Bao giờ, phỏng vấn, một ông Hoàng?

Thứ Tư, 04/07/2012, 10:30
Ngày còn nhỏ, mỗi lần mở truyền hình xem các buổi trò chuyện về điện ảnh, phải thú thực là tôi thấy ghét cái mặt ông Lê Hoàng kinh khủng. Đàn ông gì mà giọng thì léo nhéo, đã thế lại còn hay nói xoáy, nói shock người khác. Và, tôi mang theo cái ghét ấy đến tận khi đặt chân vào Sài Gòn sinh sống, nơi mà tôi cũng không thể hình dung được sẽ có một ngày mình phải gặp “cái cha nội ấy”.

Cách đây chừng vài năm, có một người em của tôi vào Sài Gòn chơi, để chia tay bạn bè trong đó, trước khi cô lên đường đi du học ở nước ngoài. Trong bữa ăn tối đông vui, cô ấy có nói sẽ mời Lê Hoàng tới chơi. Tôi tỏ ý hơi khó chịu vì tôi không thích đối diện con người ấy. Và tôi thổ lộ rằng tôi sẽ về sớm ngay khi ông Hoàng tới. Cô bé kia tròn mắt nói: “Anh Hoàng dễ thương mà. Em nghĩ anh và anh ấy sẽ hợp với nhau đấy”. Và, tôi chỉ cười, ngồi im lặng để ráng nghe xem “cha nội” ấy nói cái gì trong cuộc trò chuyện đông đủ kia. Lần đó, ông Hoàng với tôi không ấn tượng gì. Có lẽ, vì cái ghét vị kỷ của mình, tôi đã không mở lòng để xem con người thực của ông Hoàng ra sao.

Thế rồi, run rủi thế nào, hai năm trước, tôi và ông Hoàng ngẫu nhiên được mời tham dự một talk show hàng tuần với nhau. Nội dung của talk show ấy là các khách mời được thoải mái “chặt chém” nhau trên sóng và tôi đã rắp tâm, đã âm mưu rằng, tôi phải chém Lê Hoàng thê thảm.

Và tôi đã chém ông Hoàng thật. Mỗi vấn đề ông đưa ra, tôi, với sự hoạt ngôn của mình, đã phản bác ông Hoàng không thương tiếc, bằng đủ mọi cách, bằng đủ mọi lập luận. Thế rồi từ chính cái talk show mà tôi bước vào với “tâm địa” ấy, tôi đã cảm mến Lê Hoàng lúc nào không hay. Để rồi, từ cái ghét vị kỷ ngày xưa, bây giờ tôi đã mang một tâm thức khác. Tôi khẳng định, tôi rất quý mến và rất phục anh Hoàng.

Không thể phủ nhận rằng trong suốt thời gian tôi đã ghét anh Hoàng, tôi rất thích đọc những bài viết nhỏ anh ký tên Lê Thị Liên Hoan ở tờ Thể Thao & Văn Hoá ngày nào. Trong đó, tôi nhận thấy một góc nhìn rất lạ, có thể nói là văn minh, giữa bối cảnh người ta vẫn có cái nhìn đồng dạng, đồng phục với nhau. Nhưng những bài viết ấy không làm tôi cải thiện được suy nghĩ của mình với anh Hoàng hơn dù tôi biết “văn là người”. Tôi vẫn thấy anh Hoàng “ác, ác”, “quái, quái” thế nào ấy, rất khó lý giải. Chỉ đến khi gặp anh, làm việc mới anh, tôi mới gột bỏ được hết suy nghĩ ấy. Lạ thay, đến khi quý mến anh thì tôi lại quên tiệt những gì anh đã viết ngày xưa ở Thể Thao & Văn Hóa. Nhưng từ đó, tôi khẳng định được thêm một điều, sự tiếp xúc trực tiếp, hay nói khác hơn là cảm thức thân thể, mới là thật nhất. Những đánh giá vội vàng, qua một lăng kính khác, không trực tiếp đối mặt thường vô cùng phiến diện, và tất nhiên, nhiều khi rất ác.

