Cộng hòa Liên bang Đức trước cuộc bầu cử Quốc hội ngày 22/9

Bí quyết mang tên Angela Merkel

Thứ Tư, 25/09/2013, 10:49
Nếu tin theo các cuộc thăm dò xã hội được tiến hành trước ngày bầu cử Quốc hội mới ở Đức, đương kim nữ Thủ tướng Angela Merkel chắc chắn sẽ trụ lại ở vị trí này thêm nhiệm kỳ thứ ba nữa. Tỉ lệ những cử tri Đức ủng hộ đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) do bà Merkel đứng đầu đang ở thế áp đảo. Đâu là bí quyết giúp cho con gái của một mục sư lớn lên ở phần đông nước Đức giành được uy tín cao như vậy trong một nước Đức mà hệ tư tưởng chủ đạo hiện nay là thừa kế từ thể chế đã được gây dựng nên ở Tây Đức?

Không thể nói là hai nhiệm kỳ đang qua của bà Merkel trên cương vị Thủ tướng Đức là giai đoạn yên ả. Người đàn bà trông bên ngoài có vẻ rất hiền lành này hóa ra lại là một chính trị gia rất rắn rỏi trong công việc. Một thí dụ nhỏ: Tháng 6 vừa qua, bà Merkel đã suýt nữa bị sa vào một cái bẫy đặt sẵn của các đồng nghiệp Nga. Tại “kinh đô phương Bắc”, trái với thỏa thuận trước, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir  Putin đã định không để cho bà phát biểu trong buổi khai mạc triển lãm các chiến lợi phẩm nghệ thuật mà Moskva thu được trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đó là một hành động mang tính răn đe. Thế nhưng, bà nữ Thủ tướng Đức đã đủ tỉnh táo và khôn ngoan để ông chủ Điện Kremli hiểu rằng, nếu ông hành động như thế thì bà sẽ lập tức rút ngắn thời gian thăm chính thức nước Nga và điều đó có thể gây nên một vụ tai tiếng ngoại giao không nhỏ... Rốt cuộc là bà Merkel đã làm được việc mình muốn...

Tuy nhiên, trong câu chuyện xảy ra với vụ tai tiếng liên quan tới Cơ quan An ninh nội địa Mỹ và nước Đức,  bà Merkel lại tìm ra cách đối phó khác hẳn. Những tài liệu mà cựu điệp viên Mỹ Snowden tiết lộ cho thấy, tình báo Mỹ đã theo dõi bất hợp pháp các chiến hữu Đức. Trớ trêu là ngay cả Cơ quan Tình báo Đức cũng ra sức vào hùa giúp đỡ đồng nghiệp Mỹ trong công việc bất hợp pháp đó. Điều này có thể tạo ra một thảm họa đối với sự nghiệp chính trị của đương kim Thủ tướng Đức. Tuy nhiên, bà Merkel ở thời điểm bùng nổ câu chuyện trên đã chọn cách làm lơ. Rồi tiếp theo bà mới cho người phát ngôn chính thức của chính phủ bày tỏ sự giận dữ trước việc làm sai trái này. Khi đó thì mọi sự đã không còn quá gay gắt nữa… Theo nhận xét của nhà sử học Edgar Wolfrum, nữ Thủ tướng Đức “biết cách làm dịu bất cứ một sự căng thẳng nào”. Bà không bao giờ nôn nóng mà biết nhẫn nại chờ đợi để rốt cuộc mới vào cuộc cùng với ý kiến đang là chủ đạo trong xã hội. Đó chính là một tài năng chính trị bẩm sinh có thể bị chê bai nhưng lúc nào cũng hữu hiệu…

Bà Merkel đã biết cách thể hiện tư thế “bà đầm thép” của mình ngay cả trên chính trường châu Âu. Từ năm 2008, nữ Thủ tướng Đức đã phải nhận vai trò nhà cấp cứu khủng hoảng ở “lục địa cũ”. Và phải ra tay nâng đỡ đồng euro đã bị các vấn đề ở Hy Lạp đe dọa nhấn chìm. Tên họ của bà không được ưu ái lắm tại Athens cũng như ở một số thủ đô Nam Âu. Tuy nhiên, nữ Thủ tướng Đức giành được sự ủng hộ ở nhiều phần còn lại tại châu Âu và trên thế giới vì cách hành xử của bà có lẽ đã là tối ưu trong các chiến dịch thoát hiểm đối với các nền kinh tế thuộc khu vực đồng euro.

