Nhà văn Nguyễn Bình Phương:

Bản chất văn học là ký ức

Thứ Tư, 28/08/2013, 11:21
Về độ tuổi mà nói, Nguyễn Bình Phương với tôi cũng xêm xêm nhau đôi ba tuổi nhưng không hiểu sao ngay từ khi mới biết anh trên phố Lý Nam Đế, tôi luôn bị ngợp bởi cái cảm giác “cổ kính” không chỉ trong những tác phẩm mà cả trong cách ứng xử đời thường ở anh. So sánh thì bao giờ cũng khập khiễng nhưng tôi cứ thấy anh như một đối cực của mình. Nếu tôi là “chú bé mãi không chịu lớn” như câu  thơ mà tôi từng tự viết về mình thì anh là tác giả của tiểu thuyết nhan đề “Những đứa trẻ chết già”…

Sinh ra ở Thái Nguyên, dân phố thị nhưng cũng có nhiều trải nghiệm nông thôn ngay từ tấm bé vì phải theo gia đình sơ tán về xã Linh Nham của huyện Đông Hưng, Nguyễn Bình Phương vừa lớn lên đã gia nhập quân ngũ năm 1985. Và cũng sớm tới với văn chương. Những tác phẩm đầu tiên của anh được công bố là thơ và những nơi in chúng là báo Văn nghệ và tạp chí Văn nghệ Quân đội…

Chính những sự việc tưởng như không có gì to tát này đã càng làm tăng thêm hứng khởi ở anh và thôi thúc anh rẽ lối vào con đường sáng tạo. Năm 1989, anh lính trẻ Nguyễn Bình Phương đã thi vào Trường viết văn Nguyễn Du. Ra trường, anh được phân về Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị rồi sau đó, chuyển về công tác tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.

Từ đó anh chuyển sang tạp chí Văn nghệ Quân đội làm biên tập viên và dần dà đã trưởng thành lên vị trí hiện nay, Phó Tổng biên tập. Và xét theo thực tế, anh đang thực hiện rất tốt chức trách của mình. Có Nguyễn Bình Phương ở nhà số 4, địa chỉ văn hóa này dường như có sức hấp dẫn hơn với những người yêu văn chương không chỉ ở trong quân đội…Nguyễn Bình Phương bắt đầu cho ra mắt những tác phẩm ấn tượng của mình từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước. Ở thời điểm đó, anh đã hòa đồng được với không khí sáng tạo ở Trường Viết văn Nguyễn Du nhưng vẫn rất đậm đà tố chất độc đáo của mình.

Tập trường ca Khách của trần gian (1986) bộc lộ rõ một phong cách lạ lẫm đến huyền hoặc . Tuy nhiên, chính những tác phẩm văn xuôi mới tạo cho Nguyễn Bình Phương một dấu ấn khác lạ đến chấn động, như các tiểu thuyết Vào cõi (Nhà xuất bản Thanh niên, 1991), Những đứa trẻ chết già (Nhà xuất bản Văn học, 1994), Người đi vắng (Nhà xuất bản Văn học, 1999), Trí nhớ suy tàn (Nhà xuất bản Thanh niên, 2000)…

Nhà văn trẻ Nguyễn Quỳnh Trang trong một bài viết về nhà văn Nguyễn Bình Phương đã nhận xét: “Trái ngược với con người có vẻ ngoài giản dị, hiền hòa, nhu hậu, ít nói, chất văn của tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già của Nguyễn Bình Phương cũng như chính con người bên trong anh, mạnh mẽ, sắc sảo, thẳng thắn và ưa nhìn kỹ vào sự thật. Nguyễn Bình Phương là nhà văn quân đội, và chất “quân đội” ấy không hề thể hiện ra nội dung tác phẩm, mà ẩn thật sâu dưới bề mặt lớp chữ. Nó mang tính “bí mật” không thể chạm tay, nhìn thấy… mà chỉ duy nhất là cảm nhận.

Chính thế nên đôi khi phản ứng của anh với những thói đời giả trá cũng thật quyết liệt. Chưa từng thấy nhà văn Nguyễn Bình Phương giận dữ, chỉ mới nghe “giang hồ đồn đại”, chưa từng nghe nhà văn Nguyễn Bình Phương gay gắt, chỉ mới biết được thông tin từ phía báo giới, đến khi có dịp gặp anh xác thực, thì anh nói gọn một câu “đúng”, kèm thêm cái gật đầu. Đồng thời, ngồi lâu và đủ thân, sẽ được nghe anh kể kỹ hơn, đủ thấy đúng sai của thông tin, nếu thấy cần…”.

