Bản lĩnh của Tổng thống Hugo Chavez

Thứ Ba, 01/08/2006, 07:30

Nhờ đâu mà Venezuela từ một nước "thấp cổ bé họng" trở thành một quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới, có tiếng nói quan trọng trong khu vực và quốc tế và tạo được uy tín với các đồng minh? Đó là nhờ sự lãnh đạo tài ba của Tổng thống Hugo Chavez.

Hugo Chavez sinh ngày 28/7/1954 ở thị trấn Sabaneta, thuộc tỉnh Barinas, Venezuela. Là con trai thứ hai của ông bà Hugo de los Reyes Chavez và Elena Frias de Chavez đều là nhà giáo, Hugo Chavez mang 3 dòng máu trong người, đó là người Mỹ gốc da đỏ, người châu Phi và người Tây Ban Nha.

Cậu bé Hugo Chavez được nuôi dưỡng trong mái nhà lá cọ ở Sabaneta. Khi còn nhỏ, Chavez được đưa đến Sabaneta cùng với anh trai để sống với bà nội Rose Ines Chavez. Tại đây, Chavez được theo đuổi nhiều sở thích như vẽ tranh, ca hát và chơi bóng chày trong khi đang đi học tại Trường tiểu học Julian Pino. Sau đó Chavez phải chuyển tới thị trấn Barias để học trung học.

Năm 17 tuổi, Chavez được tuyển vào Học viện Khoa học quân sự Venezuela. Với tư chất thông minh, học giỏi và nhanh nhạy nên sau khi ra trường ông đã được cử theo học Khoa Chính trị ở Trường đại học Simon Bolivar ở Caracas. Trong những năm học ở đại học, Chavez và các bạn của ông đã phát triển học thuyết chủ nghĩa quốc gia theo phái tả rất nhiệt thành và họ gọi đó là Bolivarianism, được tạo cảm hứng từ những triết lý Thuyết Liên Mỹ từ cuộc cách mạng Simon Bolivar của nhân dân Venezuela và những bài học của nhiều nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa Cộng sản.

Chavez tham gia hoạt động thể thao và văn hóa rất sôi nổi trong những năm đi học, do vậy mà tên tuổi của ông được rất nhiều người biết đến. Đặc biệt là Chavez đã chơi bóng chày với Đội Criolltos de Venezuela và giúp đội này giành giải Vô địch bóng chày quốc gia năm 1969. Không chỉ có vậy, Chavez còn có khả năng làm thơ, viết truyện và viết kịch rất cừ khôi với số lượng không phải nhỏ.

Hugo Chavez - "chất kết dính" của những phong trào tiến bộ tại châu Mỹ.

Sau khi kết thúc đại học, Chavez vào làm việc ở Ban quân sự đóng ở Barinas. Hoạt động quân sự của Chavez kéo dài 17 năm. Trong thời gian này ông đã nắm giữ hàng loạt chức vụ quan trọng và giảng dạy ở Học viện Quân sự của Venezuela, nơi ông nổi tiếng với những bài thuyết trình bốc lửa và những chỉ trích gay gắt xã hội và chính phủ đương thời Venuezela. Vào thời gian này, ông thành lập Phong trào cách mạng Bolivaria-200 (MBR-200), và được đề cử vào nhiều vị trí cao cấp nhạy cảm ở Caracas, được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương danh tiếng của nhà nước.

Tiến hành cuộc cách mạng dân chủ năm 1992

Không hài lòng với sự suy thoái kinh tế, tham nhũng và xã hội lộn xộn dưới chính quyền Tổng thống Carlos Andres Perez, Chavez đã quyết định tiến hành cuộc lật đổ chính quyền để xây dựng một quốc gia Venezuela phát triển hơn, hài hòa hơn và có tiếng nói hơn trên chính trường quốc tế. Kế hoạch lật đổ chính quyền dự định thực hiện vào tháng 12, nhưng sau đó Chavez đã hoãn lại đến ngày 14/2/1992.

