"Anh hề" Tường Vân

Thứ Năm, 06/03/2008, 10:00
Ông đã thành thiên cổ 20 năm, 20 năm ấy biết bao sự đổi thay. Nhiều thứ đã bị vùi lấp và lãng quên đi. Nhưng anh hề Tường Vân thì vẫn còn ở lại trong những câu chuyện của bạn bè. Và, những câu thơ tràn ngập nỗi yêu đời của ông vẫn sống như một minh chứng bất diệt...

Tôi phải nói ngay rằng, hai chữ "anh hề" ở đây là do nhà văn Nguyễn Khắc Phục đặt cho ông. Và hai chữ đó hoàn toàn thuyết phục khi ta nhìn vào bức ảnh Tường Vân, cười như chú hề trong một đời sống mà chính chú hề ấy đã từng phải sống bằng "những huyền thoại u buồn, chát chúa và trớ trêu về mình".

Ông đã thành thiên cổ 20 năm qua rồi. 20 năm ấy biết bao sự đổi thay. Nhiều thứ đã bị vùi lấp và lãng quên đi. Nhưng anh hề Tường Vân thì vẫn còn ở lại trong những câu chuyện của bạn bè. Và, những câu thơ tràn ngập nỗi yêu đời của ông vẫn sống như một minh chứng bất diệt, rằng "sự vắng mặt của Tường Vân chính là để cho thơ hiện diện" (Thi Hoàng).

Một ngày cuối đông tôi theo chân nhà văn Nguyễn Khắc Phục và nhà văn Trần Nhương ghé nhà bà Tú Quyên. Chúng tôi mang tới cho bà Tú Quyên và chị Diệu Linh, con gái bà, một món quà. Tập thơ "Úp mặt vào thời gian" của thi sĩ, anh hề Tường Vân, được nhóm bạn bè giúp đỡ, trong đó nhà văn Nguyễn Khắc Phục là người khởi xướng, đã ra mắt bạn đọc.

Bà Tú Quyên rưng rưng hai hàng nước mắt ôm chồng sách, mà nói như thể nói với vong linh chồng: "Anh ơi, anh mong ước có đứa con trai. Hôm nay em đón con trai của anh về đây này". Tập thơ nóng hổi trên tay bà Tú Quyên, rạng ngời sự nâng niu, hạnh phúc như thể bà đang ôm ấp một đứa con mà 20 năm qua bà mỏi mòn chờ đợi.

Bà làm mâm cơm giản dị, mời thêm một vài người bạn thân thiết của gia đình, trong đó có họa sĩ Đặng Ngọc Lâm tới chứng kiến ngày đặc biệt này. Một tập thơ được đặt lên bàn thờ thi sĩ, sau đó được đốt đi để nơi thiên đường xa xôi, Tường Vân có thể tận mắt nhìn thấy đứa con tinh thần của mình.

Thế hệ chúng tôi sinh sau đẻ muộn, chỉ có thể hình dung về cuộc đời Tường Vân qua ký ức của những người bạn ông, những người cùng lứa "bên trời lận đận" với ông. Khi những dòng ký ức dào dạt tuôn rơi là lúc những câu thơ bay lên khỏi phận người.

Hãy nhìn vào những chiêm nghiệm thi sĩ của Tường Vân để yêu hơn (và cũng để đau hơn) đời sống mà chúng ta đang lặn ngụp: "Một ngày, một tháng, một năm/ Một đời viên đất sủi tăm mặt hồ/ Nắng soi cái tổ tò vò/ Dọc ngang cũng một con đò ấy thôi".

Không ít bạn đọc trẻ sẽ tự hỏi rằng: "Tường Vân là ai?". Ông đã lướt qua đời sống ngắn ngủi này, như nhà văn Nguyễn Khắc Phục từng nói, giống một đám bụi tinh vân xẹt ngang bầu trời. Trong cái chớp mắt thân phận ấy, ông dường như không đặt lên vai một gánh nặng nào.

Ngay chữ đầu của tên đệm "Nguyễn Mạnh Tường Vân" ông cũng bỏ quách đi. Ông xét mình không hợp chữ "Mạnh". Điều này có nguyên cớ từ một tuổi thơ nhiều nhọc nhằn, buồn bã của ông. "Mẹ anh mất khi anh chưa biết khóc/ Rồi cuộc đời đơn độc đến tìm anh" (Khóc).

