Bình Nguyên Trang: Lửa thơ càng dập càng nồng

Thứ Sáu, 04/04/2014, 15:59

Lần nào ngồi với nhau, Trang cũng khiến tôi thấy ù tai chóng mặt vì khả năng phát thanh hơn cả loa phường của chị. Câu chuyện của chúng tôi quanh đi quẩn lại cũng chỉ liên quan đến thi ca và Yêu. Như thể đó là nguồn cảm hứng không thể thiếu trong đời sống của chị, bên cạnh những nghĩa vụ, bổn phận, công việc hàng ngày chị phải thực hiện, gánh vác.

Truy tìm ngọn nguồn của thi ca, sau những dạt dào ngôn từ của Trang, thường đọng lại một vệt cuối cùng là nỗi buồn. Và chúng tôi đụng vào câu hỏi, vì sao nỗi buồn lại luôn nhiều hơn niềm vui. Ngay cả khi Trang kết luận: “Nếu niềm vui là tài sản thì nỗi buồn là di sản”, thì tôi cũng dám chắc là chị không hiểu được cơn cớ của Buồn, vốn là “nơi trú ngụ” của những tâm hồn trót dan díu thi ca như chị.  Và tôi nghĩ Trang đừng nên hiểu cơn cớ ấy, khi mà Buồn đã đến trong thơ chị, nhiệt thành và chung thủy, làm Xanh cả những nghĩ suy, Xanh cả ngày tháng.  Quan trọng, Buồn đã cho chị một thân phận của thi ca…

Bình Nguyên Trang lớn lên bên dòng sông Ninh Cơ  (Nam Định), dòng sông mà sau này tôi luôn nghĩ đó là nguyên cớ để tạo nên một hồn thơ nồng nàn, sóng sánh, không thể trộn lẫn. Không chỉ thế, khởi nguyên địa lý ấy đã góp phần định hình một bản tính thi sĩ đậm chất châu thổ sông Hồng trong chị. Đây này, chẳng phải xem mặt mà bắt hình dong. Trang sở hữu một cặp mắt vừa trong sáng, vừa sắc sảo, trắng đen phân minh. Ánh mắt đen nhung thăm thẳm ấy đã để lại ấn tượng về một người đàn bà của thi ca vừa quyến rũ vừa đằm hậu tha thiết giữa cuộc đời này. Giọng nói của chị thật thà như đếm, nhu thuần như nhất cui cúi kể chuyện cuộc đời bằng vần điệu - khiến tôi nghĩ ở đâu lại “nảy nòi” ra cái thể loại đài từ dào dạt mà sôi động đến thế. Khuôn mặt toát lên một sự phúc hậu rất riêng có - mà riêng đến nỗi quyết không “tha” cả những lúm đồng tiền xinh nhỏ tròn tròn mơ màng dễ thương! Những người được cha mẹ cấu tạo như thế, họ sống tinh tế kín đáo, cả đời lẳng lặng dìm nỗi buồn sầu trong một cõi nguyên vẹn của chính mình như một bẩm tính. Cho nên từ thời còn là nữ sinh, Trang đã là cô gái của thi ca. Đến cả khi trở thành một người đàn bà của thi ca, thì những nỗi buồn sầu ấy vẫn còn nguyên dấu vết.

Rời khỏi vòng tay gia đình từ năm mười tuổi nên cảm giác cô đơn, lạc loài với Trang luôn luôn thường trực. Nhiều khi ở giữa đông vui mà cảm giác sợ đông vui tràn ngập, ở giữa hội hè mà sợ hội hè đình đám. Trang kể, thời còn chưa vướng bận, có những năm mùng 2 Tết chị đã trên tàu hỏa đi dọc miền Trung. Lang thang chính là cách để chị đi đến tận cùng nỗi cô đơn của mình. Như chạy trốn mà như đối diện, vì cô đơn mới chính là cảm giác quý giá và sâu sắc nhất, nó nâng đỡ bản thể thi sĩ của người cầm bút, và từ đó, những khát khao được bay lên. Quá khứ đã thả vào lòng bàn tay Trang một tuổi trẻ khó có thể hoán đổi cho ai.

