Ca sĩ Cẩm Ly: Tơ tằm đắng đót

Thứ Năm, 31/10/2013, 16:34

Tôi gặp Cẩm Ly ở Trung tâm ca nhạc nhẹ thành phố trước giờ chị tập múa chuẩn bị cho liveshow vào đầu tháng 11. Anh chàng chỉ huy nhóm múa thấy chị đến, chạy ra đón. Nghe chị bảo để chị trả lời phỏng vấn, anh chàng “tố”: “Tập múa với chị Ly mệt lắm chị ơi, sửa tới lui miết, chị hài lòng mới thôi”, rồi co chân chạy mất. Cẩm Ly là một trong số những nghệ sĩ mà tôi quý vì những nỗ lực bằng lao động nghề nghiệp cực kỳ nghiêm túc, không scandal, không chiêu trò.

1. Có lần một phóng viên hỏi chị, đi hát là nghề hay nghiệp? Nghe câu hỏi, chị bối rối. Vì nghiệp hay không thì chị không biết chứ chị chưa bao giờ coi ca hát là nghề cả. Bởi đi hát, với chị là hạnh phúc, là tình yêu hoặc giản đơn hơn, là một sở thích. Hát để giải tỏa cái năng lượng lúc nào cũng xoắn xít, tràn trề trong mình. Chị bảo, chị mê hát lắm, mê từ hồi bé xíu xiu. Có lẽ là do cái không khí đàn ca hát xướng của gia đình và cả khu tập thể thấm vào máu thịt chị.

Ba má chị làm nghề may vá, bảo cực khổ thì không đúng vì ba má chị đâu phải đội nắng đội mưa, nhưng nếu bảo là sướng cũng không phải vì lúc nào ông bà cũng phải gò lưng bên máy may cho kịp giờ giao hàng. Chị kể: “Má chị cực lắm, vừa phải lo may vá, vừa lo nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc mấy chị em. Nhà đông con nên mẹ chị lúc nào cũng bở hơi tai chăn hết mấy đứa. Ba chị thì bươn bả ở ngoài chở hàng, giao hàng”.

Vất vả vậy nhưng trong căn hộ ọp ẹp rỉ rả tiếng máy may ngày đêm ấy chưa bao giờ vắng tiếng hát, tiếng cười. Không có đồ chơi, mấy chị em chị tụ lại hát hò. Hát tân nhạc chán thì chuyển qua ca cải lương. Cứ thế mà ca làu làu. Ca chán rồi thì nhảy sang đóng kịch. “Ba chị là một cây đàn guitar có hạng đó. Hồi đó, nhà chị ở chung cư, đông vui lắm. Chị nhớ tối nào cúp điện là cả nhà lại kéo nhau ra hiên, trải chiếu ngồi cho mát. Mấy nhà xung quanh cũng thế. Rồi mọi người rôm rả trò chuyện. Mấy lúc cao hứng, ba chị lại lôi cây đàn ra đánh cho mấy anh chị em hát theo” – chị cười hồn hậu, rồi tiếp: “Mà không phải chỉ mình chị mê hát đâu, mấy đứa em chị cũng mê lắm, được cái tụi nó dạn dĩ, còn chị nhát hít hà, chỉ dám hát bè theo thôi. Vậy chớ, mê thì chị vẫn mê”.

Cũng vì mê hát mà có lần chị bị một trận đòn nên thân. “Mỗi lần lau nhà là mẹ chị lùa hết mấy chị em chị lên giường cho mẹ trống chỗ. Chị nhớ như in cái lần chị nằm vắt vẻo với mấy chị em trên giường, mơ mộng rồi hát véo von. Vừa hát vừa nhịp nhịp chân vào cái tủ búp phê kê ngay dưới chân giường. Càng hát càng thấy khoái, càng nhịp dữ. Hổng biết là do cái tủ đựng chén dĩa nặng quá hay tại số xui sao mà cả cái tủ đổ ập xuống. Trời ơi, lúc đó hồn vía lên tới mây xanh, cái tủ sập xuống, bao nhiêu chén dĩa mẹ chị chưng trong tủ tan tành mây khói. Mà nhà chị có “luật”, hễ một đứa phạm lỗi là mấy đứa còn lại, trừ con út còn nhỏ thôi, đều bị ăn đòn hết. Tội nghiệp mấy chị em bị đòn oan vì chị. Mọi người giận chị hết mấy bữa…”.