Anh Hoàng có thể rất chua ngoa, đanh đá, thậm chí là cay nghiệt khi đối thoại với người đối diện nhưng ít ai hiểu rằng, sự chua ngoa đanh đá ấy tồn tại (và nhiều khi bị ghét, bị sợ) chỉ vì người đối diện anh không đủ khả năng ngôn ngữ, tư duy để đối phó lại với anh. Còn với những người đủ tầm vóc để “ngồi” với Lê Hoàng, anh không làm người ta sợ, không làm người ta ghét đến thế. Đơn giản, anh Hoàng thích châm chọc, thích nói shock nhưng nếu bị châm chọc ngược lại, bị nói shock ngược lại, anh Hoàng hành xử rất hiền lành. Anh không nổi nóng, không lao vào cuộc chiến ngôn ngữ một cách “phừng phừng lửa giận” mà chỉ cười xoà, rất hiền, và gãi gãi đầu y như một cái icon ngộ nghĩnh trên Yahoo Messenger. Lúc đó, nếu mình đã trót nói gì đụng chạm quá mức tới anh Hoàng, mình sẽ tự thân thấy mình có lỗi, thấy mình mới là kẻ ác tâm, thấy mình thật tệ.

Anh Hoàng là người thông minh và khôn ngoan nhưng rất thẳng thắn. Thích hay ghét anh đều nói rất rõ ràng, không thay đổi chính kiến, không uốn éo như người ta vẫn thường thế trong showbiz. Và anh rất chịu tìm hiểu những gì mà anh đam mê. Ví dụ như súng ống chẳng hạn. Ít ai biết anh Hoàng cực đam mê tìm hiểu về súng ống, vũ khí. Anh có thể nói vanh vách tầm bắn của loại tên lửa nào, có thể nói rất rõ ưu nhược điểm của loại súng nào và điều đó đã từng khiến chúng tôi rất ngạc nhiên. Một người hiền lành như thế mà không hiểu vì sao lại có sở thích kỳ quặc và đậm chất bạo lực đến thế. Nhưng tôi tin chắc, nếu đưa cho Lê Hoàng một khẩu súng, anh sẽ không bao giờ dám bóp cò bắn ai. Tâm của anh Hoàng không ác và một người tâm không ác sẽ không bao giờ muốn hại người dù theo cách nào.

Lê Hoàng trẻ, phải thừa nhận là như thế, trẻ trong tâm hồn chứ không phải cái vẻ ngoài mà lúc nào anh cũng tự nhận là “đẹp trai”. Cái trẻ trong tâm của anh Hoàng khiến anh chơi với người trẻ rất dễ và nếu để ý, sẽ thấy anh thường chú ý lắng nghe người trẻ nói gì. Anh muốn biết họ suy nghĩ ra sao, tâm thức của thời đại thế nào. Chính những điều đó đã cho anh luôn có dữ liệu ngồn ngộn về cuộc sống mà ngay sau đó anh có thể áp dụng nó vào trong công việc.

Có nhiều lần, trong các cuộc chuyện trò vui đùa, anh Hoàng thường nói những câu rất “kiêu căng”. Người hiểu sẽ biết là anh đùa nhưng người không hiểu hay cố tình không hiểu sẽ diễn dịch nó bất lợi cho anh. Như một lần nào đó chẳng hạn, cũng lâu rồi, anh nói về chuyện làm phim. Tôi vẫn băn khoăn mãi về chuyện ấy. Nếu là tôi, tôi sẽ nổi khùng lên với ai đã diễn dịch mình sai bét như thế. Nhưng anh Hoàng vẫn kệ. Im lặng và cười xoà. Ai muốn nghĩ gì anh kệ. Vì anh luôn hướng về phía trước, về cái sắp tới chứ không phải cái đã qua.

Có một điểm khác về anh Hoàng mà tôi rất quý, đó chính là sự kiên định của con người ấy. Một khi anh đã có quan điểm nào đó và anh có đủ lý lẽ để vững tin vào nó, anh sẽ không chịu thay đổi dù áp lực là như thế nào đi nữa. Ví như chuyện anh đi chấm điểm Cuộc thi “Bước nhảy hoàn vũ” chẳng hạn. Mùa 2012 này, vắng anh Hoàng ở ghế giám khảo, tôi đoan chắc nhiều người sẽ thấy thiếu điều gì đó. Anh là một cá tính nổi bật ở đấy, một cá tính không thể trộn lẫn, một cá tính mà nhiều người nhận biết ra và có thể sẽ hơi khó chịu bởi vì đơn giản, họ có chút ghen ghét với sự thú vị mà anh đã mang lại.

