Bác sĩ y khoa đầu tiên ở bán đảo Đông Dương

Thứ Bảy, 17/02/2007, 14:00

Đó là bác sĩ Hoàng Thụy Ba quê ở thôn Phù Lưu (tên nôm là Chợ Giàu), một cái làng - chợ phồn thịnh của xứ Kinh Bắc.

Họ Hoàng ở Phù Lưu có những tên tuổi lớn như nhà thơ - liệt sĩ Cần Vương Hoàng Văn Hoè (ông Hoàng Thụy Ba gọi cụ Hoè là ông bác). Thân sinh ra Hoàng Thụy Ba là cụ Hoàng Thụy Chi, Tổng đốc Bắc Giang, mà dân làng thường gọi là cụ Tuần Chi, có cái lăng to đẹp ở đầu làng, người đã cho lát toàn bộ đường làng bằng đá xanh, mà nhà văn Kim Lân, người cùng làng đã viết rất kỹ về những chuyện này trong truyện ngắn “Làng” nổi tiếng. Họ Hoàng còn có những người nổi tiếng khác trong giới văn nghệ như Hoàng Tích Chu, Chủ nhiệm Báo Đông Tây, người có công cách tân ngôn ngữ báo chí Việt Nam; họa sĩ sơn mài Hoàng Tích Chù; nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, là những người anh họ của cụ Ba. Họ Hoàng còn đóng góp cho văn học hiện đại: nhà thơ dịch giả Hoàng Thúy Toàn, nhà thơ Hoàng Hưng (con trai út ông Hoàng Thụy Ba).

Bác sĩ Hoàng Thụy Ba sinh ngày 31/10/1902 tại Phù Lưu, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh. Sau khi đỗ tú tài, ông vào học Trường cao cấp Y Dược khoa Đông Dương (Ecole Superieure de Médecine et de Pharmacie de l Indochine) tại Hà Nội năm 1920. Đó là khoá đầu tiên tại Đông Dương đào tạo bác sỹ y khoa. Khoá này chỉ có hai sinh viên (người thứ hai là bác sỹ Đặng Vũ Lạc). Trước đây, Trường Y khoa Đông Dương, do bác sỹ Yersin thành lập (1902) chỉ đào tạo y sĩ Đông Dương. Từ sau khi đổi tên thành Trường cao cấp Y Dược khoa  (1919) mới bắt đầu đào tạo Bác sĩ. Nhưng theo quy chế của Pháp thời gian đó, sinh viên học xong chương trình phải bảo vệ luận án tốt nghiệp tại Pháp. Vì vậy Hoàng Thụy Ba cuối năm 1927 đã bảo vệ thành công luận án bác sỹ y khoa nhan đề “Góp phần nghiên cứu nội mạc trực tràng - âm đạo” tại Đại học Y khoa Paris, thuộc Viện hàn lâm Paris. Tấm bằng của ông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục Cộng hoà Pháp ký ngày 27/12/1927.

Bằng bác sĩ Y khoa của Bác sĩ Hoàng Thuỵ Ba.

Những người trong ngành Y kỳ cựu thường kể lại như một giai thoại: Trên chuyến tàu biển từ Pháp sang Đông Dương, viên thuyền trưởng nhận được điện của Bộ Giáo dục Pháp: Ông Hoàng Thụy Ba đang là khách trên tàu của ngài đã được Viện hàn lâm Paris cấp bằng bác sĩ y khoa! Thì ra bảo vệ xong luận án, Hoàng Thụy Ba đã trở về nước ngay mà không chờ kết quả và văn bằng. Ông thuyền trưởng rất biết giá trị của tấm bằng bác sỹ y khoa mà cho đến lúc đó, chưa ai có trên toàn cõi Đông Dương. Ông đã tổ chức một dạ tiệc mời toàn thể hành khách trên tàu mừng tin vui đó. Khi vị tân bác sĩ bước ra, mọi người ồ lên, vì họ không hình dung người thanh niên bé nhỏ, ít nói họ thường gặp trên boong lại là người vừa đoạt được vinh dự đó!

Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, bác sỹ  Hoàng Thụy Ba được cử làm giám đốc đầu tiên của Sở Y tế Khu 11 (Hà Nội), rồi trong kháng chiến chống Pháp, Bộ trưởng Y tế Hoàng Tích Trí đã giao việc thành lập và điều hành Trường Nữ hộ sinh trung cấp Liên khu III- IV, trường đào tạo nữ hộ sinh trung cấp duy nhất của ngành Y tế, cho bác sỹ Hoàng Thụy Ba.