Ảnh: Minh Trí.

Với cá nhân tôi, Nguyễn Bình Phương trên cả nghĩa đồng nghiệp đã luôn là một người đồng đội mà tôi rất tin cậy ở những quan niệm thẩm mỹ. Không phải tất cả những gì anh viết và nói đều kịp thời tìm ra tiếng vọng ở trong tôi nhưng ngay cả khi tôi chưa thấu hiểu lắm những ý kiến của anh, tôi vẫn chấp nhận chúng như những tư liệu để suy ngẫm.

Và tôi cũng thiển nghĩ rằng, với một nhà văn như Nguyễn Bình Phương, khi ta gặp phải một ý tưởng nào đó không đồng thuận với ta thì ta cũng đừng vội bác bỏ mà nên tiếp tục suy nghĩ… Rốt cuộc có thể ta không hoàn toàn đồng thuận với ý kiến của nhà văn nhưng ta cũng sẽ thấy, nhà văn nói không hẳn đã sai…

- Hồng Thanh Quang: Xin hỏi thật, anh sẽ cảm thấy thế nào khi có ai đó bảo rằng anh là nhà văn trẻ?

- Nguyễn Bình Phương: Ở ta, ngoài trường hợp tiện mồm gọi theo tuổi tác cho nó tiện, thì cũng có hiện tượng là có một số nhà văn rất thích gọi người khác là nhà văn trẻ với thái độ kẻ cả, như để phân biệt rằng mình đã là lão làng, có vai vế, còn kia là bọn trẻ ranh. Đại khái cũng buồn cười. Thú thật là tôi chẳng quan tâm lắm tới cách người ta gọi mình thế nào. Với riêng tôi thì gọi tôi thế nào thì năm nay tôi cũng đã 50 rồi, tóc bạc rồi. Tôi nghĩ theo kiểu AQ là Trẻ luôn có cơ trở thành Lớn, còn Già thì đã hết cơ hội Lớn.

- Liệu có cái gọi là khái niệm văn học trẻ và văn học già hay không?

- Không có đâu, không hề có. Nếu ai đó cố tình chia nó ra thế thì nực cười lắm đấy. Nói tới văn học là nói tới những tác phẩm, khi nói tới tác phẩm là nói tới giá trị nghệ thuật của chính nó, không mảy may đính kèm file tuổi tác.

- Anh đang mang quân phục. Tôi cũng từng phục vụ trong quân đội tới 24 năm. Nhìn lại quá khứ, đặc biệt trong thời gian chiến tranh, phần lớn những cây bút nổi lên trong làng văn đều ít nhiều từng hoặc đang mang áo lính… Theo anh, liệu môi trường này ảnh hưởng thế nào tới phong cách sáng tạo của người cầm bút?

- Tôi có gần 30 năm trong quân ngũ, từ anh lính binh nhì, binh nhất ở đơn vị, được quân đội đào tạo, sử dụng, trưởng thành đến giờ phút này thấy mình hoàn toàn gắn bó với quân đội. Theo tôi, môi trường quân đội đào luyện cho các nhà văn tinh thần nghiêm túc, cẩn trọng, bản lĩnh đơn thương độc mã. Nếu chú ý, anh sẽ thấy các nhà văn quân đội rất bình tĩnh, hầu như không hoắng huýt, đúng không? Cái nữa là, phần lớn tác phẩm nào của các nhà văn trong quân đội cũng có bóng dáng người lính, có bóng dáng của tình đồng đội, thứ tình cảm rất đặc biệt. Đấy chính là dấu ấn ảnh hưởng của môi trường.

- Theo cảm nhận của tôi, ngay từ trong những sáng tác đầu tiên, anh đã không mấy hòa đồng vào cái mà người ta gọi là phong cách chung của “dòng văn quân đội”. Tôi đúng hay sai?

