Anh hùng Quách Xuân Kỳ: Niềm tin không chết

Thứ Bảy, 11/11/2006, 09:30

19 tuổi trở thành đảng viên cộng sản, 23 tuổi đã hy sinh. Đó là toàn bộ con đường hoạt động cách mạng của Quách Xuân Kỳ (1926 - 1949), nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Đồng Hới, Quảng Bình. Sống ngắn ngủi như sao băng nhưng cho tới hôm nay, Quách Xuân Kỳ vẫn là một trong những niềm tự hào của xứ sở gió Lào cát trắng.

Đã có khá nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật viết về đồng chí, cả thơ, văn xuôi, lẫn kịch và ca khúc. Năm 1999, Nhà nước ta đã truy tặng đồng chí Quách Xuân Kỳ danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Con đường đẹp nhất thành phố Đồng Hới bên bờ Nhật Lệ giờ đây được mang tên anh.

Con nhà tông...

Đó đã là thời gian mà nếu ta là người tốt thì kiểu gì ta cũng đi theo tiếng gọi của non sông làm người chiến sĩ Việt Minh. Những năm ba mươi, bốn mươi ở thế kỷ trước đã là "thời thanh niên sôi nổi" của cách mạng Việt Nam, của những con dân đất Việt yêu nước thương nòi. Sống dưới ách đô hộ thực dân và xiềng xích phong kiến ngột ngạt, tất cả những ai mang trong mình trái tim yêu tự do và lẽ công bằng sớm hay muộn cũng đều đứng trong hàng ngũ những người cộng sản.

Quách Xuân Kỳ là một người con tốt trong một gia đình giàu truyền thống nhân văn ở thôn Hoàn Lão (nay là thị trấn Hoàn Lão), xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cha là cụ Quách Nguyên Hàm, một danh y nức tiếng trong vùng, lấy việc trị bệnh cứu người làm nguồn vui sống. Không có gì lạ là với một người cha như thế thì các con dễ hoà nhập với cái thiện, với tốt đẹp hơn.

Phần lớn những người con họ Quách của cụ Hàm đều đã sớm gia nhập hàng ngũ chiến sĩ cộng sản. Người con cả là Quách Tố Am (1905-1974), vào Đảng từ năm 1930 và là một trong những người có công xây dựng chi bộ Đảng ở Sêpôn (Lào). Cho tới khi về hưu năm 1965, ông Quách Tố Am đã liên tục ngót hai mươi năm phụ trách Bưu điện tỉnh Quảng Bình. Người con thứ hai, Quách Tuân (1911-1984) vào Thanh niên cách mạng đồng chí hội từ năm 1929 và vào Đảng từ tháng 5/1930. Ông là một trong những cán bộ lão thành của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình. Người con thứ ba là Quách Sĩ Kha (1920-1999), từng là  Phó Chính ủy Quân khu VI, Quyền Chánh án Toà án Quân sự Trung ương, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng... Người con thứ tư là Quách Sĩ Ca lúc hy sinh năm 1954 đã là Chủ nhiệm chính trị Quân khu IV...

Quách Xuân Kỳ là người con thứ 5 trong gia đình, ngay từ trẻ đã sớm tham gia hoạt động Việt Minh cùng nhiều bạn đồng lứa hăng hái nhiệt thành. Cứng cỏi nhưng mơ mộng và giàu chất lý tưởng, Quách Xuân Kỳ rất thích thơ. Chàng trai Hoàn Lão thuộc lòng khá nhiều thơ của Phan Bội Châu và đặc biệt là thơ Tố Hữu. Anh từng viết rất đậm, rất nổi trong sổ tay của mình hai câu:
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ,
Mặt trời chân lý chói qua tim..."

Đi theo con đường "chân lý chói qua tim" ấy, tham gia Ủy ban khởi nghĩa huyện Bố Trạch ngay từ ngày đầu, Quách Xuân Kỳ đã nhanh chóng trở thành một trong những hạt nhân lãnh đạo của chính quyền mới ở quê hương sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.

Bước qua cái chết

Theo di ảnh còn lại, có thể thấy rõ gương mặt rất điển trai và hào sảng của Quách Xuân Kỳ. Một gương mặt cương trực, "giữa đường dễ thấy bất bằng mà tha". Vốn thông minh và năng nổ nên gia nhập hàng ngũ Việt Minh, Quách Xuân Kỳ đảm nhận khá nhiều công việc quan trọng, nhất là khi bùng nổ cuộc kháng chiến chống lại những tên thực dân và bè lũ tay sai. Năm 20 tuổi, anh đã phụ trách cả công tác tình báo của huyện Bố Trạch. Năm 22 tuổi, Quách Xuân Kỳ đã được bầu vào Thường vụ Huyện ủy rồi đảm đương trọng trách Bí thư Huyện ủy...