Hôm đó, 5 đơn vị quân đội dưới sự chỉ huy của Chavez đã tiến vào thủ đô Caracas với mục đích tấn công, chôn vùi hệ thống lắp đặt viễn thông và quân sự chủ chốt dọc thành phố, bao gồm cả cung điện của Tổng thống Miraflores, Bộ Quốc phòng, sân bay quân đội La Carlota và Nhà bảo tàng lịch sử. Mục tiêu cơ bản của Chavez là ngăn chặn và giám sát Tổng thống Perez, người đang trở về dinh Miraflores từ chuyến ngoại giao quốc tế.

Cuộc giành giật chính quyền ở nhiều nơi của Venezuela đã chiến thắng, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Valencia, Maracaibo và Maracay với sự giúp đỡ và ủng hộ của thường dân. Tuy vậy, lực lượng của Chavez đã thất bại trong việc chiếm Caracas. Sau đó, Hugo Chavez bị bắt và ông đã có những lời châm biếm gay gắt trên kênh truyền hình quốc gia rằng ông chỉ thất bại “trong khoảnh khắc”.

Những người nghèo ở Venezuela coi ông như một nhân vật có khả năng đứng lên chống lại chính quyền tham nhũng và độc quyền. Chavez bị giam trong nhà tù Yare. Còn Tổng thống Perez cũng bị đưa ra điều trần và  bị kết tội một năm sau đó. Cuộc nổi dậy do Chavez cầm đầu tuy không thành công nhưng đã để lại tiếng vang lớn ở Venezuela, thức tỉnh người dân đứng lên chống chính quyền tham nhũng và hối lộ.

Vận động tranh cử

Sau hai năm ở trong tù, Chavez đã được Tổng thống Rafael Caldera miễn tội. Khi được trả tự do, Chavez đã cải tổ lại tổ chức MBR-200 thành Phong trào quần chúng thứ năm (MVR). Năm 1998, Chavez bắt đầu vận động tranh cử tổng thống.

Chavez đã tận dụng được niềm tin và phong cách nói chuyện trước công chúng rất thuyết phục, và từ chỗ chỉ có 38% số người được hỏi là sẽ bỏ phiếu cho ông thì sau một thời gian vận động, ông đã thu về 56% số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 12/1998. Chavez nhậm chức tổng thống vào ngày 2/1/1999 với khó khăn trước mắt là phải phục hồi nền kinh tế suy thoái, tăng cường vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, cải cách giáo dục và đẩy lùi đói nghèo (trước đó kinh tế Venezuela chỉ nắm trong tay các đại tập đoàn, còn những người làm thuê rất nghèo khổ).--PageBreak--

Bắt đầu nhiệm kỳ thứ nhất, với bản lĩnh của một nhà quân sự nhạy bén, Chavez đã nhanh chóng cô lập được những khó khăn và bắt đầu đưa Venezuela vào quỹ đạo phát triển. Điển hình là loại bỏ những chính sách kinh tế của các chính quyền trước, chấm dứt việc tư nhân hóa những doanh nghiệp chủ chốt của nhà nước: cải tổ hệ thống an ninh xã hội quốc gia, nắm giữ ngành công nghiệp nhôm và ngành công nghiệp dầu mỏ.

Chavez cũng rất thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. (Theo ông, đó là cách để ngăn chặn cuộc khủng hoảng kinh tế và lạm phát). Ông cũng nhạy bén đưa ra chính sách giảm khai thác dầu mỏ nhằm nâng cao giá, và ít nhất về lý thuyết nó cũng làm tăng tổng doanh thu từ ngành khai thác vàng đen này, từ đó mà tăng được dự trữ ngoại hối của nhà nước đã bị lạm phát nghiêm trọng những năm qua.

