Bà Nguyễn Thị Sính - vợ cố họa sĩ Bùi Xuân Phái: Hiền thê

Thứ Năm, 23/08/2012, 15:30
Trong nhóm tứ trụ của làng hội họa Việt Nam ở nửa sau thế kỷ XX “Sáng - Nghiêm - Liên – Phái”, chỉ có Bùi Xuân Phái lập gia đình và sống hạnh phúc suốt đời với người phụ nữ rất mực thương yêu và kính trọng ông. Nhiều người bảo, đó là một may mắn của Bùi Xuân Phái. Bởi có bà, mới có một kho tàng đồ sộ tranh Phái hôm nay…

1. Không gian phố Phái nằm sâu trong con ngõ 87 phố Thuốc Bắc. Một không gian trầm mặc, u hoài, tách khỏi vẻ ồn ào của phố xá. Bà Phái sống cùng người con trai lớn, họa sĩ Bùi Thanh Phương. Lâu lắm rồi, bà Phái ăn cơm một mình. Bà thèm và nhớ những bữa cơm ấm cúng của gia đình khi có ông. Cũng tại chiếc bàn con con này, 5 đứa con, ông bà lúc nào cũng bên nhau, đi qua những giai đoạn khốn khó nhất trong cuộc đời. Thế mà… Căn nhà nhỏ, chật hẹp bỗng trở nên trống trải. Không có ông, cuộc sống của bà trở nên lặng lẽ.

Bà Nguyễn Thị Sính sinh ra ở phố Đinh Tiên Hoàng. Ông cụ thân sinh ra bà là một viên chức thời Pháp. Thời thiếu nữ, bà được bố mẹ gửi vào Huế, theo học ở Trường Nữ sinh Đồng Khánh. Huế ngày đó vắng và buồn hiu hắt. Bà Sính xin mẹ trở ra Bắc.

Bà Sính và họa sĩ Bùi Xuân Phái quen nhau từ ngày còn nhỏ. Vì bà Phái có người anh rể có họ với bên dòng họ Bùi. Hồi đó bà Sính tuổi 15-16, còn ông là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Thế rồi chiến tranh. Ly tán. Mỗi người một phương. Bẵng đi một thời gian, đến khi tản cư vào Thanh Hóa, hai người gặp lại nhau, nơi mà sự sống và cái chết quá đỗi mong manh, mừng quá, như được gặp lại người thân. Ở cầu Thiều có một quán cà phê thường được anh em nghệ sĩ lui tới, đó là quán của gia đình bà Sính. Còn Bùi Xuân Phái lúc đó là họa sĩ vẽ minh họa cho mấy tờ báo Cứu quốc, báo Vui sống. Nhiều văn nghệ sĩ thường đem thơ của mình ra ngâm nga, vậy mà không lọt được vào mắt xanh cô con gái chủ quán. Vì hồi đó, bà Sính đã bị hút hồn bởi chàng họa sĩ có đôi mắt màu nâu nhạt, dịu dàng, hàng ngày vẫn ngồi trầm tư bên góc quán với điếu thuốc lá và ly cà phê. Bà Sính kể, lúc đó, với sự tinh tường, nhạy cảm của cô gái mới lớn, bà biết ông mê mình rồi. Thế là chọn ngày. Không đám cưới, không áo cô dâu, bà Sính về làm dâu nhà họ Bùi. Cũng từ đó, người ta quen gọi bà là bà Phái.

Năm 1952, bà Phái mang bầu đứa con đầu lòng, được bố mẹ chồng đón vào trong thành và sống tại căn nhà nhỏ ở 87 phố Thuốc Bắc này. Hàng ngày, bà vẫn thấy ông cặm cụi bên giá vẽ. Rồi đọc những cuốn sách kinh điển về hội họa. Một thế giới lạ lẫm mở ra trước mắt bà. Lúc đó, bà Phái cũng chưa nghĩ ông tài hoa và sau này thành người nổi tiếng. Bà chỉ cảm tâm hồn trong sáng, thuần khiết của ông.

Đó là những tháng ngày bức bối, khốn khó. Bà Phái sinh lần lượt năm người con. Trong ký ức của mình, họa sĩ Bùi Thanh Phương, kể lại rằng: “Bùi Xuân Phái “có một tuổi thơ kéo dài cả đời”. Cả cuộc đời ông bị cuốn vào những đam mê nghệ thuật. Ông hồn nhiên, lãng đãng, yêu con nhưng không hề biết tắm cho con, cũng không biết các con học lớp mấy, không biết gì chuyện tiền nong hay chuyện nhà. Cuộc sống bấp bênh. Ông là họa sĩ tự do, thu nhập từ tranh minh họa và tranh vui không đủ mua họa phẩm chứ chưa nói đến việc nuôi cả một đoàn tàu há mồm của gia đình”. Thời đó, gia đình nào có 5 người con chắc sẽ rơi vào cảnh khốn cùng, nghèo đói. Thế mà, một mình đôi vai bà Phái đã gánh đủ “5 con với một chồng”, lèo lái qua những thời đoạn gian khổ nhất. Bà chỉ có một nghề bình dị, là y tá của Bệnh viện Việt Nam - Cuba. Hàng ngày, sau giờ làm việc, bà trở về nhà và tiêm thuốc cho người bệnh. Vốn mát tay nên bà được nhiều khách tìm đến. Bùi Xuân Phái sống và vẽ được là nhờ có bà.