Thực tế cuộc kháng chiến cực kỳ khốc liệt. Lực lượng kẻ thù mạnh hơn hẳn ta. Không thể nói có ai dạ sắt gan đồng đến mức không coi hiểm nguy là gì cả. Thật ra, ngay Quách Xuân Kỳ khi mới bước vào kháng chiến cũng có lúc cảm thấy "nhột" trước mưa bom bão đạn của quân thù. Anh đã thật thà ghi lại trong cuốn nhật ký: "Ngày 31/3/1947, tại bảy cây thông Phú Định. Hôm qua lúc mình đang ngồi, cũng tại đây thì chúng tấn công Phú Định. Mình lúc đầu cũng khiếp xanh cả mật, nhưng một lát sau bình tĩnh ngay và buồn ngủ quá đánh một giấc ngon lành đến khi tỉnh dậy thì chỉ nghe tiếng súng ở Lâm Trạch...".

Nhưng cũng chính trong ngày hôm đó, Quách Xuân Kỳ đã có những dòng ghi trong nhật ký đầy hào sảng: "Nguồn tin tưởng. Bố Trạch sẽ hoàn toàn bị chiếm, các xã sẽ bị mất hẳn liên lạc. Các nhân viên có thể sẽ bị bắt hoặc bị giết và ngay Kỳ, Hy (tức Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Chính ủy đầu tiên của Quân chủng Không quân Việt Nam, người bạn chiến đấu thân thiết nhất của Quách Xuân Kỳ-TG). Nhưng như thế có nghĩa là không tin tưởng vào tương lai, vào ngày độc lập vinh quang nay mai không?
Một chiến sĩ đã giơ tay thề sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng cho độc lập, hơn nữa, cho nhân loại. Không vì thế mà có những ý nghĩ đen tối. Ác mộng! Không bao giờ.
Ta tin tưởng, chắc chắn ngày mai đây sẽ đẹp đẽ, ngày mai đây đồng bào Bố Trạch sẽ đứng dậy giải phóng cho mình.
Không thể nước Việt Nam bị nô lệ một lần nữa, cũng như dân tộc Việt Nam không thể bị áp bức và như thế lý gì Bố Trạch thân yêu lại bị trong vòng xiềng xích.
Ngay bây giờ ta đã nghĩ ngày mai đẹp đẽ ấy. Ta tin tưởng ngày mai đẹp đẽ ấy. Cũng như ta chắc chắn ngay bây giờ ta đang sống".--PageBreak--

Gian nan là nợ, anh hùng phải vay, cứ thế Quách Xuân Kỳ trưởng thành dần trong chiến đấu. Không chỉ dạn dày thêm với đạn lửa mà anh còn lớn lên thêm nhiều về nhận thức cuộc sống. Ngày 1/7/1947, Quách Xuân Kỳ ghi vào nhật ký:
"
Một người cộng sản phải có hai điều kiện trong sự làm việc để thực hiện chương trình:
1) Tinh thần cách mạng Nga.
2) Óc thực tế của Mỹ.
Hai phần này đều quan trọng như nhau, không thiếu cái này hoặc cái kia được".

Nhận định này cho tới hôm nay vẫn còn chí lý. Nếu ta hình dung lại rằng người đã đúc kết chiêm nghiệm ấy mới chỉ 21 tuổi, lại ở tít tắp Quảng Bình, thì ta càng thấy khâm phục Quách Xuân Kỳ hơn.

Đầu năm 1949, Quách Xuân Kỳ trở thành Tỉnh ủy viên kiêm chức Bí thư Thị ủy Đồng Hới. Đó là một chức trách hiểm nguy nhưng Quách Xuân Kỳ không nao núng. Trong thư gửi cho người bạn cố tri Phan Khắc Hy, lúc này đang là Bí thư Huyện ủy Bố Trạch, Quách Xuân Kỳ thổ lộ: "Tau muốn hoặc là học thật nhiều hoặc là bị bắt hoặc bị chết chứ không thể để phong trào như một số đồng chí của ta. Đúng không?".

Bản tính quyết liệt, làm việc gì cũng muốn làm tốt nhất nên Quách Xuân Kỳ không bao giờ chịu khoanh tay thúc thủ trước các khó khăn. Anh không sợ hiểm nguy mà bám sát nhân dân để vực dậy phong trào chống giặc.

