Bông hoa bần không cánh

Thứ Sáu, 05/03/2021, 10:48
Ngày Đất ngập nước thế giới năm nay, 2-2-2021 mang chủ đề "Không thể tách rời - Nước, đất ngập nước và sự sống" (Inseparable - Water, wetlands and life). Tôi cứ nghĩ mãi về chủ đề này và về chính những con người đã tạo nên sự gắn kết tuyệt vời ấy ở Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, huyện Giao Thuỷ, Nam Định - nơi con sông Hồng đổ ra biển lớn, nơi mà từ tháng 1-1989 đã là vùng đất ngập nước đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước quốc tế RAMSAR - công ước bảo tồn các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế)…

17 năm gắn bó

Sáng sớm, trụ sở Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy vang lên bản hoà ca rộn rã. Tiếng cuốc kêu không dứt, tiếng cò vạc gần xa khiến sự hiện diện của con người nơi đây trở nên mỏng manh, lọt thỏm trong không gian vừa thoáng rộng vừa sâu hun hút.

Anh Nguyễn Phúc Hội - Phó giám đốc phụ trách Vườn bảo với tôi, có 18 cán bộ, nhân viên làm việc tại Vườn thì hầu hết đều nhà xa nên bám trụ cơ quan cả tuần, ngày nghỉ mới tranh thủ về thăm gia đình. Bởi vậy, trụ sở này đúng nghĩa là một gia đình lớn. Bắt đầu ngày làm việc, các nhóm nghiên cứu với lỉnh kỉnh đồ chuyên dụng, máy ảnh, ống nhòm, sổ bút ghi chép toả đi khắp Vườn để điều tra, giám sát hệ động thực vật phong phú nơi đây. Tôi theo chân Trần Thị Hồng Hạnh - cán bộ phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế đi sâu vào vùng lõi rừng ngập mặn.

"Đây là cây vọng cách, lá để ăn gỏi, gỗ nhẹ mịn thường làm sáo diều. Kia là cây trang đang mùa ra quả. Quả trang dài, khi rụng xuống sẽ tự cắm xuống đất và cây con sẽ lên. Trồng rừng mà đúng vụ quả trang chín thì nhàn lắm". Hạnh say sưa chỉ dẫn cho tôi về các loài cây đặc trưng của vùng đất ngập nước. Tôi mê mải ngắm những bụi cúc tần biển xanh rờn với chùm hoa tim tím xinh xinh.

Theo Hạnh leo lên chòi quan sát, tôi được phóng tầm mắt ra bốn phía, thấy được ngọn hải đăng ở cửa Ba Lạt, vùng lõi vườn như tấm thảm xanh mượt trôi trên sóng nước. Theo tay Hạnh chỉ, tôi thấy vô vàn cò trắng đậu kín cành cây trang khi nước thuỷ triều lên. Trong tiếng gió phần phật, Hạnh thủ thỉ kể tôi nghe về những ngày đầu về với biển.

Hạnh trong một chuyến đi điều tra thực vật trong vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Thủy.

Tôi hỏi, có phải do yêu những cánh rừng ngập mặn quê hương mà ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp Hạnh đã trở về đây? Thật bất ngờ, câu trả là không. Bởi suốt những năm đại học, kiến thức, niềm đam mê Hạnh dành cho những cánh rừng trên núi. Hạnh từng ước mơ ra trường được sống và làm việc dưới những tầng cây cao và rậm rạp, ngày ngày nghe tiếng suối róc rách và tiếng gió đại ngàn. Nhưng khi ra trường, cô gái quê ở thành phố Nam Định này lại về vùng đất ven biển, gắn bó với những cánh rừng ngập mặn. Đó là năm 2004 - đúng năm UNESCO công nhận nơi đây là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực ven biển liên tỉnh đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Trước đó một năm, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thủy được nâng hạng thành Vườn quốc gia Xuân Thủy. 17 năm trôi qua thật nhanh.

