Ba nỗi niềm của nhà văn Ma Văn Kháng

Chủ Nhật, 08/12/2013, 13:11

Thâm nho, trầm tĩnh nhưng đầy bặt thiệp và hóm hỉnh, nhà văn Ma Văn Kháng luôn mang lại cho người đối diện sự tin cậy tuyệt đối trong mỗi lần tiếp xúc. Bởi vậy, cuộc sống đi vào văn chương của ông luôn được lọc qua một lăng kính suy tư nghiêm túc của một người từng trải, dù ông là người luôn có xu hướng thu mình trước đám đông, giữa đồng nghiệp.

Dường như ông luôn cố gắng để mình không vướng vào những hệ lụy đời thường, nhất là những ham hố ngoài văn chương. Ở tuổi gần bát thập, nhà văn Ma Văn Kháng vừa xuất bản cuốn tiểu thuyết cuối cùng của đời mình “Chuyện của Lý”. Nhà văn chia sẻ, đó là cách ông trả nợ những năm tháng đã qua, những con người đã gặp, những chặng hành trình đã sống, để biết ơn từng khoảnh khắc hiện tại của đời mình…

Căn nhà 4 tầng của nhà văn Ma Văn Kháng yên tĩnh đến lạ lùng, dù nó nằm ngay cạnh những con phố ồn ã, đông đúc của thủ đô. Yên tĩnh, sạch sẽ và ấm áp. Ấm áp ngay cả trong thời tiết lạnh giá của mùa đông đã tràn về khắp các nẻo đường Hà Nội. Phòng khách be bé, chỉ đủ để kê cái bàn nhỏ uống nước và hai chiếc ghế tiếp khách, không có sự hiện diện của những giá sách đồ sộ, những chồng báo lớn nhỏ hay bộn bề giấy tờ, sách vở như là hiện thân tài sản của một đời văn chương mà ông đắm đuối. Nhưng nguồn năng lượng và cảm hứng văn chương mà ông đã có để viết 200 truyện ngắn, 17 cuốn tiểu thuyết trong cả một đời làm nghề, đủ để căn nhà ông trở thành một thư viện nhỏ mang tên Ma Văn Kháng.

Nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ rằng, thực ra, văn chương đến với ông cũng là một sự tình cờ. Ngày bé ông thích văn, đã viết tham gia các cuộc thi của nhà trường nhưng không nghĩ mai này sẽ là nhà văn. Lớn hơn một chút, trong thâm tâm ông bắt đầu tâm niệm mình sẽ phải viết.

Chuyến lên Lào Cai cũng là bởi ảnh hưởng của các tiểu thuyết lãng mạn, đặc biệt là cuốn Truyện Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài. Giữa tết năm 1955, trong khi bạn bè ông ồ ạt kéo về Hà Nội thì ông hăng hái cuốc bộ lên Lào Cai lập nghiệp. Không nghĩ đi để thành danh, nhưng có gì đó đầy hào hứng lôi cuốn, thực sự rất hấp dẫn và mới mẻ cứ lớn lên trong tâm hồn anh giáo viên trẻ tìm được lý tưởng. Rồi mọi thứ theo chiều hướng ấy cứ đổi thay theo vần xoay của nó.

Dạy nhiều năm ở miền núi, đang làm hiệu phó của một trường cấp III thì ông bị điều về làm thư ký cho bí thư tỉnh ủy Lào Cai, nhoằng cái đã một phần tư thế kỷ. Đến thời kỳ sáp nhập ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ, thừa nhân sự, thì ông mới có cơ hội chuyển về Hà Nội, làm cán bộ ở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, rồi sang Nhà xuất bản Hội Nhà văn, sau đó sang Hội Nhà văn rồi nghỉ hưu…

Ông chia sẻ: “Về Hà Nội rồi, tôi mới nhận ra rằng, hóa ra mình đã ở miền núi đến một phần tư thế kỷ. Tỉnh lẻ rất tình cảm, rất gắn bó, như một phần cơ thể mình vậy, nhưng nếu để làm văn chương chuyên nghiệp thì hóa ra mình cần nhiều điều hơn thế. Mảnh đất Lào Cai mang lại cho tôi vốn sống về dân tộc rất lớn, thậm chí còn là “nguồn” để bè bạn hỏi mỗi khi cần cho sáng tác. May mắn là tôi được sống lăn lóc như một người bình thường, có thể ở mãi với nghề giáo, viết mãi cũng sẽ thành nhà văn, nhưng cái nhãn quan sẽ không như một nhà văn chuyên nghiệp.