Không chỉ gồng gánh việc gia đình, bà Phái còn chăm lo cho ông từng bữa ăn giấc ngủ. Bà nói, quãng đời sống với ông là quãng đời hạnh phúc, may mắn trong cuộc đời bà. “Tôi chăm lo cho ông từng việc nhỏ, từ việc cắt móng chân, móng tay. Hàng ngày, tôi còn lấy chậu nước cho ông ngâm chân. Chân ông trắng lắm”. Ngày nào, Bùi Xuân Phái dù tụ bạ bạn bè ở đâu, đến giờ cơm cũng phải về nhà, ăn đủ 2 bát điều độ. Bạn bè trêu ông sợ vợ. Ông cười bảo, tôi nể vợ là chính.

Vợ chồng họa sĩ Bùi Xuân Phái (ảnh chụp năm 1984).

Bà Phái, bằng sự đảm đang khéo léo của một người phụ nữ biết lo toan, vun vén cho gia đình, biết níu chân tâm hồn người nghệ sĩ bằng những bữa cơm ấm cúng, đủ đầy. “Cái gì ngon, tôi nhường cho chồng. Cái vớ vẩn tôi ăn. Sáng nào tôi cũng pha cho ông một ly cà phê, ông uống nước đầu, tôi uống nước hai”. Thế nên, trong cuộc đời, họa sĩ Bùi Xuân Phái chỉ có những bóng hồng trong tâm tưởng, trong tranh của ông mà thôi. Ông không có một người phụ nữ nào ngoài bà, cho dù ông rất đẹp và quyến rũ. Nhưng ông quá liêm khiết với những người phụ nữ ông quen, thậm chí ông rất “dát”, bởi ông tâm niệm, “giữ được tâm hồn mình trong trẻo là cách gần nhất để đến với nghệ thuật”. Và cũng bởi, bên cạnh ông luôn có bà. Bà Phái kể lại, một lần có người con gái rất trẻ, dám mang cả vé xem phim đến tận nhà bà mời ông đi xem. Bà biết cô gái đó mê ông. Lần đó, bà cao thượng, cho ông đi. Nhưng trong đôi mắt sắc lẹm của bà ngầm ẩn thông điệp không lời nhưng đủ ma lực để níu chân ông ở lại. “Ông có nhiều cô gái mê lắm. Mình phải biết khéo ăn ở thì người ta mới nghĩ đến mình, không bỏ mình mà đi”. Bà Phái đã giữ được ông trọn đời mình. Họa sĩ Bùi Xuân Phái tự hào về vợ và biết quý giá cuộc sống gia đình. Bà Phái kể, thời đi công tác Cao Bằng, ngày nào ông cũng viết thư về cho bà. Người đưa thư nhẵn mặt. Nét chữ ông chân phương kể cho bà từng ngày công việc, suy nghĩ của mình. Những lá thư của Bùi Xuân Phái viết cho vợ lúc nào cũng bắt đầu bằng, “Em yêu quý, vợ của anh”. Âu yếm. Chân thật. “Tôi rất tiếc không giữ lại được lá thư nào. Ngày đó khốn khó, lo cái ăn còn chưa đủ. Rồi chuyển nhà lên xuống, tan tác cả” - Giọng bà Phái ngậm ngùi.

2. Có những nỗi buồn trong cuộc đời của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Phố của ông buồn bã, đượm vẻ u hoài dai dẳng. Bà không hiểu về nghệ thuật, nhưng bà cảm được nỗi buồn trong tâm hồn ông. Càng hiểu, càng xót thương. Bà dành cho ông những gì tốt đẹp nhất để ông chuyên tâm ngồi vẽ. Có lần, họa sĩ Bùi Xuân Phái ước ao có một cái đồng hồ. Những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước, họa sĩ sống trong cảnh không có xe đạp, không có đồng hồ. Nhận được giấy của Hội Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu ông Phái là biên chế của nhà nước, tạo điều kiện để được mua đồng hồ. Cả nhà mừng quýnh. Bà Phái chạy vạy sấp ngửa mất mấy ngày, vay mượn người thân được 90 đồng để thỏa mãn ước nguyện của ông. Cầm tiền mà ông Phái rưng rưng cảm động trước tấm chân tình của vợ.