Chị bảo, tuổi hai mươi của chị lúc nào cũng như cái túi nước căng, chỉ cần chạm nhẹ vào là có thể vỡ bất cứ lúc nào. Những vui buồn, đổ vỡ, những mất mát và cả bão tố đã nếm trải, đã băng qua. Mà lạ, khi nhìn lại, vào lúc nằm một mình trong căn phòng trống, nhìn những hạt bụi bay lơ lửng xuyên qua ánh nắng của một ngày tàn, mọi thứ lại như chưa từng xảy đến. Hoặc là tâm trí lại muốn rũ bỏ, để trở lại khôi nguyên như thời thơ trẻ. Trong thơ, Trang tự thú: “Rất thật lòng tôi muốn ruồng bỏ tôi/ Ruồng bỏ những vui buồn như trái táo/ Im lặng đợi Xanh trong góc một khu vườn”. Ruồng bỏ là một cảm giác có thật của người luôn chứa nhiều câu hỏi trong đời sống. Dù tôi biết, Trang đã sống một tuổi trẻ ra tuổi trẻ, đã không phí hoài nó, với toàn bộ yêu thương, cực đoan, và cả những vết thương nữa...

Làm bạn với Trang, tôi nhận ra, những gì thuộc về bản sắc con người chị  đã nằm trong vòng vây của những đối cực và nghịch lý. Một con người dễ buồn dễ vui, và đặc biệt dễ rơi nước mắt. Khi lịch thiệp thì chẳng ai bằng mà khi đã lạnh lùng thì cũng không ai giải mã được. Cá tính bản lĩnh nhưng lại cũng đầy dại khờ ngác ngơ. Khôn ngoan như thể không kém cạnh người trong thiên hạ, mà khi cần, chỉ một chút tình cảm yếu mềm cũng có thể đốn ngã chị. Trang luôn tạo cho những người yêu quý mình một cảm giác “phức hợp”, vừa muốn chở che lại vừa muốn nương tựa vào chị. Tôi thường hình dung về Trang với gương mặt của một cô gái hai mươi tuổi, khi chị đã dành cả con giáp thời tuổi trẻ của mình để viết những câu thơ buồn thương, cô độc và ẩn khuất nỗi hoang hoải về tương lai, trong khi cuộc sống thực luôn đòi hỏi chị phải muôn phần mạnh mẽ. Trang tâm đắc chữ gồng gánh, và rằng, muốn vứt bỏ cái gồng gánh đó đi. Những đàn bà của thơ ca chính là tín đồ của một thứ nghệ thuật mà ở đó, sự  mạnh mẽ chả có nghĩa lý gì. Chỉ có nỗi buồn và tình yêu là nghĩa lý…

Mỗi lần đọc thơ Trang, trong tôi luôn hiện ra câu thơ của nhà thơ Nga A.S.Puskin: “Xin đừng hát bên tôi những bài ca Gruzia sầu thương, ơi người đẹp!”. Thơ chị bắt đầu từ sầu thương để rồi lại trở về với sầu thương, khiến sầu thương được lọc trong và thấu suốt. Như loài đom đóm đã đi hết một chu kỳ phát sáng của nó, khi có sự hợp linh của đêm tối và tạo vật.

Với Trang, làm thơ, trước hết là quăng thân vào gió bụi và “đánh cho hết vốn”. Những đề tài quen thuộc và bình dị nhất mới chính là những thách thức mĩ học lớn nhất. Chọn tình yêu làm chủ thể cho thế giới nghệ thuật của mình, Trang khiến ai đó nghi ngại về thành công. Người ta bảo, hễ nhà thơ chỉ cần có ý định cầm bút làm thơ thôi, thì dứt khoát đã có thơ tình yêu rồi. Nghĩa là thế gian đã quá nhiều thơ tình yêu. Vấn đề quan trọng, không phải câu chuyện đề tài, mà cái cần quan tâm là cách tiếp cận và xử lý đề tài để kiến tạo thành những khái quát nghệ thuật. Trang đã rất tinh tế trong cách thưởng thức tình yêu - sáng tạo tình yêu:

Em ngập vào anh như loài cây ngập vào bến bãi

Xanh ngút ngàn phù sa

Chúng ta thành con sông tận cùng dâng hiến

Mùa sinh sôi cho mặt đất Thiên đường…

                                                (Tình yêu)