Điều bất ngờ và cũng rất may là khi đang yên vị chức danh Hiệu trưởng trường cấp III, tôi bị điều phắt lên làm thư ký cho ông bí thư tỉnh ủy, có nghĩa là mình được gắn bó, gần gũi hơn với những gì thuộc về vận mệnh con người, vận mệnh của đất nước. Hồi đó, đi theo bí thư, bất kể mưa dầm gió bấc gì tôi cũng lăn lóc theo ông, khi thì đi chỉ đạo trồng đỗ tương, khi lại chống lũ lụt, lội ruộng, lội bùn là chuyện bình thường.

Cả nước nghèo nên cuộc sống của ông bí thư hồi đó cũng chẳng hơn gì dân chúng. Chỉ khác là ông bí thư thì có ô tô đưa đón, dĩ nhiên lương cao hơn, đi sơ tán thì tỉnh phải làm nhà cho gia đình ông ở, nhưng khi người họ hàng đến ông cũng không đủ gạo để ăn thì văn phòng tỉnh ủy phải làm một cái đơn sang Ty Lương thực để xin cấp gạo vét kho.

Đến ngày chủ nhật ông cũng phải đi lấy củi trên rừng về cho vợ nấu cám lợn tăng gia sản xuất, rồi đi trồng sắn theo chỉ tiêu tự túc lương thực… Tôi nhận ra rằng, ngẫu sự rất quan trọng, cứ để cho cuộc sống chủ động đến với đời mình, nhiều khi sự rủi ro đối với người làm nghệ thuật lại là điều may mắn”!

“May mắn là thế, vậy ông còn ân hận điều gì?” - Tôi hỏi nhà văn Ma Văn Kháng!

“Lẽ ra tôi nên về Hà Nội sớm hơn chục năm để học được nhiều hơn. Học thêm mỹ học, triết học, để được thấm nhuần văn hóa Thăng Long, thấm nhuần cái “hồn thiêng sông núi” cho tác phẩm của mình nó bớt đi chất tỉnh lẻ.

Nói vậy không phải tôi chê tỉnh lẻ, nhưng thực sự cái gọi là “văn hóa tỉnh lẻ” cản trở và làm mình bé đi ghê lắm, cảm giác nơi đó như cái lồng chật chội dù tình cảm rộng mênh mông, nhưng muốn bứt phá được là rất khó. Một phần tư thế kỷ là quá lâu so với một đời người. Về đến Hà Nội, gặp anh xích lô, gặp một bà bán nước chè ở vỉa hè cũng thấy họ khác. Họ nói nhiều, nói hay, nói đâu ra đấy còn mình ú a ú ớ.

Chuyển đổi không gian văn chương khiến mình đầy lạ lẫm nhưng thức ngộ, bừng sáng. Bởi vậy mà tôi về từ năm 1976, đến năm 1982 mới viết lại được Mưa mùa hạ, một tác phẩm thể hiện sự khai sáng cuộc đời mình. Hồi đó, một ông bạn văn đã nói với tôi: “Lão Kháng này mới ở miền núi về thấy cái gì cũng lạ nên cứ kêu toáng lên, còn bọn mình ở đây quen rồi nên thấy cái gì cũng quen hết cả”.

Ít người biết được rằng để có một “gia tài văn” Ma Văn Kháng, thì sự chuyển đổi không gian văn chương ấy của ông đã phải đánh đổi những gì. Đó là những ngày ăn nhờ ở đậu tại nhà tập thể Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nơi ông được nhận về. 6 con người ở gồm hai vợ chồng, 2 con, mẹ già và cậu em trai xuất ngũ chỉ ở trong 8 mét vuông.

Ban ngày đi ra công viên ở, tối mới được về nhà. Nhà chẳng có vật dụng gì giá trị, ông và vợ đi chung chiếc xe đạp thì khóa lại để ngoài cửa. Bốn năm sau, hai vợ chồng ông vất vả lắm mới lo toan để xin được cấp căn hộ chung cư ở Thành Công rộng khoảng 28 mét vuông. Nhà văn Ma Văn Kháng kể lại rằng, ông chở vợ trên xe đạp, cầm cái giấy nhận nhà mà đi trên đường run rẩy chỉ sợ bị xe ô tô cán chết. Ở trong 8 mét vuông suốt nhiều năm trời, nên khi được đến ở trong căn hộ 28 mét vuông được chia làm hai buồng, mỗi buồng 14 mét không khác gì một tòa lâu đài. Có lúc ông trò chuyện với vợ: Ở rộng thế này làm gì, chỉ cần 14m thôi, giá mà cho một gia đình nào không có nhà ở nữa thì tốt. Đến khi chuyển về nhà mới, ông vẫn chưa tin mình có nhà, chưa có cảm giác là nhà của mình, nằm ngủ vẫn chỉ mê thấy chuyện nhà cửa.

Khi “an cư” cũng là thời gian nhà văn Ma Văn Kháng viết được nhiều nhất và thăng hoa nhất. Nhiều tác phẩm của ông trong thời kỳ này đã trở thành những dấu ấn không thể mờ phai trong nền văn xuôi hiện đại.

