Bác sỹ Nguyễn Hữu Khánh Duy: Gió số phận thổi mạnh
Cuộc đời ông, niềm say mê mang cái tên trách nhiệm của ông, đã là một sự dấn thân tuyệt đối. Và vị sỹ quan Công an ngày nào, ở ngưỡng cửa "thất thập cổ lai hy", vẫn miệt mài con đường của mình, vẫn gắn chặt đời mình với trung tâm cai nghiện Thanh Đa. Ông đi tìm những mảnh hồn còn lại trong những tấm thân tàn ma dại vì ma túy…
Cuộc đời ông vắt ngang qua những biến động của thời cuộc, mà chính ông cũng rất vất vả để được trả lại tên cho số phận mình. Đời người chiến sỹ tình báo đơn tuyến, hoạt động trong lòng địch luôn là cuộc đời nhiều uẩn khúc, mà không dễ gì có thể hóa giải trong một vài ngày. Đó chính là lý do, phải rất nhiều năm sau giải phóng, ông mới xác minh được trọn vẹn lý lịch, để được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt
Cho đến tận lúc này, ngọn gió số phận vẫn thổi mạnh, không cho tâm trí ông nghỉ ngơi. Luôn là những ngày tất bật với công việc. Và tự ông đặt cho mình cái trách nhiệm của một người phải lo lắng cho những cuộc đời khác. Cứ thế. Ngày. Tháng. Và năm…
Nguyễn Hữu Khánh Duy từng là học sinh giỏi của Trường Trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Ngay từ những năm đầu của thập niên 60 của thế kỷ trước, ông đã bước vào cuộc tranh đấu cùng thanh niên, học sinh của thành phố chống lại chế độ độc tài của Ngô Đình Diệm tại miền Trung.
Năm 1966, ông thi đỗ Đại học Y Sài Gòn và bắt đầu hoạt động trong phong trào sinh viên tại trường. Đến năm 1968, ông là một trong những sinh viên Đại học Y tham gia vào phong trào cách mạng, bằng việc giúp đỡ những chiến sỹ cách mạng tại các bệnh viện sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Và cũng trong quá trình ấy, năm 1971, ông được lãnh đạo lực lượng An ninh T4 bố trí về công tác tại Ban An ninh vũ trang Sài Gòn, Gia Định với bí danh Năm Quang. Sau đó, Ban An ninh T4 thành lập cụm tình báo A10, bao gồm các đồng chí Mười Thắng, Năm Quang, Ba Hoàng, Hai Phương do hai đồng chí là Trần Quốc Hương và Lê Thanh Vân chỉ đạo.
Cụm tình báo A10 có nhiệm vụ xây dựng lực lượng điệp báo bí mật, để làm công tác phản gián, thu thập tin tức liên quan đến ý đồ của địch, nhằm kịp thời tham mưu cho các cấp chỉ đạo để tấn công địch. Họ đã có những đóng góp xuất sắc, góp phần không nhỏ vào chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền
Năm 1973, Năm Quang được đồng chí Mười Hương chỉ đạo vào lính để giữ nhân thân hợp pháp, nhằm có điều kiện tốt nhất trong hoạt động thành thị, phục vụ yêu cầu đánh địch của An ninh T4. Và ông đã trở thành bác sỹ trưởng quân y của Lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ của quân đội Sài Gòn, đồng thời vẫn tiếp tục chỉ đạo mạng lưới tình báo tại Sài Gòn. Cũng chính ông là người ký hàng loạt giấy xác nhận thương tật nhằm cho những gã lính thủy đánh bộ có thể được giải ngũ. Những gã bị thương được ông giữ lại bệnh viện, điều trị lâu nhất có thể, nhằm làm giảm sức chiến đấu của quân địch.
Ông đã từng đeo hàm đại úy trong quân đội Sài Gòn mà không hề bị nghi ngờ, phát hiện… Đến tháng 6/1975, ông đi tập trung học cải tạo như một sỹ quan quân đội Sài Gòn phải "gột rửa". Nhưng đến đầu năm 1976, ông đã được chuyển về bộ phận Bảo vệ chính trị thuộc Ban An ninh nội chính TP Hồ Chí Minh với quân hàm thiếu úy. Cuộc sống của ông bắt đầu qua một bước ngoặt khác. Mà phải đến tận lúc đó, nhiều người mới biết được một phần đời khác mà ông phải bí mật nhiều năm, khi hoạt động trong lòng địch.
