Nhà văn Mạc Can: Bây giờ ngồi ngó xa xăm

Thứ Sáu, 06/02/2015, 16:33
Mạc Can nói, ông có rất nhiều ngày trôi qua vô nghĩa. Thấy không cần thiết phải ngủ, ăn cũng là một việc thừa thãi, nhưng rồi lại chẳng biết làm gì. Cứ ngồi thõng tay, nghiêng ngó xa xăm.

1. Như hôm nay cũng là một ngày vô nghĩa với Mạc Can. Cơn đau khớp hành hạ ông đến méo mó nụ cười. Ông dùng thuốc giảm đau liều mạnh. Những viên con nhộng đỏ xanh xói mòn bao tử, Mạc Can ói ra nhúm máu tươi. Lơ mơ mở mắt, đã thấy dây nhợ đầy người, cơn đau chạy dọc dài cơ thể, người hâm mộ đứng lưa thưa nơi đầu tủ nhà thương. Mạc Can cười hì hì bảo: “Lâu lâu lại có mấy nhà báo đến thăm, thông tin tui bệnh “sắp ngoẻo” lan đi nhanh ghê. Xưa giờ đây là lần đầu tiên tui nằm viện đó cô hai. Thấy cái gì cũng hay, cái gì cũng lạ”.

Mạc Can gọi nội soi là coi “truyền hình trực tiếp”. Cuộc phiêu lưu của chiếc camera nhỏ chút ngang nhiên diễu qua ruột gan mình. “Chứ lòng dạ con người, dễ dầu gì mà mắt thường thấy được” - Mạc Can bảo vậy. Tiếp lời ông, rằng nói chi cay đắng quá, ông lại cười hì hì: “Tui nói nghĩa đen hết đó. Cô hai nhạy cảm quá chừng đi”.

Sáng cuối năm, nắng nhạt màu lành lạnh, gió mỏng như hơi thở bên tai, Mạc Can ngồi thõng tay, nói cười tỉnh rụi. Ông cứ ngắt câu khi chưa xong ý, làm kẻ đối diện đôi ba lần chưng hửng, chỉ biết cười trừ. Đọc ở đâu đó, thấy nói lão nhà văn mang phong cách “điên loạn” từ đời thường cho đến câu viết. “Điên loạn” thì hơi nặng, với Mạc Can người miền Nam gọi đùa là tưng tửng. Vì tưng tửng nên hay cười, cười với cả ốm đau, với đắng đót, trắc trở mà phận số đeo mang. Cuộc di cư từ bến sông này, sang đồng bãi nọ suốt quãng ấu thơ như vận vào tính cách Mạc Can. Ông không hề ổn định.

Chính Mạc Can cũng nói: “Trong tui có vài ba con người. Giờ nào thì ông đó xuất hiện. Ngồi nói chuyện với cô hai là tui khác, tối tui viết văn lại là tui khác nữa, diễn hề, diễn ảo thuật lại là ông Mạc Can nào lạ hoắc”. Lạ mà không lạ, bằng hữu văn chương cũng quen dần với sự “cà tửng cà tưng” của Mạc Can. Riết rồi chẳng ai từng chứng kiến ông khóc.

Nên hỏi Mạc Can, có khi nào ông khóc chưa, ông gật gật: “Có, hồi nhỏ ông nội đánh, khóc quá chừng quá đất”. Dòng ký ức Mạc Can ngưng vào ao tuổi thơ nhọc nhằn, trong vắt. Sông dài như vô tận, những chuyến thiên di mang hình hài nhăn nhúm của cam chịu, cần lao. Trên chiếc ghe hát rong của cha, thằng nhóc Can tập cho mình không biết tiếc, không biết cất bất kỳ một mảnh nhớ nào. Bởi cứ tháo dây néo là đi, cặm sào là ở.

Vài buổi chiều, tiếng cười vang chưa ngớt, cha ngồi đầu lái, kêu lanh lảnh: “Đi, Can ơi…”. Can bứt khỏi cuộc vui, phóng ào lên ghe, đám bạn nhỏ trên bờ nhìn theo tần ngần, chưng hửng. Lòng bàn chân Can, đất đóng cục, đóng hòn. Can lơ ngơ nhìn một mảnh tuổi thơ trôi dập dờn theo con nước, mờ mịt như sương.