Sức làm việc của anh Hoàng cũng thật đáng nể và tôi không thể hình dung nổi làm sao anh có thể có được sức làm việc kinh khủng như thế. Những talk show thường xuyên có tên anh, những bài báo bút danh của anh ký nhiều nơi, nhiều báo với nhiều góc nhìn rất khác nhau. Anh lao đi như tên trong đống công việc ấy mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy ở anh sự mệt mỏi. Vì anh yêu những việc anh làm, dù đôi khi tôi hơi tiếc cho anh. Ví dụ như chuyện anh viết hơi nhiều của, thành ra trong những bài viết của anh bây giờ độ sâu sắc cũng mai một đi ít nhiều. Giá như anh bớt tham công tiếc việc hơn, anh sẽ giữ được cái chất tưng bừng liên hoan ngày xưa hơn. Ngày ấy, đọc bài của anh, thú vị như đi ăn tiệc.

Không mấy người trong công chúng biết chuyện gia đình của anh Hoàng và vẫn phán đoán anh là gã đạo diễn độc thân và cứ hay chua cay vì chắc tại độc thân lâu quá. Thực tế, anh có một gia đình hạnh phúc và anh luôn giấu gia đình mình ở phía sau lưng, ở chỗ an toàn nhất, bình an nhất. Tôi cho rằng đó là điểm đàn ông mạnh mẽ nhất của anh mà nhiều người trong showbiz này không có. Cũng đâu mấy người biết rằng, trừ phi phải gặp công việc bất khả kháng, anh Hoàng không bao giờ bỏ bữa cơm tối với gia đình. Có lẽ, đó là lúc anh nạp lại năng lượng tinh thần chăng? Tôi đoán, cũng có thể lắm…

Anh Hoàng hay viết phỏng vấn giả định và viết rất hay. Anh có thể phỏng vấn mọi thứ, từ cái bàn cho đến một con chim, và tất cả đều liên quan đến một điều gì đó đang tạo sóng quan tâm trong dư luận. Cách viết tưng tửng ấy, với chút kịch tính mà anh tạo ra trong đối thoại, cho thấy anh thuộc về thế giới của sân khấu và của màn ảnh thực thụ.

Sau này, anh ít làm phim hơn, vì nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan, nhưng tôi biết anh vẫn thèm làm phim lắm. Và ít có ai được như anh, phim kiểu gì anh cũng có thể làm được, tất nhiên là theo cách của anh, thích hay không thích còn tuỳ nhìn nhận mỗi người. Nhưng trong làng nghề này, mấy ai có thể quay từ thể loại nghiêm túc như Lưỡi dao sang thể loại vô cùng thị trường như Gái nhảy giống anh đã làm. Điều đó cho thấy anh theo kịp với thời cuộc, bắt kịp nó và không bao giờ để mình lạc hậu, dù rằng, Lê Hoàng rất lạc hậu với công nghệ khi mà đến giờ này anh vẫn viết tay, vẫn không sử dụng email và càng không bao giờ biết đến nhắn tin. Có lẽ, anh nghĩ chúng không quá cần thiết đến mức phải mất thời gian để tìm hiểu thêm. Anh dành thời gian cho những việc khác mà anh nghĩ cần thiết hơn, thiết thực hơn.

Vẽ chân dung Lê Hoàng thật ra rất khó. Anh bất biến như thế, như ngày đầu tiên tôi ghét anh, xuyên qua những ngày đầu tiên tôi gặp anh, cho đến tận những ngày hôm nay khi tôi biết quý mến anh. Thế nên, phác họa được một Lê Hoàng đặc trưng nhất không dễ chút nào. Giá như, có một ngày nào đó, thay vì phỏng vấn giả định một vật vô tri nào đó, anh Hoàng làm một cái phỏng vấn ông Hoàng một cách chân thật nhất, không ngại ngần nhất, như anh vẫn thể hiện, có thể, lúc đó, tôi và tất cả, sẽ thấy ở anh thêm một góc khác mà đó mới chính là anh nhất, chứ không phải như những câu chữ linh tinh trên đây tôi vẽ về anh, một người đầu tiên là “ông Hoàng”, và sau cuối chỉ là anh: Lê Hoàng…

Hà Quang Minh
.
.