Vị tổng thống này cũng cố gắng thuyết phục các nước OPEC cắt giảm sản lượng khai thác dầu để đẩy giá dầu tăng lên, đồng thời thương lượng lại một hiệp định đã ký kết với Tập đoàn Dầu mỏ ExxonMobil từ 60 năm qua mà tập đoàn này chỉ phải nộp thuế 1% trong tổng số hàng chục tỉ USD mà họ “hút” được từ những giếng dầu khổng lồ của Venezuela. Thỏa thuận này đã giúp Venezuela thu được nhiều thuế hơn, và các nước Mỹ Latinh khác bắt đầu đứng lên bảo vệ nguồn tài nguyên của mình trước những đại tập đoàn khai thác của phương Tây.

Điển hình như tân Tổng thống Bolivia Evo Moranes mới đây đã ra tối hậu thư cho các công ty đa quốc gia đang khai thác dầu khí trên đất nước ông  phải nộp lại 80% số tiền lời thu được, nếu không tuân thủ thì các tập đoàn này sẽ bị loại ra khỏi vòng làm ăn. Tại Ecuador, nước sản xuất dầu lớn thứ 5 Mỹ Latinh, từ tháng 4/2006, chính quyền cũng đã áp dụng một đạo luật mới về lợi nhuận của các hãng dầu ngoại quốc nhằm kiểm soát sự lũng đoạn của các công ty dầu mỏ này.

Năm 2002, Hugo Chavez đứng trước một thử thách lớn, đó là những cuộc đình công của các công nhân trong ngành dầu mỏ và cuộc đấu tranh lật đổ chính quyền. Sau khi giành lại chức tổng thống vào tháng 4/2002, Hugo Chavez đã cho mở các cuộc điều tra, kết quả cho thấy, hành động định lật đổ ông là do Mỹ tài trợ. Sau đó, Chavez lại lấy được niềm tin của nhân dân và đưa ra một cuộc trưng cầu dân ý cho phép ông chạy đua vào chức tổng thống nhiệm kỳ 3 và ông đã được người dân ủng hộ.

Tăng cường quan hệ đối ngoại

Tái đắc cử nhiệm kỳ 3, nhiệm vụ đầu tiên của Tổng thống Chavez là  cải tổ kinh tế và xã hội, đẩy nhanh phân phối nguồn của cải cho nhân dân. Và với sự tăng mạnh của giá dầu mỏ, Chavez đã có cơ hội làm cho nguồn dự trữ ngoại hối của Venezuela  tăng thêm hàng tỉ USD. Tăng trưởng kinh tế rõ nét với hai con số vào năm 2004 và đạt tốc độ 9,3% vào năm 2005, tốc độ mà cả thế giới phải trầm trồ thán phục.

Khi kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội đã phát triển mạnh so với trước, Tổng thống Chavez muốn đưa Venezuela trở thành một quốc gia có tiếng nói trên chính trường quốc tế, và để làm điều này ông đã vạch ra một chiến lược tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới thông qua các hiệp định ký kết song phương và đa phương, bao gồm cả hỗ trợ nhân đạo và các dự án xây dựng. Chavez đặc biệt thành công trong việc tạo liên minh với các nhà lãnh đạo nước ngoài, bao gồm cả Tổng thống Argentina Nestor Kirchner, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Cuba Fidel Castro, Mahmoud Ahmadinejad và cả tân Tổng thống Bolivia.

Ngày 4/3/2005, Tổng thống Chavez  đã tuyên bố trước công chúng rằng, khu vực tự do thương mại châu Mỹ Latinh cần phải xem xét lại. Ông nói rằng, mô hình phát triển tự do thương mại đã hoàn toàn thất bại trong việc cải thiện cuộc sống của người dân Mỹ Latinh và nên thay thế mô hình đó bằng mô hình mới, nhằm làm tăng thương mại và mối quan hệ giữa Venezuela với Argentina và Brazil.

Sức mạnh của Venezuela lại được củng cố thêm khi mới đây nước này chính thức trở thành thành viên thứ 5 của Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và hai nước liên kết với MERCOSUR là BoliviaChile. Tại cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 20/7 ở Argentina vừa qua, Tổng thống Hugo Chavez bày tỏ muốn biến MERCOSUR thành một tổ chức hợp tác kinh tế lớn mạnh không ngừng

Hữu Mạnh (tổng hợp)
.
.