- Thực ra tôi cũng có nhiều người nói như vậy về tôi. Và tôi cũng lúng túng. Từ trước tới giờ tôi chỉ biết sáng tác, còn nó thuộc dòng nào thì thú thực, cũng chẳng mảy may quan tâm. Tôi cố gắng viết trung thực nhất với nhận thức của mình, vậy thôi. Nhưng cặn kẽ ra, cái mà anh bảo rằng “dòng văn quân đội” tôi nghĩ hình như không có đâu. Các nhà văn quân đội họ đa dạng, họ chỉ giống nhau ở quân phục chứ phong cách sáng tác của họ rất khác nhau. Không thế, làm sao chúng ta có thể gọi tên riêng của từng người ra một. Nguyễn Khải khác Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Minh Châu khác Lê Lựu, Lê Lựu khác Khuất Quang Thụy, khác Chu Lai. Những anh em hiện nay đang công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng thế, tôi cũng thế. Và nên thế.

- Người ta bảo, sinh quán luôn tạo ra những ảnh hưởng cực kỳ quyết định đối với con đường văn chương của bất cứ tác giả nào. Sinh quán của anh là Thái Nguyên. Bây giờ nhìn lại, anh thấy mảnh đất đó đã tác động thế nào đến sáng tạo văn học của anh? Anh có thể kể gì về gia đình anh ở Thái Nguyên?

- Đến giờ phút này tôi nghĩ, rút từ bản thân mình ra, thì đúng là sinh quán quan trọng với nhà văn. Bởi vì xét cho cùng, bản chất của văn học là ký ức chứ không phải đoán định tương lai. Nói cách khác, văn học là cái còn đọng lại trong con mắt nhắm. Tôi viết, cố gắng lôi cái không khí của Thái Nguyên vào, và tôi nhận thấy phần lớn sáng tác của mình đều dính dấp tới vùng đất đó, ngay cả khi đẩy nó tới địa danh khác thì bóng dáng của vùng đất ấy vẫn phảng phất trong từng chi tiết. Mỗi nhà văn có vùng đất của mình và tác phẩm của họ mang “khí hậu” của vùng đất đó. Tôi cho rằng tác phẩm của tôi chủ yếu mang “khí hậu” Thái Nguyên, điều ấy chẳng biết là hay hay là dở nữa.

- Tác phẩm đầu tay mà anh công bố và cho tới hôm nay anh vẫn không bị thất vọng về nó?

- Tác phẩm đầu tay, tác phẩm đầu tay luôn là cái gì đó rất khó xử với các nhà văn. Tôi thấy tác phẩm thứ nhất, tác phẩm thứ hai của mình là thứ lẽ ra phải gộp lại để bắt đầu cho tác phẩm thứ ba trở đi. Tôi không thất vọng, không ân hận về tác phẩm đầu tay của mình, nhưng buồn cười.

- Anh vừa viết văn xuôi vừa làm thơ và rất khó phân tách hai vai trò này ở anh. Với anh, thế là khó hay dễ?

- Bình thường thôi anh Quang ạ, tôi thấy thế nào thì viết thế ấy, thấy cảm xúc này chỉ viết bằng thơ thì viết bằng thơ, thấy vấn đề này chỉ có thể diễn đạt bằng văn xuôi thì viết văn xuôi. Tôi không băn khoăn về chuyện văn hay thơ, vấn đề lớn nhất là viết có đúng như mình hình dung không, có hay không, có lôi cuốn không. Thể loại, xét cho cùng, chỉ là phương tiện để chúng ta diễn đạt tư tưởng của mình thôi.

- Việc anh chọn lựa phong cách riêng cho mình như thế đã ảnh hưởng thế nào tới công việc của anh? Những kỷ niệm vui? Những kỷ niệm buồn?

- Thực ra phong cách là thứ người ta không cố tình chọn được, nó là cái tạng, nó là chân dung nhận thức và thẩm mỹ của tác giả. Có điều tôi thấy rõ ràng là những phong cách khác biệt đều rất chật vật trong xã hội chúng ta. Văn học là thứ hay bị hiểu lầm vì nó đa nghĩa. Vấn đề ở chỗ có những lúc nó bị cố tình hiểu lầm để phục vụ có ý đồ cho cá nhân nào đó. Tôi có hai lần buồn, mà sau này thấy nỗi buồn ấy cũng rất vớ vẩn, lẽ ra không nên buồn vì thói đời nó vậy.

