên thế giới, Hoàng Bách lập nhóm nhạc với một vài người bạn. Chơi cho vui và có kiếm thêm chút thu nhập chứ không mong nổi tiếng nên nhóm cũng chẳng có tên. “Mục tiêu chính của bọn anh là học giao hưởng nhưng rồi nhạc Pop, bạn bè cứ kéo anh đi”. Nhóm nhạc cuối cùng Hoàng Bách tham gia và nhen nhóm dự định lâu dài với âm nhạc là với hai cậu bạn Tuấn Đen, Tuấn Trắng. Sau cuộc thi “Nhóm ca & bạn trẻ”, nhạc sĩ Nguyễn Hà gọi điện đề nghị nhóm ký hợp đồng với Quang Huy (bầu show của ca sĩ Ưng Hoàng Phúc sau này). “Với những cậu trẻ như bọn anh, đề nghị đó như một cơ hội đổi đời, bước ra thành sao vậy. Háo hức vô cùng. Huy còn thuê một căn nhà lớn để bọn anh luyện thanh, tập vũ đạo nữa. Anh nghĩ sự nghiệp đi hát của anh có lẽ đã bắt đầu từ đó. Nhưng chờ mãi mà không thấy ekip có hoạt động gì cả. Lại tiếp tục chờ và chờ cho đến khi hy vọng tắt ngóm”.

3. Sau cú sốc đầu tiên, Bách theo học thanh nhạc tại nhạc viện. Buổi học đầu tiên với Nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu đã mở ra cho Hoàng Bách, Nam Khánh, Thụy Vũ và Đình Bảo kết hợp tạo nên nhóm AC&M. “Trước đó, 3 thành viên còn lại đã theo chị Ánh Tuyết hát acapella rồi nhưng vẫn còn thiếu một dấu chấm. Anh là bổ khuyết cho dấu chấm đó. Từ ngày đầu, anh luôn nói với nhóm, acapella chỉ là điểm nhấn đầu tiên thôi vì khán giả không thể ăn nó mỗi ngày được. Và bọn anh dần dần đi theo con đường đó. Nếu em quan sát sẽ thấy, AC&M có 3 giai đoạn, một là acapella với Trống cơm, Thằng Bờm,… hai là Pop với Chuyện chàng cô đơn, các sáng tác của anh và cậu Bảo, ba là bán cổ điển với Mặt trời của tôi,… Giai đoạn thứ 3 chưa hoàn thành, vì nhiều lý do, bọn anh chia tay nhau”.

AC&M, theo cá nhân tôi, là ban nhạc có phong cách ấn tượng và độc đáo. Dù ở giai đoạn nào thì cái tên AC&M luôn được người nghe đón nhận nồng nhiệt. Nên khi ban nhạc tan rã, đã có rất nhiều nuối tiếc, kể cả khi biết đó là quy luật tất yếu. Nhắc chuyện “lãnh gạch” khi lên tiếng về sự tan rã của AC&M, Bách thẳng thắn: “Anh không thích cách sống đối phó, trốn chạy. Nó như thế nào anh trả lời thế đấy thôi. Nếu bây giờ hỏi lại, anh vẫn trả lời như vậy nhưng có thể khác về câu chữ để không phải nhận “gạch” về xây nhà lầu… Và anh tin bây giờ, mọi người đều hiểu không phải anh mê câu chuyện đó để được lên báo, để được chú ý. Đó đơn giản vì đường đời luôn có nhiều bất ngờ. Nhưng xuyên suốt là khát vọng, là mong muốn cháy hết khả năng có thể”.