Căn nhà này, xưa là nơi gặp gỡ của bạn bè. Bà Phái yêu thương và tôn trọng chồng. Bà yêu thương cả những người bạn của ông. Bộ tứ Sáng - Nghiêm - Liên - Phái và nhiều văn nghệ sĩ thường xuyên ngồi ở nhà bà. Bà kể, bốn ông rất yêu quý nhau, thường gọi nhau bằng cậu và tớ. “Hồi đó họ chơi tranh với nhau là chơi tình, trọng tình của người họa sĩ, dù có thể họ chưa hiểu gì về hội họa”. Bà Phái kể, có lần họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đi bộ từ Nguyễn Thái Học lên đây mua đậu phụ ở phố Hàng Vải. Nhưng phiếu thực phẩm hết hạn. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đưa sang hỏi ông Phái, ông đứng ngẩn tò te.

Ngay căn nhà ở 87 phố Thuốc Bắc này, xa xưa là nhà của bố mẹ Bùi Xuân Phái. Rộng lắm, có tận 9 lối đi riêng. Nhưng qua nhiều biến động, căn nhà bán lại cho một chủ khác rồi đưa vào công tư hợp doanh. Vợ chồng con cái Bùi Xuân Phái may mắn thuê căn gác tầng 1 này để làm chỗ tá túc cho 7 con người. Rồi dành dụm được ít tiền, hai vợ chồng lọ mọ đi mua được cái nhà bé ở ngõ Vạn Kiếp. Tưởng có nhà để ở, ông chủ nhà xin một năm sau mới trả nhà. Một năm quay lại, chủ nhà bảo không có tiền để chuyển đi. Hai vợ chồng ứa nước mắt… Lại quay về 87 Thuốc Bắc, thuê dài hạn. 10 năm sau khi họa sĩ Bùi Xuân Phái mất, bằng tiền bán tranh dành dụm được, bà Phái mới chính thức mua lại căn nhà này. Một mình bà Phái lo liệu, đảm đương. Còn họa sĩ Bùi Xuân Phái chỉ biết vẽ và vẽ mà thôi.

Trong triển lãm lần đầu tiên và cũng là duy nhất của họa sĩ Bùi Xuân Phái, năm 1984, những người bạn của Bùi Xuân Phái ôm lấy bà nói: “Chúng tôi xin cảm ơn chị Phái. Bởi có chị, chúng tôi mới có anh Bùi Xuân Phái hôm nay”.

Sự hy sinh lặng lẽ đó từ tấm lòng yêu thương. Bà nén mình lại, hy sinh cả công việc của mình. “Bạn bè tôi giờ đều là bác sĩ. Ngày đó, tôi mà đi học bác sĩ thì phải xuống tận Thái Bình. Nhưng bỏ gia đình cho ai. Ai chăm sóc ông để ông ngồi vẽ. Nên thôi”. Nếu có tiếc, bà chỉ tiếc một điều, không có điều kiện để làm cho ông vui. Bùi Xuân Phái là người rộng lượng, thích thết đãi bạn bè. Lần triển lãm đầu tiên, có ít tiền, bà bảo, ông có thể đãi bạn. Thế là bà vui rồi.

Trong cuộc đời mình, họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ rất nhiều tranh tặng vợ. Riêng bức tranh cuối cùng, bà Phái kiên quyết giữ lại, không bán, dù nhiều người trả giá cao. “Ông vẽ tôi cái nào tôi cũng thích. Bức tranh này, ông vẽ tôi chân phương quá. Tôi muốn lúc nào ông vẽ tôi một cái phá cách. Thế mà chưa kịp vẽ thì ông mất”.

Một ngày Hà Nội mưa tầm tã, sau những tháng chống chọi với căn bệnh ung thư, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã ra đi. Đó là ngày 24/6/1986. Bà lặng người đi. Đám tang ông kéo dài hết cả một con phố từ Hàng Buồm tận đến phố Thuốc Bắc. “Không có ông, cuộc đời tôi trở nên buồn bã và trống vắng. Ông vừa là người anh, vừa là một người bạn, chân tình lắm” - Bà Phái thở dài…

Bà Phái năm nay đã 86 tuổi. Hơn 20 năm ở bên cạnh các con, bà vẫn không khỏa lấp được nỗi trống trải trong tâm hồn mình. Lần thành phố Đà Nẵng đặt tên một con đường mang tên phố Bùi Xuân Phái, bà đã lặn lội vào đó, một mình tản bộ trên con phố rộng thênh. Bà hạnh phúc lắm. Chỉ có bà mới hiểu và cảm nhận được niềm hạnh phúc của chính mình…

Hà Việt Linh
.
.