Lần thứ nhất là khi tôi tặng cuốn Thoạt kỳ thủy cho một nhà văn, mấy hôm sau, gặp lại nhau, nhà văn ấy trách tôi rất hồn nhiên: Xã hội đối xử rất tốt với anh đấy chứ, sao anh viết ác thế. Câu đó làm tôi thực sự choáng, buồn và thất vọng. Tôi không hình dung một tác phẩm văn học lại ác. Lần thứ hai, cũng lâu lâu rồi, khi tôi phải ngồi nghe người ta mổ xẻ, diễn giải tác phẩm của mình sai toét tòe loe, gán cho nó những điều mà tôi chưa từng hình dung, ức quá nhưng chịu cứng, không cãi được. Sau này, một người bạn bảo tôi, tạng viết của ông như thế thì ông phải gắng mà chịu. Tôi cũng ngộ ra tí chút. Văn học, về bản chất là bị hiểu nhầm.

- Anh từng học ở Trường Viết văn Nguyễn Du, nơi mà theo không ít người đã không hẳn có ảnh hưởng tốt tới quá trình phát triển nghệ thuật của những môn sinh. Anh có đồng ý với cách nhìn này không? Vì sao?

- Tôi quan niệm Trường Nguyễn Du là nơi để những cây bút ở các vùng tụ về gặp gỡ nhau, nạp kiến thức, chứ không phải nơi phát lộ tài năng. Tài năng chỉ phát lộ trong thực tiễn, tức là ở bên ngoài trường. Tóm lại, Trường Nguyễn Du giống như quán ăn tự chọn, anh chủ động chọn món hợp với mình mà ăn, còn anh tham lam, vơ váo, ngốn ngấu thì dễ rối loạn tiêu hóa. Có người học Nguyễn Du ra, điềm tĩnh hẳn, sâu sắc hẳn, vượt lên thành nhà văn cứng cựa, nhưng không ít người học xong thì hoắng huýt, bát nháo một hồi rồi tan biến. Vậy thì rõ ràng vấn đề nằm ở từng cá nhân, có bản lĩnh, biết tiếp nhận thì cực kỳ tốt, còn không thì dễ bị tẩu hỏa nhập ma.

- Trong các bạn đồng môn của anh ở Trường Nguyễn Du, những ai đã được anh quan tâm tới nhất, không chỉ đơn thuần trên phương diện đời thường mà chủ yếu là trong sáng tạo nghệ thuật?

- Tôi nghĩ, về thơ thì có Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, nhưng tiếc là cả hai đều đã mất. Về văn thì hiển nhiên là ông Bảo Ninh, ông Nguyễn Khắc Trường. Đó là những người tôi cho là góp phần làm nên danh tiếng của Trường Nguyễn Du.

- Anh có nghĩ là có một cái gọi là trường phái “văn học trường Nguyễn Du” hay không? Vì sao anh lại nghĩ như vậy?

- Không hề, điều này cũng giống như “dòng văn quân đội” mà anh đã nói thôi. Nghệ thuật là cá nhân và tài năng. Cùng ở lò Nguyễn Du ra, cùng thầy ấy, chương trình ấy, có anh viết hàn lâm, có anh viết rất bình dân, có anh viết về người hót phân mà cũng rất hay, có anh lấy cả nhà văn ra làm mẫu nhân vật để viết mà cũng chẳng thành văn được. Cá nhân và tài năng bản thân nó đã triệt tiêu cái gọi là trường phái rồi.

- Anh từng không chỉ một năm làm biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Giai đoạn đó đã để lại những dấu ấn gì trong ký ức của anh? Anh đã gặp những thuận lợi gì? Đã vấp phải những khó khăn gì?

- Chính xác thì tôi có 10 năm làm biên tập văn học tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Đó là thời kỳ cho tôi nhiều trải nghiệm mà sau này tôi mới thấy nó thực sự giá trị. Ví dụ như bản lĩnh biên tập, lòng đam mê, và cả những nhún nhường rất cần thiết. Thời kỳ này, tôi được đọc nhiều, tiếp xúc nhiều, nhất là với những người trực tiếp trải qua chiến trận. Qua tiếp xúc với họ, tôi hiểu thêm phần nào về phẩm cách của người lính. Có những người trong cơ quan cũng khiến tôi thấy quý trọng như Đại tá Phạm Gia Đức chẳng hạn, ông ấy là lính chiến xịn, quần nhau sầy vảy ở thành cổ Quảng Trị năm 1972. Có nhiều chuyện ông Phạm Gia Đức kể cho tôi nghe, tôi thấy hay lắm, nhưng không thể viết ra được.

