Bí ẩn Catherine Deneuve

Thứ Sáu, 24/04/2009, 10:20
Năm 2009 này hứa hẹn sẽ trở thành "đắc vụ" trong sự nghiệp điện ảnh dài hơn nửa thế kỷ của ngôi sao màn bạc Pháp Catherine Deneuve (bà sinh ngày 22/10/1943). Ít nhất là sẽ có tới 6 bộ phim với sự tham gia của Deneuve liên tiếp ra mắt khán giả năm châu. Trong lịch sử điện ảnh thế giới hiếm có trường hợp nào mà một nữ minh tinh không còn ở thời thanh xuân nữa vẫn được trọng dụng đến như thế.

Theo nhận xét của nhà nghiên cứu điện ảnh Philippe Durand, điều kỳ diệu đó trong cuộc đời Deneuve là kết quả của việc nữ nghệ sĩ này đã xây đắp sự nghiệp của mình một cách hết sức tỉnh táo và hợp lý. Bà luôn có cách ứng xử thực tế đối với điện ảnh. Bà biết rõ sở trường sở đoản cá nhân và chấp nhận vai diễn thích hợp với lứa tuổi thực tế của mình.

Thậm chí bà còn biết cách mở rộng  thể loại sáng tạo - giờ đây, khi tuổi đã cao, bà lại hay tham gia các bộ phim hài. Đang có không ít đạo diễn mơ ước mời được Deneuve tham gia vào phim của họ. Trong mắt của nhiều người yêu phim trên thế giới, Deneuve vẫn tiếp tục là một trong những biểu tượng hấp dẫn nhất của nền điện ảnh Pháp.

Một số nhà phê bình đôi khi hay cạnh khóe về việc "bà ngoại" Catherine vẫn còn phải đóng những cảnh "ú tim" với các nam diễn viên chỉ bằng tuổi cháu của mình. Biết vậy nên năm 2008, Deneuve đã tuyên bố: "Tôi hiểu thế nào là làm một người bà, tôi có hai cháu trai và một cháu gái. Phải, tôi đã 65 tuổi, nhưng khi tôi nhìn vào mẹ tôi, năm nay đã 98 tuổi, thì tôi hiểu rằng, tôi không cần phải quá lo lắng. Mẹ tôi vẫn còn rất phong độ, và điều đó có nghĩa là, tôi cũng có những gien giúp tôi trông tuyệt vời. Tuy nhiên, tôi không hề có ý định sẽ đóng phim tới năm 100 tuổi và tôi biết rõ khi nào tôi sẽ cần phải dừng lại".

Deneuve cho rằng: "Hiện nay được trọng dụng trong điện ảnh là một việc còn phức tạp hơn so với trước đây. Các bộ phim được làm ra ngày một ít đi, mà số lượng các diễn viên thì ngày một đông hơn. Giả sử như hôm nay tôi lại phải bắt đầu sự nghiệp diễn viên của mình thì có lẽ tôi sẽ không đạt được những đỉnh cao như tôi đã đạt được. Để vượt qua được sự cạnh tranh hôm nay trong giới nghệ sĩ, cần phải luôn luôn sống động và không để cho người ta buộc mình vào những khuôn sáo nào đó hay những dạng vai diễn nhất định nào đó. Bởi lẽ, hệ thống nào cũng muốn dán nhãn lên ta. Riêng tôi, mỗi khi phân vân về việc sẽ đóng hay không đóng trong một bộ phim nào đó thì tôi không hề nghĩ tới chuyện vai diễn đó sẽ ảnh hưởng thế nào tới sự nghiệp của tôi. Tôi luôn luôn chỉ làm những gì mà tôi muốn".

Bằng sự nhạy cảm và trí tuệ tinh tường của một nghệ sĩ thượng thặng, Deneuve đã hiểu rất rõ phương thức trình diễn tình yêu trên màn bạc ở thời hiện đại. Theo bà, "phương thức trình diễn tình yêu trong điện ảnh đã thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây. Các đạo diễn cố gắng không chỉ truyền tải sự sâu sắc của tình cảm mà còn cả những khía cạnh nhạy cảm hơn, tôi muốn nói tới góc độ vật chất của tình yêu. Ngoài ra, điện ảnh hiện đại chủ yếu là trưng diễn tình yêu hơn là kể về tình yêu. Tôi muốn nói thêm một điều rằng, điện ảnh hiện đại không để lại chỗ cho không chỉ tình yêu mà cả tình bạn nữa. Mà tình bạn, đó cũng là một tình cảm không kém phần quan trọng"…

Gien hiển nhiên cũng có vai trò quan trọng nhưng trong ba thập niên gần đây, để gìn giữ nhan sắc gần như không hề héo úa của Deneuve, một bác sĩ thẩm mỹ lừng danh ở Paris đã phải cố gắng không mệt mỏi. Theo lời chính nữ minh tinh nói, bà có lẽ trông còn tuyệt vời hơn nếu hoàn toàn không hút thuốc lá hay không uống cà phê nhiều đến thế...

