Phạm Thị Bích Thủy: Viết bằng những trải nghiệm máu thịt

Thứ Năm, 16/06/2016, 10:37
Tôi đã gặp rất nhiều phụ nữ, nhưng chị là người phụ nữ gây ấn tượng lạ lùng về một người đàn bà mạnh mẽ, cá tính nhưng vẫn đầy dịu dàng, đằm thắm. 


Là dân "ngoại đạo" nhưng đã cho ra mắt 4 cuốn sách dày hàng trăm trang, nhận được sự phản hồi của nhiều nhà văn, nhà thơ lớn: Tập truyện ngắn "Chạy trốn" (2013), tiểu thuyết "Đồi cát bay" (2014), "Tiếng sáo lạc" (2015), "Đáy giếng" (2015). Và chị, ở trong thẳm sâu là một người sinh ra để viết văn và ngoan đắm cùng nẻo đường văn chương với tình yêu không bờ bến. 

Chị tâm sự: "Vì khát vọng về một cái đẹp cố gắng theo đuổi, được sống yêu thương đến cùng cực, tôi nhận ra, nhờ viết văn tôi trở nên thông minh hơn, logic hơn, kiên nhẫn đến lì lợm và luôn sẵn sàng đón nhận cuộc sống ở mọi góc cạnh".

Cuốn tiểu thuyết mới của Phạm Thị Bích Thủy có cái tên giản dị Đáy giếng. Giản dị nhưng không giản đơn, bởi cuốn tiểu thuyết dày hơn 400 trang là những trang viết đầy dông bão với trải nghiệm của chính tác giả trong một đề tài quen thuộc, hấp dẫn nhưng khó thể hiện là cuộc đấu tranh của con người trong đời sống đương đại. Nội dung 400 trang sách xoay quanh các nhân vật ở nhà máy rượu Vodaco. 

Không gian nghệ thuật hạn hẹp và tù túng sau cánh cổng sắt gỉ ngoen và những bức tường vôi ẩm thấp lở rụng lả tả theo mỗi ngày dưới ánh đèn vàng đục quanh năm thiếu sáng bởi đã cháy mấy cái bóng mà chẳng ai thay chính là nơi tải một trường thiên chưa có hồi kết của cả một nền kinh tế đi từ bao cấp đến thị trường với mặt trái đầy những gian manh, lọc lừa, tham lam, xảo quyệt... Những con người với rất nhiều thủ đoạn, những trò thớ lợ trong bức màn sân khấu cuộc đời được vén lên...

Nhà văn Ma Văn Kháng - một cây đại thụ trong văn chương Việt - nhận xét: "Kể lại một câu chuyện mà giữ được bạn đọc suốt mấy trăm trang sách thật không dễ dàng gì. Đáy giếng là câu chuyện làm ăn, quan hệ giữa người với người trong guồng máy sản xuất dần dần hiện lên dưới ngòi bút kể chuyện nhẩn nha, đủng đỉnh của nhà văn. 

Nhẩn nha, đủng đỉnh là một thủ thuật đòi hỏi người viết phải có cái duyên văn tự. Nhìn chung đây là một mạch truyện luôn biến động mà sâu trầm vì sự sống dồi dào, cuồn cuộn, liên tiếp có những làn sóng cao trào nhiều kịch tính, đặc biệt càng về cuối càng cuốn hút vì các sự kiện và tính cách nhân vật đã được đẩy đến đỉnh điểm. Nói đến tiểu thuyết là nói đến nhân vật. Thành công của cuốn sách còn nằm ở phương diện này".

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan cũng đồng quan điểm: "Phạm Thị Bích Thủy, đến cuốn tiểu thuyết thứ ba này của mình, cho thấy một đặc điểm nổi bật xuyên suốt các sáng tác của cô: Không nhân nhượng, đến từng chi tiết, về ý tưởng và thông điệp, không nhân nhượng ngay cả với nhiều đòi hỏi tự thân của việc kể chuyện văn học. 

Giọng kể hay giọng điệu văn chương của cô riết róng, dồn dập, tựa như muốn vắt kiệt đối tượng kể. Bởi thế truyện của tác giả này lôi cuốn, theo cách nó luôn gây ấn tượng câu chuyện nó kể có gì đó rắc rối, bất ngờ hay tai quái đang chực chờ ngay ở đoạn sau hay trang sau. Ấn tượng đó lại toát ra từ những trần thuật dung dị, nhiều lúc tỉ mẩn, về những sinh hoạt hằng ngày - bối cảnh tác thành các âm mưu và biến cố".