Có lẽ vì là người “đi sau về muộn” nên nhà văn Ma Văn Kháng là một người viết vào loại nhanh nhất trong số những nhà văn thế hệ ông. Dường như ít thấy ông ở những cuộc trà dư tửu hậu, những cuộc xôm tụ bạn bè, mà chỉ thấy ông tranh thủ từng giây khắc của cuộc đời để cần mẫn gieo trồng trên cánh đồng chữ nghĩa. Nói về điều này, nhà văn Ma Văn Kháng khiêm tốn tự nhận mình là người cần cù, chịu khó và vẫn giữ được ngọn lửa men say trong cảm xúc. Bởi vì, văn chương là thứ mà ông đã sống chết với nó nên ngày nào còn sức khỏe, là ông còn đọc, còn viết. Ông bảo, kể ra thì văn chương cũng mang lại cho ông nhiều thứ. Chẳng hạn, nhuận bút là số tiền vốn ít ỏi, nhưng nhờ dành dụm, chắt chiu nên cũng đỡ đần được phần nào trong việc giải tỏa khó khăn trong đời sống gia đình. Năm 2007, ông đặt 3 cái stent ở động mạch vành, tốn phí gần 200 triệu đồng cũng là nhờ một phần tiền nhuận bút bao năm tích cóp. Nói đến nhuận bút, ông lại nhớ một chuyện vừa vui vừa buồn. Năm 1979, tiểu thuyết Đồng bạc trắng hoa xòe của ông được xuất bản. Tiền nhuận bút là 6 nghìn đồng (khi đó vàng 200 đồng một chỉ). Lĩnh số tiền khổng lồ ấy xong, nhà văn quyết định đi mua một căn nhà để ở, và cuối cùng cũng tìm được một căn buồng rộng khoảng 30 mét vuông. Chỉ tiếc, đã ngã giá, nhưng rồi không hiểu gia đình anh em họ có mâu thuẫn gì lại ruỗi ra, không bán nữa. Chẳng còn cách nào hơn, nhà văn liền đem số tiền nọ đi gửi tiết kiệm. Bẵng đi đến năm 1985 nhà nước tiến hành đổi tiền, 6.000 đồng chỉ còn 600 đồng. Vậy là gần như trắng tay.

Đời người có những chặng đường và vượt qua được những chặng đường khác nhau ấy đôi khi là cả một kỳ tích. Nhà văn Ma Văn Kháng tự nhận mình là một người may mắn và ông tạm bằng lòng với cuộc sống của chính mình. Mơ ước thì vô cùng, nhưng ông là một người chừng mực, biết đâu là điểm dừng của những giới hạn trong cuộc sống. Biết cân bằng giữa những thái cực giữa văn chương và cuộc đời, giữa bạn bè và gia đình, giữa niềm đam mê và trách nhiệm. Một điều buồn nhất vào tuổi xế chiều của ông, chính là sự ra đi của người con rể ông rất mực yêu thương, để lại hai đứa cháu nhỏ và cô con gái ông góa phụ khi tuổi đời còn quá trẻ.

Hơn 10 năm qua, ông lặng lẽ khép cửa phòng văn, khép cửa tâm hồn, khép cửa những vui buồn bên ngoài cuộc đời ồn ã, để làm nhiệm vụ thay cha của những đứa trẻ, để chăm nom, bảo ban và làm chỗ dựa tinh thần, gắng gỏi bù đắp vết thương đau đớn, xót xa cho con gái và các cháu. Giờ đây, các cháu của ông đã vào đại học, con gái ông cũng đã vững vàng hơn, ông mới thanh thản để xếp sắp lại những thành quả của mình vì quỹ thời gian không còn nhiều nữa.

Nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ: “Có một việc cần thiết vào cuối đời tôi phải nỗ lực làm cho xong, vì không ai có thể làm thay cho mình cả, là tổng kê lại những sáng tác và những gì liên quan đến sáng tác của mình. Sắm hai chiếc tủ kính lớn, sắp xếp một cách có trật tự và hệ thống vào đó. Trước hết là để con cháu mình nó biết, và sau nữa, chúng nó có thể sử dụng khi cần. Tất nhiên khi tuổi đã cao, việc dặn dò con cháu cũng là việc cần quan tâm. Vui nhất là không ít bạn bè văn chương của tôi, sau khi biết tôi làm di chúc cho con cháu đã... mượn để tham khảo. Nói vậy là để thấy cần phải hoàn toàn thanh thản chuẩn bị cho mình mọi tâm thế an lành, để có thể yên tâm một điều rằng, sinh ra trên cõi đời này, mình đã tận tâm, tận lực đến cùng để có những ngày sống ý nghĩa nhất”

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.