Bầu Đức “chèo lái” con thuyền Hoàng Anh Gia Lai lướt mọi tin đồn

Thứ Ba, 24/04/2012, 17:00
Bầu Đức không mấy khi có mặt ở quán nhậu nhưng lại thường đến trong mỗi trận bóng đá của đội nhà. Sau vài giờ chớp nhoáng ở Pleiku, có việc đột xuất, anh lại lên máy bay biến ngay, rồi lâu lâu lại ẩn hiện trong những câu chuyện của một doanh nhân thời cuộc. Anh hiểu rất rõ, làm doanh nhân, sống phải biết chèo lái mình trước những dư chấn xã hội...

Tôi có cảm giác mỗi khi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) bị dư luận mổ xẻ với những sự việc to tiếng thì bầu Đức lại phải chấp nhận thêm một nỗi đau thiệt hại mà cả tập đoàn phải gánh chịu và không thể lấy gì bù đắp được. Dù sự việc đi về đích là sáng tỏ chuyện đúng sai, nhưng phần thiệt vẫn nghiêng về phía HAGL khá nhiều. Bầu Đức cho rằng, doanh nghiệp luôn phải chấp nhận thiệt vì doanh nghiệp làm đúng cũng ít khi thắng dư luận, bởi tung tin lên rồi có nói lại cũng không thể xóa hết dư luận.

Đã hơn 21 giờ nhưng bầu Đức vẫn điện cho tôi hỏi về việc báo chí đưa tin HAGL chây ỳ nợ thuế. Bầu Đức bức xúc không phải vì mình không nợ mà tức vì sao nhiều người nợ lại không bị phanh phui, còn HAGL liên tục bị đưa ra một cách mập mờ, dù rằng việc nợ ấy là được phép và không sai luật, không phải chây ỳ! Dư chấn này đã có hiệu ứng rõ ràng là ngày hôm sau tin tức phát lên, cổ phiếu HAGL tụt giảm, xếp hạng của HAGL cũng bị đánh rớt xuống, dù sau đó nhiều thông tin lý giải khách quan về món nợ thuế hơn 150 tỷ đồng của HAGL. Cụ thể, phía Cục Thuế tỉnh Gia Lai nói rõ, vấn đề này ngành thuế cho phép vì do tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn cho doanh nghiệp cả nước nói chung và Gia Lai nói riêng nên HAGL được phép giãn nộp thuế đến ngày 31/3/2012.

Xét về mặt quan hệ với ngân sách, khoản nợ trên vẫn bị phạt chậm nộp theo quy định nhưng không áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Về mặt phân loại nợ, đây là khoản nợ bình thường, vẫn còn trong thời hạn cam kết thực hiện theo tiến độ. Phía Cục Thuế Gia Lai cũng khẳng định, nhiều năm qua, Tập đoàn HAGL luôn chấp hành tốt chính sách thuế và có đóng góp quan trọng cho ngân sách của Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung.

Năm 2010, tổng số thuế HAGL đã nộp cho ngân sách nhà nước trên phạm vi cả nước là 632,8 tỷ đồng, riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, HAGL đã đóng góp trên 355 tỷ đồng. Năm 2011, tổng số nộp ngân sách nhà nước của HAGL 477,6 tỷ đồng, trong đó nộp ngân sách tại tỉnh Gia Lai 271,2 tỷ đồng. Riêng năm 2010, HAGL đã nộp trước thời hạn quyết toán là 50 tỷ đồng. Nhiều năm qua, Tập đoàn HAGL được Bộ Tài chính và UBND tỉnh Gia Lai tặng bằng khen vì có thành tích thực hiện tốt nghĩa vụ thuế nhà nước.

“Và sự thật về giữ đúng cam kết nộp thuế ấy đã được thể hiện thêm một lần nữa vào ngày 29/3/2012, HAGL đã nộp đủ số thuế nợ được giãn hơn 150 tỷ đồng”, lãnh đạo Cục Thuế Gia Lai xác nhận. Và bây giờ, chuyện giãn nợ thuế của HAGL hình như không ai còn đề cập nhiều nữa, nhưng thiệt hại cho doanh nghiệp về giá trị vật chất và tinh thần thì thể hiện rất rõ, dù doanh nghiệp đã không làm sai. Nếu đi phân tích cặn kẽ vấn đề món tiền khoảng 150 tỷ đồng nộp chậm, tính theo lãi suất ngân hàng sẽ làm lợi cho HAGL hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, sự việc ấy bất ngờ lại kéo theo nhiều hệ lụy không tốt khi dư luận phóng to ra trên mặt báo, cổ phiếu rớt giá…và rõ ràng, cuối cùng cái thiệt hại lại nhiều hơn là lợi cho HAGL.