Những hoạt động quả cảm và đầy hiệu quả của Quách Xuân Kỳ đã khiến kẻ thù khiếp sợ và chúng đã dốc toàn lực để truy bắt anh. Và Quách Xuân Kỳ đã sa vào tay giặc trong một đợt chúng càn quét dài ngày. Trong nhà tù,  Quách Xuân Kỳ đã phải chịu đựng đủ mọi đòn tra tấn dã man nhưng không một bạo lực nào có thể làm hoen ố được trái tim cộng sản chân chính ở trong anh. Tức tối và núng thế, kẻ thù đã mang anh ra xử bắn tại Hoàn Lão ngày 11/7/1949. Như một người chiến sĩ chân chính, anh đã hô vang những câu khẩu hiệu quen thuộc nhưng đầy xúc động trước khi phải trút hơi thở cuối cùng vì đạn giặc. Khi ấy, Quách Xuân Kỳ đang ở tuổi 23! Cái chết trẻ trung đã trở thành sự bất tử của anh trong lòng người dân Quảng Bình và cả nước.

Trái tim không ngủ yên

Ngay giữa những hiểm nguy chết chóc, Quách Xuân Kỳ vẫn giữ trong mình những cảm xúc con người rất chân thành và cảm động. Không có gì thuộc về con người lại xa lạ với một đảng viên cộng sản chân chính. Trong tập hồi ký mà Quách Xuân Kỳ để lại đến hôm nay, ta có thể đọc được những dòng chữ thật thà và đầy trăn trở về tình yêu đôi lứa của anh, về người con gái có cái tên là Huế:
"
Ngày 14/4/1947
Thằng con trai 22 tuổi, sống trong một gia đình êm ấm từ thuở nhỏ, trong một hoàn cảnh xã hội thái bình có một trạng thái tinh thần phức tạp lạ.
Khi thì nghĩ thế này, khi thì nghĩ thế khác, tuy nó nhận định chắc chắn về vũ trụ quan của nó nhưng dẫu sao cái trạng thái linh hồn vẫn phức tạp. Ái tình! Thứ ái tình thiêng liêng cao quý nó chưa nhận định được. Nó yêu nhưng là yêu cái bóng của người con gái đẹp, hay hơn nữa nó thèm cái thèm của thằng con trai đến tuổi dậy thì. Bảo rằng yêu, thật không đúng, vì yêu sao lại có những ý nghĩ điên cuồng, yêu sao lại đứng núi này trông núi nọ. Yêu sao lại một bóng đẹp thì lại ngẩn ngơ, yêu sao lại không thấy lòng buồn khi xa cách! Yêu? Có lẽ ta chưa yêu! Hay không yêu!
Nhưng dù sao ít nhất đã có lần nó thủ thỉ bên tai người đẹp: Anh yêu em. Anh yêu em. Anh yêu em hay là anh muốn em hay là anh thích em hay là vì sống cạnh nhau mấy năm trời nên anh thấy mến em. Phức tạp quá, vô lý quá, không hiểu ta vì sao lại có thể có một nhân sinh quan vô lý thế.
Dù sao, dù nghĩ thế nào, dù hoàn cảnh có thay đổi thế nào, ta cũng cảm thấy lòng nao nao mỗi lần nghĩ đến Huế. Huế hay là cả một nỗi lòng đang được cởi mở, hay là quân sự hơn, đó là mục tiêu quân sự của đời ta.
Không được nghĩ vẩn vơ để làm sai công việc. Không được mơ màng để làm phiền lòng người xa xôi. Ít nhất ta cũng phải trung thành với bạn, với Huế và hơn nữa đó chính là lòng ta.
Quyết duy trì lấy lòng ta, quyết giữ vững lấy lòng ta, lấy tình yêu đã nung nấu trong 4 năm trời.
Huế!
Sau này hoàn toàn độc lập, đọc lại những trang này, Huế sẽ thấy rằng có một đôi khi anh quên em, nhưng em đừng trách vì đó là do tuổi trẻ, hơn nữa do sự bồng bột của tuổi trẻ; em biết rằng trong bao cơn khói lửa, trong bao nhiêu cơn thử thách cuộc đời, những lời nói của em, hình dáng của em đã an ủi anh, đã làm cho lòng anh thêm hăng hái và thêm tin tưởng ở tương lai. Em không nhận ngay từ bây giờ và ở phương trời xa. lòng yêu thành thật và cao cả của một người bạn. Một người anh vĩnh viễn và trung thành với em...".

Theo lời kể của Thiếu tướng Phan Khắc Hy, sau khi Quách Xuân Kỳ hy sinh, người bạn gái của anh ở Đồng Hới đã chuyển tới cho ông lá thư mà Quách Xuân Kỳ đã viết bằng máu ở trong tù. Tôi không rõ đoạn đời sau của người phụ nữ tên Huế ra sao nhưng tôi tin rằng, có lẽ bà sẽ chẳng bao giờ quên được những cảm xúc cao thượng và nồng nàn mà Quách Xuân Kỳ đã gieo vào lòng một thuở Bình Trị Thiên khói lửa mịt mù

Lê Ngọc Báu
.
.