Bà Tuyết "lửa" - người phụ nữ ở tuyến đầu chống dịch

Thứ Tư, 21/08/2019, 15:59
Người phụ nữ vừa qua tuổi 50 ấy vẫn khiến nhiều người "rét run" khi bị kiểm tra xe chở động vật. Chị 2 lần bỏ lỡ nghề giáo, hơn 6 lần bị dọa giết bởi động chạm lợi ích trong khi kiểm dịch động vật và những lần không đếm hết buồn lo, trăn trở, chị vẫn giữ được tình yêu chân thành và trong sáng với nghề mình đang theo.

Chị tên Đặng Thị Tuyết, biệt danh Tuyết "lửa", hiện là Phó trưởng phòng thanh tra pháp chế Chi cục Chăn nuôi - thú y TP HCM.

1. Một trưa tháng Tám nắng rát mặt đường, tại chân cầu Phú Mỹ (hướng từ quận 2 về quận 7) tổ công tác chốt kiểm dịch tạm thời trạm cân cầu Kỳ Hà 1 vẫn miệt mài làm việc, gương mặt ai ai cũng đều mồ hôi nhễ nhại, nắng hắt đỏ ửng. Đủ loại phương tiện xe cộ qua lại nối đuôi nhau. 

Đây là tổ công tác do chị Đặng Thị Tuyết - Phó trưởng phòng thanh tra pháp chế Chi cục Chăn nuôi - thú y TP HCM cùng phối hợp với các ngành liên quan, nhằm kiểm tra, ngăn chặn kịp thời đường đi của các động vật nhiễm dịch. 

Cũng bởi công việc trong giai đoạn nóng của dịch, cũng bởi liên quan đến công việc, tiền của, nguồn sống của người khác. Giữa trách nhiệm và tình người, người phụ nữ biệt danh Tuyết "lửa" này đã trải qua nhiều tình huống, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau để làm trọn nhiệm vụ của mình bằng kinh nghiệm, bằng tâm huyết của người làm nghề.

Những chuyến xe tải, xe bán tải, xe ô tô và cả xe máy, thấy hiệu lệnh liền dừng để kiểm tra. Tổ công tác phân chia nhiệm vụ rõ ràng: anh cảnh sát giao thông có nhiệm vụ ra hiệu dừng các xe qua lại để kiểm tra, xong khâu kiểm tra thì cho xe chở gia súc, gia cầm vào trạm để cán bộ quản lý thị trường xem xét các giấy tờ đã kiểm dịch hay chưa, sau đó một anh thanh niên xung phong phun xịt khử trùng. 

Nhiệm vụ của Tuyết "lửa" quan trọng nhất là không để một trường hợp khả nghi nhiễm dịch bệnh nào trót lọt đi qua trạm.

Tôi trêu chị: "Mặt chị căng quá, chắc ai nhìn cũng sợ?". Chị đáp lời mà cũng không thay đổi độ "căng" một tẹo nào: "làm việc mà, không có giỡn được, họ lờn mặt ngay". Trông dáng vẻ chị, tôi lại nghĩ đến hình ảnh một cô giáo nghiêm khắc giờ lên bục giảng. 

Chị Đặng Thị Tuyết kiểm tra thịt heo nghi ngờ nhiễm dịch.

Lại nghĩ đến chuyện chị tâm sự với mình, lẽ ra nếu không theo chuyên ngành thú y thì chị Tuyết đã là cô giáo gõ đầu trẻ khi cùng lúc thi đậu vào Đại học Sư phạm TP HCM.

Sau khi ra trường chị lại được mời về giảng dạy ở Trường đại học Nông lâm, phân vân mãi vẫn ở lại với nghề kiểm dịch động vật. Chị cũng vừa học xong nghiệp vụ sư phạm chuyên ngành thú y.

Nhưng theo chị thì học để cho biết vậy thôi, chứ tình hình dịch bệnh thế này lương tâm không cho phép buông bỏ nghề theo suốt mình 22 năm qua. Có lẽ đó đã là nghiệp rồi, mà là nghiệp thì sẽ theo mình đến suốt đời, đến khi nào thời gian, sức khoẻ không cho phép nữa thì mới thôi.

Có lẽ cũng vì tác phong sư phạm mà chị luôn yêu cầu nghiêm chỉnh mỗi khi làm việc với các chủ xe, bác tài dừng lại kiểm tra. Một tài xế vừa nhảy xuống từ xe tải, áo thun kéo qua cổ trùm hẳn lên đầu để lộ ra nửa lưng xăm trổ và chiếc quần lửng xắn nửa thấp nửa cao. 

Chị nghiêm giọng ngay: "Anh sửa sang lại trang phục chỉnh tề rồi mới làm việc". Anh tài xế không nói gì vẫn đứng yên chờ ký giấy tờ, Tuyết "lửa" nghiêm túc nói thêm lần nữa "thái độ làm việc như thế này là không được". 

Anh tài xế chợt như nhớ ra, lấy tay kéo áo xuống, anh giải thích "lái xe nắng nóng quá chị ơi, em trùm lên mà xuống xe em quên kéo xuống, em không ý gì!" Sau đó chị mới mời anh ngồi vào bàn làm việc, xem xét các giấy tờ và thủ tục để xe qua.

Theo chị, làm việc lơ là tắc trách hậu quả sẽ không lường trước được. Những người có tâm với chăn nuôi nhưng do sơ sót hoặc bởi mắt thường không chẩn đoán được dịch bệnh ở gia súc, khi kiểm tra, đưa đi xét nghiệm kiểm dịch và giải thích về bệnh dịch thì họ luôn hợp tác, luôn lắng nghe, dẫu buồn lòng nhiều nhưng nghiêm chỉnh chấp hành. 