- Tại sao lại không thể viết ra được. Tôi nghĩ với nhà văn thì điều gì cũng có thể viết ra, vấn đề là viết thế nào thôi.

- Không hẳn thế, có những điều mãi mãi chẳng bao giờ văn học có thể dung nạp được nó vì nó vượt ra khỏi mọi cung bậc tình cảm và vượt ra khỏi mọi lí tưởng. 

- Những cuốn sách nào mà anh từng biên tập đến nay vẫn khiến anh ưng ý? Vì sao?

- Tôi biên tập cũng nhiều, nhưng có một vài tác phẩm khiến tôi nhớ, như cuốn Tuyển tập trường ca chẳng hạn. Đó là cuốn sách tôi khoái vì tôi làm hoàn toàn theo ý mình, đích thân tôi chọn và viết lời nói đầu, hoàn toàn không có bất cứ sự can thiệp nào. Có cái nữa là khi làm tuyển tập ấy, tôi có gặp hầu hết các tác giả trong đó, trừ người đã mất, để trao đổi về độ chính xác của tác phẩm. Sau này khi rời khỏi Nhà xuất bản Quân đội, tôi chỉ mang theo cuốn đó làm kỷ niệm.

- Anh chuyển sang tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm nào? Vì sao anh lại quyết định chấp nhận sự thay đổi công việc này?

- Tôi cũng không nhớ chính xác năm mình sang tạp chí, chỉ nhớ rằng năm đó tôi in cuốn Thoạt kỳ thủy. Và trước khi sang, tôi được mấy bậc đàn anh về tuổi đời cho vài lời khuyên mà sau này tôi thấy họ khuyên đều đúng cả. Lí do tôi sang Văn nghệ Quân đội vì thấy mình cần di chuyển, và đấy cũng là tạp chí tôi yêu quý.

- Bây giờ trên cương vị Phó tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, anh cảm nhận thế nào về hiện trạng và tương lai của cơ quan văn học nghệ thuật từng giữ vị trí hàng đầu trong đời sống tinh thần của chúng ta?

- Không thể phủ nhận được rằng Văn nghệ Quân đội là tạp chí đã từng, và cho tới nay vẫn đang là, tạp chí có chất văn chương cao nhất, đậm nhất, thuần khiết nhất. Tạp chí đã tạo cho mình có một phong vị bài vở riêng. Nhiều người xuýt xoa rằng đã có một thời họ mê Văn nghệ Quân đội, đã có một thời họ cầm nó đi chiến trường và đọc nó giữa hai trận đánh.

Đúng như anh nói, Văn nghệ Quân đội từng giữ vị trí hàng đầu trong đời sống tinh thần của chúng ta, đó là giá trị đáng kính trọng, thậm chí là thiêng liêng. Nhưng tôi cho rằng có một đóng góp quan trọng nữa của tạp chí là đóng góp các tác giả. Những tác phẩm in trên Văn nghệ Quân đội làm nên thương hiệu của tạp chí là hiển nhiên, nhưng cốt lõi nhất để làm nên Văn nghệ Quân đội chính là từng cá nhân các nhà văn làm việc ở đó.

Một sự thật không chối bỏ được, là nhắc tới Văn nghệ Quân đội người ta nhắc tới các tác giả đội mũ đeo sao lẫy lừng. Chưa bao giờ tạp chí là diễn đàn nóng bỏng của văn chương, nhưng nó lại là nơi xuất xưởng những tác phẩm đáng giá làm nên các tên tuổi lớn. Đó là truyền thống rất cần phải giữ và phát huy.Nói thế, nhưng cũng phải nhìn thẳng vào thực trạng rằng đang có một sự hẫng hụt khá nghiêm trọng về đội ngũ, khi những lớp đàn anh rời khỏi tạp chí thì thế hệ sau chưa có sự tiếp nối xứng đáng.