2. “Mê hát vậy nhưng chị chưa bao giờ dám nghĩ tới việc đứng trên sân khấu nữa đừng nói là làm ca sĩ. Nghe ca sĩ hát, chị thấy thích và tự nhủ một ý nghĩ giản đơn là, “Ừ, sau này mình sẽ đi hát, vậy thôi, chứ không có nghĩ đó là nghề sẽ nuôi sống hay kiếm tiền gì hết. Phần nữa là vì chị nhát lắm, cứ thấy đám đông đông chừng mười mấy hai chục người là tay chân quíu lại hết trơn, miệng mồm cứng đơ hà…”.

Tôi tin những điều chị nói là chân thành, bởi hai cô em chị là Hà Phương và Minh Tuyết, khi chị còn lẩn quẩn ở nhà phụ ba mẹ thì họ đã đi hát và ít nhiều tạo được tiếng vang. Chị kể, trong mấy chị em chị ngày ấy thì được học hành ca hát bài bản nhất là Hà Phương mà gian nan theo nghề nhất có lẽ cũng là Hà Phương.

Cẩm Ly hạnh phúc bên gia đình.

Vì Hà Phương học hát rồi sớm khám phá ra khả năng của bản thân nên quyết tâm theo nghề trước nhất trong ba chị em. Mà, khởi đầu ấy, Hà Phương lại chọn con đường gian truân là cải lương. Ba chị sợ cái câu “xướng ca vô loài”, lại thấy chị và Minh Tuyết cũng mê hát hò, nỗi lo sợ tăng thêm bội phần. Vậy là, ba chị quyết cấm hết mấy chị em. Ông sợ cái nghiệp hát vận vào ba cô con gái mà ông yêu thương.

Phần là vì, như chị chia sẻ, chị chưa bao giờ nghĩ sẽ lấy ca hát làm con đường nghiệp dĩ. Học xong lớp 12, chị thi trường Đại học Kinh tế, ngành kế toán. Rủi sao, năm đó, chị thi rớt, rồi ở nhà phụ ba má trông nom việc may vá. Năm 1993, Nhà hát Hòa Bình tổ chức cuộc thi Những tiết mục hay dành cho đơn ca, song ca, tam ca. “Lúc đó, nhà hát mới xây xong được ít lâu, là một trong những nhà hát hoành tráng không chỉ ở nước mình mà còn ở khu vực Đông Nam Á, chỉ có mấy ca sĩ ngôi sao như Bảo Yến, Nhã Phương,… mới được hát ở đó thôi em à. Minh Tuyết biết chị mê hát, mong muốn được một lần đứng trên sân khấu biểu diễn nên đã động viên chị tham gia, có hai người đứng trên sân khấu sẽ đỡ sợ hơn. Lúc đó, chị nghĩ đi cho biết cái cảm giác đứng trên sân khấu hoành tráng nhất Đông Nam Á nó như thế nào chứ chị không dám mơ là mình sẽ đoạt giải gì hết trơn. Mà sao thi quá chừng vòng luôn vậy đó. Vô được vòng nào là hai chị em mừng húm cả lên thôi”.

Đêm chung kết, Cẩm Ly và Minh Tuyết song ca bài Hỡi người tình nhạc Nhật lời Việt, tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả rền như sấm. Cái tên Cẩm Ly – Minh Tuyết được xướng lên cho giải nhất song ca. Hai chị em chị ôm nhau, nước mắt lăn tràn, vừa mừng, vừa xúc động. Ba má chị nhìn hai con tỏa sáng, cũng nghẹn ngào nước mắt. Ông như thấu hiểu đam mê của con nên dần dần ủng hộ.

Cẩm Ly nói về ba má chị bằng tất cả tình cảm thương yêu trìu mến, bởi nếu không có sự ủng hộ tuyệt đối từ mẹ và sự thầm lặng của ba thì hai chị em chị đã không có được ngày hôm nay. Chị trải lòng: “Nhớ những lúc ba chị đèo hai chị em đi hát rồi đứng chờ ở ngoài, đêm nào mấy cha con cũng về thật khuya. Có lần gấp quá, ba chị chạy ngược chiều và bị công an bắt…”. Hai chị em gắn bó với nhau như hình với bóng vậy nên ngày Minh Tuyết quyết định đi du học, chị khóc rất nhiều và bỏ hát gần một năm trời.