Trong khoa học, có người thành danh vì một phát minh, đứng ở đỉnh cao khoa học, Hoàng Thụy Ba chỉ là một bác sĩ sản khoa, nhưng ông có vai trò quan trọng ở một thời điểm lịch sử, đào tạo ra hàng ngàn hộ sinh viên, qua họ lại đào tạo ra hàng vạn người khác. Không thể tính được con số bao nhiêu triệu trẻ em được cứu sống khỏi các bà mụ hộ sinh vườn cắt rốn bằng liềm, dao, nứa, kéo... tỷ lệ tử vong sơ sinh rất cao do trẻ bị uốn ván, nhiễm trùng rốn..., mẹ thì sót rau, băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm trùng sau đẻ. Những trẻ em được cứu sống từ khi có màng lưới hộ sinh nhân dân đó, người nhiều tuổi nhất cũng đã gần 60 tuổi, nguồn nhân lực nhân tài quan trọng đã đóng góp cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc cho đến ngày nay!--PageBreak--

Trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến đang ở thời kỳ gian khổ nhất (vì chưa giải phóng biên giới nên chưa có sự tiếp sức của nước bạn), thầy hiệu trưởng đã thấm nhuần khẩu hiệu "dựa vào dân", rồi "tự lực cánh sinh". Tại các thôn Yên Định, Yên Hoành (huyện Yên Định, Thanh Hoá), lớp học và cơ sở thực tập của Trường Nữ hộ sinh trung cấp Liên khu III-IV là những đình chùa, miếu mạo, điếm canh... bỏ hoang, được dọn dẹp, dựng phên nứa lá che gió, che mưa. Từ soạn chương trình đến dạy môn lý thuyết và hướng dẫn thực hành đều do thầy Hoàng Thụy Ba trực tiếp thực hiện. Lần đầu tiên, ra đời một chương trình đào tạo sản khoa hoàn toàn bằng tiếng Việt. Những từ như Curage digital được dịch là nạo bằng tay, embryotomie là cắt thân thai nhi, basio - tripsie là kẹp hộp sọ... Thầy hiệu trưởng cho mở ba nhà hộ sinh tại địa phương để kết hợp dạy thực hành và phục vụ đồng bào.

Những học viên được xác định rõ những yêu cầu khi bước vào ngành, qua những giờ học lý thuyết trên lớp kết hợp với thực hành dưới sự hướng dẫn cặn kẽ, nhất là theo dõi, uốn nắn từng động tác nhỏ trong kỹ thuật sản khoa của thầy Ba nên đã nhiều thập kỷ trôi qua, những học trò cũ vẫn nhớ như in những việc làm tuần tự đối với một sản phụ vào viện. Tất cả các thao tác chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc đẻ và sau đẻ. Có thời gian địa điểm của trường bị máy bay bắn phá, sạt mái, học viên phải lấy thân mình che cho sản phụ. Có lúc hết kinh phí, đến ba tháng trời học viên không có gạo ăn, chưa kể đến một số yêu cầu tối thiểu cho hoạt động của trường cũng thiếu, thầy Ba phải bán nốt một số đồ dùng và ba lạng vàng cuối cùng của riêng thầy, để lấy tiền đong gạo cho học viên.

Khi thầy còn sống, nhiều học trò dù đã 70, 80 tuổi, hàng năm cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 lại tụ họp quây quần bên thầy Ba ôn lại những kỷ niệm thân thương. Bác sỹ Nguyễn Thị Toàn từng kể lại trong một bài báo: “Ngoài giờ học ở lớp, ở nhà hộ sinh, chúng tôi còn được thầy Ba bố trí thành từng nhóm vào các làng bản khám thai, tuyên truyền vệ sinh thai nghén, nuôi con theo phương pháp khoa học, không chờ sản phụ mà đến tận nhà vận động họ đến đẻ ở nhà hộ sinh, soạn các bài để đi nói chuyện trong dân... Nửa thế kỷ trôi qua, đến nay chúng tôi vẫn nhớ như in sự tận tụy, tình thương yêu của các thầy cô, trước hết là của thầy hiệu trưởng với chúng tôi" (Báo SK&ĐS ngày 13/4/2002).

Năm 1952, bác sĩ Hoàng Thụy Ba được tin bà cụ thân sinh bị bệnh, liệt nửa người ở Hà Nội không người chăm sóc. Ông báo cáo với tổ chức: xin được vào Thành chăm sóc mẹ, hứa sẽ không làm gì cho địch. Đồng chí Khuất Duy Tiến, Bí thư Thành ủy lúc ấy đồng ý để ông vào Hà Nội. Quả nhiên, Tây mời làm việc, ông từ chối, chỉ mở bệnh viện tư tại nhà để sinh sống và chăm nom mẹ.

Năm 1959, Bác sĩ Hoàng Thụy Ba đóng cửa bệnh viện tư, hiến tặng Nhà nước mọi thiết bị y tế của bệnh viện, vào làm việc ở Bệnh viện C (nay là Viện Bảo vệ bà mẹ, trẻ sơ sinh) với chức trưởng phòng rồi ông được bầu làm Phó Ban Y tế Xã hội của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy viên Hội đồng nhân dân thành phố các khoá I, II, III cho đến khi về hưu. Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Y học Việt Nam, Hội Hồng thập tự Việt Nam...

Kẻ sĩ có lúc xuất, lúc xử, mỗi bước ngoặt, sự biến trong đời là một lần chứng minh bác sỹ Hoàng Thụy Ba luôn giữ được cốt cách của một nhân sĩ Bắc Hà

Vân Long
.
.