Ba thi nhân làm thơ tết

Thứ Hai, 26/01/2009, 15:15
Ba nhà thơ Quang Dũng, Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện rất thân nhau. Cùng chung quan niệm về xã hội về văn chương, họ thường gặp nhau để đàm đạo thế sự, thi ca và hỗ trợ nhau trong sáng tác. Trong một cuộc họp thơ ở Hội Nhà văn, Chủ tịch Hội đồng thơ Xuân Diệu, nói: "Đó là một tình bạn tình thơ rất đáng trân trọng".

Tết năm nào cũng vậy, họ giữ truyền thống của các nhà nho: Làm thơ khai bút. Họ gặp nhau, chúc mừng năm mới, cùng nhau đọc thơ khai bút. Riêng Tết Tân Tỵ, Trần Lê Văn làm hai bài, viết lên giấy hồng điều, dán ở phòng khách nhà mình:

Bài thứ nhất:

Mở rộng cửa chào đón
Bè bạn đến quây quần
Chuyện cứ vui như Tết
Cười cho dài tuổi xuân.

Bài thứ hai:

Tân niên tân tuế bát tuần dư
Cứ sống dằng dai thế cũng cừ,
Thường đến chùa chiền xem các vãi
Đành ưa chay tịnh giống nhà sư,
Bạn bè xét nét khen rằng tốt
Bà xã ngăn ngừa, chẳng dám hư,
Có lúc thơ tình còn phóng bút
Dẫu chỉ suông tình cũng ngất ngư.

Hồi Quang Dũng còn khỏe mạnh, đêm giao thừa, Trần Lê Văn và Ngô Quân Miện đến nhà Quang Dũng chơi. Quang Dũng cùng với vợ con đang nấu bánh chưng. Ngồi trò chuyện một lúc, ba ông rủ nhau đi dạo phố bằng cách tiễn nhau đến nhà ông này rồi tiễn đến nhà ông kia. Cứ tiễn đi tiễn lại gần hết cả đêm giao thừa. Trần Lê Văn nghĩ ra trò chơi ứng tác "thơ nối từ" như kiểu trẻ con chơi trò nối từ: "Ra bờ hồ... hồ gì? Hồ Tây?... Tây gì?... Tây đen... đen gì?... đen hoắc...?".

Trần Lê Văn ứng tác trước: "Tôi tiễn đưa ông đến tận nhà", rồi chỉ định Quang Dũng đọc câu tiếp. Nhà Quang Dũng ở gần Bệnh viện Mắt (Nhà thương đau mắt), anh liền xuất khẩu rất nhanh: "Thương đau mắt hột cũng không xa". Trần Lê Văn lại ứng tác câu thứ ba: "Trở về cho chóng xem nồi bánh", rồi chỉ định Ngô Quân Miện đọc câu tiếp. Ngô Quân Miện nhanh nhảu ứng khẩu câu thứ tư: "Chưng chín xong rồi vội bóc ra".

Trần Lê Văn đọc lại cả bốn câu một cách hoàn chỉnh:

Tôi tiễn đưa ông đến tận nhà
Thương đau mắt hột cũng không xa,
Trở về cho chóng xem nồi bánh
Chưng chín xong rồi vội bóc ra.

Ba ông khoái quá, cười ha hả giữa đường phố. Quang Dũng lại kéo hai ông bạn về nhà mình, thực hiện việc nối từ để tạo ra bài "tứ tuyệt" thứ hai: "Chưng chín xong rồi vội bóc ra...". Nhà Quang Dũng vang lên tiếng cười cho đến tận sáng.

Khi Quang Dũng bị bệnh thấp khớp nặng, sức khỏe suy sụp, chân đi chuệch choạng, miệng nói ngọng. Ba ông vẫn cố gắng gặp nhau, trò chuyện và đọc thơ hài hước. Quang Dũng hòa vào cuộc vui, cùng hài hước với bạn.

Ngày Tết. Trần Lê Văn và Ngô Quân Miện đến chúc Tết Quang Dũng. Thấy Quang Dũng đi lại và nói năng khá hơn trước, Trần Lê Văn liền đề xuất: Làm thơ lục bát nối vần, mỗi người hai câu, theo thứ tự: Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện, Quang Dũng.

Trần Lê Văn khai ngòi:

Mừng ông biết nói biết đi
Nhưng mà bằng được thiếu nhi mới tài.

Ngô Quân Miện nối vần ngay:

Mừng ông mỗi buổi sáng mai
Ung dung dạo bước ra ngoài vườn xuân.

Nghe hai bạn đọc thơ giòn giã, Quang Dũng cảm thấy người khỏe khoắn và hưng phấn:

Lời thơ bạn chúc tuyệt trần
Mắt xuân lại liếc, má xuân lại hồng.

Cả nhà Quang Dũng quây quần vui vẻ, thưởng thức bữa "tiệc thơ" đầu năm thật là rôm rả và bổ ích.

Sau khi Quang Dũng qua đời, hai ông bạn buồn xỉu. Để giữ được thăng bằng trong tình cảm, Trần Lê Văn và Ngô Quân Miện vẫn gặp nhau và ứng khẩu thơ hài hước. Ngày Tết, vẫn làm thơ khai bút, xướng và họa. Tết đầu tiên vắng Quang Dũng, để xua tan nỗi trống vắng, Trần Lê Văn đọc bài xướng:

Pháo đón Tân xuân bỗng nổ đoành
Giật mình thêm một cái xuân xanh,
Văn chương ì ạch khôn tăng tốc
Tuổi tác vèo trôi khó hãm phanh,
Lắm kẻ thầm mong lên chức "cụ"
Riêng mình chỉ thích xuống vai "anh",
Hỏi trăng hỏi gió "anh" đều nhớ
Hỏi tuổi thì "anh" quên rất nhanh!

Ngô Quân Miện họa:

Đã biết chơi xuân, cóc sợ đoành
Dẫu rằng nghiệt ngã luật ngày xanh,
Bon chen mặc xác phường gia tốc
Sống gấp thây đời bọn kẹt phanh,
Khóe mắt long lanh nào ngó tớ
Nụ cười móm mém khó xưng "anh",
Mơ màng thì vẫn mơ màng đấy
Cạn cốc rượu nồng, lại tỉnh nhanh

.
.