Thương thằng nhỏ khát chữ, thèm bờ, 8 tuổi cha không đưa Can theo nữa. Ghe đậu lại Sài Gòn, gia đình Can hát diễn mấy đêm. Sáng tinh sương cha gỡ néo, Can còn say ngủ trên bờ. Ghe đi, Can ở lại cùng ông nội, học chữ trong trường dòng.

Con chữ đến bất ngờ, nên mỗi khi muốn viết gì đó, Mạc Can lại ngồi sắp xếp lại mớ chữ nghĩa nhảy múa trong đầu mình. Ông không coi sáng tác là một nghề kiếm sống, ông bảo: “Viết để cho vui”. Viết cho vui, nhưng văn chương của ông thì buồn. Có nỗi buồn rợn ngợp, ám ảnh như Tấm ván phóng dao, lại có nỗi buồn day dứt, ràng rịt lấy tâm can như Món nợ kịch trường…

Muốn tìm một Mạc Can “tưng tửng” thì lần giở Bầy mèo vô sinh, có bọn bồ câu hung tợn và lũ mèo tinh quái; một Mạc Can đau đáu với nghề lại xuất hiện trong Con cua màu rêu, với mớ dây vải tẩm bùn, nhằng nhợ quấn lấy đám cua rệu rã… Mạc Can bảo mình có nhiều con người là vậy.

2. Mạc Can đau, phải ngồi nạng sắt mà vẫn cố đến phim trường. Như đã nói, ông sợ những ngày vô nghĩa. Là những ngày không làm được gì, không nghĩ được gì. Ngồi một chỗ nghiêng ngó thấy cái ghế cũng cười mình, cái tường cũng nhạo mình. Nên đạo điễn Bùi Nam Yên đến thăm, Mạc Can cứ năn nỉ để mình đi đóng tiếp cho xong các phân đoạn trong phim Sống để chuộc lỗi. Đạo diễn Bùi Nam Yên xua tay, bảo ông đừng lo lắng, cứ nghỉ ngơi cho khỏe.

Mới xuất viện ngày trước, ngày hôm sau, Mạc Can chống nạng sắt đi đóng vai ông già bán sách dạo trong phim của đạo diễn Nguyễn Chánh Tín. Ông nói: “Trời sanh tui cái tật cứng đầu. Ngày xưa ông nội đánh hoài là tại như vậy đó. Tui chưa kể cái chuyện tui hút thuốc, uống rượu đâu nha”.

Nói đủ thứ chuyện với Mạc Can, thấy thôi rồi, mình già trước tuổi. Bởi đôi lúc, Mạc Can “non nhuốt” như trẻ thơ, khác với đứa trẻ con như mình lại thận trọng đến từng câu nói. Mạc Can hồn nhiên kể: “Hồi xưa tui ghê lắm nghen cô hai. Tui hút thuốc nữa đó. Uống rượu nữa, ai mà nhắc tui bỏ thuốc, bỏ rượu là tui ghét ghê lắm nha. Thứ cứng đầu mà, rồi tự nhiên tui chán tui tự bỏ”.

Nhà văn Mạc Can bị đau phải dùng nạng sắt. Ảnh: Nguyên Trương.

Mạc Can nói, đớn đau khổ hạnh, tật xấu tật tốt của con người, đều do con người tự chuốc lấy. Như chính ông, nỗi cô đơn hiện tại, cũng bởi tuổi trẻ rong chơi. Ông bảo: “Giờ tui không có dám làm ác với ai. Mình ác với người ta, rồi sau này, có kẻ kia, kẻ khác đến trả lại cho mình. Hoặc giả hậu quả cũng sẽ tới. Sớm thôi, sẽ thấy, cô hai à”.

Không biết tuổi trẻ rong chơi đến cỡ nào, mà hễ thức giấc vào buổi chiều là Mạc Can thấy sợ. Ông sợ nỗi trống rỗng, ngơ ngác khi người ta vừa sau cơn mộng mị đã thấy chiều tà. Không ai một mình là không thấy sợ. Dẫu một ông lão khóc cười gần hết đời người, hay đứa trẻ trung mới qua ngưỡng 20 thì cô đơn cũng cùng một tên gọi, một cảm giác.