Cần phải biết rõ tiểu sử của bà Merkel để hiểu, tại sao nữ Thủ tướng Đức lại có thể trở thành một chính trị gia như hiện nay. Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử hậu chiến của Đức lại có một nhà lãnh đạo bị đánh giá không đủ tầm như người con gái của vị mục sư tỉnh lẻ Đông Đức này. Theo nhận xét của giáo sư Gerd  Langgut, tác giả tập sách Angela Merkel: “Cuộc sống ở Cộng hòa Dân chủ Đức cũ đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhân cách của bà Merkel. Thí dụ như hệ thống giáo dục Đông Đức, dựa trên nguyên tắc của hệ thống Xôviết, liên tục đòi hỏi học sinh phải lập thành tích và có kết quả tốt. Trong hệ thống này, các môn khoa học tự nhiên và toán cũng như tiếng Nga đã được giảng dạy rất nghiêm túc. Bà Merkel từng giành chiến thắng trong một kỳ thi Olympic tiếng Nga và được thưởng một chuyến tham quan Thế vận hội ở Moskva năm 1980. Angela đã luôn là một nữ sinh gương mẫu. Có lẽ cô học sinh ấy đã được động viên bởi những lời dặn dò của cha mẹ: “Con là con gái một thầy dòng nên con phải cố gắng hơn những người khác mới may ra đạt được những thứ mà họ đạt được”. Tôi cho rằng, chính cách hành xử như thế cho tới hôm nay vẫn còn tác động đến bà Merkel.

Ngoài ra, hoạn lộ chính trường lắm khi lại là kết quả của những xoay vần thế sự tình cờ, mà bà Merkel lại là người biết cách tìm ra mối lợi 100% từ những tình huống như thế. Bà có khả năng định hướng nhanh nhạy trong những tình huống bất thường và lắm khi chuyển bại thành bất bại, thậm chí là thành có lợi cho mình...”. Cũng vị giáo sư này đã thuật lại câu chuyện về tuổi thơ mà bà Merkel từng thổ lộ với ông: “Trong một giờ học bơi, bà ấy định nhảy từ cây cầu  3m xuống bể. Khi lên tới đỉnh cầu, bà ấy cảm thấy sợ hãi, 40 phút liền không dám nhảy xuống. Bỗng vang lên tiếng chuông báo hiệu hết giờ học và bà ấy như giật mình, nhảy ngay xuống dưới. Theo tôi, điều này chứng tỏ một việc: Bà Merkel rất khó khăn khi đưa ra quyết định, bà ấy cần thời gian suy nghĩ, nhưng nếu đã nghĩ rồi thì giời cũng không ngăn nổi. Đó có lẽ là nguyên nhân dẫn tới những thắng lợi của bà trên chính trường...”.