Chính má chị đã đêm ngày động viên chị quay lại với ca hát. Chị nhớ, ngày đầu tiên quay trở lại hát là mùng 1 Tết năm 1998 cùng anh Cảnh Hàn tại Đầm Sen. Hôm đó, má là người chở chị đi. Lúc chị bước lên sân khấu cũng là lúc má chị ở dưới òa khóc nức nở. Giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ nhìn con gái đã quay trở lại với giấc mơ thuở nhỏ. Chị bảo, chị nhớ mãi cảnh tượng ấy và lấy đó làm động lực tiến bước trên con đường solo cho đến bây giờ.

3. Cẩm Ly như con ong cần mẫn, vun vén, đi những bước vững chắc nhất, miệt mài nhất. Chị đến với khán giả bằng những sản phẩm âm nhạc hăng say, hết mình. Nên, cũng không có gì là ngạc nhiên khi chứng kiến tình cảm chân thành, dạt dào, hồn hậu mà khán thính giả khắp mọi miền dành cho chị.

Chị bảo, ngoảnh đi ngoảnh lại, mới đó mà cũng đã gần hai mươi năm đi hát. Hai mươi năm với biết bao vui buồn, khóc cười, nhưng chị không sao quên được cái ngày 2/9/1993. Đó là ngày đầu tiên, chị chính thức bước chân theo con đường ca hát, với bao say mê, háo hức lẫn hồi hộp. Đó là lần đầu tiên, chị đứng trước bao nhiêu khán giả yêu quý chị trên một sân khấu rộng lớn mà trước đây chị vẫn nghĩ nó chỉ xuất hiện trong giấc mơ của chính mình.

Có lẽ, Cẩm Ly nặng nợ với Nhà hát Hòa Bình mà cũng có lẽ đấy như là một sự tri ân với nơi mà nhờ đó tiếng hát chị khởi nguồn bay vút lên. Phải chăng vì thế nên những liveshow trong sự nghiệp ca hát của chị đều được chị tổ chức ở đây? Một người nặng nghĩa, thủy chung như thế, ai mà không yêu không quý?

Tên tuổi chị không chỉ gắn liền với những bài dân ca hay những ca khúc nhạc trẻ từng làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng âm nhạc như Người về cuối phố, Bờ bến lạ, Tuổi mộng xứ Đông,… hoặc Nếu phôi pha ngày mai, Tuyết hồng,… (song ca với ca sĩ Đan Trường) mà chị còn là một trong những ca sĩ tiên phong hát các tình khúc một thời của nhạc sĩ Lam Phương, Ngô Thụy Miên…

Chỉ là, không hiểu vì sao khi nhắc đến dòng nhạc này, người ta quên mất cái tên Cẩm Ly. Hỏi chị có thấy thiệt thòi không, chị bảo: “Nói thiệt là chị thấy chạnh lòng chứ, nhưng rồi nghĩ đến khán giả, là chị hết buồn liền. Em biết không, có những khán giả thương chị tới mức, album nào chị phát hành cũng mua, thậm chí còn thuộc hết tên. Chị nghĩ, đó là điều hạnh phúc nhất mà chị có được. Với chị, vậy là đủ rồi em ạ”.

“Nhiều người hỏi chị, sao ít thấy chị chia sẻ chuyện gia đình, chị nghĩ, chuyện mình mình biết chứ tự dưng lên báo kể lể chi. Người ta còn đặt câu hỏi giả sử giữa ca hát và gia đình, nếu buộc phải chọn lựa, chị sẽ chọn cái nào. Trời, chị thấy mình tham lam lắm nên hổng muốn chọn đâu. Chị chỉ ước và luôn cố gắng có thể dung hòa được cả hai. Và chị may mắn khi có được một người chồng hết mực cảm thông, đồng hành và biết sẻ chia. Nhưng, nếu đoạn đành buộc phải lựa chọn, chị vẫn đặt gia đình lên hàng đầu, em ạ”

Hoàng Dung
.
.