Nhớ khi bức xúc, bầu Đức đã nói thẳng rằng, mình còn hàng ngàn tỷ đồng chưa xài nên chuyện 150 tỷ không phải là lớn để chây ỳ. Tính bầu Đức khi bức xúc hay nói thẳng, nhưng nghiệm lại không phải bầu Đức khoe tiền mà muốn chứng tỏ rằng, không phải chậm nộp thuế là đổ bể, mất khả năng trả nợ như nhiều người muốn xuyên tạc. Xét ở một góc độ khác của người làm kinh doanh, thì dù nhiều tiền cỡ nào họ cũng muốn làm lợi thêm cho mình, và nhất là việc làm lợi ấy không bị pháp luật điều chỉnh.

Ngẫm lại từ lúc khó khăn đến khi thành đạt, mỗi lần có dịp gặp bầu Đức, tôi luôn nhận được lời tâm sự của đại gia phố núi: “Cuộc chơi nào cũng có giá đắt”. Nhớ lại chuyện hơn 5 năm trước, người dân phố núi Pleiku, Gia Lai, sửng sốt khi hay tin bầu Đức, Chủ tịch CLB Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, bị khởi tố về hành vi “Đưa hối lộ”, xuất phát từ chuyện “bồi dưỡng” 200 USD cho trọng tài. Tin ấy cũng đã trở nên thật sự nguy hại khi được chính thức đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Từ chuyện này, dư luận lại bàn tán, suy diễn rằng, chuyện “bồi dưỡng” 200 USD chỉ là một “cái cớ” rất nhỏ trong một xâu chuỗi hoạt động liên quan đến đường dây cá độ và dàn xếp tỉ số các trận đấu giữa một số cầu thủ, trọng tài và các “trùm” bài bạc? Bầu Đức lúc đó như đứng trên đóng lửa mà không dám kêu la. Tôi nhớ lúc đó gặp anh ở phố núi Pleiku với giọng yếu ớt vì mệt mỏi: “Tôi yêu bóng đá nên sẵn sàng bỏ ra hàng ngàn USD để mời các cầu thủ ngoại nổi tiếng khu vực Đông Nam Á như Kiatisăk (Thái Lan) và một số cầu thủ tên tuổi trong nước về CLB của mình. Tôi sẵn sàng đầu tư cho bóng đá mà không tính hơn, thua nhưng ngược lại phải bị dị nghị không hay”.

Bầu Đức và lãnh đạo ARSENAL.

Sau chuyện “tai qua nạn khỏi” vì bóng đá ấy, bầu Đức lại bị bàn luận về chiếc Beechcraft King Air 350, loại 12 ghế ngồi, mà anh mua với tổng chi phí khoảng 7 triệu USD (tương đương 112 tỷ đồng lúc bấy giờ). Sự bàn luận khi ấy bởi, Đoàn Nguyên Đức là người đầu tiên sở hữu máy bay tư nhân ở Việt Nam. Mặc dù lúc ấy, bầu Đức công khai, tổng tài sản của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai ước tính khoảng 1 tỷ USD vào cuối năm 2007, trong đó bầu Đức với cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai Group, đang nắm giữ trên 60% cổ phần của tập đoàn, nên không mấy khó khăn để mua máy bay riêng cho mình. Tuy nhiên, dư luận không khỏi đặt câu hỏi về món tiền chi phí lớn này để nhằm mục đích gì?