Mạc Can chọn nghiệp mua vui cho đời, để rồi đến cuối đường chiều lại chẳng biết bầu bạn với ai cho qua nỗi cô đơn. Chọn nghiệp mua vui, nên Mạc Can dặn dò: “Cô hai đừng có gọi tui là nhà văn, kêu tui là ông hề thôi. Đối với tui cái nghề “làm hề” nó trọng. Hồi nhỏ xíu tui tự hào mình là thằng hề, lớn lên một chút tui làm anh hề, còn bây giờ tui là ông hề”.

Diễn trên sân khấu, chẳng phải là quá sức rồi hay sao, những lúc hắt hiu, ốm đau lẻ bóng, Mạc Can buồn một chút lại thấy nhẹ lòng hơn. Ông ngồi chọc cười người khác tỉnh bơ, mà tay nắm chặt tay, nén cơn đau khớp hành hạ, nén cả hơi thở dài nặng nhọc, vụng về giấu đi những lần nhíu trán nhịn đau.

3. Như hôm nay Mạc Can cười mà mắt buồn ngơ ngác. Chẳng biết ông vui hay buồn. Lá me tây vàng lấp lóa rớt từng đợt xuống sân. Mạc Can của khoảnh khắc ngóng lá, nhìn góc nào cũng chỉ thấy tuổi già. Lão nhà văn đã ở ngưỡng thất thập cổ lai hy. Tìm câu gì nói cho mưa lá đỡ buồn nên hỏi, sắp Tết rồi có gì vui không bác? Mạc Can lắc đầu quầy quậy, như con trẻ dỗi hờn, thấy kẻ đối diện không nhịn được cười, ông cũng cười rung rinh râu bạc.

“Tết thì có gì vui hả cô hai. Tui coi đó cũng là một ngày bình thường thôi. Với tui Tết nhất bây giờ buồn thiu. Cô biết không, thậm chí, người ta xôn xao nhắc Tết là nhắc tui thêm một tuổi. Lớn rồi, sợ ngày, sợ tháng qua nhanh cô hai ơi”.

Lão nghệ sĩ Mạc Can chọn cho mình danh xưng “ông hề”.

Nhìn lại Mạc Can, thấy ngày tháng đắp lên ông không biết bao nhiêu là đồi mồi, tóc trắng. Cuộc sống cơ cực của lão nhà văn khiến ông gánh thêm bệnh tật, bần hàn. Ông dặn: “Hỏi gì tui cũng nói, nhưng mà đừng có hỏi chuyện gia đình con cái đó nghen. Không có thích nói”.

Không nói nhưng ai cũng biết, ngoài những ngày trầy trật ở phim trường, lúc không có hẹn với ai, Mạc Can thường ngồi trong quán cà phê “hội nhà văn” trên đường Trần Quốc Thảo. Ngồi để sáng tác, ngồi vì chẳng có nơi nào để đi, ngồi chơi cho đến khi tắt nắng rồi về. Mà về thì về đâu? Mạc Can lại ngồi ngóng lá me tây, nhìn kiểu nào cũng chỉ thấy một màu cô độc.

Chuyện vãn, tôi lúi cúi cất sổ tay, Mạc Can níu vai: “Phải viết cho vui nghen cô hai. Tui bệnh nặng không chết là phước lớn, chuyện may mắn khó có. Chứ không phải thấy tui bệnh mà viết cho thảm là không có được đâu”. Tôi gật đầu dạ dạ vâng vâng rồi ngơ ngẩn nghĩ, không biết mình có viết cho vui được không.

Nói chuyện với Mạc Can, cũng cười suốt mà không hiểu sao nghĩ tới ông là lại buồn. Như gốc me tây cuối mùa rụng lá, lả tả trước cửa nhà. Me tây rụng lá không phải vì chuẩn bị mọc nhánh non mà vì không chịu được lạnh, không chịu được gió. Mạc Can cũng vậy, mùa lạnh lẽo, gió hanh hao, ốm đau lần này chẳng phải là tai nạn…

Lão nhà văn đang bước đến cuối đường chiều. Nhắn nhủ ông nhiêu đó, thấy ông cười méo xẹo, cơn đau khớp nhói ran, hằn lên cơ mặt. Cứ một lần ngoảnh lại, là thấy Mạc Can trông theo. Không biết đang ngắm lá rụng bời bời, hay tiếc một tiếng người vừa mới văng vẳng cạnh mình, nay đã rời đi.

Hồ Ngọc Giàu
.
.