Vả, ông cũng không bao giờ cố gắng để trở thành một kẻ mạnh. Từ đáy sâu tâm hồn ông, là yếu đuối và cô độc, là luôn luôn cần một sự chở che, nương tựa. Nhưng cuộc đời vốn chẳng dễ dàng với trái tim thi sĩ. Thời của ông, không chỉ riêng ông, mà rất nhiều bạn bè ông đều ít nhiều mang những vết thương thâm trầm như phiến đá. Những vết thương không thể chối từ.

Ông đã sống như nhiều văn nghệ sĩ khác, hăm hở với nghệ thuật và cũng sẵn sàng đón nhận từ nghệ thuật những vui sướng hay u buồn mà nó mang tới. Nhưng chắc chắn một điều rằng, ngay cả những vết thương hay nỗi u buồn ấy, đều khơi gạn một tình cảm sáng trong, thánh thiện với cuộc đời. Chú hề Tường Vân đã "úp mặt vào thời gian như đứa bé úp mặt vào bầu vú của mẹ, cho dù lắm lúc sữa mẹ đắng ngắt và lạnh buốt"...

Là người con của Hà Nội nhưng Tường Vân lại gắn bó suốt đời mình với Hải Phòng, vùng đất của "những giấc mơ đầy váng dầu". Chàng họa sĩ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật một ngày trở thành nghệ sĩ đất Cảng.

24 năm là thành viên của đoàn kịch nói Hải Phòng, Tường Vân đã thiết kế hơn 100 maket trang trí sân khấu cho hàng loạt vở diễn. Giới làm nghệ thuật sân khấu vẫn nhắc về Tường Vân với kỷ niệm ông đã giành điểm tuyệt đối cho bài thi thiết kế sân khấu ở Trường Sân khấu Điện ảnh năm 1983. Tham gia vẽ và viết kịch, nhưng Tường Vân dường như lại được bạn bè nhớ tới bởi những câu thơ tài hoa. Tài hoa và vô tư hết mực.

Là một người bạn chứng kiến những tháng ngày gian khó của Tường Vân, Nguyễn Khắc Phục viết: "Tường Vân là "cậu bé bán diêm" của thế kỷ XX. Khi chiến tranh đã kết thúc, người ta tha hồ tung hô những khẩu hiệu, nhởn nhơ khoe khoang lòng tốt, thì cậu bé 45 tuổi - nghệ sĩ Tường Vân và gia đình nhỏ bé của cậu lại phải nhọc nhằn vật lộn với hoàn cảnh, kiếm từng xu để chống lại nỗi đói khát, bệnh tật, nỗi tuyệt vọng và tâm thế hoảng loạn khi bị bỏ rơi".

Và những câu thơ bay đến như đốm lửa nhỏ trên đầu mỗi que diêm bé xíu sưởi ấm trái tim nhà thơ và tình yêu của ông, là vợ và con gái.--PageBreak--

Trong bữa cơm mừng "đứa con trai" - tập thơ của Tường Vân, những người có mặt nhiều lần lặng đi bởi những kỷ niệm. Anh hề buồn Tường Vân bởi quá yêu cuộc sống, (dù cuộc sống đã từng nghiệt ngã biết bao nhiêu), mà chạy trốn vào rượu.

Tuồng như không có thứ men say ấy, ông không biết làm cách nào để bộc lộ cho hết những ngọn sóng cứ dào dạt trong lòng mình. Ông ngã vào rượu, vào thơ, không phải để vơi đi những oái ăm ngang trái của số phận mà là "để đi hết những oái oăm ngang trái ấy".

Họa sĩ Đặng Ngọc Lâm, bạn ông còn kể lại. Có lần 4h sáng những người đi chở rác gặp Tường Vân say rượu ngồi ven đường phố Hải Phòng. Dường như ông đã uống suốt đêm. Ông nhờ các bạn quét rác đặt ông lên chiếc xe cút-kít (loại xe thô sơ hình tam giác có 2 chạc cầm tay để đẩy và một bánh nhỏ phía trước) để mang ông về đoàn kịch. Ông nói: "Các bạn cứ xem tôi như cây bắp cải mà đẩy tôi đi là được rồi". Một đời sống buồn đến nỗi, những người bạn nghệ sĩ chẳng biết làm gì để vui, bèn mang cái chết của nhau ra để đùa.