Đến giờ thì câu trả lời của bầu Đức đã dần khẳng định đúng nhưng khi ấy không ít người gièm pha chuyện…“ăn chơi phung phí”. Thực ra lúc ấy tôi cũng nghĩ bụng không biết cái anh ba Đức nông dân này định mua máy bay để làm gì. Bởi có lần nghe ba Đức nói chuyện những ngày tuổi thơ của mình sống còn nghèo khổ hơn tôi gấp nhiều lần. Vùng đất Nhơn Mỹ, An Nhơn, Bình Định lúc ấy làm sao kể hết chuyện đói nghèo. Khi lên Gia Lai tìm kế sinh nhai, ba Đức xuất phát điểm cũng chỉ là anh thợ cưa gỗ thuê.

Mãi đến năm 1992, Xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku ra đời và bắt đầu “phất” lên từ đó. Vậy mà anh ba Đức nông dân này dám tung tiền tỷ mua máy bay riêng quả là chuyện không tưởng. Và bây giờ không chỉ ba Đức mua máy bay riêng mà nhiều người khác cũng thế, dẫu rằng nguồn tiền có được của mỗi người không giống nhau. Ngẫm lại, bầu Đức hay có chiêu làm những việc khiến người khác giật mình. Nhưng rồi ngẫm lại thì thấy anh ta có lý: “Tui còn niềm đam mê thì làm cho bằng được, chỉ sợ nhất là khi nào trời không cho tui làm nữa thì phải chịu”.

Cuối năm 2011, tổng dư nợ của HAGL tại các tổ chức tín dụng khoảng 5.000 tỷ đồng và tại BIDV nói riêng là 1.300 tỷ đồng, trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của HAGL tại BIDV là 500 tỷ đồng. Theo kiểm toán quốc tế đã định giá tài sản của HAGL hiện đạt khoảng 20.000 tỷ đồng. Hướng đầu tư của HAGL hiện nay là tập trung vào cây công nghiệp và con số 100.000 ha cao su tại Lào và Campuchia, dự định sẽ đạt đích vào năm 2014.

Cùng với nó, HAGL đã và đang phát triển các dự án thuỷ điện và khoáng sản. Tuy bây giờ dẫu còn nhiều câu chuyện dở dang chưa thể kể hết, hoặc nhiều dự án mới bắt đầu ra quân mà chưa thu lợi bao nhiêu ở các nước bạn, nhưng bầu Đức thì luôn tỏ rõ một ý chí quyết tâm là làm giàu không chỉ cho riêng mình mà đích cuối cùng là làm giàu cho xã hội. Bầu Đức cũng từng tuyên bố, anh làm việc quần quật không phải vì tiền, bởi nhu cầu hưởng thụ của anh không lớn, mà làm việc chỉ vì sự đam mê. Tuy nhiên, bầu Đức cũng từng nói thẳng với các nhân viên của mình: “Tôi không bao giờ cho không ai cái gì cả”. Nghĩa là ai đầu quân cho HAGL là phải có trách nhiệm và năng lực thật sự mới được hưởng lương xứng đáng. Cũng nhờ sự sòng phẳng của anh chàng gốc nông dân này mà doanh nghiệp của anh được tiến bước vững vàng hơn mỗi khi nền kinh tế thế giới cũng như trong nước đi qua những cơn sóng gió, bão bùng.

Chia tay bầu Đức trong những giây phút tất bật ở phố núi Pleiku, trước giờ anh chuẩn bị lên máy bay đi Lào. Bầu Đức dặn tôi, có gì cứ gọi điện thoại, anh không có thời gian nhiều để gặp trực tiếp. Tôi cảm thấy ở anh vẫn toát lên phong cách của một anh nông dân đặc biệt thời hiện đại.

Sau những ngày đi xa, bầu Đức lại về phố núi Pleiku và ghé ngang vào quán phở gà ở đường Phan Bội Châu, hay phở Hoàng ở đường Hùng Vương để lót dạ một tô. Bầu Đức không mấy khi có mặt ở quán nhậu nhưng lại thường đến trong mỗi trận bóng đá của đội nhà. Sau vài giờ chớp nhoáng ở Pleiku, có việc đột xuất, anh lại lên máy bay biến ngay, rồi lâu lâu lại ẩn hiện trong những câu chuyện của một doanh nhân thời cuộc. Anh hiểu rất rõ, làm doanh nhân, sống phải biết chèo lái mình trước những dư chấn xã hội

Ngọc Như
.
.