Ca sĩ Anh Thơ: Đứng ngoài những sự xô bồ

Thứ Hai, 17/10/2011, 16:07
Anh Thơ ngồi ở quán cà phê nhỏ ngay dưới chân tòa chung cư mà chị đang sống. Váy nâu giản dị, gương mặt hầu như không trang điểm, mộc mạc dễ gần. Chị bảo chuyện trò “nhanh nhanh một chút” vì còn phải đi đón cô giáo Hồ Mộ La đến nhà dùng bữa trưa.

Nhưng rồi câu chuyện của chúng tôi cũng không hề tăng tốc như chị muốn, mà ngược lại, rất “nhẩn nha từ từ”. Anh Thơ chân thành không chỉ bởi cái chất giọng “đặc sệt” Quảng Xương, Thanh Hóa chị vẫn giữ sau bao năm sống và lập nghiệp ở thủ đô, mà còn bởi những suy nghĩ quá chín chắn về nghề, nó khiến chị dường như già hơn cả tuổi của mình.

Anh Thơ bảo chị ngại lên báo lắm, quanh quẩn vẫn mấy câu chuyện cũ mèm, mà nghệ sĩ thì cái mới nhất, cái hay nhất chính là tác phẩm, chính là giọng hát của mình với công chúng. Dòng nhạc mà chị chọn để theo đuổi không phải là dòng nhạc thị trường, người nghệ sĩ chẳng cần phải son phấn quá lên, gây xì-căng-đan hay tập trung sự chú ý bằng phát ngôn này nọ.

Chị chỉ thích được sống trong bình yên. Bình yên là hai chữ lúc nào chị cũng muốn hướng tới, muốn được đắm chìm trong nó. Đó đơn giản là việc ngày ngày lên lớp với các học trò ở Học viện Âm nhạc quốc gia, rồi đi hát để thỏa mãn niềm đam mê, và được chăm chút cho gia đình, con cái.

Chị không cảm thấy thoải mái lắm khi phải trả lời phỏng vấn, vì chị không khéo léo, không biết nói sao cho hay, cho đẹp. Chị chỉ biết nói những điều rất thật từ lòng mình. Mà lời nói thật thì không phải khi nào cũng dễ nghe. Hơn nữa, không phải bài báo nào cũng trung thực với những điều chị nói.

Có những khi, để gây tò mò với độc giả, tác giả giật những cái tít làm chị hết hồn, hoặc là cố tình hiểu sai ý chị, gây ra hiểu lầm giữa chị và các đồng nghiệp. Nếu không nghe những tâm sự của chị, hẳn ít người sẽ cho là chị “chảnh” khi nhận được lời từ chối, rằng chị không thích lên báo, rằng, thêm hay bớt một bài báo cũng chẳng làm chị nổi tiếng hơn, mà có khi nó còn làm phiền lòng chị.

Sở hữu một chất giọng soprano trong và ấm, cùng với kỹ thuật thanh nhạc thuộc hàng thượng thặng trong lớp ca sĩ thế hệ sau, Anh Thơ đang là một trong số rất ít những gương mặt nổi bật có thể làm say lòng khán giả khi hát những ca khúc nhạc đỏ.

Nghe Anh Thơ hát Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ, Mẹ ru con của Nguyễn Văn Tý hay Khúc hát sông quê của Nguyễn Trọng Tạo, không ít đồng nghiệp đi trước phải “ngả mũ chào” vì những xúc cảm tuyệt vời mà chị mang đến. NSND Thanh Hoa chia sẻ rằng: “Anh Thơ tuy còn trẻ nhưng giọng hát của cô đã có sức ảnh hưởng đến nỗi khi ta nghe những ca sĩ hát nhạc đỏ sau này đều thấy có một chút Anh Thơ”.

Khán giả của Anh Thơ thuộc nhiều lứa tuổi, từ các cụ già đến các em bé. Tôi đọc cho Anh Thơ nghe bài văn được điểm 9 của em Nguyễn Trúc Huyền My, học sinh lớp 5A Trường TH Lê Văn Tám - Hà Nội viết về chị: “Trong các ca sĩ, em thích nhất ca sĩ Anh Thơ – cô ca sĩ hát những ca khúc về quê hương, đất nước Việt Nam. Một lần, em được nghe tiếng hát của cô trên ti vi. Trong số các bài mà cô hát, em thích nhất bài hát Khúc hát sông quê.

Cô Anh Thơ đã 34 tuổi. Dáng người cô thướt tha trong tà áo dài tím, khuôn mặt tuy không cần trang điểm nhiều nhưng trông cô vẫn tươi trẻ nhờ đôi mắt đen láy ẩn dười hàng mi dài. Mái tóc cô buông xõa ngang vai thật tự nhiên được điểm bằng một bông hoa nhỏ. Sau hồi nhạc dạo, cô bắt đầu cất tiếng hát.