Nhớ ngày đầu tiên đến nhận công tác, chị gái chở Hạnh xuống vùng cửa biển Ba Lạt. Cả hai chị em cùng lạ lẫm và hơi hẫng hụt trước khung cảnh trời nước mênh mang, hoang vắng, những bụi sú vẹt lúp xúp và có vô vàn những loài chim lạ. Cả cơ quan khi đó duy nhất Hạnh là nữ, lại xa nhà, nên ăn ở và làm việc ngay tại cơ quan. Một cảm giác lạc lõng đến khó tả. Phải mất một thời gian, Hạnh mới quen với khoảng rừng nơi đây, quen với màu nước phù sa đỏ đục âm thầm lên xuống theo nhịp thuỷ triều, quen với những cơn gió ngai ngái mùi bùn non và đã hiểu thế nào là mưa rừng bão biển. Lội nước đi rừng nhiều, được các chú các anh chỉ dạy, kiến thức về rừng ngập mặn đầy đặn dần, Hạnh dạn nước hơn và làn da cũng dần nhuộm đầy màu nắng.

Nhịp công việc của Vườn cuốn Hạnh vào guồng. Từ việc bảo tồn tài nguyên, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, giáo dục môi trường và đẩy mạnh du lịch sinh thái, mảng nào cũng bận rộn, phải đầu tư công sức và thời gian. Nhớ những ngày phơi mình ngoài bãi trồng rừng, những buổi lặng lẽ điều tra giám sát chim di cư hay lội bì bõm trong rừng ngập mặn, chui dưới gốc trang để điều tra thực vật, lấy mẫu nghiên cứu. Có lần vì mải mê, Hạnh quên cả việc căn giờ thuỷ triều lên. Nước dâng nhanh, xoáy nước cuồn cuộn nhưng vướng cây không thể bơi, Hạnh đành bước từng bước khó nhọc để vào bờ.

Hạnh nhớ mãi lần dẫn đoàn khách người Anh đến tham quan tại Vườn với những thiết bị quan sát cực hiện đại. Dù đã cố kiễng chân nhưng dáng người bé nhỏ nên Hạnh không thể với tới ống kính tele. Một anh chàng người Anh cao to đã phải bế Hạnh lên để vừa tầm quan sát. Lần đầu tiên trong đời, Hạnh nhìn thấy cả đàn cò trắng rõ nét đến vậy từ một khoảng cách rất xa, thấy thiên nhiên sinh động ngay trước mắt.

Đất, nước và sự sống

Chính ở nơi cửa sông ven biển này, Hạnh đã tìm được một nửa của đời mình. Năm 2010 chị lấy chồng, anh người vùng này. Bây giờ Hạnh đã có một gia đình hạnh phúc và cậu con trai 10 tuổi. Hạnh nhỏ nhẹ: "Vùng rừng này, màu mỡ đấy nhưng khắc nghiệt. Đâu phải loài cây nào cũng sống được ở đây. Chỉ cây nào, con nào chịu được ngập mặn thì mới tồn tại được. Và khi đã trụ được ở đây, thì sẽ sinh sôi nảy nở. Khi thuỷ triều rút, hãy nhìn những gốc sú vẹt với bộ rễ chùm chằng chịt giống như cái nơm bám chắc vào bùn đất, để cây lá xanh quanh năm. Bộ rễ ấy còn làm giảm đi sức chảy của dòng nước, cố định phù sa để tạo nên các bãi bồi mới".

Con người cũng vậy, không phải ai cũng sống được ở đây. Phải thực sự gắn bó thì mới thấy dưới nền bùn ẩm ướt và đặc dày lá mục kia có hàng trăm loài sinh vật lớn nhỏ chen chúc nhau vươn lên tìm ánh sáng mặt trời. Bây giờ với Hạnh, cả khu vực Vườn quốc gia rộng 12.000ha không còn quá bao la, rợn ngợp. Những cồn Lu, cồn Ngạn, cồn Xanh đã thuộc như trong lòng bàn tay. Những cánh rừng ngập mặn, bãi giang triều, các lạch, phá, đầm lầy, cồn cát trải dài đều mang vẻ đẹp của hệ sinh thái đặc thù của vùng đất ngập nước cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam.