Nhưng mọi chuyện hoàn toàn không giản đơn như vậy. Ông phải mất một thời gian không ngắn xác minh hồ sơ để được kết nạp vào Đảng. 6 năm chờ đợi với người khác có thể là hành trình đầy ức chế. Nhưng với Nguyễn Hữu Khánh Duy, thì đó là thời gian để thử thách. Ông đã chấp nhận. Ông chưa bao giờ phiền muộn hay oán trách. Nguyễn Hữu Khánh Duy phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân hơn hai chục năm, khi ông về hưu với cương vị bệnh xá trưởng của trại tạm giam Chí Hòa, với quân hàm Thiếu tá, Nguyễn Hữu Khánh Duy bắt đầu một công việc mới. Và công việc ấy mở ra cho ông một hành trình khác. Hành trình ấy kéo ông đi. Đến tận lúc này…
Khi làm tại bệnh xá của trại tạm giam Chí Hòa, và khi làm hội thẩm tại Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh, ông đã tiếp xúc nhiều đối tượng nghiện ma túy. Và đó cũng là lúc ông thấy mình cần phải làm một việc gì đó. Về hưu, ông cùng những người bạn cựu chiến binh quyết định lập trung tâm cai nghiện Thanh Đa. Họ không có nhiều tiền. Mỗi người chỉ có một căn nhà là tài sản lớn nhất. Và những tấm sổ đỏ là vật thế chấp để họ bắt đầu xây dựng trung tâm.
Những khó khăn chồng chất. Khó khăn về niềm tin là điều không dễ dàng giải quyết được. Họ phải xác lập từng bước, bằng chính phương pháp và nhân tâm của mình đối với những học viên cai nghiện. Đến ngày hôm nay thì ông đã có thể yên tâm được với trung tâm. Đã có vài ngàn học viên được cai nghiện tại đây. Thời gian cai nghiện tại trung tâm không quá dài và không quá khắc nghiệt. Chủ yếu để họ lấy lại một tinh thần sống, kết hợp với điều trị một cách chừng mực. Sự kết hợp giữa trung tâm và gia đình cũng giúp họ có thêm được niềm tin. Sự cách ly và phương pháp điều trị khắc nghiệt không phải là cách mà ông muốn đem đến. Ông muốn tìm ra cách để những người nghiện ma túy có được sức mạnh nội lực, sức mạnh để họ vượt qua chính bản thân mình chứ không phải từ những tác động bên ngoài.
Việc chăm sóc những bệnh nhân nghiện đã giúp ông hiểu được nhiều cảnh đời hơn. Có những ông già khóc ròng khi đến gặp ông. Họ giao đứa con nghiện cho ông, như giao cả một sứ mệnh để thay đổi. Có những bậc cha mẹ tuyệt vọng vì con đi cai nghiện quá nhiều lần mà vẫn tái nghiện. Có những đứa con đã từng gí dao vào cổ mẹ để tìm những đồng tiền cuối cùng đem nướng vào ma túy. Những cảnh đời não nùng và thương tâm đến tận cùng, mà càng làm lâu trong trung tâm cai nghiện, ông càng thấy lạ lùng, rằng đời người tại sao lại như vậy, tại sao lại có những điều kỳ lạ đến nghiệt ngã đến vậy. Và chính những điều ấy đã buộc ông không được dừng lại.
Dù vợ con ông đã nhiều lần "lên dây cót", báo động về sức khỏe và lịch làm việc của ông. Nguyễn Hữu Khánh Duy nói, ông thấy mình mang nợ. Và buộc ông cứ phải tiếp tục. Dù lương ở trung tâm này không cao, mà thời gian làm việc nhiều đến mức ông không có thời gian về với gia đình, nhưng trung tâm này đã là ngôi nhà thứ hai của ông từ lâu, mà ông không hề cố gắng làm điều đó.
Nguyễn Hữu Khánh Duy đưa chúng tôi đi thăm trung tâm cai nghiện Thanh Đa. Cơ ngơi của ông và các cộng sự đã khang trang hơn rất nhiều những ngày đầu dựng nghiệp. Các sân chơi, phòng đọc sách, phòng tập thể dục, phòng giải trí, phòng hát karaoke được thiết kế khoa học, để học viên hoàn toàn có được cuộc sống thoải mái khi tới điều trị cai nghiện. Ông nói, ông muốn mở rộng thêm, để không gian thoáng rộng nữa. Nhưng lúc này ông chưa đủ sức. Và ông vẫn đang cố từng ngày…
Nguyễn Hữu Khánh Duy đi sau cùng, mỗi căn phòng đi qua ông khóa lại từng ổ khóa cẩn thận. Rất nhiều ổ khóa được thiết lập tại trung tâm này. Và ông cần mẫn khóa chúng mỗi ngày. Để có thể giúp người nghiện không còn cơ hội trở lại với ma túy khi đến với trung tâm. Và cơ hội cho họ tìm lại chính tâm hồn mình cũng bắt đầu từ đó.
Nguyễn Hữu Khánh Duy tóc bạc trắng, nói rất nhẹ và không nói về những việc mình đã làm. Số phận, như một định mệnh, gắn ông với nơi này. Gió số phận vẫn thổi mạnh…