Thơ của Trang dứt khoát không phải một thế giới thơ phức tạp, khó hiểu. Nếu đọc kỹ, bạn sẽ nhận ra chúng ta không hề bị vướng vào những thủ pháp nghệ thuật xa vời, những cách tân ngôn từ rối rắm hay sự đỏng đảnh hỗn loạn của các yếu tố không gian và thời gian. Mà đó, hiển hiện trong thơ chị, là một nỗi buồn cùng cực tan hoang, là trước những bất tận và bất lực của tình yêu - Bình Nguyên Trang luôn cô đơn mà vẫn rạo rực, có khi là một nỗi thất vọng chán chường được gây ra bởi những tín hiệu đến từ đô thị. Bạn đọc đã hơn một lần đón nhận “cái chết” vì những câu thơ viết về nỗi buồn của Trang, đặc biệt là những bài thơ tình, chúng giống như những ly rượu lên tăm trong vắt, khiến cho người có tửu lượng cao nhất cũng có thể bị say.

Em đã nhận Cái Chết

và trở về trong một vui buồn khác

để sống thêm một cuộc đời khác

như buổi đầu tay chạm lối Yêu...

                      (Từ khi anh đến và nhìn em)

 

Sợ hiện thực này như một cơn mơ

Vụt tan biến khi vì sao trên mặt hồ lịm tắt

Ai sẽ dỗ dành em những phút giây buồn em khóc

Kỷ niệm rơi qua những ngón tay gầy...

                        (Sương phủ trắng mặt hồ)

Bình Nguyên Trang đã xây cất một triển lãm sinh thái đầy tràn mảnh vỡ ký ức mà không hoài niệm. Ở đó, không đâu xa xôi, chính là vùng quê Hải Hậu của chị, với những cánh đồng ám khói, tiếng chuông ngân và sương chiều lãng đãng, dòng sông ánh gợi những đám mây điêu tàn… và cả gương mặt xanh xao đẹp đẽ rủ buồn của con người nữa. Những hiện diện thị thành xuất hiện hoàn toàn mờ nhạt trong thơ Trang, nếu không muốn nói là bị phai loãng trước gương mặt bãi bờ châu thổ khi tại đó “đêm mở ra như một quả trứng gà”.  Và vì thế, những bài thơ Trang viết không định “làm phiền” đến ai nhưng thực chất lại ám ảnh họ nhiều, tuồng như “làm ta đau những nỗi rất ngọt ngào” vậy. Nhưng hay ở chỗ, nhà thơ không bị dẫn lối bởi kỹ thuật, mà vẫn dùng cảm xúc làm yếu tố chủ đạo.

Thơ ca, chắc chắn không giúp người ta khôn ngoan hơn mà đày đọa con người trong những băn khoăn, dằn vặt. Có lúc, người nữ làm thơ ấy đã nghĩ thế này: “Những bài thơ, có lúc tôi đã muốn quên chúng, hay chúng biến mất khỏi đời sống thường nhật của tôi. Chúng trả tôi về những gì đơn giản hàng ngày nhất, để sống cho vừa kiếp một người đàn bà bình thường, không trĩu nặng, không âm u trầm cảm, không nhói buốt. Nhiều năm tháng tôi đã quay đi, và mong điều mình chờ đợi sẽ đến. Bình thản sống như một đàn bà của chợ đời, cơm áo, rồi đợi tuổi già và cái chết đến, thật dịu dàng. Nhưng một ngày kia tôi đã nhìn thấy trong đám đông có những sự dõi theo và thấu hiểu nào đó từ người đọc nên tôi chẳng còn con đường quay về nữa. Tôi đã quay lại rồi, như người đàn bà quay lại ga tàu mình vừa xuống, để lên một toa khác, đi tiếp. Làm sao tôi có thể rời bỏ con đường sương khói ấy, bởi vẫn còn những người thực sự thương nhớ tác phẩm của mình. Trang, con đường đến với một bài thơ nào đó của cuộc sống, là con đường Trang phải đi”.

Nhà thơ, chính là kẻ hứng chịu cảm giác đau đớn và thất bại nhất trước những câu thơ đã trói buộc mình. Tôi nghĩ rằng, giống như hình ảnh một đứa trẻ được mẹ mua cho chiếc áo mới, chạy băng qua cánh đồng để khoe cha đang đánh cá dưới sông trong sự háo hức tò mò của những đứa trẻ khác - Trang luôn trong tư thế hoàn nguyên cảm xúc mà linh hồn chị trú ngụ. Thơ ca chính là âm bản tin cậy nhất trong cuộc đời của người đàn bà cầm bút này. Và tôi biết, chị đã quyết định đi về phía mặt trăng...

Nguyên Hương
.
.