Tiếng hát cô khi trầm, khi bổng rồi cao dần lên, khi cô hát : “Ơi con sông quê, con sông quê” thì cả căn phòng như lặng đi để lắng nghe. Bài hát nói về một vùng quê yên ả, rộng lớn, nơi có con sông quê thơ mộng, gắn bó và yêu thương đến nhường nào. Bọn trẻ nô đùa dưới sông khiến tuổi thơ lại ùa về trong ký ức. Càng nghe, em càng thấy như yêu quê hương mình hơn.

Lời bài hát đã ghi sâu trong em, chứa đựng một tình cảm sâu sắc. Đây là bài hát ông em rất thích nên ông cũng lắng tai nghe. Thi thoảng, em lại thấy ông ngân nga lời bài hát. Sau khi bài hát kết thúc, tiếng cô Anh Thơ vừa dứt, em cứ tiếc mãi, muốn được nghe lại bài hát một lần nữa để được trở về con sông quê.

Bài hát Khúc hát sông quê và giọng ca của cô ca sĩ Anh Thơ đã giúp em hiểu ra rằng âm nhạc không chỉ là giải trí mà nó còn là nguồn sống, nó còn gợi lại cho ta bao kỷ niệm mà ta đã vô tình lãng quên. Dù nhạc dân ca bây giờ còn ít người ưa chuộng nhưng đối với em, nó vẫn còn tồn tại mãi trong trái tim em, trái tim người Việt Nam…”.

Mặc dù đã từng được đọc bài văn này rồi nhưng Anh Thơ vẫn lặng đi vì xúc động. Còn với tôi, khi vô tình đọc những dòng chữ của một em nhỏ viết về người ca sĩ mà em yêu mến, tôi chợt hiểu ra sức mạnh của âm nhạc. Nghệ thuật sẽ chẳng là gì nếu nó không khơi gợi cái đẹp trong tâm hồn và tạo ra những ký ức không thể phai mờ trong tâm trí người thưởng thức.

Trong lúc chúng ta đang nhìn thấy nhạc trẻ lên ngôi, và ca sĩ thì phần đa hướng theo dòng chảy của thị trường, thì vẫn còn những người như Anh Thơ, bền bỉ với con đường của mình, “giữ lửa” cho một dòng nhạc mà không ít người trẻ ngại dấn thân, vì nó vừa khổ công, vừa không dễ để nổi tiếng.

Con đường Anh Thơ đi đến với âm nhạc có thể hình dung là con đường của một cô gái đi từ làng quê nghèo ra thành phố. Cô gái ấy đã âm thầm nuôi ước mơ được bay bổng trong thế giới của âm nhạc ngay từ lúc cô phải giúp mẹ cấy lúa ngoài đồng, hay đi bán rau ngoài chợ để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Và ước mơ ấy đã lớn đến nỗi nó giúp cô băng qua những nhọc nhằn, thiệt thòi của đời sống thường nhật để trở thành sinh viên Nhạc viện và được đứng trên những sân khấu lớn. Anh Thơ tự biết mình không đủ “chiêu trò” để làm một ca sĩ thị trường. Chị không giỏi vũ đạo. Chị thích cái cảm giác mặc áo dài đứng trên sân khấu, chìm trong giai điệu và cảm xúc.

Với rất nhiều ca sĩ trẻ hiện nay, khát vọng được nổi tiếng dường như lớn hơn cả khát vọng được hát thì với Anh Thơ là ngược lại. Khát vọng lớn nhất của chị là được hát. Và sự nổi tiếng chính là một hệ lụy, không phải đích đến của chị. “Tôi không có những giá trị ảo xung quanh. Tôi cần là một giá trị thực. Đời sống quá nhiều thứ phù phiếm, nhất là đời sống của một người ca sĩ. Tránh để không sa ngã mới là việc khó”.

Tránh để không sa ngã trong một cái nghề mà ai cũng nhìn thấy sự hào nhoáng, đúng là khó. Những cú điện thoại khiếm nhã, những lời hứa hẹn, những cám dỗ… Anh Thơ đã đối diện cả đấy, trong quãng đường dài hơn 10 năm làm nghệ thuật đã qua.