“10 năm đi với nhau từ khi là những chàng trai tay trắng chưa có gì trong sự nghiệp đến khi chinh phục được những cột mốc ngầm đặt ra và có những thành công vượt bậc, bọn anh đã cùng nhau đi khắp Việt Nam, qua nhiều châu lục, có giai đoạn ngủ với nhau nhiều hơn ngủ với vợ nên kỷ niệm ăm ắp. Chia sẻ với nhau về công việc, cuộc sống, nhiều đến nỗi cả 4 thành viên đều hiểu 4 người là 4 cá tính rất khác biệt để có thể trở thành bạn thân ngoài đời. Tốt nhất chỉ nên chia sẻ về công việc để tránh mâu thuẫn. Và thật ra, bọn anh cũng chưa bao giờ có mâu thuẫn. Đến với nhau, vui với nhau, thành công, thất bại rồi chia tay nhau, dù cuộc chia tay đó như thế nào thì nó cũng là một phần của cuộc đời mình. Còn dư luận và công chúng, có thể vì yêu mến nên đòi hỏi cái kết đẹp song lại không như vậy. Tất nhiên, có những câu chuyện khác, nói là bí mật thì hơi quá nhưng thật sự có những cái đẹp hơn mọi người nghĩ và cũng có những góc không đẹp bằng cái mọi người đang tưởng tượng. Mà thôi, nó là câu chuyện đã qua rồi…”.

Nói gì thì nói, từ cuộc chơi của 4 người mà bung ra bước độc hành, thể nào chẳng chới với. Huống hồ Hoàng Bách chẳng có gì ngoài một ít kinh nghiệm sân khấu và một trái tim biết hát. “Anh có những thành công, những thất bại mọi người đều nhận ra. Có những cái được và không được. Nhưng cái được có thể theo anh suốt đời mà mọi người chưa thấy. Bước quan trọng trong sự nghiệp là anh có một lượng thính giả nhất định với dòng nhạc xưa đã được anh Đức Trí khơi nguồn”.

Tương lai, Bách sẽ song hành cả nhạc xưa lẫn nhạc Pop. Với nhạc xưa, Bách thừa nhận chỉ là một cậu học trò nhỏ. Điều làm anh vui nhất bây giờ là đêm diễn thường niên ở phòng trà, chủ đã bắt đầu có lãi chứ không cầm chắc lỗ như ngày đầu. Là những thính giả thương anh rất mực đến độ anh quen cả nét chữ trên giấy yêu cầu ca khúc. Với nhạc Pop sau khoảng thời gian lúng túng, nhiều khó khăn, Bách tin anh sẽ làm tốt hơn.

4. Người đa tài, thông minh và tếu táo như Hoàng Bách thường đào hoa. Biết điều đó nên Bách hết sức rạch ròi trong các mối quan hệ. Có không ít cô gái thẳng thắn hỏi Bách: “Em có thể thay thế được người yêu/vợ của anh không?”. Bách trả lời tỉnh queo: “Không!”. “Nghĩa là anh đủ tự tin thắng cám dỗ trong chuyện này?” - tôi hỏi. “Anh có bao giờ nói mình thắng đâu! Nhưng anh nghĩ mình không có quyền làm người ta đau. Từ xưa tới giờ, anh chưa lừa ai một điều gì cả. Đến cả con anh, muốn dụ nó anh cũng không tìm cách lừa. Mà lừa dối, với anh đôi khi chỉ khiến người ta hy vọng rằng mình yêu người ta đã không hay rồi. Mình làm người ta đau thì bản thân mình, gia đình mình cũng sẽ đau.

Có lẽ, niềm kiêu hãnh trong anh quá lớn để anh không cần phải giả vờ gì cả. Thắng hay thua không thành vấn đề. Vấn đề là người anh yêu nhất vẫn là vợ anh. Người anh muốn gặp nhất sau một ngày làm việc vẫn là vợ anh. Những điều đẹp nhất, hay nhất, vui nhất, buồn nhất, đau khổ nhất, người anh muốn chia sẻ đầu tiên vẫn là vợ anh. Món quà quý giá nhất anh cũng chỉ muốn dành tặng cho vợ anh. Vì cô ấy xứng đáng được như vậy”

Dung Hoàng
.
.