Thế nhưng, với Deneuve, một phụ nữ không hề biết ăn kiêng (bà nếu thích có thể uống cả vodka), thuốc lá lại giúp làm giảm cân. Deneuve cho rằng, để duy trì phong độ và ngoại hình tốt, cần "nước lọc, giấc ngủ ngon và… tình yêu".

Theo lời Deneuve, bà sống một cuộc sống bình thường: "Tôi ở Paris, không có bên cạnh cả nhóm bảo vệ, tất cả đều bình thường. Vì sao đấy công chúng cứ nghĩ rằng tôi là một người phụ nữ đặc biệt… Tôi không coi tôi là một phụ nữ rất xinh đẹp. Tôi coi tôi là một người phụ nữ trông cũng được.

Tuy nhiên, không phải lúc nào trông cũng được". Bà cũng tâm sự: "Tôi không sợ những chuyện đồn thổi. Từ lâu tôi đã tạo ra được sự miễn dịch với những gì người ta viết hay nói về tôi. Tôi không chú ý gì tới việc đó nữa".

Nói vậy, nhưng đôi khi Deneuve vẫn thổ lộ tâm tình hết sức cởi mở và bạo dạn. Thí dụ, bà có lần đã bảo ở tuổi trên lục tuần này, bà vẫn sẵn sàng phải lòng một người đàn ông nào đó xứng đáng "một cách mê mẩn": "Tất nhiên, không nhất thiết là chuyện đó sẽ xảy ra, nhưng tôi quan tâm tới tình yêu ở mọi góc độ bộc phát của nó.Và trong tình yêu, tôi sẵn sàng làm nô lệ, tuân theo mọi ý muốn của người đàn ông…".

Deneuve cho rằng, "không thể so sánh tình yêu của người đàn ông dành cho người đàn bà với tình cảm của con người dành cho gia súc. Tình cảm của con người đối với mèo hay chó - đó không phải thứ tình cảm bẩm sinh mà là thứ tình cảm được hình thành trong nhiều thế kỷ tồn tại của loài người.

Xã hội càng phát triển, chúng ta càng lại gần hơn sự tự cô lập, khi con người cảm thấy mình giống như hạt cát đơn côi trong cái thế giới  bao la này. Vì thế, chúng ta càng ngày càng quyến luyến hơn với những con vật nuôi trong nhà, ngõ hầu chọc thủng đi sự tự cô lập ấy.

Còn về phần cái chương trình tình yêu đã được cài đặt vào trong con người và tất cả các sinh vật sống, thì theo tôi, chúng ta hôm nay vẫn chưa thấu hiểu được tới tận cùng bản chất của nó. Bởi tình yêu của người phụ nữ rất khác so với tình yêu của người đàn ông. Đối với phụ nữ, tình yêu là một cái gì đó to lớn hơn nhiều so với cái đối với đàn ông"…

Công chúng chỉ có thể biết rất mù mờ về những mối tình có thể có của Deneuve. Deneuve nói rằng, ngay từ khi trẻ, bà đã không thích tiếp xúc với báo giới, không phải vì không yêu các nhà báo mà vì rất không thích kể về đời tư của mình. Các tay săn ảnh cũng không hứng thú gì với việc chộp cảnh bà đi bên cạnh những người đàn ông khác nhau.

Các ấn phẩm thời thượng thông thường không dám in những bức ảnh như thế. Họ nhớ rằng Deneuve đã từng thắng trong cả chục vụ kiện nhiều tạp chí và nhận được những khoản tiền phạt kếch sù từ những ấn phẩm đã cố tình xâm phạm vào đời tư của bà…

Cha mẹ của Catherine Deneuve đều là nghệ sĩ. Người cha tên là Maurice Dorleac; người mẹ là Renee (họ thời con gái là Deneuve). Theo lời Catherine Deneuve, bà bước vào làng điện ảnh một cách tình cờ, nhờ người chị gái Francoise Dorleac, cũng là một nữ diễn viên điện ảnh.

Chính Francoise vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước, lúc đó đã nổi tiếng và rất được công chúng ưa chuộng, đã khích lệ cô em gái xinh đẹp mới 16 tuổi tham gia bộ phim đầu tiên "Nữ sinh trung học".

Và cũng chính Francoise đã chủ động giới thiệu Catherine với bạn mình là đạo diễn Roger Vadim để người đàn ông xuất chúng và đào hoa này dìu em gái mình vào sâu hơn trong nghệ thuật một cách bản năng, dạy cho nàng những thủ pháp của nghề một cách tự nhiên trong trường quay, không cần một trường lớp chuyên nghiệp nào cả. (Về sau, Deneuve đã nói rằng, theo bà, có lẽ diễn viên là nghề không cần học trong trường...).