Đáng sợ nhất là những trường hợp rắp tâm đưa động vật nhiễm bệnh vào lò mổ, đưa thịt nhiễm bệnh dịch ra thị trường, khi ấy vô cùng tai hại, ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ và lan tràn mầm mống bệnh nếu không được ngăn chặn kịp thời. 

Thời tiết những ngày này nắng nóng như thiêu như đốt nhưng các anh chị trong tổ kiểm dịch vẫn đùa rằng nó không nóng bằng cái chốt kiểm dịch mình đang trực. Tình trạng tuồn thịt bẩn qua chốt bởi những người sẵn sàng chống trả lại chị và các cộng sự phần nào cho thấy sự nguy hiểm của việc "chặn dịch". 

Ngoài đe dọa bằng tin nhắn, gọi điện, có chủ hàng còn nổi nóng "động tay động chân" nhưng tất cả đều được can thiệp kịp thời bởi những người cùng ca trực hoặc có trường hợp hung hăng bất hợp tác phải nhờ công an phường đến giải quyết. 

Có ngày điện thoại chị Tuyết đổ dồn dập nhiều lần, nhiều số sim rác khác nhau gọi đến, bắt máy lên chỉ cùng một nội dung chửi rủa, hù dọa, hay những tin nhắn đe dọa chuyện con cái, khiến người thường không thể không khỏi hoang mang. Chị luôn dặn dò hai con thật cẩn thận, ngó trước nhìn sau khi đến trường, ở nhà phải khoá cửa thật chặt.

Một hành động đẹp của tổ trực giúp tài xế đẩy xe khi xe tải bị chết máy.

"Cái nghề chị đang theo sao lại vất vả đến thế?!". Là tôi cảm thán thế thôi, chứ những điều ấy không làm chùn bước Tuyết "lửa", chị vẫn dũng cảm dấn thân với nghề.

Chị bảo, bắt giữ những xe chở heo bệnh cũng vui vẻ gì đâu, khi phát hiện thêm một trường hợp bệnh dịch  là khi biết thêm một gia đình nào đó vừa mất trắng mùa chăn nuôi... Những gia đình gắn bó với luống rau, với nồi cám ấy mỗi đợt đầu tư cho heo, mỗi lần vỗ béo cho heo là gửi theo biết bao nhiêu hy vọng. Nhưng không thể để cảm xúc lấn át trách nhiệm công việc của mình.  

Mình phải làm đúng, lấy hết sức mình mà ngăn chặn, để rồi khi khống chế được dịch bệnh mới yên tâm một bữa cơm thịt sạch, một vụ chăn nuôi hồ hởi không lo toan. Nghĩ vậy nên chị và các đồng đội phải làm triệt để, gạt đi những cảm xúc đời thường.

2. Nếu không có dịch tả heo châu Phi thì vào các mùa cũng luôn có những bệnh của gia súc, gia cầm khác cần rà soát, kiểm tra liên tục,  khiến các anh em trong tổ công tác quần quật suốt ngày cũng như đêm để làm tròn nhiệm vụ. Từ ngày vào nghề, rồi lập gia đình, trừ được mấy hôm lễ, Tết, còn lại chưa bao giờ Tuyết "lửa" có được ngày nghỉ thực sự trọn vẹn với gia đình, chồng con.

Giai đoạn dịch tả heo châu Phi đang nóng gắt như hiện nay, mờ sáng là Tuyết "lửa" rời khỏi nhà, tầm 6h đã có mặt tại chốt kiểm soát, vào vị trí làm việc và tất bật với các chuyến xe vận chuyển động vật đưa vào TP HCM. 

Hôm thì làm ca 1, hôm vào ca 2, có hôm thức trắng với ca 3. Phận phụ nữ, cũng coi như đã là người có tuổi, nếu không thật sự yêu nghề, không thật sự tâm huyết với nghề, thử hỏi người phụ nữ ấy có thể nhiều nhiệt tâm mà bám lấy công việc cực khổ, gian nan cũng đầy nguy hiểm này đến vậy.

Hỏi chị chăm lo gia đình và nội trợ thế nào thì chị kể rất gọn, chiều hôm trước sẽ đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa cho cả ngày hôm sau. Vợ chồng, con cái đi làm, đi học về tranh thủ ăn cơm, nghỉ ngơi được chút chị lại ra chốt tiếp tục kiểm tra đến sáng hôm sau. Chưa kể hôm nào có xe vi phạm còn phải mất thời gian áp tải cả ngày trời.

Đội công tác kiểm dịch tại cầu Kỳ Hà 1.

3. May mắn của chị Tuyết là người chồng cùng trong ngành, cùng thấu hiểu buồn vui, san sẻ khó khăn trong công việc và cả những gánh nặng kinh tế cùng nhau. Hỏi xin một bức ảnh gia đình có đủ mặt gia đình, chị lắc đầu: "Ông xã chị dặn không nên, nghề này đã gặp nhiều hăm dọa, dằn mặt. Góc nhỏ gia đình cất lại làm riêng vậy…".

Chị kể, từ ngày ra trường đi làm, chưa từng có giây phút thảnh thơi nào được cùng bạn bè ngồi nhâm nhi tách cà phê, ôn lại kỷ niệm thời sinh viên. Bao lần dự định hẹn hò rồi thời gian công tác không cho phép, lại bỏ qua. 

Mấy lần thấy báo đăng chị bị đe dọa, bạn bè động viên thăm hỏi và truyền động lực thêm cho chị qua từng tin nhắn điện thoại, chị lưu lại hết, mỗi lúc ngồi trực vắng vẻ lại lấy ra đọc, như truyền thêm sức mạnh, nhưng không hề cô đơn trong công việc của mình. 

Bùi Kiều Trang
.
.