Trong những lần phát biểu đầu tiên trước công chúng rộng rãi của bà Merkel, không ít nhà quan sát tìm ra bên cạnh sự không ăn ống kính truyền hình trong ngoại hình của bà có cả sự thiếu hụt những luận điểm tổng quát. Bà không phải là nhà truyền giáo. Bà là một con người thực tế. Nữ nhà báo Jacquelin Boysen, người từng viết tiểu sử của bà Merkel ngay từ khi bà còn chưa trở thành người lãnh đạo nội các Đức, nhận xét: “Bà Angela Merkel tất nhiên không phải là một nhà  tư tưởng. Nhưng bà biết đưa ra những quyết định đúng chỉ dựa trên các số liệu và sự kiện”. Một khi có đủ những lý do và luận cứ  xác đáng nghiêng về một giải pháp nào đó, bà dễ dàng bỏ qua tất cả những  quy tắc về tư tưởng hay chương trình tổng quát của ngay cả CDU... Thực dụng là nguyên tắc trên hết của bà Thủ tướng Đức. Bà không bao giờ cố chấp và sẵn sàng thay đổi những góc nhìn không còn có tác dụng thực tế nữa. Sau khi xảy ra thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản Fukusima mùa xuân năm 2011, người đàn bà từng ủng hộ chương trình điện hạt nhân đã trở thành nhà đấu tranh quyết liệt với hướng phát triển năng lượng này. Và uy tín của cá nhân bà không hề bị ảnh hưởng vì thế. Từ một “thanh nữ” được sự che chở của cựu Thủ tướng Helmut Kohl, bà Merkel từ lâu đã trở thành “má” của CDU và nắm rất chắc nội các cũng như chính đảng của mình. Và điều này có lý do của nó. Ngay từ nhỏ, bà Merkel đã học được cách sống hòa hợp với xung quanh, bất kể thực tại là gì. Bà cũng biết cách thận trọng trong mọi mối quan hệ. Bà biết lắng nghe ý kiến của những người khác, ngay cả nếu như họ nói không phù hợp với hệ thống quan niệm của bà. Tất cả những ai từng giao tiếp với bà từ thời trẻ đều phải công nhận khả năng hòa đồng rất lớn của nữ Thủ tướng Đức. Bà nhận thức ra vấn đề rất nhanh nhưng lại không bao giờ vội vàng trong hành động. Có lần, bà Merkel đã tự nói về mình: “Tôi không phải là người đưa ra các quyết định chớp nhoáng. Tôi xem xét các quá trình trong toàn bộ tổng thể và suy nghĩ kỹ về các hệ lụy của biện pháp này hay biện pháp khác...”.

Bà Merkel bước vào chính trường tương đối muộn, dường như là tình cờ nhiều hơn cố ý. Năm 1989, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, bà đã trở thành phụ tá báo chí cho chính quyền lâm thời tiền thống nhất dưới sự chèo lái của ông Lothar de Maizeira. Cương vị này đã là cơ hội để bà thể hiện tài tổ chức và khả năng giao tiếp với công chúng của mình. Trước đó không lâu, bà đã gia nhập CDU. Rồi khi nước Đức thống nhất, người đứng đầu nội các lúc đó là trưởng lão Helmut Kohl năm 1994 đã đưa bà Merkel lên làm Bộ trưởng Bộ Bảo vệ môi trường và An toàn của các nhà máy điện hạt nhân. Năm 1998, ông Kohl đã thất cử và đây là cú sốc lớn đối với CDU. Tuy nhiên, với bà Merkel thì mọi sự lại có vẻ như không có gì bi thảm cả. Bà nhìn thấy cơ hội củng cố vị thế của mình trong đảng khi kỷ nguyên Kohl chấm dứt... Vị Chủ tịch CDU mới Wolfgang Schauble đã đưa bà Merkel làm Tổng thư ký. “Quan trọng nhất là báo chí liên tục viết về chúng ta!” - đó là phương châm hành động của bà ở thời điểm làm thủ lĩnh phe đối lập. Sau khi xảy ra vụ tai tiếng liên quan tới quỹ đen với những dính líu của ông Kohl và ông Schauble, bà Merkel đã trở thành người chủ xướng quá trình đổi mới CDU. Tới tháng 4/2000, bà trở thành nhân vật số một trong CDU và sau thắng lợi của cuộc bầu cử Quốc hội năm 2005, bà đã lên làm người đứng đầu nội các, mặc dù lúc đó tỉ lệ phiếu ủng hộ CDU chỉ đủ để đảng này liên kết với những người dân chủ xã hội trong một liên minh cầm quyền... Trong suốt 13 năm đứng đầu CDU và Chính phủ Đức, bà Merkel đã chứng minh được khả năng dẫn dắt của mình. Và khả năng này hiện vẫn đang được các cử tri Đức đánh giá cao...

Đinh Thế Cường
.
.