Nguyễn Khắc Phục kể lại: "Nhóm bạn thân thiết chúng tôi gồm Tường Vân, Đào Trọng Khánh, Thi Hoàng, Thanh Tùng và tôi. Buồn quá, có lần chúng tôi phao tin Tường Vân chết để đùa. Chúng tôi mua vòng hoa đi viếng bạn, nửa đường lấy cớ vào uống cà phê". Thiếu vắng niềm vui và kỷ niệm, tâm trạng ấy có lẽ phải những người cùng thời với các ông mới thấm thía tận cùng.

Vượt qua những bức bối, tù túng, những ngặt nghèo, thậm chí là ghẻ lạnh của đời sống, để không ngừng nuôi dưỡng, thương yêu con người và cuộc đời. Để chấp nhận cuộc đời như chính nó. Những câu thơ của Tường Vân đã minh chứng cho điều này. Dẫu là không khỏi có lúc xót xa "Ta đã đi - đã đi/ Phượng rơi như máu rỏ" (Mùa hoa phượng), nhưng rốt cục trong đôi mắt người thơ ấy vẫn rạng ngời niềm tin yêu vào cuộc sống. Nó thản nhiên như nụ cười của ông.

Trong suốt tập thơ "Úp mặt vào thời gian", lặp đi lặp lại nhiều lần chữ "Xanh", như một tuyên ngôn về đôi mắt nhìn của ông đối với đời sống. "Mà sao tất cả như run rẩy/ Tất cả như là xanh sắc xuân" (Yêu), hay "Lời em gọi màu xanh vĩnh viễn" (Dạ khúc màu hoa hồng)... đã thể hiện một hân hoan tột bậc với tình yêu, với cuộc đời của một con người mà trái tim từng đã có lần: "Cửa đóng chặt và thơ đóng chặt/ Ta gượng cười trên manh chiếu xác xơ".

Hồn nhiên, yếu đuối và cô độc, Tường Vân đã tựa vào tình yêu. Tình yêu cụ thể với một người đàn bà có cái tên rất đẹp: Tú Quyên giống như một dòng nước mát trong khơi nguồn cho những tình cảm lớn, khiến Tường Vân tìm thấy chính mình. Cho dù đời sống lứa đôi của họ rất ít ngày sung sướng, đoàn tụ. Nỗi khổ hạnh, đói nghèo, bệnh tật và những bi kịch gia đình đã lấy đi của họ nhiều cơ hội được kề cận bên nhau. Nhưng họ đã vịn vào tình yêu mà lần hồi bước đi.

Người vợ thương yêu từng có lần phải gạt nước mắt tiễn chồng ra ga về lại Hải Phòng. Vì cảnh đói rét, vì đứa con gái bé nhỏ, họ phải chọn cách xa nhau. Và thương nhớ chỉ còn dồn lại trong những câu thơ thấm đẫm nỗi ngậm ngùi, xa xót. "Giá ngày xưa đừng gặp/ Giá ngày xưa đừng say/ Thời gian nghiền nát mặt/ Tình ơi đắng chát từng ngày" (Gửi Tú Quyên). Nhưng cũng chính tình yêu ấy là đốm sáng mạnh mẽ nhất nơi đầu que diêm của một đêm dài lạnh giá đã soi đường để họ đi.

Tường Vân đã sống những tháng năm dằng dặc trong ánh sáng tình yêu ấy. Những câu thơ bật lên như thánh ca tụng niệm mỗi ngày đang dần mất đi, với một niềm tin vĩnh cửu, rằng, bất kể thế nào, cuộc đời vẫn đáng để ta yêu và tận tụy hết lòng vì tình yêu ấy.

Bạo bệnh đã cướp đi sinh mạng của Tường Vân khi ông mới ở tuổi 45. Trong ồn ào cuộc sống, những lớp lá thời gian đã phủ lấp đi mọi u buồn, và cả những vàng son giả tạo. Còn lại hôm nay trên tay chúng ta là những trang thơ nóng hổi khát khao và mãnh liệt niềm tin yêu vào cuộc đời của ông.

Đọc, để nhận diện một gương mặt anh hề thi sĩ, người "làm thơ trong cái sự làm người, không đem đắng đót ra làm dáng, mà chỉ là công cụ để nhận thức về cái buồn, cái đẹp tự thân" (Trích lời giới thiệu của Thi Hoàng).

Đọc, cũng là để hiểu hơn về thế hệ ông, những vui buồn mà ông và bạn bè ông đã trải, để giải trình một đời sống tinh thần nhân ái và độ lượng trước thử thách khắc nghiệt của phận người...

Vũ Quỳnh Trang
.
.