Tôi nghĩ đây không chỉ là trăn trở của những bạn đọc yêu quý Văn nghệ Quân đội, mà còn là nỗi trăn trở của nhiều đồng chí lãnh đạo hiện nay, thậm chí của cả chính những nhà văn đang công tác tại Văn nghệ Quân đội. Quân đội ta có hai “đặc sản” khét tiếng là Thể CôngVăn nghệ Quân đội, thì một đặc sản đã biến mất, chỉ còn lại Văn nghệ Quân đội, nếu nó không giữ được thương hiệu thì thật đáng tiếc.

- Theo anh, liệu gắn kết trong đội hình mang tên các nhà văn “nhà số 4” có tạo nên một sự tương đồng nào đó trong sáng tác hay không? Và nhìn chung, đã bao giờ có một sự tương đồng rõ rệt trong sáng tác của các thế hệ nhà văn “nhà số 4”? Anh có thể lý giải được hiện tượng này?

- Tôi nghĩ nếu có thì có một sự tương đồng lớn, chính là đề tài về người lính. Đó là đề tài mà theo như tôi biết nhà văn mặc áo lính nào cũng đau đáu như một món nợ, ngay cả những nhà văn hiện đang công tác. Họ coi đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ và cả lương tâm nữa. Cũng có sự tương đồng thứ hai nữa, là dù phong cách của những nhà văn quân đội rất khác nhau, nhưng chung một điểm là hướng tới sự chân phương, dễ đọc, dễ tiếp nhận.

- Mỗi nhà văn khi bước vào con đường nghệ thuật đều có những người đi trước mà họ mến mộ. Với anh, đó là ai? Anh có thể nói chi tiết những gì về họ?

- Tôi không mến mộ một sự nghiệp nào cụ thể, tôi khâm phục theo tác phẩm, mỗi người một tí. Tôi đã có lần nói rằng mình không có thần tượng, chẳng biết điều đó là hạnh phúc hay bất hạnh.

- Trong những đồng nghiệp ở nhà số 4 hiện nay, anh lưu tâm tới sáng tác của những ai nhất? Anh có thể nói gì về họ?

- Đa số các nhà văn đang công tác tại nhà số 4 đều có tố chất, có điều kiện, có cả cơ hội nữa, phần còn lại phụ thuộc vào bản lĩnh và ý chí của họ. Vả lại tài năng là thứ chín theo tự nhiên, không thể dùng thuốc kích thích được, bắt buộc phải chờ đợi thôi.

- Văn học theo đúng nghĩa của nó luôn là con đường sáng tạo nhiều bất trắc. Anh có đồng tình với nhận định này không? Vì sao?

- Có chứ. Lúc nãy tôi đã nói là văn học, về bản chất là bị hiểu lầm, vì thế bất trắc là điều không tránh khỏi. Sáng tác thì ai chẳng có bất trắc, chỉ có điều nhiều hay ít, trầm trọng hay không trầm trọng. Khi anh sáng tác, tức là anh tạo ra cái mới, cái khác, cái chưa có, thì việc tiếp nhận nó cũng không phải dễ dàng và như vậy sẽ kèm theo bao nhiêu mạo hiểm. Văn chương là dấu chấm hỏi đứng liền sau dấu chấm than, cho nên nó mệt thế. Nhưng có điều này, khi xảy ra bất trắc thì anh sẽ thấy, ai là người tốt, ai là người nhìn thấu tình đạt lý bản chất, ai là người tranh thủ biến tai nạn của người khác thành cơ hội của mình. Bất trắc cũng là dịp để nhà văn chiêm nghiệm về người đời.

- Anh nghĩ thế nào về cái gọi là công tác phê bình văn học ở Việt Nam hiện nay? Anh thích cái gì? Cái gì anh không thích?

- Tôi thấy phê bình hiện nay có vẻ phân luồng rõ hơn là sáng tác, một dòng rất nghiêm túc, đứng đắn, một dòng thì rất à uôm, tạp nhạp.

- Một trưởng lão trước đây từng nói đùa rằng, nếu ông chết đi thì hãy chôn theo ông vài ba nhà phê bình văn học. Anh có lúc nào nổi cáu đến mức thế không?

- Không, tôi nghĩ ai làm việc của người ấy, cáu với nhau mà làm gì.

- Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Bình Phương!

H.T.Q.
.
.