Phạm Thị Bích Thủy kể lại, thời còn là học sinh, thi đại học khối A (Toán, Lý, Tiếng Pháp) và chị đạt điểm cao nên được cử đi học đại học ở Liên Xô. Thi một ngành, học một ngành. Học dự bị đại học tiếng Nga, ban đầu chị được phân theo nguyện vọng học Khoa Công nghệ sinh học, nhưng sau tổ chức lại xếp sắp học khối C. 

Cuối cùng, chị nhập vai sinh viên Đại học Sư phạm quốc gia A. I Gersen tại Leningrade (nay là Saint Petersbourg) và nhập khoa Tiếng Nga và Văn học. Một thế giới mới bất ngờ mở ra trước mắt cô nữ sinh Việt Nam đa năng. 

Văn học Nga, đặc biệt văn học cổ điển Nga, với những tên tuổi lẫy lừng: F.M. Dostoyevski, A.Poushkine, Lev Tolstoi, A. Tchékhov, I. Tourguéniev... đã để lại những ấn tượng thẩm mỹ không thể mờ phai trong thế hệ chị, khơi gợi cảm hứng sáng tạo trong tâm hồn của một phụ nữ nhạy cảm như chị. Chị đã có những cảm nhận đầu tiên, những trang viết đầu tiên từ những ngày du học ấy, nó đã được chị ấp ủ, nuôi dưỡng như ươm một mầm xanh chờ đến ngày cho hoa thơm, quả ngọt.

Chị kể: "Năm 1985, tôi về nước. Nhận công việc giảng dạy tại Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, trở thành cô giáo dạy văn học Nga. Đó là những năm tháng đất nước đứng bên bờ khủng hoảng, mọi người đều phải gồng mình bươn chải để mưu sinh và phát triển. 

Cùng với tiếng Nga, tôi thi vào học đại học chính quy tiếng Anh và thi lấy bằng cử nhân Anh văn rồi học thạc sĩ quản trị kinh doanh và bắt đầu dấn thân vào kinh doanh. Ban đầu là để kiếm sống và rồi nhận ra tất cả sự hấp dẫn vì tính phong phú, sinh động của các hoạt động và những đặc sắc trong tính cách của con người ở lĩnh vực kinh doanh. 

Tôi bắt đầu làm việc cho các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, những thương hiệu nổi tiếng đón nhận nhiệt tình. Đó là những tháng năm đầy hăm hở và nhiệt tình của tuổi trẻ, cộng với những ham muốn về khám phá, học hỏi. Tôi đi nhiều, lên rừng, xuống biển, đi khắp trong Nam ngoài Bắc, có dịp tới những đất nước giàu có, phát triển và cũng phải lăn lộn ở những vùng đất vô cùng nghèo đói, đau khổ, có dịp được gặp gỡ và giao tiếp với đủ các chức sắc, các hạng người. 

Trực tiếp tham gia đủ các công việc lớn nhỏ. Đó là thời gian tôi học hỏi, và tích lũy được rất nhiều bài học bổ ích cho cuộc sống và nghề nghiệp. Với hầu hết những người có khát vọng, đó là một môi trường tuyệt vời để lao động, cống hiến và thu nhận thành quả của mình. Cố nhiên là vất vả. Tôi không có thời gian rảnh để xem ti vi, để đi chơi. 

Công việc triền miên, bận rộn với guồng quay tưởng như không dứt đó, tôi bỗng nhận ra cái phần đã bị che lấp trong mình bấy nay với những nỗi khát vọng bộc lộ, được tỏ bày trên những trang văn, như một phần hồn cốt. 

Và tôi bắt đầu viết nên những trang sách đầu tiên về tất cả những gì tôi đã tích tụ, trải nghiệm, cả nỗi đau khổ, niềm hạnh phúc, cả tiếng cười, tiếng khóc trên dọc đường cuộc sống, cả chuyện của đời mình và cả những câu chuyện mình đã được chứng kiến. Tôi nhớ nhà văn A.Tchekhov đã nói: "Nếu trong anh có một cái truyện ngắn thì rồi thế nào nó cũng tìm cách bật ra". 

Ai đó cũng đã nói thật: "Sống rồi mới viết". Viết bằng tất cả những trải nghiệm đúng của chính mình!

Và chị bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tay như: Công nhân dây chuyền giày, Log book, Đậu phụ, Casablanca, Thời đại Internet. Báo tin cho hạnh phúc, Bình yên... 