Nhưng chị đã không nhìn nó như một cơ hội để thay đổi cuộc sống, cho dù chị còn nghèo. “Điều quan trọng là tôi không có nhu cầu quá lớn. Tôi lao động để có một cuộc sống bình thường như bao người khác đã đủ để thấy hạnh phúc. Tôi không bị thúc ép bởi việc phải kiếm thật nhiều tiền. Không phải vì tôi giàu, mà bởi vì tôi biết bằng lòng với cuộc sống. Mỗi tuần tôi chỉ nhận sô diễn khoảng 3-4 buổi. Không ít người khuyên tôi, mình là ca sĩ nổi tiếng thì phải có người quản lý cho sang, nhưng tôi thấy không cần thiết. Tôi vẫn một mình lái xe đi biểu diễn 70-80 cây số là chuyện bình thường. Dòng nhạc của tôi không có nhiều chương trình biểu diễn trên sân khấu lớn trong thời điểm hiện nay, tôi đi diễn phục vụ hội nghị là chính. Còn ở quán bar, nhà hàng thì tuyệt đối không”.

Không chỉ là một ca sĩ nổi tiếng, Anh Thơ còn là một giáo viên thanh nhạc. Học trò của chị nhiều, nhưng chị vẫn mong mỏi “có những học sinh thật sự giỏi và tài năng”.

Chị bảo, các em bây giờ nôn nóng trở thành ngôi sao quá, không mấy người đủ bình tĩnh để luyện rèn, biết chấp nhận sự vô danh để có danh lâu dài trong tương lai. Cũng không thể trách các em được, vì tốc độ cuộc sống xung quanh đang hối hả đến chóng mặt.

Có những người chỉ sau một đêm ngủ dậy đã có thể trở thành “ngôi sao” không phải bởi tài năng, mà bởi rất nhiều “chiêu trò” khác. Và người có tài, có tâm, đổ mồ hôi nước mắt để lao động nghệ thuật thì không phải lúc nào cũng được đối xử công bằng. “Các em sinh viên phải đi hát ở quán nhậu, nhà hàng để kiếm tiền trang trải cuộc sống là dễ hiểu thôi. Nhưng tôi thường khuyên các em là, các em làm gì thì làm, nhưng đừng để mình phải tự xấu hổ với lòng mình. Người nghệ sĩ phải giữ cho được lòng kiêu hãnh để làm nghề.

Có thể “ăn xổi ở thì” để nổi danh hay kiếm tiền nhờ nghệ thuật, nhưng đó là thứ nghệ thuật đã bị méo mó. Còn nghệ thuật đích thực thì khó khăn hơn nhiều. Nó yêu cầu ta không được tính toán, không được đòi hỏi về sự lỗ lãi. Đến một lúc nào đó, nếu ta thực sự không đòi hỏi gì, nó sẽ đền đáp ta bằng tình cảm yêu mến của công chúng, sự ghi nhận của công chúng”.

Khi được hỏi về đời sống riêng của mình, Anh Thơ cẩn trọng không “đề cập” đến. Chị bảo, đời riêng là câu chuyện cá nhân, nó phải được giữ như một “khu vườn yên tĩnh”. Bao nghệ sĩ lên mặt báo khoe hạnh phúc rồi làm khán giả thất vọng về  đổ vỡ, chia ly.

Hạnh phúc có nhiều khuôn mặt lắm, ngay khi ta đang chiêm ngưỡng khuôn mặt này, thì có thể phía sau đã là một khuôn mặt khác. Vậy thì ta hãy để nó trong lặng im và cảm nhận. Anh Thơ đã chia sẻ như thế, vậy hãy để chị bình yên trong thế giới riêng của mình.

Những sóng gió của đời sống và cả những khoảnh khắc của hạnh phúc chính là thứ men làm giàu có đời sống tinh thần của người nghệ sĩ, nhờ đó mà tiếng hát của chị thêm chiều sâu cảm xúc và suy tưởng. Chị đã lựa chọn một dòng nhạc để gắn bó, đã miệt mài trên con đường ấy và thực sự đã đi những bước rất xa để trở thành một thương hiệu không thể thay thế trong đời sống âm nhạc mà chúng ta đang nhìn thấy, quá nhiều thứ xô bồ, quá nhiều sự lẫn lộn.

Anh Thơ là một người trẻ đã dũng cảm đứng ngoài những xô bồ ấy, kiên tâm với nghệ thuật, vô tư với nghệ thuật. Chị là một ví dụ để những người làm nghệ thuật phía sau mình phải suy ngẫm khi bắt đầu những bước chân đầu tiên. Trong đợt xét tặng danh hiệu NSƯT vừa rồi, người ta tiếc nuối vì không có tên chị trong danh sách. Về điều này Anh Thơ chia sẻ không hề khiêm tốn: “Tôi thực sự không nghĩ đến chuyện danh hiệu. Danh hiệu cho người nghệ sĩ thực sự nằm ở phía công chúng. Mỗi ngày có thêm khán giả yêu mến và ủng hộ mình, chung thủy với mình, đó mới là danh hiệu mà Anh Thơ hướng đến”

Vũ Quỳnh Trang
.
.