Nhiều đồng nghiệp bảo ở vùng này buồn, nhưng Hạnh lại nghĩ rằng mình không hề cô đơn. Những khi lội bì bõm trong rừng, trên trời có hơn 200 loài chim, dưới nước có rái cá, tôm cua cá, rắn, ngao sò làm bạn. Hạnh thấy mình may mắn khi được làm việc ở nơi được Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế công nhận là một vùng chim quan trọng (IBA) của Việt Nam, được đón nhiều loài chim quý hiếm nằm trong sách đỏ quốc tế đáp xuống kiếm ăn, tích lũy năng lượng cho hành trình di cư về phương Nam tránh rét. Đặc biệt hơn, trên dải đất hình chữ S, loài cò thìa mặt đen chỉ chọn nơi này là điểm dừng chân duy nhất trên hành trình di cư vạn dặm để trú đông.

Muốn bảo tồn nguyên vẹn được tài nguyên thiên nhiên và địa hình sinh thái khu RAMSA thì việc phát triển sinh kế cho người dân sống trong Vườn quan trọng hơn bao giờ hết. Đây có lẽ cũng chính là chủ đề "Không thể tách rời - Đất, nước và sự sống" năm nay. Và những người như Hạnh đang từng ngày nỗ lực gắn kết đất, nước với cuộc sống người dân. Những câu lạc bộ bảo tồn như nuôi ong, trồng nấm, du lịch sinh thái, bảo vệ chim được thành lập, từng bước giúp người dân nâng cao đời sống, đồng thời chấm dứt được nạn chặt phá rừng, xâm lấn đất và săn bắn các loài chim.

Sân chim trong Vườn Quốc gia Xuân Thủy.

Từng bước một, cán bộ của Vườn tuyên truyền cho người dân sống ở vùng lõi và vùng đệm có ý thức bảo vệ và khuyến khích sử dụng khôn khéo vùng đất ngập nước. Chiều chiều, khi thuỷ triều rút, các bà các cô rủ nhau vào rừng mò, móc tôm cua cá… Đầu xuân, hoa sú vẹt nở nhiều và đang ngóng đợi đàn ong. Chỉ ít ngày nữa thôi, những đàn ong lớn từ Sơn La, Lai Châu, Đắk Lắk, Gia Lai sẽ tụ về đây. Nhờ có ong mà hoa sú vẹt được thụ phấn, sai quả, tái tạo giống để trồng rừng. Mật ong sú vẹt - sản phẩm đặc trưng ở Xuân Thuỷ trở thành nguồn sinh kế ổn định cho bà con nơi đây.

"Cô Hạnh ơi, sáng nay có ba con cò thìa mặt đen bay qua đây", anh Vũ Xuân Vinh - chủ đầm tôm quảng canh sốt sắng thông báo khi thấy chúng tôi. Người dân vùng này ai cũng biết về loài chim quý dừng chân tại đây. Và ai cũng hiểu rằng, những người như Hạnh đang ngày đêm nỗ lực để bảo vệ loài chim ấy. Hạnh bảo với tôi, trên thế giới chỉ còn khoảng 3 nghìn cá thể cò thìa mặt đen, trong đó qua kiểm đếm thì Xuân Thuỷ có tới 82 con sinh sống.

Không hiểu sao khi gặp Hạnh, tôi nhớ đến hình ảnh anh thanh niên trong truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của nhà văn Nguyễn Thành Long. Anh thanh niên sống một mình trên đỉnh núi cao, bốn bề chỉ có cỏ cây và mây mù lạnh lẽo, còn Hạnh đã gắn cả tuổi trẻ với vùng rừng ngập mặn hoang sơ. Anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu, Hạnh nghiên cứu và bảo tồn rừng ngập mặn, công việc đều âm thầm, lặng lẽ.

Hạnh dẫn tôi đến khoảng rừng trồng cây bần không cánh - nơi dồn tụ nhiều tâm huyết của cả một tập thể Vườn. Loài bần này không mọc tự nhiên trong hệ sinh thái rừng ngập mặn vùng ven biển Bắc Bộ. Nhưng mấy năm gần đây, Vườn đã nghiên cứu và gây trồng thí điểm loài cây này. Thật vui khi cây sinh trưởng, phát triển tốt. Không lâu nữa, vùng đất này sẽ có thêm những cánh rừng bần không cánh chắn sóng, giữ đất bồi. Tôi thấy Hạnh cũng giống như bông hoa bần công cánh, tuy không sinh ra ở vùng đất này, nhưng khi hợp đất hợp nước, khi tình yêu rừng, say rừng đủ lớn thì vẫn nguyện gắn bó dài lâu...

Huyền Châm
.
.