Nhà văn Ma Văn Kháng, một nhà văn kỹ tính đã đọc truyện ngắn của chị và nhận xét: Truyện của chị kiệm lời, hàm súc, loại truyện này là những lát cắt gọn ghẽ, có sức gợi của ngụ ngôn, chúng cho ta thấy một vài đặc điểm của cuộc sống hôm nay, và đọc xong, gấp sách lại, hơn cả trách móc, trong ta còn lại một nụ cười hóm hỉnh trên môi. 

Những lớp truyện với đầy đủ những hỉ-nộ-ái-ố ở đời, những số phận bi thương, những hoàn cảnh bế tắc cùng cực và sự quẫy cựa trong văn phong của Bích Thủy đã cho thấy người viết quan sát cuộc sống bằng con mắt, nhưng cảm nhận thì phải bằng trái tim. 

Mới hay, để trở thành người viết thực sự, phải biết bồi đắp năng khiếu ban đầu của mình. Nghệ thuật luôn đặt giá trị ở tầm vóc các trang viết. Đọc truyện của Thủy, không thấy dấu vết của sự non nớt, cẩu thả. Thủy viết khá chắc tay. Các thủ pháp kể, dựng, tả, luận hài hòa trong thuần thục và tinh tế.  Mạch văn của Thủy dồi dào, tươi tắn, tự nhiên, thoải mái, như viết bằng trực giác, bằng bản năng.

Ở chị không có sự yếu đuối của một người đàn bà lệ thuộc bởi một điều gì đó trong cuộc sống rộng lớn. Chị cho người đối diện một cảm giác mạnh mẽ và được cuốn vào trường liên tưởng của chị, cuốn vào đời sống đầy bận rộn và tỉnh táo của chị. 

Một công việc không được phép mơ hồ, không được phép dùng dằng hay trì hoãn. Chị năng động và dường như làm hết việc của người khác, khó có thể nghĩ chị đã phải dừng lại trong giây lát nào đó để quan sát những điều tỉ mẩn như những trang văn chị đã mô tả. Năng lực của chị thực sự đáng ngưỡng mộ.

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan sau khi đọc cuốn tiểu thuyết thứ ba này của chị đã nhận xét: "Cuốn tiểu thuyết thứ ba này cho thấy một đặc điểm nổi bật xuyên suốt các sáng tác của cô: Không nhân nhượng đến từng chi tiết, về ý tưởng và thông điệp; không nhân nhượng ngay cả với nhiều đòi hỏi tự thân của việc kể chuyện văn học. 

Giọng kể hay giọng điệu văn chương của cô riết róng, dồn dập, tựa như muốn vắt kiệt đối tượng kể. Bởi thế, truyện của tác giả này lôi cuốn, theo cách nó luôn gây ấn tượng câu chuyện nó kể có gì đó rắc rối, bất ngờ hay tai quái đang chực chờ ngay ở đoạn sau hay trang sau. Ấn tượng đó lại toát ra từ những trần thuật dung dị, nhiều lúc tỉ mẩn, về những sinh hoạt hằng ngày - bối cảnh tác thành các âm mưu và biến cố".

Chị năm nay đã ở tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh", nhưng vẻ năng động và đầy hoài bão trong đời sống khiến chị trẻ hơn tuổi rất nhiều. Chị vẫn nỗ lực viết và còn nhiều dự định cho trang viết của mình trong thời gian tới, dù chị bận rộn với nhiều công việc đời thường. Tôi khâm phục bút lực của chị, cũng như sự cuốn hút mà những trang văn và thần thái của con người chị mang lại. 

Nói như nhà văn Chu Lai, Phạm Thị Bích Thủy là nhà văn, nhưng cũng là một doanh nhân, chính những trải nghiệm máu thịt đã giúp chị có được những trang viết đầy ắp hơi thở cuộc sống đến thế. Văn học Việt Nam viết nhiều về chiến tranh, trận mạc, nhưng Đáy giếng là cuốn sách về kinh tế - một đề tài rất hiếm.

Nếu không có vốn sống về kinh tế thì không thể viết được, bởi không dễ gì có thể bịa về những miếng đòn, chiêu trò đặc trưng của doanh nghiệp và của những con người trong cỗ máy ấy. Tôi thấy thương tác giả, hẳn cuộc đời phải ba chìm bảy nổi lắm mới viết được những trang văn như thế này. Chị viết để giải tỏa những nỗi niềm nhức nhối trong lòng. Chị viết về cái xấu đầy xa xót. 

Đáy giếng và những trang viết của chị thực sự là sự dũng cảm của một người cầm bút, của một người phụ nữ viết văn...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.