Nghĩ rằng trong làng điện ảnh Pháp chỉ nên có một nữ diễn viên nổi tiếng mang họ Dorleac nên Catherine đã lấy họ mẹ ghép vào nghệ danh của mình… Francoise Dorleac đã bị thiệt mạng trong một tai nạn năm 1967 và Catherine Deneuve, như lời bà nói, cho tới hôm nay vẫn không nguôi thương nhớ người chị gái yêu quý của mình…

Đạo diễn Roger Vadim, sau khi chiếm được trái tim của Catherine Deneuve  đã đưa nàng vào phim "Tội lỗi và đức hạnh" năm 1962. Có điều, do quá ấn tượng với minh tinh đầu tiên của mình là Brigitte Bardot nên Vadim đã không nhìn thấy ở Deneuve một siêu sao mới.

Và vì thế Deneuve chỉ thực sự nổi tiếng sau chiến thắng vang dội của bộ phim ca nhạc kinh điển "Những cái ô Cherbourg" của đạo diễn Jacques Demy năm 1963, một tuyệt tác điện ảnh đã đoạt giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim quốc tế Cannes năm 1964 (giải Cành cọ vàng thứ hai chỉ được trao cho một bộ phim Pháp khác vào năm 1987!).

Cũng trong năm 1964, Deneuve lại rất thành công trong vai chính (một nữ sát thủ thù ghét đàn ông và không nương tay khi giết họ) của bộ phim tâm lý hành động "Sự ghê tởm" của Roman Polanski - đây cũng là bộ phim Anh ngữ đầu tiên của đạo diễn lừng danh này.

Đoạn đường tiếp theo trong điện ảnh càng ngày càng củng cố vị thế nữ minh tinh Pháp hàng đầu của Deneuve khi bà liên tiếp làm việc với hàng loạt những đạo diễn tầm cỡ của làng phim thế giới như Luis Bunuel ("Tristana", 1970) hay  Fracois Truffaut ("Chuyến tàu điện ngầm cuối cùng", 1980)…

Chính nhờ vai trong phim của Truffaut mà Deneuve đã được nhận giải Cesar đầu tiên năm 1981. Một trong những vai diễn mạnh bạo nhất của Deneuve là trong phim của Bunuel "Mỹ nữ ban ngày" (1967)…

Bất chấp vô số những lời mời mọc từ Hollywood, cho tới cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Deneuve đối với công chúng ở Mỹ vẫn chỉ là một gương mặt quen thuộc trong các đoạn phim quảng cáo mỹ phẩm.

Vai diễn điện ảnh gần như duy nhất của Deneuve được biết tới rộng rãi ở Mỹ là vai một trong những quỷ cái hút máu người trong bộ phim cực kỳ ăn khách "Cơn đói" của đạo diễn Toni Scott (1983)…

Deneuve nói rằng, không phải là bà không thích cộng tác với Hollywood, nhưng chính bà cũng không hiểu vì sao bà chẳng thể làm được cái gì đáng giá ở đó. Theo bà, có lẽ để thành danh ở Hollywood thì cần phải mang tính cách Mỹ một chút, nhưng bà lại là một phụ nữ Pháp tới tận chân tơ kẽ tóc. Ở Hollywood là một phong cách khác, là những mối quan hệ kiểu khác trong phim trường mà Deneuve không làm sao quen được…

Hai thập niên gần đây cũng thường xuyên mang lại thành công cho Deneuve. Các nhà phê bình đã đặc biệt ưu ái vai diễn của bà trong phim "Đông Dương" (1992) - phim này từng đoạt giải Oscar dành cho phim nước ngoài xuất sắc nhất và vai diễn trong phim đã mang lại cho Deneuve giải Cesar thứ hai năm 1993…

Năm 1999, ở tuổi 56, Deneuve, bất ngờ với cả báo giới và làng nghệ sĩ, đã đồng ý tham gia một cảnh lõa thể đầy ấn tượng. Năm 2002, bộ phim "8 người phụ nữ" (đạo diễn Francois Ozon) có sự tham gia của Deneuve đã nhận được rất nhiều lời đánh giá tích cực, còn hai năm trước đó (2000), phim "Khiêu vũ trong bóng tối" (đạo diễn Lars Von Trier) cũng với sự tham gia của Deneuve đã được nhận giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim quốc tế Cannes…

Catherine Deneuve có một con trai (Christian) từ tình yêu với đạo diễn Roger Vadim (Plemianniokov) và một con gái (nữ diễn viên Chiara Mastroianni) với nam diễn viên lừng danh người Italia, Marcello Mastroianni. Cả hai người đàn ông thượng thặng này đều muốn cưới Deneuve, nhưng bà đều từ chối họ, mặc dầu luôn đánh giá họ rất cao trên cả phương diện sáng tạo lẫn trong đời sống tình cảm…

Bà muốn luôn là điều bí ẩn vĩnh cửu trong mắt những người đàn ông yêu quý và phải vì thế chăng nên bà không bao giờ muốn trở thành vật sở hữu hoàn toàn của họ trong liên minh được gọi là hôn nhân?!

Huyền Anh
.
.